7. Kết cấu của luận văn
1.1.2. Hành trình diễn thuyết và các tác phẩm cơ bản
Với tư cách là người đứng đầu Hội Ngôi sao Phương Đông và là một thành viên của tổ chức Thông Thiên học, Krishnamurti được nhiều người chào đón như một bậc vĩ nhân. Trên thực tế, ông cũng được coi là Bậc Thầy thế giới qua lời tiên đoán của Leadbeater và sự bảo đảm của Mrs Besant. Khi đến Pháp để học đại học, lần đầu tiên Krishnamurti có buổi nói chuyện với các thành viên của tổ chức Thông Thiên học. Lúc đó, Krishnamurti mới chỉ 25 tuổi, là một thanh niên Ấn Độ được bao bọc bởi Mrs Besant và Leadbeater. Cậu chưa từng diễn thuyết trước đám đông và cũng không biết sẽ phải nói gì với các thành viên của tổ chức. Tuy nhiên, buổi diễn thuyết rất thành công. Những thành viên hài lòng và thoả mãn khi được nghe cậu nói. Điều này đã để lại ấn tượng sâu sắc trong Krishnamurti. Cậu bắt đầu đam mê công việc diễn thuyết và cảm thấy mình có thể làm rất tốt việc này. Đây là lần đầu tiên cậu có hứng thú với một công việc vì trước đây cậu phải làm mọi việc theo ý muốn của người khác.
Năm 1929, sau rất nhiều suy nghĩ và lựa chọn, Krishnamurti tuyên bố giải tán Hội Ngôi sao Phương Đông. Đây là một tuyên bố vô tiền khoáng hậu, Krishnamurti đã từ bỏ tất cả địa vị cũng như danh vọng được hưởng với tư cách Bậc Thầy thế giới. Trong buổi nói chuyện với hơn 3000 hội viên và hàng nghìn người theo dõi trên đài phát thanh Hà Lan, ông đã trình bày quan điểm của mình: “Tôi quả quyết rằng Chân lý là một lục địa không có con đường và bạn không thể tiến đến đó bằng bất kỳ con đường nào, bất cứ tôn giáo nào, bất kỳ giáo phái nào”[37, tr.23]. Những lời tuyên bố này cũng là quan điểm mà ông theo đuổi và gìn giữ suốt cuộc đời. Ông không muốn có những môn đệ, những tông đồ dù đang sống trên mặt đất hay trong lĩnh vực của tinh thần.
Đây có thể nói là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Krishnamurti, đánh dấu sự chuyển biến to lớn về mặt tư tưởng cũng như định hướng hành động của ông sau này.
Mặc dù không còn giữ vai trò là Bậc Thầy thế giới như nhiều người mong đợi, Krishnamurti vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc nói chuyện. Những buổi nói chuyện này diễn ra thường xuyên và bao quát rất nhiều chủ đề. Vào những năm 30- 40 của thế kỷ XX, ông đi diễn thuyết khắp châu Âu, châu Mỹ… Đến đâu ông cũng được công chúng nhiệt liệt đón chào và lắng nghe một cách tôn kính. Tại Athens, Hy Lạp vào tháng 12 năm 1930, ông diễn thuyết với hơn hai ngàn người tham dự. Sau đó, tại Hungary, vài sinh viên Công giáo đe doạ giết ông vì ông phát biểu chống lại tôn giáo có tổ chức, khiến cảnh sát phải hộ tống ông. Ông cũng diễn thuyết tại Pháp. Tại Rumani, ông gặp Nữ hoàng tại hoàng cung và tiếp chuyện hơn ba giờ đồng hồ. Trong hai tháng đầu năm 1931, ông diễn thuyết tại Nam Tư và Hungary rồi dự cuộc họp mặt tại một lâu đài lớn. Người ta trải thảm dày đầy hoa lài và hoa hồng trên một toa xe lửa để đón ông tại Trichinopoly. Ở Hà Lan, ông được tặng một toà lâu đài với điền sản năm ngàn mẫu đất, nhưng ông đã khôn khéo khước từ. Từ đó, Krishnamurti diễn thuyết một vòng quanh châu Âu và Đức. Năm 1933, ông tổ chức sáu cuộc diễn thuyết tại Ấn Độ, sau đó ông đi Ai Cập rồi Hy Lạp, qua Ý đến Hà Lan để tham dự trại Ommen. Những năm tiếp theo, ông tiếp tục đi khắp nơi như Nam Mỹ, Brazil, Argentina, Chilê, Mexico… Ông thậm chí đến cả Ý vào năm 1936 nhưng Mussolini cấm mọi cuộc diễn thuyết nên ông không thể tiến hành cuộc nói chuyện. Khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ông buộc phải quay về Mỹ và không thể tiếp tục các cuộc diễn thuyết như dự định. Tuy các cuộc diễn thuyết diễn ra liên tục, đều đặn và chỉ xoay quanh những đề tài quen thuộc như chiến tranh, tự do, tình yêu… nhưng lần nào cũng được sự chào đón nồng nhiệt của công chúng. Chính phong cách nói chuyện giản dị, cách trả lời đầy lôi cuốn xung quanh các vấn đề quen thuộc đã làm nên sức hấp dẫn trong các buổi nói chuyện của ông.
