8. Kết cấu của luận văn
3.1.3. Định hướng phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong phát triển
bền vững tại Tây Nguyên đến năm 2020
Văn hóa Tây Nguyên là bộ phận quan trọng trong nền văn hoá Việt Nam, vì vậy mà trong quan điểm chỉ đạo xây dựng và phát triển văn hóa Tây Nguyên đến năm 2020 cũng phải tuân theo những quan điểm cơ bản mà Đảng và Nhà nước ta đã đề ra trong chiến lược phát triển nền văn hóa Việt Nam nhằm hướng tới một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống của Tây Nguyên mang những yếu tố đặc thù của một vùng dân tộc cũng rất đặc thù. Nói đến văn hóa Tây Nguyên không nên nói bản sắc chung chung mà phải là bản sắc văn hóa tộc người, bởi đây là một hệ thống mà các thành tố của nó là văn hóa các tộc người. Nhận diện và khái quát được bản sắc văn hóa tộc người là vấn đề rất khó khăn, nhưng công tác bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống phải bắt đầu từ những dấu hiệu bao gồm giá trị tinh thần, tồn tại tương đối lâu dài, có tác dụng chi phối các đặc điểm khác, cũng như khu
biệt nền văn hóa này với nền văn hóa khác. Trong quá trình phát triển bền vững Đảng và Nhà nước ta cần có những quan điểm phù hợp để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của Tây Nguyên trong bối cảnh hiện nay. Cụ thể:
+ Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy, kế thừa những tinh hoa văn hoá cổ truyền Tây Nguyên, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, chuẩn bị hành trang văn hoá Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế, Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm và có nhiều chính sách để đảm bảo việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên: Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá đến năm 2005, Quyết định 124/2003/QĐ-TTg ngày 17/06/2003 phê duyệt đề án bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số Tây Nguyên… Chính sách dân tộc, đại đoàn kết, tôn giáo, đất đai được Đảng ta nêu rõ trong các Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX… nhằm giải quyết có hiệu quả các vấn đề nói trên. Quán triệt đường lối của Đảng, trong thời gian qua, công tác giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc Tây Nguyên đạt được nhiều tiến bộ tích cực: Nhà nước ta đã cho đầu tư xây dựng nhà Rông văn hóa tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk; xây dựng mô hình buôn văn hóa kiểu mẫu tại tỉnh Lâm Đồng; Sở Văn hóa TT&DL các tỉnh Tây Nguyên đã từng bước phục hồi lễ hội cồng chiêng và các lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số như lễ đâm trâu, mừng lúa mới, cúng bến nước…; tiến hành sưu tầm, lưu giữ, bảo tồn các hiện vật đặc thù của văn hóa Tây Nguyên; các lễ hội đua voi, lễ hội cồng chiêng,… đã trở thành lễ hội truyền thống hàng năm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; mở lớp hướng dẫn sử dụng nhạc cụ dân tộc và dạy đánh cồng chiêng cho đồng bào các dân tộc Ê Đê, M’nông, Gia Rai, Ba Na, Sê Đăng và K’ho. Phần lớn các
buôn làng Tây Nguyên hiện nay đều có những đội cồng chiêng biểu diễn phục vụ đồng bào trong sinh hoạt cộng đồng. Vào những ngày lễ, Tết, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian văn hóa lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng do vậy đã góp phần tạo nên những sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng. Ngày 25/11/2005, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hiệp quốc UNESCO đã chính thức ghi danh Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên vào danh sách kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.
+ Quan điểm của Đảng không chỉ bảo tồn, phát huy mà còn làm giàu thêm bản sắc văn hoá dân tộc ở Tây Nguyên. Trong lĩnh vực này, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng được sự đồng thuận giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân đã phát huy hiệu quả: Như bộ sử thi Otnroong của người M’nông đã được Viện Văn hoá dân gian và Sở Văn hoá Thông tin Đắk Lắk phát hiện từ năm 1989, đến năm 2001 đã sưu tầm và xuất bản được 4 tập, 16 tập được thu băng và phiên dịch, có hơn 100 tập đã được khảo sát; công tác điền dã ở Đắk Lắk đã phát hiện được 45 sử thi Êđê và 165 sử thi M’nông; Đắk Lắk còn giữ được 3825 bộ cồng chiêng với 25.488 cái, tỉnh Kon Tum còn giữ được 265 nhà Rông và 1853 bộ cồng chiêng. Nhiều giá trị văn hoá phi vật thể của dân tộc B’râu, R’măm đã được sưu tầm và lưu giữ. Công tác xã hội hoá giáo dục có bước tiến bộ như mở rộng chương trình bổ túc văn hoá, lập các Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề, các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, biên soạn sách giáo khoa song ngữ như Việt – Giarai, Việt – Êđê, chương trình phát thanh truyền hình dành một thời lượng phát bằng tiếng đồng bào dân tộc để phục vụ đồng bào ở Tây Nguyên…