Những cây trồng chính

Một phần của tài liệu Kinh tế đồn điền ở Bắc Kỳ từ năm 1897 đến năm 1945 (KL03848) (Trang 35)

* Cây trồng mới Cây cà phê

Cà phê là loại cây đầu tiên được người Pháp trồng ở Bắc kỳ. Nó được các cha cố đưa vào ngay cả trước khi người Pháp xâm lược.

Năm 1886, giống cà phê Arabica (cà phê chè) của đảo Re’union được nhập vào qua một người Pháp tên là Salvan, dưới dạng hạt. Năm 1890 những cây trồng thử đó đã cho vài nghìn hạt, sau đó cà phê được nhân lên. Chúng được trồng trên những đồn điền khác và nhanh chóng trở thành loại cây có giá trị kinh tế số 1 mà người Pháp muốn phát triển.

Bên cạnh những ý nghĩa chung như đã được gán cho công cuộc khai thác thuộc địa về nông nghiệp, cà phê còn được coi như một phương tiện đặc biệt có thể lợi dụng để phục vụ mục đích chính trị.

Các điền chủ đã lao vào xin đất trồng cà phê. Một số muốn lợi dụng những ưu đãi của chính quyền, trồng trên đồn điền của mình vài chục, vài trăm cây cà phê được lĩnh thưởng, được miễn thuế đất. Chỉ một ít cây cà phê trồng xuống là đủ để cả một đồn điền có thể được công nhận đã khai thác và phần đất chưa được khai thác không bị thu hồi, với cớ là cần được dùng làm đồng cỏ cho gia súc phải nuôi để lấy phân bón cho cà phê.

Trung tâm cà phê của Bắc kỳ là vùng Chi nê, nơi tiếp giáp 3 tỉnh: Hà Nam, Hòa Bình và Ninh Bình nằm ở phía Tây - nam Hà Nội. Do việc trồng và sản xuất cà phê Chi nê đã thu hút sự chú ý của chính quyền thuộc địa. Toàn quyền Đông Dương và các quan chức cao cấp đã nhiều lần tới thăm trung tâm này.

Ở đồng bằng, cà phê còn được trồng thử trên các đồn điền nằm ở chân những ngọn núi vùng Đông Triều trong thung lũng Thông. Tại đây cà phê được trồng xen với những cây trồng khác. Cà phê còn được trồng trên các đồn điền ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Yên Bái…

Cà phê đã làm giàu cho nhiều điền chủ. Nó thực sự là một thứ cây trồng sinh lợi nhất, nhất là khi so sánh với các loại cây trồng bản xứ khác như lúa, ngô, sắn…

Cây Cao su

Cao su là thứ cây lần đầu tiên được các điền chủ đưa vào trồng thử trên một vài đồn điền ở Bắc Giang. Nhưng ở Bắc kỳ cả đất đai và khí hậu đều không thuận lợi cho việc trồng và sản xuất cao su trên quy mô lớn như ở Nam kỳ và Nam Trung kỳ. Vì thế việc trồng trọt dừng lại ở thí nghiệm.

Cây thuốc lá

Thuốc lá lần đầu tiên được trồng thử trên các đồn điền của công ty sản xuất thuốc lá Đông Dương. Ở giai đoạn này việc trồng thuốc lá ở đây vẫn chỉ là thăm dò, thí nghiệm. Do lượng nicotine quá cao, việc tiêu thụ chỉ hạn chế trong dân bản xứ.

Đây là loại cây trồng đòi hỏi số vốn lớn cho việc thí nghiệm, trồng, chăm bón và chế biến cho nên không được trồng nhiều ở giai đoạn này.

Cây chè

Chè không phải là phát hiện của các điền chủ người Pháp ở Đông Dương. Nó đã được thuần hóa từ xa xưa và được sử dụng phổ biến trong dân gian. Tiến vào lĩnh vực này một số điển chủ ở Bắc kỳ và Trung kỳ muốn phát triển trên quy mô lớn và kinh doanh dưới dạng “chè đen” nhưng do thiếu vốn và kinh nghiệm để tổ chức những đồn điền lớn nên việc thí nghiệm đã bị dừng lại.

*Cây trồng bản xứ Cây lúa

Trồng lúa không phải là mục đích ban đầu của việc khai thác thuộc địa về nông nghiệp của người Pháp ở Bắc kỳ. Việc trồng cây lắm lợi trên những vùng đất cao thu hút sự quan tâm trước hết của chính quyền thuộc địa và giới điền chủ. Nhưng ngành trồng trọt này cũng đã sớm ra đời và nhanh chóng phát triển ngay từ cuối thế kỷ XIX.

Trên các đồn điền đa canh, lúa dù trồng xen với cà phê, với chè, với cao su hay với tất cả các loại cây trồng khác thì vẫn là cây trồng chính và chiếm ưu thế về diện tích canh tác và sản phẩm thu nhập.

Quy mô của việc trồng lúa thay đổi theo vụ, theo năm và các đồn điền trồng lúa tập trung chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng và một số tỉnh trung du: Bắc Giang, Thái Nguyên. Việc trồng lúa do người bản xứ tiến hành theo chế độ tá canh và lĩnh canh, không có một sự cải tiến nào về kỹ thuật trồng trọt. Họ cấy lúa theo thói quen và sự hiểu biết có tính chất kinh nghiệm về canh nông với những công cụ thô sơ truyền thống và sự trợ giúp của con trâu.

Việc trồng lúa, mặc dù năng suất thấp vẫn đem đến cho các điền chủ những mối lợi lớn vì ruộng lúa được cấp không mất tiền và lại do tá điền khai

thác với kiểu quản lý vắng mặt. Việc cấy lúa cùng với chế độ tá điền do những ưu thế của chúng dưới con mắt của các điền chủ Pháp luôn luôn chiếm ưu thế.

Cây sắn

Sắn được trồng trên nhiều đồn điền đa canh. Nhìn chung, nó chỉ được coi như cây trồng phụ, sản phẩm được đem bán trên các chợ địa phương hay để tá điền sử dụng, ngành trồng trọt này bắt đầu thịnh vượng trong những năm 1905 - 1906, sau những thí nghiệm trên các đồn điền lớn ở Bắc Giang và Quảng Yên.

Các điền chủ này đã nhận thấy ở sắn một nguồn lợi được đảm bảo và cao hơn trồng lúa vì việc trồng sắn trên thực tế dễ hơn nhiều, chỉ cần trồng bằng thân cây hay mầm cây, sắn lại không ưa nước.

Tóm lại về trồng trọt phải thừa nhận một yếu tố mới đã được các điền chủ người Pháp du nhập vào khu vực đồn điền. Đó là việc trồng các loại cây lắm lợi với một vài cải tiến kỹ thuật trồng trọt và chế biến một số nông phẩm. Nhưng về cơ bản việc khai thác thuộc địa về nông nghiệp của Pháp ở Bắc kỳ trước chiến tranh thế giới thứ nhất chưa đem đến những đảo lộn mà người ta chờ đợi trong kỹ thuật trồng trọt hay những thay đổi cơ bản trong kết cấu cây trồng. vẫn chế độ đa canh manh mún chiếm ưu thế. Cây trồng bản xứ rất linh tinh chiếm phần lớn diện tích trong đó lúa vẫn là cây trồng chính.

Một phần của tài liệu Kinh tế đồn điền ở Bắc Kỳ từ năm 1897 đến năm 1945 (KL03848) (Trang 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)