Vai trò của các bậc phụ huynh trong giáo dục

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 68)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.1. Vai trò của các bậc phụ huynh trong giáo dục

Giáo dục theo Krishnamurti là để giúp con người xây dựng một xã hội hoà bình và an lạc, xóa bỏ chiến tranh và thù hận giữa con người với con người. Chức năng của giáo dục không chỉ là trang bị cho học sinh nhiều dữ kiện, hiểu biết nhưng còn chỉ ra cái bao la tổng thể của cuộc sống, vẻ đẹp của nó, sự xấu xa, hài lòng, hân hoan, sợ hãi hay nỗi thống khổ. Để làm được điều này thì phải xuất phát từ sự tự do, tình yêu và thiện tâm; đồng thời phải giúp đứa trẻ hiểu biết cuộc sống một cách đầy đủ và trọn vẹn. Krishnamurti cho rằng trách nhiệm của giáo dục thuộc về các nhà giáo dục.

Trong các tác phẩm hay các buổi nói chuyện về vấn đề giáo dục, Krishnamurti luôn khẳng định vai trò to lớn của các nhà giáo dục. Ông hiểu nhà giáo dục bao gồm tất cả những người tham gia vào quá trình giáo dục: các bậc phụ huynh, thầy cô giáo. Phụ huynh và giáo viên phải học cách làm việc

cùng nhau. Điều này chỉ có thể xảy ra khi họ nhận biết được tầm quan trọng của công việc giáo dục. Tuy nhiên, các bậc làm cha mẹ và thầy giáo phần lớn luôn bận rộn với những vấn đề khác của cuộc sống. Cha mẹ dù giàu hay nghèo đều bị cuốn hút trong những lo lắng đời thường. Họ không quan tâm một cách đúng đắn đến xã hội hiện tại và những suy đồi về luân lý nhưng lại mong muốn con em của mình được chuẩn bị để tiếp tục cuộc đời. Họ ái ngại và băn khoăn về tương lai của con em mình, khao khát mong muốn chúng được giáo dục để nắm giữ những địa vị đảm bảo hoặc được kết hôn môn đăng hộ đối nhưng lại không đứng ra đảm nhận trách nhiệm giáo dục. Họ phó mặc con em mình cho nhà trường trong khi lẽ ra trường học và gia đình phải có sự cộng tác. Trong bất kỳ tình huống nào, hai môi trường này cũng không nên chống đối lẫn nhau mà cần quan tâm đến sự phát triển tổng thể của đứa trẻ. Một quá trình phát triển tổng thể chỉ được tạo ra khi có sự liên hệ đúng đắn giữa giáo viên, phụ huynh và học sinh. Nhà trường không thể nhượng bộ những ưa thích thoáng chốc và những đòi hỏi của phụ huynh. Họ phải là người hiểu rõ quá trình giáo dục và hợp tác cùng thầy giáo để không tạo ra sự xung đột và hoang mang trong con cái họ.

Với các phụ huynh, Krishnamurti cho rằng trước hết họ phải yêu thương con em mình. Khi một đứa trẻ ra đời, cha mẹ không bao giờ tự hỏi tại sao họ có những đứa bé. Họ nghĩ rằng mình có những đứa con để vĩnh viễn mang tên họ hay thừa kế tài sản hoặc thỏa mãn những nhu cầu thuộc về cảm xúc. Quan trọng hơn, với cha mẹ, đứa trẻ còn là nơi để họ có thể nương tựa lúc tuổi già. Chính những trông chờ và kỳ vọng nhiều vào đứa trẻ như vậy nên họ gửi chúng đến trường để chúng có thể có được một nghề nghiệp đảm bảo cuộc sống tương lai. Thông thường họ đều thoả mãn khi thấy con cái của họ đang được chuẩn bị để kiếm được một mảnh bằng thuộc loại nào đó mà sẽ đảm bảo cho các em có một cuộc sống sung túc. Chẳng có nhiều bậc cha mẹ quan tâm nhiều hơn điều đó. Tất nhiên, cha mẹ ao ước nhìn thấy con cái của họ được hạnh phúc, nhưng ngoại trừ điều này thì không mấy ai suy nghĩ về sự

