- Điều 19 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2005: Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và
2.2.2. Tăng cường hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh
chấp đối với tranh chấp phát sinh trong hoạt động thanh toán tín dụng chứng từ
Tăng cường hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp là một chủ trương lớn của ngành tư pháp Việt Nam, đòi hỏi sự thực hiện đồng bộ trên nhiều phương diện từ thể chế, cơ cấu tổ chức đến yếu tố con người. Bàn về giải pháp tăng cường hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp trong phạm vi nhỏ bé của khóa luận này, tác giả chỉ xin đề cập đến khía cạnh nguồn nhân lực cho hoạt động giải quyết tranh chấp.
Các học thuyết đều đã chỉ ra vai trò của con người trong sự vận hành của mọi quy trình có tính xã hội. Một phương thức dù có hoàn hảo bao nhiêu nhưng được thực hiện bởi những người thiếu chuyên nghiệp thì hiệu quả cũng không thể có được. Trong hoạt động giải quyết tranh chấp, các thẩm phán/trọng tài viên - những người cầm cân nảy mực - là người phân tích tình tiết vụ việc, áp dụng pháp luật và đưa ra phán quyết. Tính chính xác và công bằng trong phán quyết đối với một vụ tranh chấp phụ thuộc vào kinh nghiệm xét xử, kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người xét xử. Đối với riêng các tranh chấp liên quan đến thanh toán tín dụng chứng từ, không khó để nhận ra một thực tế là ở Việt Nam đội ngũ các cán bộ xét xử (đặc biệt là trong ngành Tòa án) am hiểu về lĩnh vực thanh toán tín dụng chứng từ chưa nhiều. Điều này được lý giải bởi sự phức tạp trong quy trình vận hành của phương thức thanh toán tín dụng chứng từ với nhiều quan hệ quyền và nghĩa vụ và sự đan xen của các hệ thống quy phạm điều chỉnh. Đó còn chưa kể đến sự đa dạng của các loại chứng từ cũng như yêu cầu cụ thể đối với mỗi chứng từ trong từng trường hợp. Các thẩm phán hầu hết không được đào tạo về chuyên môn kinh tế - tài chính nên còn gặp hạn chế khi tiếp cận các vụ việc phức tạp. Sự hạn chế này dẫn đến khả năng đánh giá một vụ việc tranh chấp có liên quan đến tín dụng chứng từ của cán bộ Tòa án nhiều khi không toàn diện, dẫn đến phán quyết của Tòa không phản ánh được hiện thực khách quan và do đó, không thể giải quyết tranh chấp một cách triệt để. Thực trạng này
chỉ có thể được giải quyết bằng việc tăng cường kiến thức về kinh tế đối ngoại, thanh toán quốc tế, ngoại ngữ cho cán bộ tòa án.
Hiện tượng yếu về kiến thức kinh tế của cán bộ xét xử ít gặp hơn ở phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, bởi lẽ, trọng tài viên thường là các chuyên gia có kinh nghiệm và kiến thức sâu sắc về các lĩnh vực. Nhưng tồn tại chủ yếu hiện trong giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là sự chênh lệch về kiến thức chuyên môn và kỹ năng tố tụng giữa các trọng tài viên trong một Hội đồng trọng tài. Thực tế cho thấy chất lượng của hoạt động giải quyết tranh chấp bị ảnh hưởng rất nhiều bởi bên cạnh những trọng tài viên có chuyên môn và nghiệp vụ pháp lý thì còn có những trọng tài viên chỉ giỏi về chuyên môn nhưng thiếu kiến thức pháp luật về trọng tài hay kỹ năng thao tác trong tố tụng.
Việc tổng kết và trao đổi kinh nghiệm xét xử về các vụ việc tranh chấp kinh tế mang tính đặc thù mà cụ thể ở đây là tranh chấp liên quan đến phương thức thanh toán bằng L/C mang lại nhiều ý nghĩa. Như đã phân tích, tranh chấp phát sinh từ thanh toán bằng L/C rất đa dạng, nhưng vẫn có thể phân loại thành các dạng dựa trên những sự tương đồng nhất định và do đó, kinh nghiệm xét xử của vụ việc này hoàn toàn có thể có giá trị khi xem xét một vụ tranh chấp tương tự trong tương lai. Mặt khác, trong điều kiện những quy phạm pháp luật cụ thể chi tiết về phương thức thanh toán tín dụng chứng từ còn đang trong giai đoạn xây dựng thì chính từ việc nghiên cứu các tranh chấp thực tế và cách giải quyết đối với từng tranh chấp cụ thể, các thẩm phán có thể đóng góp trong việc lựa chọn một mô hình giải quyết tranh chấp hiệu quả, phù hợp đối với những tranh chấp phát sinh trong phương thức thanh toán tín dụng chứng từ.
Bồi dưỡng kiến thức kinh tế cho cả đội ngũ cán bộ xét xử là việc khó nhưng thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ xét xử còn khó khăn hơn nhiều. Trên thực tế, tư tưởng quan - dân trong ứng xử với người dân và doanh
nghiệp là tồn tại không chỉ đối với riêng cán bộ tòa án mà còn đối với không ít công chức trong toàn bộ bộ máy nhà nước. Những trường hợp điển hình về việc doanh nghiệp bị gây khó dễ khi giải quyết tranh chấp tại Tòa đang ngày càng làm suy giảm niềm tin của doanh nghiệp vào phương thức này. Có thể lý giải một phần hiện tượng kể trên là do cán bộ tòa án Việt Nam chưa thực sự có tư duy rạch ròi giữa xét xử hình sự và xét xử dân sự dù hai loại quan hệ này là hoàn toàn khác biệt. Điều này dẫn tới việc coi những chủ thể của tranh chấp - những người cầu viện đến công lý - như những đối tượng cần đến sự áp đặt của pháp luật và hình phạt. Đó là chưa kể tâm lý "bề trên" của cán bộ Tòa án trong ứng xử với các đương sự trong các vụ tranh chấp kinh tế. Chỉ khi cán bộ tòa án thực sự coi giải quyết tranh chấp kinh tế là một dịch vụ mà nhà nước thực hiện cho doanh nghiệp và bản thân là những người phục vụ thì mới mong đưa doanh nghiệp đến với tòa án để giải quyết tranh chấp một cách tích cực hơn.
Công cuộc cải cách tư pháp vẫn đang được tiến hành trong bối cảnh sức ép của cạnh tranh kinh tế đã mang tính toàn cầu. Một nền tư pháp phát triển với hệ thống pháp luật hoàn thiện và đội ngũ cán bộ xét xử chuyên nghiệp sẽ củng cố niềm tin nơi doanh nghiệp, giúp hạn chế việc sử dụng các biện pháp giải quyết tranh chấp tự phát và thiếu minh bạch, cũng là góp phần vào phát triển các quan hệ kinh tế.