7. Kết cấu của luận văn
2.1.1. Mục đích và ý nghĩa của giáo dục
Trước khi tiến hành quá trình giáo dục, việc quan trọng là cần phải xác định được mục đích và ý nghĩa của giáo dục. Trong nhiều tác phẩm bàn về giáo dục, Krishnamurti luôn nhấn mạnh mục đích của giáo dục là giúp con người hiểu biết bản chất đích thực của cuộc sống, từ đó nhận ra chân giá trị của nó.
Krishnamurti cho rằng chúng ta đang phải sống trong một thế giới đầy những vấn đề phức tạp, mâu thuẫn và khủng hoảng chồng chất. Chúng ta đã cố gắng giải quyết vấn đề này thông qua những phương pháp thuộc chính trị, kinh tế với những đổi mới khác nhau. Tuy nhiên, những cuộc cách mạng thuộc kinh tế, chính trị hay xã hội không phải là giải pháp bởi vì chúng sản sinh ra những chính thể chuyên chính kinh hoàng, hay sự chuyển giao thuần tuý quyền hành và uy quyền từ nhóm người này sang nhóm người khác. Tại bất kỳ thời điểm nào, những cuộc cách mạng như thế đều không phải là phương cách thoát khỏi hỗn loạn và đau khổ. Krishnamurti đã phát hiện ra một cuộc cách mạng hoàn toàn khác hẳn, nó không phải là lý thuyết hay ý tưởng - những thứ đã tỏ ra vô ích mà phải bằng một thay đổi cơ bản bên trong ý thức con người. Sự thay đổi đó chỉ có thể được tạo ra qua sự giáo dục đúng đắn và sự phát triển tổng thể của con người. Điểm khởi đầu của cuộc cách mạng đó là sự hiểu biết cuộc sống và nhận ra ý nghĩa đích thực của nó. Hiểu biết cuộc sống là yêu cầu cấp bách của giáo dục để giải quyết những vấn đề của thời đại.
Krishnamurti chỉ ra rằng các bậc cha mẹ hiện nay đều mong muốn con em họ có được một nghề nghiệp. Họ gửi con em đến trường để học một vài môn kỹ thuật mà nhờ đó chúng có thể kiếm sống được. Trước hết, cha mẹ
muốn đứa bé có một chuyên môn để đem lại một địa vị kinh tế đảm bảo. Do vậy, thay vì đánh thức trí thông minh, chúng ta lại khuyến khích đứa trẻ làm theo những khuôn mẫu có sẵn. Krishnamurti cho rằng, để giải quyết vấn đề sinh tồn, “chúng ta phân chia thế giới thành nhiều khu vực, do vậy giáo dục có rất ít ý nghĩa, trừ phi trong việc học một nghề hay một kỹ thuật đặc biệt nào đó”[28, tr.8]. Thay vì đánh thức trí thông minh ở đứa trẻ, giáo dục khuyến khích chúng làm theo những khuôn mẫu có sẵn để đảm bảo sự sinh tồn của chúng trong xã hội hiện đại. Giáo dục đã cố gắng tách cuộc sống thành nhiều khu vực riêng biệt nhưng lại thiếu hiểu biết nó trong một tổng thể. Cá nhân rõ ràng là những thực thể khác nhau, độc lập và toàn vẹn. Nhưng giáo dục lại sợ nhấn mạnh vào sự khác biệt vì điều đó sẽ gây nhiều rắc rối và mâu thuẫn. Do vậy, giáo dục cố gắng nhồi nhét vào đứa trẻ những kiến thức đã được lên khuôn, chuẩn bị và kiểm duyệt từ trước. Chính sự nhồi nhét kiến thức này đã khiến chúng ta giống như một cái máy. Krishnamurti viết: “Bất hạnh thay, hệ thống giáo dục hiện tại làm cho chúng ta quá khúm núm, máy móc và cực độ vô tâm, dù nó có đánh thức trí năng của chúng ta đi nữa, một cách tinh thần nó lưu lại cho chúng ta sự bất toàn, vô hiệu và không có tinh thần sáng tạo”[28, tr.12 -13].
