Vai trò của người thầy trong giáo dục

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 74)

7. Kết cấu của luận văn

2.3.2. Vai trò của người thầy trong giáo dục

Vai trò của người thầy trong giáo dục không phải đến Krishnamurti mới được đề cập đến. Các nhà giáo dục từ xưa đến nay khi đưa ra quan điểm của mình về giáo dục luôn nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết của người thầy. Khổng Tử (551 – 479 TCN), người được tôn vinh là “vạn thế sư biểu” đã xác định vị trí của người thầy rất cao. Ông cho rằng nhà giáo dục chỉ đứng sau trời đất và thánh nhân. Ông cũng nêu ra luận điểm: “dạy không biết mỏi” đi liền với mệnh đề “học không biết chán”. Người thầy phải là người tin rằng có thể giáo dục được mọi người và sẵn sàng dạy học trò, không giấu diếm điều gì. Sau này, vai trò của người thầy trong giáo dục được bàn đến rất nhiều trong quan niệm của hầu hết các nhà giáo dục. Trong số các nhà giáo dục vĩ đại của nhân loại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, John Dewey (1859 – 1952) được xem là người mở đầu cho triết lý giáo dục thực dụng. Trong quan niệm về giáo dục của mình, John Dewey đề cao vai trò của người thầy, ông cho rằng người thầy không chỉ là nhà sư phạm đơn thuần mà còn là một nhà văn hoá, người thầy phải có kỹ năng, khả năng chuyên môn; đặc biệt cần trí thông minh và hứng thú đối với nghề nghiệp. Ông cho rằng: “Vấn đề của dạy học là

giữ cho kinh nghiệm của người học đi theo con đường mà nhà chuyên môn đã trải qua. Vì thế người thầy cần phải hiểu biết cả nội dung lẫn các nhu cầu đặc trưng và các năng khiếu của người học” [23, tr. 221]. Krishnamurti đề cao vai trò của người thầy nhưng đồng thời ông cũng nêu nhiều luận điểm mới mẻ về vai trò của người giáo dục.

Bản thân đã từng là một nhà giáo nên Krishnamurti hiểu rằng giáo dục là một sự nghiệp - sự nghiệp trồng người chứ không đơn giản là một nghề nghiệp như các nghề nghiệp khác. Khi còn nhỏ và được đến trường, Krishnamurti thường xuyên bị các thầy giáo xem thường vì tính hay mơ mộng. Thậm chí ông còn bị đánh giá là kém phát triển trí tuệ. Sau này, dù được tiếp xúc với các thầy giáo người Anh nhưng họ cũng chỉ mang đến cho ông những áp lực từ kiến thức chứ không mang lại sự thoải mái và đam mê với việc học. Chính những điều này đã khiến Krishnamurti trở nên thờ ơ với trường học và ông từ bỏ mọi nỗ lực thi vào các trường đại học danh tiếng. Những năm tháng mà Krishnamurti trải qua đã chỉ ra rằng không phải ông không có ham muốn học hành; trái lại ông luôn tha thiết được tìm hiểu và khám phá mọi thứ. Tuy nhiên, chính cách giảng dạy áp đặt và thái độ của những người thầy đã làm giảm ham muốn học hành của ông. Sau này ông thường tự tìm hiểu những gì mình quan tâm chứ không viện dẫn đến những người thầy. Có lẽ chính những trải nghiệm cá nhân về một nền giáo dục với nhiều người thầy khác nhau đã giúp Krishnamurti có được nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm cũng như sứ mệnh cao cả của người thầy. Trong quan niệm của Krishnamurti về giáo dục, người thầy có một vai trò quan trọng và được xem là yếu tố then chốt trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục.

Trước hết, người thầy phải xác định rõ mình sẽ dạy cái gì. Người thầy muốn học sinh của mình trở thành cái đinh ốc trong xã hội máy móc và tiếp tục dạy những đề tài thông thường với đường lối quen thuộc hay giúp chúng trở thành một con người sáng tạo và toàn vẹn? Chính bản thân thầy giáo phải là người xác định trước vấn đề mà mình sẽ dạy học sinh. Cần lưu ý ở đây là

