Việc đào tạo - bồi dưỡng ĐNGV sau công tác đánh giá không những giúp cho từng giảng viên hoàn thiện chính mình, có cơ hội thăng tiến mà còn tạo đà cho nhà trường giữ vững sự ổn định và phát triển trong xu hướng đổi mới. Vì vậy, công tác đào tạo - bồi dưỡng ĐNGV luôn giành được sự quan tâm đặc biệt của Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường. Thông qua việc xin ý kiến của 25 CBQL và 102 GV, chúng tôi thu được kết quả như sau:
Bảng 2.10. Kết quả đánh giá công tác đào tạo, bồi dưỡng ĐNGV của trường Đại học Hòa Bình
Mức độ đánh giá Số lượng Tỉ lệ (%)
Tốt 25 19,7
Tương đối tốt 86 67,7
Chưa tốt 16 12,6
19,7% phiếu được hỏi cho rằng công tác đào tạo, bồi dưỡng ĐNGV của nhà trường tốt, 67,7% tương đối tốt và 12,6 % chưa tốt. Thực tế, lãnh đạo nhà trường luôn coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng ĐNGV, luôn có ý thức xác định đúng hướng nội dung đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, năng lực NCKH, kiến thức bổ trợ về tin học và công nghệ thông tin cho ĐNGV của nhà trường bằng cách đa dạng hóa các hình thức đào tạo bồi dưỡng để nhanh chóng có được ĐNGV chuẩn hóa, đủ
về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu nhằm từng bước phát triển nhà trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Cụ thể:
Về nâng cao trình độ bằng cấp: Nhà trường luôn luôn sẵn sàng tạo điều kiện tốt nhất để GV tham dự học bổng sau đại học, đặc biệt là học bổng ở nước ngoài. Việc ĐNGV tìm kiếm học bổng theo Đề án 322 hoặc 911 của Chính Phủ và các hình thức đào tạo khác ở trong và ngoài nước thường xuyên được lãnh đạo nhà trường khuyến khích, động viên.
Về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ: đa số giảng viên đều có tinh thần trách nhiệm với công việc, chịu khó tự tìm tòi để tham gia các khóa học tập ngắn, dài hạn, các cuộc hội thảo trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. 100% giảng viên có bằng thạc sĩ, chứng chỉ sư phạm khi đứng lớp.
Về bổ trợ kiến thức công nghệ thông tin: Song song với việc bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, nhà trường cũng đặc biệt chú trọng tới công tác bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho ĐNGV của Trường. 100% giảng viên của Trường đều sử dụng thành thạo các chương trình soạn thảo văn bản thông dụng, đa số thực hiện soạn thảo giáo án điện tử.
Bên cạnh những ưu điểm, công tác đào tạo - bồi dưỡng ĐNGV vẫn còn nhiều bất cập. Thứ nhất, nhà trường thiếu chủ động trong việc quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng ĐNGV. Số lượng giảng viên trẻ chiếm đa số ĐNGV của nhà trường rất cần được đào tạo, bồi dưỡng thì nhà trường lại không có kế hoạch đào tạo cụ thể, chưa có quy hoạch đào tạo ĐNGV theo quy hoạch chuyên ngành đào tạo dẫn đến ĐNGV hoàn toàn chủ động tham gia các khóa đào tạo để tự bồi dưỡng, tự đào tạo nâng cao trình độ cá nhân. Nhà trường chỉ giữ vai trò là người đôn đốc, khuyến khích, cổ vũ, động viên và tạo điều kiện về thủ tục hành chính cho giảng viên được đi đào tạo, bồi dưỡng. Bất cập thứ hai đó là nguồn lực về tài chính hỗ trợ cán bộ, giảng viên đi đào tạo bồi dưỡng
chuyên môn, nghiệp vụ còn rất hạn chế, giảng viên chủ yếu phải tự túc kinh phí hoặc chủ động tự xin học bổng. Khi đi học, phải tự thu xếp bố trí công việc giảng dạy và gia đình. Chính điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc tự đào tạo, tự bồi dưỡng của ĐNGV mặc dù đào tạo, bồi dưỡng là một công việc không bao giờ kết thúc đối với một giảng viên trong xu thế “học tập suốt đời”. Vấn đề cuối cùng là nội dung đào tạo - bồi dưỡng vẫn nặng nề về hình thức tiêu chuẩn bằng cấp, chưa chú trọng bồi dưỡng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, năng lực chuyên môn và thực hành.