Bên cạnh đó, nền giáo dục hiện đại quá nhấn mạnh đến kỹ thuật, coi kỹ thuật là cứu cánh duy nhất cho sự tồn tại của con người. Tất nhiên, để tồn tại được con người phải biết đọc, biết viết, thành kỹ sư hay có một nghề nghiệp nào đó, nhưng điều này liệu có thể mang lại cho ta hiểu biết về cuộc sống? Đời sống bao gồm những đau đớn, vui tươi, đẹp đẽ, xấu xa, yêu thương và khi hiểu biết nó, ở mỗi bình diện, chúng ta sẽ thấy được sự khác biệt của chúng. Nhưng kỹ thuật chẳng bao giờ mang lại cho ta sự hiểu biết đó. Trái lại, quá nhấn mạnh vào kỹ thuật chúng ta sẽ huỷ diệt con người. Trau dồi tài năng và hiệu quả mà không hiểu biết cuộc sống, không có tri giác bao quát những thể cách của tư tưởng và khát vọng thì chỉ làm gia tăng sự tàn nhẫn và vô tình. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh và những nguy hại về thể xác
cho chúng ta. Trong thực tế, chúng ta có những nhà chuyên môn đặc biệt giỏi ở một lĩnh vực nào đó nhưng lại thiếu sự hiểu biết toàn diện về cuộc sống. Chính sự coi trọng kỹ thuật quá mức như vậy đã huỷ hoại con người, bởi vì “chỉ sống trên một bình diện, không cần lưu tâm đến toàn thể quá trình cuộc sống là mời gọi thống khổ và huỷ hoại”[28, tr.17]. Thậm chí, Krishnamurti còn chỉ ra rằng: “Con người mà y biết làm thế nào chẻ một hạt nhân nguyên tử nhưng trong tâm hồn y không có tình yêu sẽ trở nên là một quái vật”[28, tr.18].
Chúng ta quá nhấn mạnh đến yếu tố dạy nghề, truyền thụ kiến thức khoa học mà ít quan tâm đến dạy kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp ứng xử nhằm giúp tâm hồn con người trở nên phong phú, có tình người. Chúng ta chưa có một cuốn sách nào hướng dẫn con người một cách toàn vẹn. Nền giáo dục đích thực, trong khi khuyến khích học hỏi kỹ thuật còn cần một cái gì đó lớn lao hơn. Đó là kinh nghiệm về tiến trình trọn vẹn của cuộc sống. Chỉ có kinh nghiệm này mới đặt kỹ thuật ở đúng vị trí của nó. Một động lực khác khiến chúng ta trau dồi kỹ thuật là nó mang đến cho chúng ta một cảm giác an toàn không chỉ về kinh tế mà còn về tâm lý. Với niềm tin vào tài trí và khả năng, tự tin vào việc chúng ta có thể chơi một nhạc cụ hay xây một ngôi nhà mang lại cho chúng ta sinh lực phong phú. Chúng ta luôn tạo cho mình một khu vực an toàn trong tâm lý thông qua các hệ thống, kỹ thuật và tín ngưỡng. Ở khắp mọi nơi trên thế giới, các kỹ sư trở nên như một cái máy vẽ cuồng loạn mà không cần đến những con người điều khiển. Trong cuộc sống mà hầu như đều được điều khiển bởi máy móc, con người cũng dễ trở nên rập khuôn và vô tình như chính những công cụ đó. Con người có nhiều thời gian rảnh rỗi trong cuộc sống nhưng lại không biết làm thế nào để sử dụng thời gian đó một cách khôn ngoan. Chúng ta đã bị lệ thuộc quá nhiều vào máy móc nên không biết bắt đầu cảm nhận cuộc sống từ đâu và như thế nào. Hiểu biết cuộc sống là một việc khó khăn nhưng cực kỳ quan trọng. Nhưng cuộc sống là gì và làm thế nào để có thể hiểu được nó? Krishnamurti cho rằng, cuộc sống là một tiến trình “trải dài từ giây phút bạn sanh ra cho đến thời điểm bạn chết đi, và có lẽ
còn qua khỏi đó nữa. Cuộc sống là một toàn thể bao là, phức tạp; nó giống như một ngôi nhà mà trong đó mọi việc đang cùng xảy ra một lúc” [27, tr.193]. Con người được sinh ra và được ném vào mớ hỗn độn của cuộc sống mà chưa hề có một sự chuẩn bị để đón nhận. Cuộc sống là vẻ đẹp, đau khổ, niềm vui và sự rối loạn. Đó cũng là sự tìm kiếm cái bất tử, niềm tin vào đấng Tối thượng và phủ nhận sự hiện hữu của đấng Tối thượng đó. Đối với chúng ta, cuộc sống còn là tình yêu và sự ghen ghét; là yêu thương và sự thiếu vắng yêu thương; là óc sáng tạo và khả năng khai thác máy móc. Làm thế nào để chúng ta có thể tiếp cận được với cuộc sống - đó mới là điều quan trọng chứ không phải mô tả nó là gì. Nhưng điều này chưa bao giờ được dạy dỗ một cách đúng đắn. Krishnamurti đã mô tả nền giáo dục hiện nay qua đoạn đối thoại với các sinh viên: “Loại giáo dục nào mà các bạn hiện giờ đang có? „Ồ, chúng tôi đang học ở