I. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN TẠI NICC
4. HOÀN THIỆN CÁC QUY CHẾ CHÍNH SÁCH LIÊN QUAN ĐẾN ĐÀO TẠO
Các quy chế chính sách liên quan có tác động không nhỏ tới hiệu quả của đào tạo và phát triển như :
- Quy chế đào tạo phát triển;
- Các chính sách khuyến khích hỗ trợ người được đi đào tạo;
- Chính sách bố trí và sử dụng người lao động sau khi đào tạo xong; - Quy chế về thưởng phạt đối với lao động đã được đào tạo.
Một khi các chính sách này thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện làm cho người lao động yên tâm, nhiệt tình và thoả mãn với đào tạo phát triển. Hoàn thiện quy chế đào tạo giúp người lao động cảm thấy công bằng hơn về đào tạo khi tất cả mọi tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, các phương pháp đều được quy định rõ ràng, rành mạch. Tránh được sự nghi ngờ đố kỵ, tạo sự đoàn kết gắn bó hơn trong tập thể. Chính sách khuyến khích hỗ trợ sẽ giúp người lao động giảm bớt các khó khăn, thuận lợi hơn khi tham gia đào tạo và nhiệt tình tham gia, thoải mái tâm lý nên hiệu quả đào tạo cũng sẽ cao hơn. Chính sách thưởng phạt sẽ khuyến khích và nâng cao trách nhiệm của người được đào tạo.
Còn chính sách bố trí sử dụng người lao động sau khi đào tạo xong sẽ là nguyên nhân chính để tạo động lực trong đào tạo và công việc của người lao động. Nếu một người biết mình sắp được thăng chức và khoá đào tạo này là để giúp mình thực hiện tốt công việc sắp tới chắc chắn người đó sẽ rất vui sướng và cố gắng hết sức. Hay họ sẽ rất hăng hái đón nhận các khóa đào tạo một cách tích cực khi người đó biết được sau khi đào xong, họ sẽ được bố trí một công việc hấp dẫn với mức lương cao và cơ hội thăng tiến… Cho nên các chính sách này cần phải được hoàn thiện và thực hiện một cách tốt nhất để nâng cao hiệu quả đào tạo.
5. Các giải pháp khác:
Phân định rõ hơn trách nhiệm của các phòng trong việc quản lý đào tạo, bồi dưỡng NLĐ sẽ khiến công việc được thực hiện trôi chảy chủ động hơn khi thực hiện, tránh chồng chéo trách nhiệm.
Có các biện pháp tác động làm thay đổi nhận thức của người lao động đối với đào tạo phát triển kiến thức cho bản thân để người lao động thực sự có nhận thức đúng đắn về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của tổ chức dành cho mình.
Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức đào tạo trong và ngoài tỉnh để cập nhật được với những kiến thức, phương pháp đào tạo hiện đại, đồng thời mở rộng hợp tác sẽ giúp NICC thực hiện chủ động hơn, tốt hơn các chương trình đào tạo. Ngoài ra, NICC có thể cùng các doanh nghiệp tổ chức khác giao lưu học hỏi nhau về kinh nghiệm, các phương pháp... đào tạo để cùng nhau hoàn thiện.
Thuê các chuyên gia tư vấn về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để họ phối hợp tìm ra các vấn đề còn tồn tại và vạch hướng đi phù hợp hơn, khắc phục một số vấn đề còn hạn chế để công tác đào tạo và phát triển tại NICC càng hiệu quả hơn trong tương lai.
KẾT LUẬN
Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp thành công đều biết phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực của mình. Ngày nay, mọi tổ chức doanh nghiệp đều coi nguồn nhân lực là “tài sản” của chính mình, mà mục tiêu của mọi doanh nghiệp đều là lợi nhuận, mà tăng lợi nhuận chính là tăng tài sản của doanh nghiệp lên. Vậy nên các doanh nghiệp đều muốn tăng “tài sản” nguồn nhân lực của mình lên, để thực hiện được mục tiêu đó, đào tạo và phát triển chính là giải pháp hữu hiệu nhất.
NICC là một doanh nghiệp mới được thành lập, đã đạt được những bước phát triển đáng khích lệ trong phát triển kinh doanh. Mặc dù rất được quan tâm và có thể nói là đã xây dựng được quy trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khá tốt nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Tìm hiểu, nghiên cứu các vấn đề về đào tạo phát triển tại NICC sẽ có thể hiểu được phần nào thực trạng này ở các doanh nghiệp hiện nay. Được sự hướng dẫn giúp đỡ tận tình của giảng viên hướng dẫn, Th.s Nguyễn Hoài Anh, cán bộ nhân viên NICC và vận dụng những kiến thức mà tôi đã học được, chuyên đề đã bước đầu phân tích và đưa ra được một số giải pháp để hoàn thiện. Hy vọng nó sẽ giúp NICC thực hiện công tác đào tạo phát triển của mình ngày càng tốt hơn nữa.
Một lần nữa tôi xin chân thành cảm ơn Giảng viên hướng dẫn, Th.s Nguyễn Hoài Anh và cán bộ nhân viên tại NICC, đặc biệt là cán bộ phòng TCHC đã nhiệt tình giúp tôi hoàn thành được chuyên đề này.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. TS. Võ Thanh Hải, GV Đại học Duy Tân, Giáo trình quản trị nhân lực 2. Th.s Nguyễn Vân Điềm, PGS- TS Nguyễn Ngọc Quân; Trường đại học kinh
tế quốc dân; Giáo trình quản trị nhân lực, NXB Lao động và xã hội, 2004
3. Các văn bản pháp quy về Lao động tiền lương; Bộ lao động thương binh xã hội
4. Các tài liệu do NICC cung cấp