Sấy phun là một trong những phương pháp sấy đối lưu, tác nhân sấy thường là không khí hay là một khí khác như nitơ. Tác nhân sấy vừa làm nhiệm vụ gia nhiệt cho nguyên liệu sấy vừa làm nhiệm vụ thải ẩm vào môi trường [12, 16].
Công nghệ sấy phun là công nghệ duy nhất có thể biến đổi trực tiếp nguyên liệu ở dạng lỏng thành sản phẩm khô dạng bột, bằng cách phun nguyên liệu vào môi trường không khí nóng. Nguyên liệu sấy có thể ở dạng dung dịch hòa tan, huyền phù, bột nhão, chất sền sệt hay vữa. Sản phẩm khô có thể ở dạng bột mịn, dạng hạt hay khối kết tụ tùy thuộc vào tính chất lý hóa của nguyên liệu vào điều kiện vận hành. Ngày nay, sấy phun được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là các ngành Hóa chất, Dược phẩm, Thực phẩm... nhờ những ưu điểm nổi bât như:
+ Dải công suất thiết bị rất rộng, phạm vi tốc độ cấp liệu lớn, thời gian sấy ngắn. + Nguyên liệu sấy đa dạng, sản phẩm có thể ở dạng bột mịn, dạng hạt, khối kết tụ. Chất lượng sản phẩm giữ nguyên không đổi trong thời gian di chuyển trong máy sấy.
+ Phạm vi ứng dụng rộng, có thể ứng dụng trong nhiều ngành Công nghệ chế biến. + Kết cấu đa dạng, có thể dùng để thu được các đặc tính sản phẩm khác nhau. + Có thể ứng dụng cả sản phẩm chịu nhiệt hay nhạy cảm với nhiệt. + Quá trình diễn ra liên tục và có khả năng tự động hóa cao.
+ Nguy cơ ăn mòn thấp do nguyên liệu không tiếp xúc với bề mặt kim loại cho tới khi sấy khô.
Bên cạnh đó sấy phun có một số nhược điểm như:
+ Hiệu suất thu hồi sản phẩm thấp so với các phương pháp sấy khác. + Chi phí đầu tư khá cao.
+ Sản phẩm có thể bị biến chất mùi vị, mất hương vị, màu sắc khi chế độ sấy không phù hợp.
+ Phải thường xuyên vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị.