Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân Trường Thiềm (Trang 58)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN TRƯỜNG THIỀM

3.2.2.Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn

Để sản xuất kinh doanh, đòi hỏi doanh nghiệp phải có vốn. Vốn của doanh nghiệp bao gồm vốn cố định, vốn lưu động và vốn chuyên dùng khác. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là tổ chức và huy động các loại vốn cần thiết cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Đồng thời, khi huy động được vốn, doanh nghiệp cần tiến hành, phân phối, quản lý, sử dụng vốn một cách hợp lý và hiệu quả cao nhất. Trước tiên để huy động vốn doanh nghiệp có thể thực hiện như sau:

 Doanh nghiệp có thể huy động vốn vay ngắn hạn hoặc nguồn vốn dài hạn bằng cách huy động vốn từ cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp. Để tạo động lực cho cán bộ công nhân cho vay, doanh nghiệp có thể khuyến khích bằng cách khen thưởng những người cho doanh nghiệp vay vốn, đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc là lãi suất vay vốn từ người lao động phải lớn hơn lãi tiền gửi ngân hàng, và nhỏ hơn lãi suất tiền vay ngân hàng. Vì có như vậy, chi phí vay vốn mới nhỏ hơn của ngân hàng và đồng bảo đảm được lợi ích cho người lao động.

 Một hình thức huy động vốn có hiệu quả nữa đó là doanh nghiệp nên tiến hành cổ phần hoá và bán cổ phiếu cho người lao động hoặc những người muốn đâu tư vào doanh nghiệp. Bằng cách này doanh nghiệp có thể huy động được một khối lượng vốn lớn. Cách huy động vốn này có ưu điểm là không có thời hạn trả. Nhờ nguồn vốn này giúp doanh nghiệp tăng nguồn vốn chủ sở hữu và kích thích người lao động hoạt động có hiệu quả hơn nhờ gắn quyền lợi và trách nhiệm chặt chẽ hơn.

 Đối với khoản thu quá hạn khó đòi, doanh nghiệp có thể bán nợ cho một số ngân hàng hay một xí nghiệp mua nợ nào đó nhằm tránh tình trạng tồn đọng vốn, làm chậm tốc độ luân chuyển vốn lưu động, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Sau khi huy động được vốn, doanh nghiệp nên quan tâm đến việc sử dụng và phân phối vốn sao cho có hiệu quả nhất. Doanh nghiệp cần tiến hành đồng bộ các biện pháp nhằm hút bớt số vốn và giảm thời gian vốn lưu lại ở từng khâu từng giai đoạn trong quá trình kinh doanh có như vậy mới đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn. Các biện pháp cụ thể là:

- Đẩy nhanh tiến độ sản xuất. Các công đoạn của quá trình sản xuất cần được tiến hàng kịp thời, liên tục để tránh tình trạng ứ đọng vốn và lãng phí trong quá trình sản xuất. Đẩy nhanh tiến độ sản xuất giúp doanh nghiệp sử dụng có hiệu

quả các nguồn lực và tiết kiệm thời gian sản xuất và từ đó có thể đưa sản phẩm ra thị trường một cách nhanh nhất.

- Sau khi đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp cần tổ chức hệ thống phát triển sản phẩm, hệ thống marketing và hệ thống phân phối một cách hợp lý. Đảm bảo sản phẩm được tiêu thụ nhanh thông qua các hoạt động marketing xúc tiến bán hàng.

- Về tình hình thanh toán công nợ doanh nghiệp cần sử dụng các biện pháp sao cho có thể thu hồi các khoản nợ một cách nhanh nhất nhằm tăng nguồn vốn lưu động cho doanh nghiệp để nhanh chóng mở rộng tái sản xuất.

Doanh nghiệp nếu thực hiện được các biện pháp này thì sẽ đẩy nhanh tốc độ luân chuyển vốn, rút ngắn thời gian sản xuất và từ đó góp phần nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.

Nói tóm lại với điều kiện hiện nay để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn thì doanh nghiệp cần phải có các biện pháp trước hết là huy động được vốn. Sau khi có vốn, doanh nghiệp cần sử dụng vốn hiệu quả và tăng nhanh vòng quay của vốn bằng cách giảm các chi phí thu mua nguyên liệu đầu vào. Trong quá trình sản xuất, nguyên vật liệu được cung cấp kịp thời nhằm giảm thời gian dự trữ nguyên vật liệu và tránh được tình trạng ứ đọng vốn.

Ngoài việc sử dụng vốn có hiệu quả, doanh nghiệp cần phải biết tiết kiệm trong chi tiêu cho doanh nghiệp, tập trung vốn có trọng điểm và chống lãng phí trong chi phí hành chính. Và doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm túc các chính sách về quản lý tài chính của Nhà nước.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân Trường Thiềm (Trang 58)