phát triển tổng thể của con cái họ. Hầu hết phụ huynh đều có ao ước lớn nhất là con cái họ có được nghề nghiệp và thành công trong cuộc sống. Do vậy họ tìm cách doạ nạt, ép buộc các em phải học hỏi, những cuốn sách trở nên quan trọng vì nó là sự đảm bảo chắc chắn cho tương lai. Điều mà cha mẹ đang cố gắng làm là bổn phận chứ không phải xuất phát từ tình yêu, và điều này được xã hội ủng hộ vì họ đang làm điều rất đáng kính trọng. Cha mẹ rất nóng lòng muốn con cái của họ tìm được một công việc đảm bảo và kiếm được nhiều tiền. Nếu một đứa trẻ muốn trở thành hoạ sỹ trong khi bố là thương gia thì chắc chắn yêu cầu của đứa trẻ không được chấp nhận. Họ cố gắng bắt đứa trẻ bỏ đi cái điều mà họ coi là sở thích ngẫu hứng ngu dại. Họ xem việc rập khuôn theo xã hội là một điều cần thiết để được kính trọng và an toàn. Vậy là thay vì để đứa trẻ tự do lựa chọn công việc của mình, cha mẹ đã tự đặt con em vào một nghề nghiệp đã được định sẵn mà theo họ là tốt đẹp. Để tiếp tục công cuộc chăm lo cho đứa trẻ, cha mẹ biến gia đình thành trường học về sự phân biệt chủng tộc hoặc những cá nhân theo chủ nghĩa quốc gia. Họ nhấn mạnh vào sự khác biệt về giai cấp hay chủng tộc, tôn giáo để mong muốn con cái họ sau này sẽ được kết hôn với một người phù hợp với hoàn cảnh gia đình. Nếu thực sự yêu thương con cái thì họ đã không khuyến khích con em mình tuân theo chủ nghĩa quốc gia vì sự tôn sùng nhà nước mang đến chiến tranh và con em họ có thể bị thương tích. Nếu các bậc cha mẹ yêu thương con cái thì họ không ép buộc đứa trẻ thuộc về bất cứ tổ chức tôn giáo nào bởi tín ngưỡng chia rẽ con người thành những nhóm tương phản chống đối lẫn nhau. Họ cũng sẽ tạo điều kiện để chúng vứt bỏ hiềm khích và đố kỵ với những người khác nếu họ yêu thương con em mình. Krishnamurti cho rằng, “yêu thương đứa bé là hoàn toàn giao tiếp với chúng, để thấy rằng chúng cần một nền giáo dục sẽ giúp chúng nhạy cảm, thông minh và toàn vẹn” [28, tr. 130]. Như vậy, vấn đề của cha mẹ ở đây là không hoàn toàn xuất phát từ tình yêu đối với con em mình, thay vào đó là bổn phận, trách nhiệm mà họ nghĩ điều đó là tốt đẹp với những đứa trẻ. Thay vì đảm nhận công việc giáo dục, họ gửi con em của mình

đến trường vì rất có thể đứa trẻ là một người gây phiền toái khi ở nhà. Họ lo âu về tương lai của con em họ, hăm hở cho chúng được giáo dục để bám víu những vị trí an toàn, hay để kết hôn có hạnh phúc nhưng lại thường phó mặc những đứa trẻ cho các thầy, cô giáo - những người được xã hội giao cho trọng trách giáo dục đứa trẻ.

Để thực hiện được công việc giáo dục đứa trẻ, bản thân phụ huynh cũng cần được huấn luyện để trở thành những ông bố bà mẹ thực sự. Việc này còn quan trọng hơn việc lo lắng cho tương lai của những đứa trẻ. Krishnamurti chỉ ra điểm yếu của giáo dục hiện nay là chúng ta được đào tạo nghiêm ngặt để là những luật sư hay những bác sĩ - người có lẽ sẽ trở thành cha mẹ mà không trải qua bất kỳ sự đào tạo nào để phù hợp vào nhiệm vụ quan trọng nhất này. Đào tạo các bậc phụ huynh là một việc làm cần thiết để họ giáo dục con em của chính họ sau này. Đây là một đóng góp quan trọng của Krishnamurti trong giáo dục. Từ trước đến nay, chúng ta chỉ bàn về vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong việc giáo dục đứa trẻ và đề ra những yêu cầu đối với giáo viên - người trực tiếp giảng dạy đứa bé mà quên mất rằng gia đình mới là trường học đầu tiên. Do vậy, cha mẹ cần phải được giáo dục một cách cẩn trọng và nghiêm túc. Họ không chỉ được đào tạo để chăm sóc đứa trẻ về mặt thể chất mà cần phải hiểu biết về cuộc sống để có thể giúp con em mình phát triển trong sự toàn vẹn và tổng thể.

