Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo là điều kiện khuyến khích mọi thành viên cống hiến tốt hơn nữa trong việc thực hiện các nhiệm vụ của nhà trường. Một chế độ, chính sách tốt sẽ là công cụ quản lý hữu hiệu trong phương thức quản lý thời kỳ đổi mới, là sự động viên đối với ĐNGV, giúp họ tái tạo sức lao động tốt hơn. Việc thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ là quá trình thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước, các quy định nội bộ của từng nhà trường nhằm tạo ra động lực cho ĐNGV thông qua việc giải quyết các lợi ích về vật chất và tinh thần.
Việc thực hiện tốt chế độ, chính sách sẽ hình thành môi trường làm việc tốt, đảm bảo môi trường pháp lý đúng đắn từ đó tạo ra môi trường văn hóa phù hợp trong mỗi cơ sở giáo dục đại học. Vì vậy, trong công tác phát triển đội ngũ cần phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định, chế độ, chính sách về tuyển dụng, bổ nhiệm, đánh giá, đào tạo bồi dưỡng và có cơ chế vận hành phù hợp. Khi xây dựng quy hoạch phát triển ĐNGV cần phải chú ý đến chính sách đãi ngộ, thu hút các nhà khoa học, cán bộ trẻ có trình độ, năng lực phẩm chất để bổ sung cho ĐNGV, có biện pháp hữu hiệu trên cơ sở quy định của pháp luật để giảng viên gắn bó với nhà trường, tránh hiện tượng “chảy máu chất xám” ảnh hưởng đến hoạt động và chất lượng đào tạo của nhà trường.
Xây dựng chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân tài về công tác tại các trường đại học trên cơ sở:
- Xây dựng và thực hiện: các chính sách, chế độ trong tuyển dụng; môi trường công tác và các điều kiện bảo đảm chất lượng, hiệu quả làm việc của đội ngũ GV và cán bộ quản lý giáo dục (nhất là đối với các chức danh giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, giáo viên/giảng viên cao cấp/có học vị TS...); chế độ tiền lương và thang, bảng lương của giảng viên,…
- Bên cạnh đó GV được bảo đảm quyền học tập, nghiên cứu khoa học, tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội; được hưởng chính sách ưu đãi về nhà
ở, phương tiện đi lại, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật và các chế độ đãi ngộ khác. Đồng thời xây dựng các quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm, khiếu tố và giải quyết khiếu tố liên quan đến đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cần phải đảm bảo sự công bằng, minh bạch.
Tóm lại, phát triển ĐNGV với sáu hoạt động: kế hoạch hóa ĐNGV, tuyển chọn, sử dụng, đánh giá, đào tạo - bồi dưỡng và chế độ chính sách đãi ngộ là một hệ thống bao gồm các thành tố có mối liên hệ qua lại và phụ thuộc lẫn nhau nhằm đảm bảo việc xây dựng và phát triển ĐNGV đạt chất lượng để thực hiện mục tiêu giáo dục và đào tạo góp phần thúc đẩy sự phát triển của từng nhà trường.