2.3.4.1. Ảnh hưởng của tốc độ cấp liệu
Tốc độ cấp liệu vào máy sấy được dùng để điều khiển nhiệt độ tác nhân sấy ra và giữ nó ở một giá trị nhất định nhằm khống chế độ ẩm cúa sản phẩm. Khi nhiệt độ tác nhân sấy vào tăng cao, tốc độ cấp liệu cần tăng cao hơn để giảm nhiệt độ tác nhân ra. Tăng tốc độ cấp liệu vào trong khi giữ nguyên điều kiện sấy và phun sương làm tăng cỡ hạt và tăng khối lượng riêng của sản phẩm khô ra [12, 16].
2.3.4.2. Ảnh hưởng của nhiệt độ nguyên liệu
Tăng nhiệt độ nguyên liệu nhằm làm giảm độ nhớt sẽ có ảnh hưởng tới tính chất của sản phẩm khô. Với chất lỏng có độ nhớt thấp ở điều kiện nhiệt độ phòng, ảnh hưởng của tăng nhiệt độ nguyên liệu có thể bỏ qua. Tăng nhiệt độ của nguyên liệu sẽ giảm tổng lượng nhiệt yêu cầu cho quá trình bay hơi, tuy nhiên lượng nhiệt của nguyên liệu vẫn còn nhỏ hơn so với lượng nhiệt yêu cầu [12, 16].
2.3.4.3. Ảnh hưởng của cỡ miệng phun
Chọn cỡ miệng phun phụ thuộc vào lưu lượng cấp dung dịch và cỡ hạt mong muốn. Để nhận lượng các hạt cỡ mịn, với một lưu lượng nhất định thì phải cần một miệng phun nhỏ, đối với cỡ hạt lớn hơn cần sử dụng miệng phun lớn hoặc tăng áp suất vòi phun để nhận được các hạt mịn hơn [12, 16].
2.3.4.4. Ảnh hưởng của độ nhớt
Khả năng tạo sương của một chất lỏng phụ thuộc rất lớn vào độ nhớt chất lỏng tại vòi phun. Khi độ nhớt quá cao, chất lỏng phun ra có xu hướng hình thành các hạt có hình dạng sợi dây. Cách đơn giản nhất để giảm độ nhớt là thêm nước vào dung dịch, nhưng điều này làm giảm đột ngột năng suất máy sấy. Cách hiệu quả hơn để giảm độ
nhớt là tăng nhiệt độ của dung dịch, điều này đồng thời làm tăng năng suất máy sấy do phải cung cấp ít nhiệt hơn để dễ nâng nhiệt độ của hạt phun [12, 16].
3.3.4.5. Ảnh hưởng của sức căng bề mặt
Sức căng bề mặt ảnh hưởng tới hoạt động của phun sương và sấy do đó ảnh hưởng tới tính chất của sản phẩm sấy khô. Những nguyên liệu sức căng bề mặt thấp sẽ tạo ra những hạt phun nhỏ hơn, dòng phun chứa tỷ lệ nhiều hạt mịn và độ phân tán cỡ hạt có xu hướng rộng hơn. Sức căng bề mặt lớn sẽ tạo ra cỡ hạt lớn hơn và độ phân tán cỡ hạt có xu hướng hẹp hơn [12, 16].
2.3.4.6. Ảnh hưởng của áp lực vòi phun
Áp lực vòi phun có ảnh hưởng rất lớn tới cỡ hạt sản phẩm bột. Nếu muốn sản phẩm bột có cỡ hạt lớn hơn cần sử dụng áp lực vòi phun thấp hơn, nếu muốn cỡ hạt mịn hơn thì cần áp lực vòi phun cao hơn [12, 16].
