Nội dung của giáo dục

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 47)

7. Kết cấu của luận văn

2.1.2. Nội dung của giáo dục

Nhìn thấy tính chất phân ly, siêu hình của nền giáo dục hiện đại - một nền giáo dục nhấn mạnh và kỹ thuật, Krishnamurti đã nêu lên ý tưởng - phương châm giáo dục phải bắt nguồn từ cuộc sống và hướng tới cuộc sống hiện thực sinh động, nội dung giáo dục phải phản ánh ý nghĩa đích thực của cuộc sống hiện thời. Từ đó, giáo dục hướng tới việc bồi dưỡng cho con người một thế giới quan và nhân sinh quan toàn diện.

Theo Krishnamurti, chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn vai trò của kỹ thuật, song chỉ khi nào chúng ta thoát khỏi tinh thần của chủ nghĩa quốc gia, tính ghen ghét đố kỵ và ham muốn quyền lực thì khi đó trật tự xã hội mới được thiết lập. Nền giáo dục quá nhấn mạnh vào kỹ thuật sẽ làm cho con người phát triển không toàn diện, trở thành những con người vô hồn, những thực thể không có tư tưởng. Tiến bộ kỹ thuật của chúng ta làm nên những điều phi thường nhưng nó cũng gia tăng khả năng triệt tiêu những người khác. Ở một xứ sở còn có nạn thiếu ăn, đói khổ thì chúng ta không thể là những con người an nhiên thư thái và hạnh phúc. Krishnamurti khẳng định: “Để phát sinh nền giáo dục thích đáng, hiển nhiên chúng ta phải hiểu biết ý nghĩa cuộc sống như một toàn thể, và do đấy, chúng ta phải suy tưởng, không phải một cách cứng nhắc, giáo điều, mà là một cách trực tiếp và thực sự” [28, tr. 11]. Điều cần thiết trong quá trình giáo dục là tạo cho con người một thế giới quan toàn diện, một sự hiểu biết đầy đủ về cuộc sống để từ đó xác định nhân sinh quan đúng đắn. Chính vì vậy, ông quan niệm rằng, “chỉ khi nào chúng ta bắt đầu hiểu biết ý nghĩa sâu xa của cuộc sống con người thì khi ấy mới có thể có giáo dục thực sự” [28, tr. 105]. Trên thực tế, chúng ta dễ dàng nhận thấy, ý nghĩa cuộc sống dường như có giá trị như nhau ở mọi quốc gia, mọi dân tộc,

mọi thời đại. Tất cả mọi người dù là những người dốt nát nhất hay thông thái nhất đều phải chịu đựng đau khổ, trải qua những khó nhọc, một ý thức vô hạn của sự cô độc, tuyệt vọng. Điều này không được ai dạy bảo mà tự bản thân mỗi cá nhân phải khám phá những cảm xúc đó. Muốn làm được điều này thì cần thiết phải có sự hiểu biết cuộc sống như một toàn thể. Nhà trường chính là nơi mang lại cho học sinh cách nhìn nhận đúng đắn, hoàn thiện về thế giới thông qua nội dung chương trình giáo dục. Nội dung đó không bỏ qua kỹ thuật nhưng cũng không coi đó là mục tiêu quan trọng nhất. Cần có sự kết hợp hài hoà giữa đào tạo nghề nghiệp với việc cung cấp cho học sinh cái nhìn tổng thể về cuộc sống. Krishnamurti đề xuất một nền giáo dục với nhân sinh quan toàn diện để giúp chúng ta khám phá ra những giá trị muôn đời, phá vỡ mọi rào cản giữa các quốc gia, dân tộc.

Bên cạnh việc hình thành một thế giới quan và nhân sinh quan toàn diện, nội dung của giáo dục cần hướng tới việc đánh thức trí thông minh, tư duy sáng tạo của người học.

