Bài học kinh nghiệm về quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn cho thấy, chỉ có thể thành công khi có chiến lược và quy hoạch phù hợp với điều kiện và tập quán của nhân dân, công tác truyền thông thông qua các chiến dịch phải được duy trì thường xuyên và rộng rãi, kết hợp giữa các Bộ, các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội
- Xây dựng kế hoạch và các chương trình hành động thúc đẩy việc cung cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Công tác lập kế hoạch và các chương trình hành động theo từng giai đoạn và gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc được coi là một trong những thành công trong quá trình thực hiện mục tiêu cung cấp nước sạch ở khu vực nông thôn. Mỗi giai đoạn thực hiện đều có mục tiêu và phương án khác nhau, tùy thuộc vào tình hình kinh tế - xã hội. Kinh nghiệm của Trung Quốc đã chỉ rõ đi đôi với việc xây dựng các chương trình hành động phải đảm bảo nguồn tài chính bền vững nhằm thực hiện hoàn chỉnh các kế hoạch đã đề ra. Nguồn tài chính được huy động từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước, từ các tổ chức xã hội trong và ngoài nước, sự đóng góp của nhân dân….
- Phân cấp, xác định rõ trách nhiệm tham gia của các cấp chính quyền và các ngành từ trung ương đến địa phương. Hiện nay, việc phân cấp trách nhiệm trong vấn đề cung cấp nước sạch ở khu vực nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, nhiều lúc trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền còn
chồng chéo dẫn đến hiệu quả không như mong đợi. Việc phân trách nhiệm rõ ràng tới từng bộ, ngành của Trung Quốc, trong đó Chính phủ và Nhà nước chỉ đạo trực tiếp và các bộ, ngành, các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương thực hiện những nhiệm vụ, trách nhiệm được giao là kinh nghiệm đáng để chúng ta học tập và áp dụng.
- Bảo tồn nguồn nước và quản lý chất lượng nước. Trước thực trạng nguồn nước ngày càng cạn kiệt và bị ô nhiễm nghiêm trọng do các loại hóa chất độc hại thải ra trong quá trình sản xuất công nghiệp cũng như dư lượng hóa chất (thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật…) trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam cần xem xét học tập kinh nghiệm của Trung Quốc trong vấn đề bảo tồn, quản lý chất lượng nước ở khu vực nông thôn.
- Hợp tác công – tư (PPP). Trong thời gian tới đây, cùng với việc tăng dân số, công nghiệp hóa- hiện đại hóa ngày càng cao nhu cầu sử dụng nước trong sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân ở khu vực nông thôn sẽ tăng đáng kể. Do đó, nguồn lực của Nhà nước sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu với khoảng thiếu hụt lớn giữa khả năng đầu tư của Nhà nước và nhu cầu thực tế sử dụng nước. Kinh nghiệm thực tiễn của Trung Quốc cho thấy, để hoàn thành tốt mục tiêu cấp nước sạch cho khu vực nông thôn trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn thì việc áp dụng mô hình PPP là vô cùng hiệu quả.
- Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với vấn đề nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Ban hành các bộ luật về việc xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường và có các biện pháp cưỡng chế đới với các hộ gia đình xả rác thải, nước thải ra ngoài môi trường.
PHẦN III