2.3.4.7. Ảnh hưởng của hàm lượng chất rắn trong nguyên liệu
Tăng hàm lượng chất rắn trong nguyên liệu sẽ làm tăng cỡ hạt của sản phẩm khô. Ở điều kiện nhiệt độ sấy và tốc độ cấp liệu không đổi, nếu tăng hàm lượng chất rắn trong nguyên liệu thì tải bay hơi sẽ giảm và kết quả là sản phẩm bột có hàm lượng ẩm thấp hơn. Quá trình bay hơi quá nhanh có khả năng tạo thành tạo thành các hạt khô rỗng và khối lượng riêng tổng sẽ nhỏ hơn [12, 16].
2.3.4.8. Ảnh hưởng của nhiệt độ tác nhân sấy khi vào thiết bị [16]
Ảnh hưởng của nhiệt độ sấy phụ thuộc vào đặc tính sấy của mỗi loại sản phẩm. Đối với những hạt có xu hướng nở ra trong khi sấy, khi tăng nhiệt độ sấy khối lượng riêng sẽ giảm. Tuy nhiên nếu nhiệt độ tăng quá mức, quá trình bay hơi nhanh làm các hạt bị phồng, nứt vỡ hoặc tan ra, kết quả là các mảnh vụn kết tụ thành bột có khối lượng riêng cao hơn. Nhiệt độ tác nhân sấy vào cũng ảnh hưởng đến độ ẩm của bột do sự thay đổi độ ẩm của tác nhân sấy ra. Nhiệt độ sấy cao sẽ cải thiện được hiệu suất nhiệt của quá trình sấy, tuy nhiên có 3 yếu tố làm hạn chế nhiệt độ tác nhân sấy vào:
- Sản phẩm có thể bị biến dạng do cháy xém, thay đổi màu sắc và hương vị. - Tính hút ẩm của bột: nhiệt độ sấy càng cao thì nước bay hơi càng nhiều làm độ ẩm trong buồng sấy cao gây nên hiện tượng kết tụ trong buồng sấy.
- Nhiệt độ bắt lửa của bột: bột có thể bắt lửa và cháy khi tiếp xúc với nhiệt độ cao hơn nhiệt độ bắt lửa của nó.
2.3.4.9. Ảnh hưởng của nhiệt độ tác nhân sấy khi ra khỏi thiết bị
Nhiệt độ của tác nhân sấy có ảnh hưởng lớn tới độ ẩm trong bột, khi nhiệt độ tác nhân ra thấp thì độ ẩm của bột tăng lên. Nhiệt độ ra được điều khiển bằng cách điều chỉnh tốc độ ra giảm xuống. Nếu như nguyên liệu được cấp vào không tương xứng thì nhiệt độ không khí ra không giảm xuống [16].
2.3.4.10. Ảnh hưởng của độẩm môi trường
Khi sấy phun loại bột có tính hút ẩm cao, sự thay đổi độ ẩm môi trường do thay đổi mùa, thậm chí qua cơn mưa có ảnh hưởng rất lớn đến hiện tượng bám dính trong buồng sấy. Nếu độ ẩm môi trường thấp, buồng sấy thường sạch sẽ nhưng khi nhiệt ẩm cao có thế dẫn đến sự cô đọng và đóng thành tảng trong buồng sấy [16].
2.3.4.11. Ảnh hưởng của vận tốc tiếp xúc giữa không khí và dòng phun
Tăng tốc độ tiếp xúc giữa không khí và dòng phun sẽ tăng quá trình hòa trộn và do đó làm tăng tốc độ trao đổi nhiệt và trao đổi chất. Tuy nhiên với tốc độ sấy cao, các hạt có thể bị bóp méo hình dạng, nứt vỡ, phân hủy hoặc kết tụ lại khi va chạm với các hạt khác trong dòng chuyển động hỗn loạn. Khi tăng vận tốc thì thời gian sẽ ngắn hơn và các hạt sản phẩm khô có hình dạng không đồng đều. Sự thay đổi khối lượng riêng rất khác nhau tùy theo mỗi sản phẩm và không có quy luật chung [16].