Trong thời gian diễn ra cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, ông đã nhiều lần lên án chiến tranh, chống chủ nghĩa bành trướng dân tộc, hết lòng ủng hộ hoà bình thế giới. Do vậy, ông bị FBI (Cục điều tra Liên bang Mỹ) theo dõi, kiểm soát. Không thể diễn thuyết trước công chúng, ông đành sống nhiều năm âm thầm, tĩnh tại tại Ojai. Sau chiến tranh, ông tiếp tục đi diễn thuyết vòng quanh thế giới, đối thoại với công chúng, chủ trì các buổi tranh luận về triết lý nhân sinh, với trọng tâm là tìm cách trả lời câu hỏi: làm gì và làm như thế nào để nhân loại có thể chung sống hoà bình dựa trên tình yêu thương và hợp tác?
Không chỉ tổ chức các buổi nói chuyện, ông còn có cơ hội gặp gỡ với nhiều nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực tôn giáo, chính trị và khoa học. Vào năm 1956, khi Đức Dalai Lama, lãnh tụ tôn giáo và thế tục ở Tây Tạng, đến Ấn Độ để chiêm ngưỡng những nơi thiêng liêng có liên quan đến Đức Phật, ngài đã gặp Krishnamurti bất chấp mọi quy tắc ngoại giao. Đức Dalai Lama có ấn tượng rất sâu sắc về một con người thâm trầm nhưng đầy sức thuyết phục và lôi cuốn. Ngài bày tỏ mong muốn được gặp Krishnamurti nhiều lần nhưng điều này không được thực hiện. Vào những năm 70, Krishnamurti có dịp đối thoại với giáo sư David Bohm - nhà vật lý lý thuyết vĩ đại của thế kỷ XX. Cuộc gặp gỡ giữa họ xoay quanh chủ đề về sự kết thúc của thời gian cũng như sự kết thúc của tư tưởng. Cuộn tranh luận mang lại nhiều hưng phấn cho Krishnamurti vì ông tìm thấy sự giao thoa giữa tôn giáo và khoa học. Krishnamurti cũng tham gia vào các cuộc hội thảo khoa học được tổ chức tại Brockwood và Ojai. Ông không thực sự hứng thú với các bài phát biểu của các nhà khoa học nhưng lại rất quan tâm đến các thông tin khoa học mới xảy ra trên thế giới. Ông cũng hết sức say mê học về di truyền học, máy tính và thậm chí là nhiếp ảnh từ những người tham dự hội nghị. Điều này cũng giống như lúc trẻ Krishnamurti ham mê tìm hiểu về cấu tạo của máy móc. Một điều dễ nhận thấy ở Krishnamurti là sự bình đẳng và nghiêm túc khi nói chuyện với bất kỳ ai. Những người nói chuyện với Krishnamurti có thể là một người giảng đạo, một thầy tu Phật giáo, một nhà khoa học phương Tây, một tỷ phú, một thủ tướng hay thậm chí một nữ hoàng. Ông luôn luôn nỗ lực để có thể
tranh luận một cách sâu sắc với họ về một lĩnh vực nào đó. Ông luôn mang lại cho người đối diện một cảm giác thoải mái và dễ chịu khi được nói chuyện cùng ông. Trong các chuyến hành trình của mình, Krishnamurti được mời đến Sri Lanka vào ngày 4 tháng 11 năm 1980, ông đã gặp Thủ tướng, có buổi nói chuyện trên truyền hình với Bộ trưởng và nói chuyện riêng suốt một giờ với Tổng thống. Ông cũng thực hiện nhiều buổi nói chuyện tại đây với sự tham gia của nhiều người. Quay về Ấn Độ, ông được bà thủ tướng Gandhi bay trực thăng đến thăm tại Rishi Valley, cả hai đi dạo cùng nhau trong sự bảo vệ nghiêm ngặt của đội cận vệ; dĩ nhiên để bảo vệ cho bà thủ tướng chứ không phải cho Krishnamurti. Sau này, Krishnamurti rất cảm kích vì sự tiếp đón ở Sri Lanka và lần gặp gỡ với bà thủ tướng. Ông thể hiện sự kính trọng đối với sự thành công và địa vị của người khác trong xã hội trong khi bản thân lại từ bỏ tất cả những điều đó khi còn trẻ. Đây cũng là điểm mâu thuẫn trong cuộc đời của ông. Những xứ sở theo Phật giáo bắt đầu có một cảm tình đặc biệt hơn với Krishnamurti. Những buổi diễn thuyết của ông thu hút một lượng người đông đảo đến nghe. Ông nổi tiếng khắp Ấn Độ, hầu như không ai là không nghe ông thuyết giảng. Những buổi nói chuyện tại Ấn Độ lúc này thường được tổ chức ngoài trời, giữa bốn bề thiên nhiên và khi mặt trời đã lặn. Krishnamurti mặc trang phục truyền thống Ấn Độ, ngồi xếp bằng trên bục gỗ, giọng nói vang vọng giữa rừng cây. Tất cả những điều này khiến người Ấn Độ sùng mộ càng trở nên tôn kính ông hơn.
