Việc quy định trách nhiệm của người vận chuyển hàng không đối với thiệt hại của hành khách trong quá trình vận chuyển là một yêu cầu cấp thiết mà các nhà hàng không quốc tế cũng như quốc gia quan tâm. Chính vì vậy ngay từ khi ngành hàng không chưa phát triển các văn bản liên quan đến vấn đề này đã được thảo luận để ban hành. Mở đầu cho các văn bản luật quốc tế chính là Công ước Vácsava, và rõ ràng việc ra đời một Công ước từ thủa sơ khai của ngành hàng không ngay lập tức không thể đáp ứng một cách đầy đủ đòi hỏi của thực tiễn khách quan về một hệ thống cơ sở pháp lý hoàn thiện cho hoạt động hàng không. Trải qua những biến đổi của nền kinh tế xã hội nói chung và ngành hàng không nói riêng các văn bản luật hàng không khác đã ra đời để bổ sung hay sửa đổi công ước Vácsava như đã đề cập ở trên bao gồm: nghị định thư Lahay năm 1955; công ước Guadalajara năm 1961; nghị định thư Guatemala năm 1971; bốn nghị định thư Montreal năm 1975 và công ước Montreal năm 1999.
Ở nước ta trên cơ sở kế thừa và cụ thể hóa các quy định của văn bản pháp luật quốc tế về hàng không để phù hợp với tình hình xã hội đất nước các nhà làm luật trong nước cũng đã cho ra đời luật hàng không dân dụng năm 1991, sau đó luật này đã được sửa đổi và bổ sung vào năm 1995; đến năm 2006 một luật hàng không dân dụng mới đã được ban hành và hiện nay các nhà làm luật
đang tiếp tục có những thảo luận, đánh giá toàn diện về quá trình áp dụng luật năm 2006 này để có thể cho ra đời một luật hàng không dân dụng hoàn thiện nhất, trở thành cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển vững mạnh của ngành hàng không.