cao đẳng đại học, và chúng tôi được dạy những điều thông thường cần thiết cho một nghề nghiệp định sẵn‟, cậu trả lời. „Tôi sắp trở thành một kỹ sư, các bạn tôi đây đang học những ngành khác nhau: vật lý, văn chương và kinh tế. Chúng tôi đang theo học những khoá học bắt buộc và đọc những quyển sách đã được đề sẵn; khi có thì giờ, chúng tôi đọc một hai quyển tiểu thuyết; nhưng ngoài những giờ giải trí, hầu hết thời giờ chúng tôi đều lo học hành cả” [27, tr. 191-192]. Không chỉ Krishnamurti mà các sinh viên cũng cho rằng giáo dục như vậy là chưa đủ. Chuẩn bị một phương tiện kiếm sống chân chính là một điều cần thiết nhưng đó không phải là tất cả của cuộc sống. Cũng có những vấn đề về giới tính, tham vọng, ghen tỵ, lòng yêu nước, chiến tranh, tình yêu, sự chết, Thượng đế, tương giao của con người với con người và còn nhiều điều khác nữa. Vậy mà những điều này lại không hề được dạy trong nhà trường. Học sinh chỉ được dạy kỹ thuật để có nghề nghiệp mà không được dạy cách tiếp cận và ứng xử với các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống. Theo Krishnamurti, nếu không có sự hiểu biết cuộc sống mà chỉ thuần tuý chức nghiệp thì sẽ dẫn đến thất bại, bởi vì “chỉ giáo dục con người thành những kỹ sư tài năng, những nhà khoa học xuất chúng, những người có
khả năng thực hành, những công nhân tài ba, sẽ không bao giờ mang những kẻ áp bức và những kẻ bị áp bức đến cùng nhau” [28, tr. 88 - 89].
Để giải quyết vấn đề này, Krishnamurti cho rằng phải bắt đầu từ giáo dục nhưng cũng phải từ sự học hỏi của mỗi cá nhân. Giáo dục chỉ trang bị cho chúng ta kiến thức ban đầu, trong khi đó cuộc sống lại là thực thể sống động. Những gì được dạy sẽ sớm trở thành đống tro tàn nếu chúng ta không có sự thư thái và tự học hỏi để hiểu biết nó. Trước khi chúng ta biết hay hiểu bất cứ điều gì về cuộc sống, chúng ta đã ở giữa dòng đời với gia đình và công việc, trong xã hội không hề khoan nhượng. Do vậy, Krishnamurti cho rằng, “ta phải học về cuộc sống từ thuở bé trở đi, chứ không phải ở giây phút cuối cùng; khi ta gần như đã lớn rồi, thì hầu như quá trễ” [27, tr. 193]. Krishnamurti đặt nhiệm vụ hiểu biết cuộc sống không chỉ là trách nhiệm của các nhà giáo dục mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân khi đối diện với cuộc sống.
Từ những luận điểm được nêu ra ở trên, có thể thấy đối với Krishnamurti, mục đích giáo dục không chỉ là thi đậu những kì thi, có được tấm bằng và công ăn việc làm, lập gia đình rồi ổn định cuộc sống, nhưng còn phải biết lắng nghe tiếng chim hót, quan sát bầu trời, nhìn ngắm vẻ đẹp tuyệt vời của một cái cây, và hình thể của những ngọn đồi, cảm nhận chúng một cách thực sự. Giáo dục giúp chúng ta hiểu biết cuộc sống, hiểu biết về chính bản thân chúng ta và đồng loại. Giáo dục xuất phát từ con người và trở về với con người.
Giáo dục, bên cạnh việc giúp chúng ta hiểu biết cuộc sống còn hướng tới việc giúp nhân loại xây dựng một cuộc sống hoà bình, an lạc, xóa bỏ nguy cơ chiến tranh và lòng thù hận.
Theo Krishnamurti, ham muốn quyền hành, địa vị, thanh danh, tiền bạc; căn bệnh được gọi là chủ nghĩa quốc gia, sự tôn thờ một lá cờ; căn bệnh của tôn giáo có tổ chức, tôn thờ một giáo điều là nguyên nhân dẫn đến chiến tranh. Nếu chúng ta tồn tại như một cá thể và phụ thuộc vào bất kỳ tôn giáo có tổ chức hoặc là người tham lam quyền hành thì chúng ta sẽ kết thúc xã hội trong sự huỷ diệt. Vì vậy, chiến tranh là trách nhiệm của mỗi cá nhân nhưng
dường như chúng ta lại không nhận ra điều đó. Krishnamurti chỉ ra rằng, chúng ta có ba bữa ăn hàng ngày, có những tài khoản nhiều hay ít và mong muốn mọi người để chúng ta yên ổn. Chúng ta càng ở địa vị cao bao nhiêu thì càng muốn an toàn, vững bền, thanh thản bấy nhiêu. Chúng ta không muốn đối diện với việc phải chịu trách nhiệm về các cuộc chiến tranh. Hơn nữa, chúng ta còn có những mưu đồ, chúng ta yêu nước, chúng ta bị trói buộc bởi niềm tin, bởi giáo điều và để bảo vệ những điều đó, chúng ta sẵn sàng chết và tàn sát lẫn nhau.