Krishnamurti nói đến vấn đề được dạy chứ không phải môn học được dạy. Thầy giáo có thể dạy môn toán, văn, lịch sử hay bất kỳ môn nào khác nhưng điều quan trọng là những môn đó mang lại cho học sinh những lợi ích gì. Có phải việc thầy dạy học sinh những môn học đó là để cho các em một số thông tin để các em có thể làm việc tốt trong tương lai? Điều này là cần thiết nhưng rõ ràng chúng ta cần một con người tổng thể chứ không phải con người công nghệ. Việc làm cho em bé khôn khéo, thành thạo trong việc thu lượm kiến thức mà bỏ qua các khía cạnh khác của cuộc sống sẽ làm cho chúng trở thành những con người lệch lạc về một phía. Nếu thầy tập trung vào việc tạo dựng cho em học sinh xuất sắc về công nghệ, trở thành nhà toán học tài năng hay một vũ công tuyệt vời mà bỏ quên đi khía cạnh khác của cuộc sống thì sẽ ra sao? Đứa trẻ luôn đố kỵ, bất mãn và đầy tham vọng. Chính thầy giáo đã tạo ra một xã hội vô trật tự vì quá nhấn mạnh vào công nghệ và kỹ thuật. Một người xuất sắc trong công việc nhưng lại luôn gặp những mâu thuẫn trong giao tiếp của họ với người khác là một điều không nên có. Khi Krishnamurti nói đến một con người tổng thể thì điều đó có nghĩa là chúng ta không chỉ có những con người hiểu rõ nội tâm mà còn nói về những con người giỏi giang khi làm việc. Hai điều này phải song song tồn tại và đó là vấn đề thực sự trong giáo dục. Giáo dục phải giúp cho đứa trẻ khi rời khỏi ngôi trường có được sự hoàn hảo tốt lành, toàn diện. Khi xây dựng cho học sinh thành một người xuất sắc về công nghệ thì người thầy cũng phải xây dựng để các em thành một con người xứng đáng.

Để có thể làm được điều đó thì cần phải khơi dậy trí thông minh nơi đứa trẻ. Thông minh là tri giác tự phát, nó làm cho con người mạnh dạn và tự do. Để đánh thức trí thông minh ở học sinh thì chính bản thân thầy giáo phải hiểu thông minh là gì. Thầy giáo không thể đòi hỏi thông minh ở học sinh khi chính bản thân họ không có sự thông minh và không hiểu thông minh là gì. Vấn đề khơi gợi trí thông minh không chỉ là của học sinh mà còn của giáo viên nữa. Việc truyền tải cho học sinh đòi hỏi nhiều sự thông minh từ phía

những người thầy. Để làm được điều này thì bản thân người thầy cũng phải có được sự tự do tuyệt đối. Nếu thầy giáo không tự do thì họ không thể chuyển tải tự do đến học sinh của họ và thông minh sẽ không thể hình thành. Nhưng trên thực tế thì thầy giáo cũng không thể làm điều họ muốn vì trong cuộc sống họ còn có liên quan với những người khác. Thật khó khăn để tìm được thầy giáo mà bản thân họ không là nạn nhân của một vài nỗi sợ hãi. Sợ hãi làm tư tưởng thu hẹp và hạn chế sáng kiến. Một thầy giáo sợ hãi hiển nhiên không thể chuyển tải cách nhìn nhận đúng đắn về cuộc sống. Giống như tình yêu, sợ hãi cũng rất hay lây. Nếu chính bản thân nhà giáo dục cũng sợ hãi thì điều đó sẽ được truyền qua các học sinh, mặc dù sự di truyền này có thể không thấy ngay. Vậy làm thế nào để thầy giáo có thể thoát khỏi sợ hãi để có được tự do dạy dỗ đứa trẻ. Krishnamurti chỉ ra rằng trước hết người thầy phải hiểu rõ nỗi sợ hãi của mình. Thầy giáo phải hiểu rõ sợ hãi và bằng cách nào mà sợ hãi chiếm lĩnh thầy. Giống như thầy biết ngôn ngữ Hinđu hay một môn học nào khác, thầy phải biết rõ về nỗi sợ hãi. Thầy giáo cũng cần phải biết xã hội đang làm mọi thứ để khắc sâu sự sợ hãi bằng cách đặt ra những tiêu chuẩn, những lý tưởng tôn giáo, sự phân biệt giai cấp, những ý tưởng về thành công, sự phân biệt người giàu và người nghèo. Xã hội đang làm mọi thứ để nuôi dưỡng những giá trị đang bị biến dạng. Trách nhiệm của giáo viên là phải tìm hiểu kỹ càng về sợ hãi và không cho phép sợ hãi được truyền tải, đồng thời giúp cho học sinh có thể tìm ra được nguyên nhận của nỗi sợ đó.