Krishnamurti cho rằng có hai công cụ sẵn có của con người - công cụ hiểu biết giúp chúng ta nắm vững kỹ thuật, và thông minh sinh ra từ sự quan sát và hiểu rõ chính mình. Chúng ta đến trường để thu lượm những hiểu biết về lịch sử, sinh học, ngôn ngữ, toán học, địa lý… Ngoài ra còn có những hiểu biết của tập thể, của chủng tộc, của ông bà và những thế hệ quá khứ. Bên cạnh đó còn có hiểu biết về những trải nghiệm, những phản ứng, những khuynh hướng và những ý thức của cá nhân riêng lẻ. Chung quy lại, Krishnamurti chỉ ra ba loại hiểu biết: khoa học, tập thể, cá nhân. Tất cả những hiểu biết đó là cần thiết để chúng ta tồn tại. Nhưng tập hợp tất cả những hiểu biết này có thể được gọi là thông minh không? Theo Krishnamurti thì không. Thông minh sử dụng hiểu biết nhưng hiểu biết chưa phải là thông minh. Nếu chúng ta không thông minh, không nhạy cảm thì hiểu biết của chúng ta có thể trở nên nguy hiểm. Nó có thể được sử dụng cho những mục đích huỷ diệt. Đây là cách mà thế giới đang làm.

Đánh thức trí thông minh là một việc quan trọng nhưng không dễ dàng. Chúng ta có thể rất giỏi về toán học hay kỹ thuật, có thể có một mảnh bằng và là một kỹ sư hạng nhất. Nhưng lúc đó sự thông minh đã xuất hiện chưa? Theo Krishnamurti, thông minh là khả năng suy nghĩ rõ ràng, khách quan, lành mạnh. Thông minh là một trạng thái không có cảm xúc cá nhân tham dự vào, không có quan điểm, thành kiến hay ý thích cá nhân. Chúng ta không thể suy nghĩ rõ ràng nếu có sẵn những quan điểm, thành kiến. Thông minh là sự hiểu biết trực tiếp, là cái trí nhạy cảm, cảnh giác và tỉnh thức. Theo Krishnamurti, thông minh ngụ ý rằng chúng ta đang thấy vẻ đẹp của quả đất, của những cây cối, vẻ đẹp của bầu trời, hoàng hôn, vì sao, vẻ đẹp của sự tinh tế.

Như vậy, nội dung của giáo dục không những trao cho học sinh kiến thức mà còn tạo ra sự thông minh cho người học. Giáo dục không chỉ cung cấp cho học sinh dữ kiện, hiểu biết nhưng cần phải chỉ cho họ thấy được cái đẹp bao la của tổng thể cuộc sống. Krishnamurti không bàn về một chương trình giáo dục cụ thể, càng không nói rõ trong quan điểm của ông là cần dạy những môn gì hay bỏ những môn gì trong hệ thống giáo dục. Việc giảng dạy cái gì theo ông thuộc về quyền tự do của các ngôi trường - nơi thầy cô giáo sẽ được lựa chọn môn học phù hợp với hoàn cảnh của địa phương mình nhất. Tuy nhiên, ông đã đề xuất một nền giáo dục toàn diện xuất phát từ việc không chỉ dạy những môn thiên về kỹ thuật hay định hướng nghề nghiệp mà còn cần dạy cả những môn học giúp học sinh hiểu được cái bao la, tổng thể của cuộc sống. Một nền giáo dục toàn diện phải đào tạo được những con người vừa giỏi chuyên môn, vừa có lương tâm và đạo đức nghề nghiệp, có lòng yêu thương con người và vạn vật trên thế giới. Nói cách khác, nền giáo dục phải hướng tới sự phù hợp với những đứa trẻ, tạo điều kiện cho chúng phát triển tài năng thiên bẩm chứ không gượng ép chúng theo một hình mẫu hoặc lý tưởng viển vông, xa rời thực tế của người lớn.

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 47)