Thời gian sinh trưởng qua các giai đoạn của các công thức nghiên cứu

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của tuổi và loại hom mía đến năng suất và chất lượng giống mía VD 00 - 236 tại vùng Phủ Quỳ - Nghệ An (Trang 62)

Thời gian sinh trưởng, phát triển của cây trồng nói chung và cây mía nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng - đó là cơ sở để bố trí thời vụ hợp lí, tránh những điều kiện bất thuận của tự nhiên.

Chu kỳ sinh trưởng của cây mía từ trồng bằng hom đến thu hoạch (mía tơ) hoặc từ để gốc đến thu hoạch (mía lưu gốc) thường kéo dài 1 năm. Nhưng chu kỳ khai thác của một vườn mía có thể kéo dài 3 – 10 năm [2].

Dù là mía tơ hay mía gốc thì chu kỳ sinh trưởng của cây mía có thể chia làm 5 thời kỳ: Nảy mầm, cây con, đẻ nhánh, vươn lóng, chín công nghiệp và trỗ cờ. Sự biến động về thời gian sinh trưởng qua các giai đoạn và tổng thời gian sinh trưởng là do đặc tính di truyền của giống quy định, ngoài ra còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết, các biện pháp kỹ thuật, đất đai, phân bón, ... Người ta dựa vào thời gian sinh trưởng qua từng giai đoạn để tác động các biện pháp kỹ thuật thích hợp, giúp cho cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt nhằm tăng năng suất và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Qua theo dõi thời gian sinh trưởng, phát triển ở các công thức khác nhau trong thí nghiệm, chúng tôi thu được kết quả thể hiện ở Bảng 3.1.

Từ kết quả của bảng 3.1 cho thấy:

Thời gian bắt đầu nẩy mầm của các công thức tăng dần theo tuổi hom và biến động từ 8,3 – 12,3 ngày. Trong đó loại hom 6 tháng tuổi có thời gian bắt đầu nẩy mầm nhanh hơn cả, tập trung hơn và chỉ đạt từ 8,3 – 9,7 ngày so với hom 9 tháng tuổi là 9,7 – 10,3 ngày và hom 12 tháng tuổi là 11,0 – 12,3 ngày. Cũng tương tự thời gian kết thúc nẩy mầm ngắn nhất là hom 6 tháng tuổi từ 23,1 – 23,3 ngày, hom 9 tháng tuổi là 23,7 – 24,0 ngày và hom 12 tháng tuổi là 24,3 – 25,3 ngày.

Bảng 3.1. Thời gian sinh trưởng của mía ở các công thức thí nghiệm

ĐVT: ngày

Công thức

Thời gian từ trồng đến các giai đoạn ST

Nẩy mầm Đẻ nhánh Thu hoạch Bắt đầu Kết thúc Bắt đầu Kết thúc T1H1 8,3 23,2 60,2 94,7 345 T1H2 9,7 23,1 62,5 95,7 345 T1H3 9,0 23,3 63,3 96,1 345 T2H1 10,3 23,7 63,3 96,7 345 T2H2 10,0 23,7 64,1 96,1 345 T2H3 9,7 24,0 64,3 97,7 345 T3H1 11,0 24,7 63,9 99,5 345 T3H2 11,3 24,3 64,1 100,0 345 T3H3 12,3 25,3 64,5 100,5 345

Thời gian bắt đầu đẻ nhánh và kết thúc đẻ nhánh giữa các công thức chênh lệch nhau không đáng kể biến động từ 1 - 5 ngày.

Thời gian thu hoạch của các công thức là như nhau điều này cho thấy tuổi hom và loại hom không làm ảnh hưởng lớn đến thời gian thu hoạch mà là do đặc điểm của giống quyết định.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của tuổi và loại hom mía đến năng suất và chất lượng giống mía VD 00 - 236 tại vùng Phủ Quỳ - Nghệ An (Trang 62)