8. Kết cấu của luận văn
3.2.2. Nhóm giải pháp về công tác cán bộ
Công tác cán bộ ở bất cứ thời điểm nào cũng là vấn đề quan trọng cho sự phát triển đất nước. Trong các chủ trương, biện pháp đối với Tây Nguyên Đảng và Nhà nước ta đều đề cập đến việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ công tác ở miền núi, đặc biệt là các cán bộ dân tộc thiểu số. Cán bộ người dân tộc công tác ở vùng dân tộc của Tây Nguyên có nhiều lợi thế hơn về am hiểu tình hình miền núi, phong tục tập quán, tâm lý và ngôn ngữ của đồng bào dân tộc, gắn bó với gia đình, họ hàng, bà con thân thích và quê hương bản quán của mình, đứng chân lâu dài ở vùng biên giới, vùng xa, vùng sâu, hẻo lánh.
Trong công tác cán bộ dân tộc, Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến các khâu quy hoạch, lựa chọn, bố trí sử dụng, đào tạo và bồi dưỡng, đánh giá, kiểm tra và giải quyết các chế độ chính sách. Đặc biệt với tầm quan trọng của Tây Nguyên, việc đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá là yêu cầu sống còn đối với phát triển bền vững vùng Tây Nguyên để đảm bảo cho các giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên thực sự có tác động lớn đối với phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, chính trị an ninh, quốc phòng.
Trong công tác cán bộ ở Tây Nguyên Đảng và Nhà nước ta cần chú ý tới những giải pháp cụ thể trong nhóm giải pháp về công tác cán bộ đó là:
Thứ nhất là tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên. Cán bộ dân tộc thiểu số có thể từ các nguồn trưởng thành từ các hoạt động thực tiễn ở cơ sở lên, trưởng thành qua quân đội hoặc cơ quan Nhà nước rồi về địa phương công tác, nhưng nguồn chủ yếu là qua đào tạo con em các dân tộc một cách có hệ thống qua các trường phổ thông, các trường dân tộc nội trú, sau đó tiếp tục đào tạo các trường trung học chuyên nghiệp, các trường đại học và cao đẳng. Ở những nơi đối với những dân tộc có điều kiện thuận lợi thì nên tạo nguồn cán bộ qua đào tạo ở các trường tiểu học và trung học phổ thông rồi đào tạo chuyên nghiệp. Ở những nơi đối với những dân tộc vùng cao, vùng xa thì tạo nguồn cán bộ qua hệ thống trường nội trú.
Thứ hai là đào tạo, sử dụng và quản lý nguồn cán bộ dân tộc thiểu số hợp lý. Đào tạo cán bộ có trình độ đại học và trung học chuyên nghiệp. Cán bộ người dân tộc cũng đạt tới trình độ đại học và trung học chuyên nghiệp đó là mục tiêu phấn đấu từng bước đạt cho được. Muốn vậy, cần đẩy mạnh việc cử cán bộ đi học các trường đại học, cao đẳng, trung học học chuyên nghiệp và các trường đào tạo cán bộ chính trị. Điều quan trọng nhất là phải đào tạo theo chiến lược phát triển ngành, địa phương và từng dân tộc, theo quy hoạch cán bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan sử dụng cán bộ với cơ sở đào tạo. Nhiệm vụ cấp bách hiện nay là các địa phương xác định rõ nhu cầu đào tạo đối với từng loại cán bộ để có kế hoạch đào tạo thật cụ thể.
Việc bố trí, sử dụng và quản lý cán bộ đồng bào dân tộc Tây Nguyên cũng rất cần thiết đảm bảo phát huy hết vai trò, tác dụng của những cán bộ được đào tạo này trong phát triển kinh tế xã hội theo hướng bền vững. Cấp uỷ, chính quyền và cơ quan tổ chức cán bộ từng địa phương cần nắm vững
các nhu cầu về cán bộ, lực lượng cán bộ hiện có và mới được đào tạo ra, hiểu rõ năng lực, hoàn cảnh, nguyện vọng của từng người, trên cơ sở đó lập kế hoạch bố trí sử dụng hợp lý, phát huy sở trường của từng cán bộ. Khuyến khích cán bộ phát huy chuyên môn được đào tạo, đồng thời định hướng cho học sinh các dân tộc những ngành nghề có thể phục vụ thiết thực cho chính quê hương mình.
Thứ ba là Đảng và Nhà nước cần quan tâm điều động, tăng cường cán bộ cho vùng Tây Nguyên. Vì hiện nay, tình trạng thiếu cán bộ ở một số dân tộc thiểu số tại chỗ vẫn còn diễn ra. Do vậy, những năm trước mắt, cần chú ý giải pháp điều động cán bộ tăng cường cho Tây Nguyên, bao gồm cả cán bộ người Việt và cán bộ một số dân tộc khá phát triển. Giải pháp này vừa có tác dụng giải quyết yêu cầu trước mắt, vừa tạo điều kiện để kèm cặp, bồi dưỡng cán bộ cho vùng còn có ý nghĩa tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của nhà nước ở vùng này, thúc đẩy quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
Thứ tư là cần có chính sách đặc thù trong việc sử dụng các già làng, trưởng bản, những người có uy tín cao trong cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Việc phát huy đúng mức, hiệu quả và thỏa đáng vai trò của già làng có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh dân tộc, tôn giáo đang diễn biến phức tạp, cũng như trong bối cảnh yêu cầu phát triển bền vững Tây Nguyên. Từ sau khi đất nước chuyển sang Đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành và triển khai một số chủ trương, chính sách phát huy vai trò của già làng dân tộc Tây Nguyên. Hiện nay già làng đã thay đổi rất nhiều, già làng cũng không nhất thiết phải là người già, mà có thể là người trung niên. Nhiệm vụ của già làng hay hội đồng già làng là duy trì phong tục tập quán, phân xử các vụ việc vi phạm luật tục và phối hợp với hệ thống chính trị, xã hội mới động viên dân làng chấp hành chủ trương của Đảng, pháp
luật của Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Trên cả hai vai trò duy trì phong tục tập quán và kết hợp với tổ chức chính trị, xã hội mới vận động dân làng thực hiện chính sách, già làng đều phát huy vai trò tích cực của mình.
Như vậy, với sự tham gia của các cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên vào đội ngũ cán bộ nói chung là biểu hiện rõ rệt nhất, sinh động nhất của khối đại đoàn kết các dân tộc và của chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, tạo niềm tin cho đồng bào các dân tộc vào chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước, là bằng chứng hùng hồn chống lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động góp phần vào đảm bảo an ninh quốc phòng, ổn định chính trị ở vùng có nhiều yếu tố đặc thù như Tây Nguyên.