Vào năm 1984, Krishnamurti có dịp diễn thuyết tại trụ sở của Liên Hợp quốc tại New York về chủ nghĩa hoà bình. Đây cũng là mục tiêu mà Krishnamurti theo đuổi trong suốt cuộc đời. Cùng năm đó, ông được Liên Hợp quốc tặng huy chương vì hoà bình cho những nỗ lực không mệt mỏi cho một thế giới không bạo lực, khổ đau và thù hận.
Là người diễn thuyết đầy thuyết phục về tự do, hoà bình, phát ngôn viên nổi tiếng của thế giới về triết lý nhân sinh (giáo dục, cuộc sống, niềm tin, sự thật, nỗi buồn, cái chết, tự do…), khối lượng tác phẩm của Krishnamurti rất đồ sộ bao gồm 60 cuốn sách, hàng trăm băng đĩa và các bài nói chuyện
được ghi lại bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Những tác phẩm của Krishnamurti dễ đọc nhưng để hiểu được nó thì không hề dễ dàng. Điều này không phải xuất phát bởi cách sử dụng ngôn từ. Krishnamurti sử dụng tiếng Anh trong hầu hết các buổi nói chuyện của mình vì ông không nói được tiếng mẹ đẻ là tiếng Ấn Độ. Ngôn từ ông dùng khá giản dị, với cấu trúc văn phạm không cầu kỳ, số từ thông dụng xoay quanh một vài ngàn từ, vì vậy người biết tiếng Anh không chuyên sâu lắm cũng có thể đọc được các sách nguyên gốc. Hơn nữa, con đường học vấn của Krishnamurti không thuận lợi và ông gần như không đọc nhiều sách vở nên lời nói của ông không có tính hàn lâm, uyên bác, không có những từ ngữ hóc búa, không có khái niệm quá trừu tượng mang tính đánh đố người đọc. Tuy nhiên, cái khó trong việc nghiên cứu tác phẩm của Krishnamurti trước hết là vì văn nói. Krishnamurti thường không chuẩn bị trước đề tài nói chuyện, cũng không xem lại người ta in cái gì trong sách của mình. Văn nói tự thân đã có tính lan man, ngẫu hứng, ý tưởng dàn trải. Hơn nữa, Krishnamurti không chuẩn bị trước dàn bài, không có khả năng hùng biện nên theo dõi một cuốn sách ghi lại lời nói của ông rất khó khăn. Bên cạnh đó, những tác phẩm của Krishnamurti thiên về suy tưởng, có khi đọc cả một cuốn sách vẫn chưa tìm được câu trả lời cho vấn đề đã nêu ra ở tiêu đề. Do vậy, việc nghiên cứu về một nội dung cụ thể nào đó trong toàn bộ tư tưởng của Krishnamurti là điều không dễ dàng.
Trong số các tác phẩm đã được xuất bản của Krishnamurti, chúng tôi tập trung vào những tác phẩm bàn nhiều về đề tài giáo dục như: Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống (Education and the significane of life ), Krishnamurti bàn về giáo dục (Krishnamurti on education), Đường vào hiện sinh (Commentaries on living )… Đây là nguồn trích dẫn chính của chúng tôi trong luận văn này; tuy nhiên, chúng tôi cũng tham khảo rất nhiều các tác phẩm khác của Krishnamurti để có cái nhìn toàn diện hơn về tư tưởng giáo dục của ông.