Như vậy, cha mẹ không chỉ là người chăm lo về mặt vật chất cho đứa trẻ mà còn phải là người có sự hiểu biết trọn vẹn về tiến trình của cuộc sống để tham gia tích cực vào việc giáo dục con em mình. Để làm được điều này thật không đơn giản vì với cha mẹ, việc phải lo lắng để có đủ tiền bạc nuôi sống cả gia đình đã chiếm trọn thời gian và tâm trí của họ. Krishnamurti cho rằng muốn giải quyết tận gốc vấn đề này cần xuất phát từ tình yêu. Một lần nữa, vai trò của tình yêu được ông nhắc lại và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nó đối với việc giáo dục đứa trẻ. Khi được hỏi có yêu thương con cái mình không, hầu hết cha mẹ đều vui vẻ trả lời rằng họ yêu thương con cái họ

như một lẽ tất nhiên của cuộc sống. Cha mẹ nghĩ rằng họ đã nuôi lớn con cái, bận rộn lo toan trong suốt những năm dài về tương lai của chúng, những vui buồn trong cuộc sống của con cái họ. Họ hài lòng khi thấy con em mình học giỏi và làm ăn phát đạt trong đời. Có lẽ họ cũng không kỳ vọng những đứa trẻ đó để lại danh tiếng trong đời, nhưng xét đến cùng thì rất ít người lưu danh hậu thế. Tuy nhiên, tất cả những điều mà cha mẹ quan tâm đến con cái như vậy dường như không bao giờ lấp đầy chỗ trống trong tâm trí họ. Cha mẹ yêu thương con cái và ngược lại, con cái cũng rất yêu thương cha mẹ mình nhưng sự tương giao đó không đủ mạnh để hai bên cảm thấy trọn vẹn trong cuộc sống. Yêu thương đứa bé phải là sự giao tiếp với chúng một cách thường xuyên, giúp đứa trẻ có thể nhìn cuộc sống như một tổng thể, cùng tất cả những vấn đề thuộc tâm lý, trí năng và cảm xúc của nó. Cha mẹ cũng cần phải giúp con em mình có được sự nhạy cảm, thông minh và toàn vẹn.

Bên cạnh tình yêu thương được thể hiện trong việc giúp đứa trẻ phát triển trí thông minh và nhìn nhận cuộc sống như một tổng thể, cha mẹ cũng cần quan tâm đến việc học hành của con cái mình ở trường. Họ cần hiểu rõ loại giáo dục mà trường học có ý định dạy con em họ. Giáo dục luôn phải đối mặt với sự dửng dưng của các bậc phụ huynh vì họ nghĩ rằng nhà trường đã có đủ công cụ và biện pháp để giáo dục con em họ. Họ quan tâm đến cuốn sổ liên lạc giữa nhà trường với gia đình. Trong cuốn sổ đó, những điểm số sẽ được ghi lại và họ dùng điểm số đó để đánh giá về khả năng của đứa trẻ. Theo Krishnamurti, điều này thật thiên kiến và lệch lạc. Đánh giá học sinh một cách cực đoan dựa điểm số hay thứ bậc không khẳng định được sự thông minh mà ngược lại, nó có thể hạ thấp phẩm giá con người. Sự đánh giá so sánh này làm què quặt cái trí đang rộng mở bởi vì ngay từ đầu, đứa trẻ không được phép lựa chọn những môn học riêng theo sở thích hay những môn học dễ nhất đối với chúng. Nếu được giúp đỡ ngay từ đầu, có lẽ đứa trẻ đã có thể tự khám phá những năng khiếu bẩm sinh và từ đó lựa chọn những môn học dễ dàng nhất với chúng, qua đó có thể bộc lộ khả năng của chúng ở mức trọn