Để thoát khỏi sợ hãi theo Krishnamurti trước hết cần có tình yêu, sau đó dùng mọi cơ hội giúp đỡ học sinh thoát khỏi nỗi sợ đó thông qua việc quan sát các hoạt động của học sinh để chỉ ra em đã sợ hãi như thế nào và tại sao có sự sợ hãi. Giáo viên có thể làm điều này ngay trong lớp học, khi đang dạy môn toán hay môn sử… Giáo viên cần phải cởi mở với học sinh để chúng không còn sợ hãi. Việc đầu tiên là thiết lập mối liên hệ với các em học sinh để cho chúng thấy rằng thầy đang thực sự chăm sóc các em, cho các em cảm giác thanh thản và an toàn khi ở bên thầy. Trong trường học, việc thoát khỏi sợ hãi

là một điều quan trọng vì nó giúp đứa trẻ cảm thấy thanh thản, hoàn toàn an toàn ngay từ ngày đầu tiên. Khi cảm thấy an toàn, đứa trẻ sẽ tìm được một việc gì mà nó ưa thích và tìm được điều gì đúng đắn mà nó phải làm. Hành vi của đứa trẻ trở nên ý tứ trong tiến trình học hành. Những hành vi đó không còn là sự kháng cự hay bướng bỉnh mà trái lại là sự cố gắng nỗ lực từ những công việc mà chúng đam mê thực hiện. Nhưng trong một lớp học, nếu thầy nói một em giỏi hơn một em khác thì điều đó gây ra sự sợ hãi. Làm thế nào để thầy tránh được điều này nhưng vẫn giúp các em có động lực học hỏi? Bên cạnh đó, trong lớp học cũng có học sinh đến từ những hoàn cảnh khác biệt với nền tảng của sự sợ hãi và ganh đua đã được hình thành tại nhà. Làm thế nào thầy có thể giúp đỡ những học sinh đó? Ngôi trường thuộc quyền quản lý của các giáo viên. Do vậy, họ phải sáng tạo ra một cái gì từ nó. Dạy học là một việc sáng tạo, nó không chỉ là một số lượng kiến thức mà thầy có thể học và lặp lại. Trong khi đó, các em học sinh đều không thích học hành. Các em chỉ muốn vui chơi. Các em muốn chơi bóng chày, ngắm nhìn chim chóc và thỉnh thoảng đọc một vài quyển sách. Nếu thầy giáo bỏ mặc các em thì các em cảm thấy an toàn và bỏ bê việc học. Điều quan trọng là làm thế nào dạy dỗ các em học sinh trong lớp học mà thầy cảm thấy yêu thương. Do vậy, để giúp các em có cảm giác an toàn và có thể học hỏi, thầy giáo phải tìm ra một phương pháp làm cho những môn học gây hứng thú cho học sinh. Phương pháp này không thể đến ngay một lúc và từ một cá nhân đơn lẻ. Trách nhiệm về việc dạy tốt không thuộc về từng giáo viên mà thuộc về tất cả những người làm công tác giáo dục. Tìm ra một phương pháp giảng dạy thích hợp để khơi dậy nơi học sinh sự ham thích học hành là một điều không hề dễ dàng đối với các giáo viên nhưng nó lại là điều vô cùng cần thiết.

Trong giáo dục, chính những quyền uy về chính trị, tôn giáo, truyền thống cả cản trở sự tìm tòi, học hỏi nơi đứa trẻ. Do vậy, với các nhà giáo dục, Krishnamurti cho rằng họ không nên có quyền uy: “Nhà giáo dục đúng nghĩa thì không có quyền uy, không có thế lực trong xã hội” [28, tr. 135]. Việc theo

