Trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tranh chấp được thỏa thuận đưa ra cơ quan trọng tài giải quyết và phán quyết của trọng tài có giá trị bắt buộc đối với các bên. Việc xem xét và giải quyết tranh chấp được thực hiện bởi một Hội đồng trọng tài gồm nhiều Trọng tài viên (hoặc một trọng tài viên duy nhất) là những người có kinh nghiệm và am hiểu về các lĩnh vực kinh tế thương mại. Trọng tài có thể tồn tại dưới hình thức trọng tài theo vụ việc (ad-hoc) và trọng tài quy chế.
Hình thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài rất phổ biến, được áp dụng rộng rãi do những lợi thế mà các hình thức giải quyết tranh chấp khác không có được như sự đảm bảo tối đa quyền tự do định đoạt trên nhiều phương diện (lựa chọn trọng tài viên, lựa chọn địa điểm, thủ tục, cách thức giải quyết tranh chấp), thủ tục đơn giản, thuận tiện và giữ được bí mật kinh doanh cho các chủ thể.
Việc giải quyết tranh chấp tại trọng tài không giống với hình thức đưa ra lời đề nghị của người hòa giải. Đề nghị của người hòa giải phải hoàn toàn được các bên chấp nhận và thống nhất trước khi trở thành bắt buộc. Trái lại phán quyết của trọng tài là một ràng buộc có hiệu lực thi hành không bắt buộc phải dựa trên sự thống nhất của đôi bên.
Ngoài thương lượng, hòa giải hay trọng tài, còn tồn tại một biện pháp giải quyết tranh chấp phi tòa án khác là Neutral Evaluation (tạm dịch: sự đánh giá trung lập). Trong phương thức đánh giá trung lập, mỗi bên sẽ có một cơ hội trình bày vụ việc với một người trung lập được gọi là người đánh giá. Người đánh giá sau đó đưa ra những ý kiến về những điểm mạnh và điểm yếu trong chứng cứ và lý lẽ của mỗi bên đồng thời người đánh giá cũng sẽ đưa ra quan điểm về cách thức mà tranh chấp có thể được giải quyết. Nguời đánh giá thường là chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan đến tranh chấp. Mặc dù ý kiến của người đánh giá không ràng buộc nhưng các bên sẽ dùng nó như nền tảng để đàm phán đi đến một giải pháp cho tranh chấp.