vẹn và tột đỉnh nhất. Những bậc phụ huynh, xuất phát từ sự lo lắng về sự tiến bộ của con cái họ đều cần đến một cuốn sổ liên lạc. Tuy nhiên sẽ là bất hạnh nếu họ không hiểu người giáo dục đang cố gắng dạy gì với con em họ. Cuốn sổ liên lạc có thể trở thành một công cụ ép buộc để sản sinh ra những kết quả mà họ ham muốn. Krishnamurti cho rằng cần có sự liên hệ đúng đắn giữa nhà trường và phụ huynh. Sự liên hệ này giúp phụ huynh hiểu được những việc mà nhà trường đang làm với con em họ để từ đó không ngăn cản hay chống đối mà cần có sự ủng hộ để giúp đứa trẻ phát triển toàn diện. Họ cũng có trách nhiệm lớn lao trong việc đào tạo những đứa trẻ và do vậy nhà trường cũng cần phải tạo điều kiện để phụ huynh được bày tỏ nguyện vọng của mình khi gửi con em họ vào trường. Sự liên kết này để nhằm mục đích duy nhất là giúp đứa trẻ có được sự phát triển tổng thể ngay từ lúc đầu.

Có thể thấy, Krishnamurti đã chỉ ra được vai trò to lớn của phụ huynh trong việc giáo dục thế hệ trẻ. Nếu như trước đây cha mẹ lo lắng cho con cái có đủ cơm ăn, áo mặc và có tiền bạc để đến trường thì Krishnamurti chỉ ra rằng đó mới là trách nhiệm của cha mẹ chứ chưa phải là tình yêu mà họ dành cho con cái mình. Tình yêu thương không phải bắt đầu bằng việc lo lắng cho đứa trẻ có một công việc, chỗ đứng hay địa vị trong xã hội mà quan trọng hơn, họ phải giúp đứa trẻ có thể cảm nhận cuộc sống như một tổng thể và phát triển toàn vẹn cá nhân từ sự tự do và trí thông minh. Tình yêu thương thực sự của cha mẹ sẽ giúp họ mong muốn con cái họ được giáo dục đúng đắn để có thể ngăn ngừa chiến tranh và không bị giết bởi một quan niệm nào đó hay để thoã mãn sự thèm khát quyền lực của một nhà chính trị. Tình yêu giúp cha mẹ mong muốn con cái họ có thể xây dựng một xã hội mà trong đó căm thù, phản kháng, ganh tỵ sẽ không còn tồn tại. Để có thể làm tròn vai trò giáo dục của mình, cha mẹ không chỉ cần có tình thương yêu mà theo Krishnamurti, cha mẹ cũng cần phải được giáo dục. Sự giáo dục đối với cha mẹ là điều cần thiết để họ có thể làm tròn trách nhiệm của mình trong sự yêu thương với con cái họ. Đây là một luận điểm khá mới mẻ trong quan niệm của Krishnamurti về

giáo dục. Thông thường việc cha mẹ giáo dục con cái được coi là một công việc thuộc về bản năng, cũng giống như cha mẹ chăm lo cho con cái được đầy đủ về đời sống vật chất. Cha mẹ thường dạy dỗ con cái theo những cách riêng mà họ cho là hợp lý. Tuy nhiên, Krishnamurti chỉ ra rằng cần phải giáo dục người làm cha mẹ để họ có thể hoàn thành trách nhiệm của mình với con cái. Giáo dục cha mẹ cũng quan trọng như việc đào tạo họ thành một kỹ sư hay một nhà khoa học. Việc giáo dục đó phải xuất phát từ tình yêu đối với những đứa con, mong muốn chúng được phát triển toàn diện chứ không đơn thuần có được một công việc. Ông coi công việc giáo dục cha mẹ cũng quan trọng như giáo dục những người thầy. Để đứa trẻ phát triển toàn diện thì các nhà giáo dục - tức là tất cả những người tham gia vào công việc giáo dục đứa trẻ cần có sự chuẩn bị chu đáo cho công việc họ sẽ đảm nhận.

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 68)