đuổi quyền uy khiến các nhà giáo dục không toàn tâm toàn ý với công việc giảng dạy. Nguy hiểm hơn nữa, một số thầy giáo lợi dụng giáo dục để củng cố quyền uy, địa vị của mình. Thầy giáo cũng đang ganh đua để có tiền bạc, chức vụ, thanh danh. Chừng nào thầy còn cảm giác mãnh liệt về những điều đó, thầy sẽ sử dụng học sinh như một phương tiện. Thầy giáo sẽ khuyến khích học sinh của mình ganh đua để thành công vì sự thành công đó có thể củng cố địa vị và uy quyền của họ. Thay vì đánh thức trí thông minh, thầy giáo phải kích động, phải giật dây và tìm cách gây ảnh hưởng lên học sinh của mình. Thầy đã nhìn khắp mọi nơi và quan sát thấy những con người đang theo đuổi thành công và được kính trọng. Thầy cũng vận dụng điều đó vào chính ngôi trường của thầy. Thầy nói với học sinh rằng cậu không thông minh, giỏi giang như những em khác. Bằng cách đó, thầy giáo đã gieo rắc nỗi sợ hãi và sự ganh đua vào các em học sinh. Bên cạnh đó, người làm công việc giáo dục cũng cần có bản lĩnh rõ ràng để không dao động, ngả nghiêng về phía cái sai lầm hay bao che, xu nịnh cái ác. Thầy giáo cũng không nên thuộc về bất cứ tổ chức tôn giáo hay giáo phái nào mà cần có sự tự do tín ngưỡng. Như vậy, thầy giáo phải được thoát khỏi mọi quyền uy để có được tự do tuyệt đối. Chính điều này là điều kiện cần thiết để bắt đầu công việc giáo dục.

Trong quá trình giáo dục, người thầy phải thể hiện sự bình đẳng với học sinh. Việc áp đặt hay duy trì nỗi sợ hãi của học sinh với thầy giáo chỉ là cách để che giấu nhược điểm của người thầy. Trách nhiệm của người thầy là bình đẳng với tất cả mọi học sinh, không nên phân biệt đứa trẻ giàu với đứa trẻ nghèo mà chỉ nên quan tâm đến chúng như những cá thể với tính khí cá biệt, sự di truyền và những tham vọng của nó. Tuy nhiên, bất hạnh của giáo dục là trước khi hiểu biết được điều này, thầy giáo đối đãi với học sinh không bình đẳng mà với địa vị của bề trên. Từ địa vị đó, thầy giáo truyền thụ kiến thức của mình giống như ban những giáo huấn cho học sinh. Sự tách biệt bề trên như vậy không cách gì phá vỡ những rào cản chia cách cá nhân với nhau. Nếu thầy giáo là một nhà giáo dục đúng mực thì tự bản thân họ sẽ không tạo

ra những rào cản như vậy. Điều cần thiết ở đây là chính giáo viên phải coi việc dạy học như là một quá trình học hỏi. Điều này xảy ra khi cả giáo viên và học sinh cùng tham gia tìm hiểu một vấn đề. Học sinh thông minh phải giúp đỡ giáo viên và giáo viên cũng phải giúp đỡ học sinh. Đồng thời cả hai cần giúp cho những học sinh chậm chạp, không thông minh lắm. Thiết lập được mối liên hệ như vậy giữa thầy và trò thì quá trình giáo dục sẽ đầy hứng thú.

Người giáo viên khi lựa chọn công việc giáo dục cần phải dựa trên sự tự nguyện hoàn toàn bởi vì theo Krishnamurti: “Đối với nhà giáo dục thực sự thì việc giáo huấn không phải là một kỹ thuật, nó là cách sống của ông ta; cũng như một nghệ sĩ lớn, ông ta thà chịu chết đói còn hơn là từ bỏ việc làm sáng tạo của ông ta” [28, tr. 139]. Đối với Krishnamurti, giáo dục không chỉ thuần tuý là một công việc đem lại thu nhập như những công việc khác. Nó có tính chất đặc thù vì sản phẩm của công việc này là những con người sẽ trực tiếp sống và vận hành xã hội. Vì vậy những nhà giáo dục phải có sự hy sinh trong việc tìm kiếm một phương thức giáo dục đúng đắn để đào tạo con người. Việc lựa chọn trở thành một giáo viên không phải là kết quả của bất cứ sự thuyết phục hay lợi lộc cho cá nhân, trái lại phải xuất phát từ mong muốn tạo ra một phương cách giáo dục mới đối với thế hệ tương lai. Chính đam mê đó sẽ giúp nhà giáo dục tìm ra thời giờ và cơ hội cho công việc này. Họ sẽ bắt đầu với công việc mà không tìm kiếm phần thưởng hay danh dự. Nếu sốt sắng với công việc giáo dục, họ sẽ không vừa lòng với bất kỳ hệ thống giáo dục nào, chính bản thân họ sẽ tìm kiếm một phương cách giáo dục phù hợp. Sự lặp lại và thói quen làm tâm trí chúng ta chai lì. Việc tìm kiếm phương pháp

Một phần của tài liệu Tư tưởng giáo dục của Jiddu Krishnamurti (Trang 74)