Krishnamurti cho rằng, hoà bình không phải là một lý tưởng. Theo ông, lý tưởng chỉ là một lối thoát, một sự lẩn tránh. Muốn có hoà bình, chúng ta phải có tình yêu, sống một cuộc sống an lạc và không tạo ra hận thù. Chúng ta không bắt đầu bằng một lý tưởng mà cần nhìn thẳng vào thực tế, hành động để thay đổi nó. Muốn sáng tạo hoà bình, muốn chấm dứt chiến tranh thì phải có một cuộc cách mạng trong mỗi cá nhân. Cách mạng kinh tế mà không có cách mạng từ bên trong mỗi người là điều vô nghĩa bởi vì đói khát là kết quả của những trạng thái nảy sinh từ tâm lý – tham lam, ganh tỵ, xấu xa và chiếm hữu. Chúng ta bàn bạc về hoà bình, lên kế hoạch về lập pháp, tạo ra những tổ chức mới nhưng lại không từ bỏ chức vụ, uy quyền, tiền bạc, tài sản và sự dốt nát của chúng ta. Những người khác không thể mang lại hoà bình cho chúng ta, trông chờ vào những người lãnh đạo, chính phủ hay quân đội là một điều hoàn toàn vô lý. Trái lại, chúng ta phải tự thay đổi chính bản thân mình từ trong suy nghĩ. Chúng ta chỉ có thể hành động đúng khi có suy nghĩ đúng, và không có suy nghĩ đúng khi không hiểu biết về bản thân và cuộc sống.
Krishnamurti cho rằng tự mỗi cá nhân có thể tạo ra một cuộc cách mạng trong chính bản thân mình nhưng điều đó cần được thực hiện trước hết thông qua giáo dục. Sở dĩ chúng ta trở thành những con người tham lam, tàn bạo, độc đoán và mưu đồ là vì chúng ta được nhào nặn ngay từ khi còn nhỏ bởi hệ thống giáo dục thiếu sự định hướng nhân tính.
Theo Krishnamurti, đứa trẻ mới được sinh ra không hề có ý thức giai cấp hay chủng tộc. Đó là do hoàn cảnh ở nhà hay trường học, hoặc cả hai làm
cho nó cảm thấy chia cách và phân biệt. Ông cho rằng: “Một trong những nguyên nhân của sân hận và xung đột là việc tin rằng một giai cấp đặc biệt hay một chủng tộc nào đó là tối thượng hơn giai cấp hoặc chủng tộc khác” [28, tr. 91]. Vấn đề ở đây không phải là những đứa trẻ mà ở người lớn - người đã tạo ra chủ nghĩa phân ly và truyền vào đứa trẻ. Trên thế giới hiện nay, con người đang được giáo dục để tuân theo, để phù hợp với xã hội và nền văn hoá của họ, để phù hợp với thể chế quốc gia và dân tộc. Một đứa trẻ sẽ không quan tâm chuyện bạn nó là một người da đen hay Do Thái, một người Bà la môn hay không, nhưng cơ cấu xã hội đã ảnh hưởng và uốn nắn nó. Ông cho rằng chúng ta khó có thể liên kết cùng nhau nếu như ở xứ xở của chúng ta vẫn còn tiếp tục gìn giữ những thiên kiến riêng rẽ của mỗi người và những phương thức kinh tế riêng. Thật khó để tìm kiếm tình thân ái khi chúng ta bị phân cách bởi tín ngưỡng, quyền uy và địa vị kinh tế. Krishnamurti đã chỉ ra: “Bao lâu bạn vẫn còn là một người Tây Tây Lan và tôi vẫn là người Hindu, thì nói về chuyện hợp nhất con người là một điều vô lý” [28, tr. 94]. Chính sự phân ly này đã tạo điều kiện để chủ nghĩa ái quốc bị lợi dụng một cách khôn khéo bởi những kẻ đang tìm kiếm sự khuếch trương, quyền uy, làm giàu và mỗi chúng ta sẽ tham dự vào tiến trình này bởi chính chúng ta cũng khao khát