Ở giai đoạn trước, đa canh chiếm ưu thế vượt trội so với chuyên canh, đã từng tồn tại những loại đồn điền đa canh giữa cà phê và lúa hay giữa lúa và các thứ cây trồng khác.
Sau năm 1919, hướng đa canh ở những đồn điền đó ngày càng được khẳng định nhất là sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933, khi mà các đồn điền chuyên canh như lúa, chè, cà phê bị tác động mạnh do giá các sản phẩm đó bị hạ trên thị trường Thế giới, giới thực dân nhanh chóng rút ra kết luận là phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ chuyên canh một thứ cây độc nhất sang đa canh giữa nhiều thứ cây trồng khác nhau để tránh rủi ro khi có sự biến động đối với một loại sản phẩm đồn điền nào đó.
Về quy mô, nếu trong các đồn điền chuyên canh, phần lớn là các đồn điền nhỏ thì ngược lại trong các đồn điền đa canh đại đa số là các đồn điền có diện tích trên 50 ha.
Các đồn điền đa canh tập trung ở vùng trung du và miền núi như Phú Thọ, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Về cây trồng vẫn như trước đây có đến hàng chục loại cây khác nhau được trồng xen lẫn, ít nhất là giữa 2 loại cây và nhiều nhất là giữa 10 loại cây: lúa, ngô, khoai, sắn… có những đồn điền đa canh giữa những loại cây mới với nhau, nhưng cũng có những đồn điền đa canh giữa những loại cây trồng bản địa, lại có những đồn điền trồng xen những loại cây cũ, mới với nhau.
Đa canh giữa chè và các loại cây làm giấy, cây ăn quả. Đây là 4 đồn điền của 4 điền chủ người Việt, 4 đồn điền này nằm ở các tỉnh Phú Thọ, Tuyên Quang, Lào Cai.
Cây ăn quả các loại: Đây là những cây trồng mới phát triển trên một số đồn điền ở Bắc kỳ: Cam, quýt, đào, mận… Tổng số các đồn điền trồng cây ăn quả là 12 của 10 điền chủ trong đó 4 đồn điền của 4 điền chủ người Việt, 8 của 6 điền chủ người Pháp.
Những đồn điền này được thiết lập ở những tỉnh mà hiện nay cây ăn quả đang rất phát triển là Phú Thọ, Bắc Giang, Lạng Sơn…
2.2.2.4 Những Cây trồng
*Cây trồng mới Cây cà phê
Cây cà phê ở giai đoạn này không những chỉ trên các đồn điền của các điền chủ người Pháp mà cả trên những đồn điền của các điền chủ người Việt, ở cả 3 vùng đồng bằng, trung du và miền núi. Do giá trị kinh tế cao của nó so với những cây trồng khác nhất là lúa và ngô, cà phê ngày càng khẳng định được vị trí trong nền kinh tế nói chung, trong nền kinh tế nông nghiệp nói riêng, đem lại lợi ích không nhỏ cho các điền chủ.
Từ những năm 1920, cà phê còn được khuyến khích bởi nhiều yếu tố thuận lợi như thị trường nội địa ngày một mở rộng do dân số Âu tới Bắc kỳ
ngày một đông, sự tăng lên của dân cư đô thị, sự thay đổi thói quen ẩm thực của một bộ phận ngày càng lớn người Việt nảy sinh trong quá trình tiếp xúc với bộ phận dân cư nước ngoài mới nhập vào. Cà phê đem lại nguồn lợi lớn
cho các điền chủ và được các điền chủ thừa nhận rằng: “…. Tiền được đầu tư
trong các đồn điền trồng cà phê hoàn toàn tốt như trong bất kỳ hoạt động nhân văn nào khác” [12, tr 326].
*Cây trồng bản địa Cây lúa
Lúa tập trung ở các đồn điền thuộc các tỉnh đồng bằng và trung du như Vĩnh Yên, Phúc Yên, Hải Dương…Sang giai đoạn này hệ thống đại đồn điền trồng lúa thuộc những vùng trồng lúa của khu vực đồng bằng và trung du vẫn tiếp tục bị tác động và bị giải thể do phong trào đấu tranh đòi lại đất của nhân dân. Việc thiết lập các đồn điền trồng lúa không ào ạt như trước nữa, thay vì những đồn điền có diện tích hàng nghìn, hàng chục nghìn hecta ở giữa đồng bằng giờ đây các đồn điền trồng lúa có quy mô vừa và nhỏ trên các vùng thượng và trung du. Hơn nữa lúa cũng không phải là thứ mà thị trường chính quốc cần đến như : cà phê, chè… nên các điền chủ không được chính quyền thực dân khuyến khích nâng đỡ. Năng suất của các đồn điền nói chung là rất thấp vì không có một sự cải tiến nào về giống và kỹ thuật canh tác. Việc sản xuất lúa phụ thuộc hoàn toàn thiên nhiên và do chính người nông dân – tá điền thực hiện.
2.2.3 Kinh tế đồn điền trong ngành chăn nuôi