5. CÁC ĐÓNG GÓP MỚI CỦA LUẬN ÁN
1.3.2. Kết quả nghiên cứu về mật độ
Tác động chủ yếu của mật độ cây trồng chủ yếu là do sự khác biệt trong phân bố năng lượng bức xạ mặt trời và tăng hấp thụ bức xạ mặt trời sẽ dẫn đến tăng hiệu suất. Khi mật độ vượt quá sẽ tạo ra các vi khí hậu không phù hợp và do đó gây ra các nguy cơ sâu bệnh và làm giảm năng suất (Mostafa Naghizaded và
cs, 2012 [101]).
Theo NeSmith (1998) [103] ảnh hưởng của mật độ đối với năng suất kinh tế, chất lượng không cùng một hướng. Khi mật độ cây trồng tăng, năng suất sinh học trên 1 đơn vị diện tích tăng đến một giới hạn nào đó, sau đó khi mật độ tăng nữa thì năng suất sẽ tương đương hoặc thấp hơn.
Theo nghiên cứu của Champiri và Bagheri (2013) [108] trên các giống cải (Brassica napus L.) với các khoảng cách 15 cm, 25 cm, 35 cm cho biết khoảng cách 15 cm cải cho năng suất cao nhất. Meitei và cs (2001) đã cho rằng khoảng cách 25 x 25 cm thì cải xanh có chiều cao lớn hơn các công thức khác 48,4 cm và nhấn mạnh khoảng cách 25 cm x 25 cm có chỉ số diện tích lá cao hơn ở 30, 50, 65 ngày sau cấy lần lượt là 1,74,
1,86, 2,25 (dẫn theo Venkaraddi, 2008 [119]).
Ở một nghiên cứu khác, chiều cao cải xanh ở khoảng cách 20 x 15 cm (166 cm) cao hơn so với khoảng cách 45 x 15 cm (153 cm). Năng suất sinh học đạt được
ở khoảng cách dưới 20 x 10 cm (70,1 tạ/ha) cao hơn so với khoảng cách 45cm x 15 cm (62,7 tạ/ha) (Rana và Pachauri, 2001, dẫn theo
Venkaraddi, 2008 [119])
Khoảng cách (cây x cây) hợp lý nhất làm giảm mật độ bọ nhảy, đối với
Brassica napus L. là 14 cm và đối với Brassiaca rapa L. là 30 cm (Dosdal và cs, 1990, dẫn theo Chen và Lee, 1990 [79]).
Mật độ cây trồng ảnh hưởng đến dư lượng cây trồng một cách rõ ràng (Schleicher, 2003, dẫn theo Samith, 2010 [109]). Cantlife (1972) [78] cho rằng, khi trồng dày lượng nitrat sẽ tăng lên do điều kiện chiếu sáng yếu. Thời gian chiếu sáng trong ngày dài thì hàm lượng nitrat trong cây sẽ giảm, nếu giảm mức chiếu sáng 20% thì hàm lượng nitrat trong quả dưa chuột tăng lên 2,5 lần.
Các nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ tới dư lượng nitrat trên cây cải xanh ít được tìm thấy. Tuy nhiên trên cây dưa chuột ở các mật độ cây cách cây (15, 20, 30, 35, 40 và 45 cm) với khoảng cách hàng 45 cm cho thấy, ở trong đất dư lượng nitrat cao nhất đạt 21,3 ppm được ghi nhận ở các khoảng cách cây trồng lớn hơn (40, 45 cm). Trong khi đó ở những khoảng cách nhỏ nhất (15, 20 cm) thì dư lượng đạt ở mức thấp nhất: 14,3 và 15 ppm. Tuy nhiên trên quả khi mật độ càng cao thì dư lượng nitrat càng lớn với sự sai khác có ý nghĩa với quả có kích thước nhỏ, trung bình và lớn. Lý giải cho điều này Samith Abubaker và cộng sự cho rằng ở khoảng cách nhỏ hơn thì khả năng phân bố ánh sáng yếu, quá trình tổng hợp các aminoaxit và các protein ở cây trồng ít
hơn (Samith, 2010 [109].
Mỗi giống cây trồng có một mật độ, khoảng cách hợp lý để đạt năng suất cao. Mật độ này cũng còn phụ thuộc vào đất tốt hay xấu. Gieo trồng dày quá hoặc thưa quá đều ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất cây trồng đồng thời cũng ảnh hưởng đến phát sinh phát triển của sâu bệnh, cỏ dại (Võ Văn Á và cs,
1998 [1], Phạm Văn Lầm, 2009 [40]).
Thông thường, tất cả các cây trồng có xu hướng làm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích khi tăng mật độ cây trồng nhưng chỉ tăng tới giới hạn nhất định
(Trung tâm Khuyến Nông TP Hồ Chí Minh, 2009 [65]). Nếu trồng quá dày thì có hại, song trồng quá thưa thì nhiều ánh sáng lọt xuống mặt đất, lãng phí quang năng. Đi đôi với tăng số cá thể trên đơn vị diện tích (tức tăng mật độ) năng suất cá thể giảm, song ở trồng dày thì sự tăng năng suất quần thể lớn hơn sự giảm tổng cộng của năng suất các cá thể (Hoàng Đức Phương, 2000 [52]).
Nguyễn Thanh Hải (2009) [24] cho rằng ở các mật độ rau cải khác nhau thì cho khối lượng cây và năng suất khác nhau. Trong đó, mật độ 15 x 20 cm cho năng suất lý thuyết và năng suất thực tế đạt cao nhất, lần lượt là 41,6 tấn/ha và 37,5 tấn/ha; tiếp đó là mật độ 20 x 20 cm đạt 38,7 tấn/ha và 33,4 tấn/ha
Nguyễn Phi Hùng và cs (2008) [30] khi nghiên cứu về mật độ trên giống Cải Mèo Sơn La với khoảng cách trồng 25 x 25 cm, 30 x 25 cm, 30 x 30 cm cho thấy năng suất thực thu đạt cao nhất ở công thức 30 x 30 cm, thấp nhất là công thức 25 x 25 cm.
Theo kết quả nghiên cứu của Ngô Hồng Bình và cs (2011) [2] khối lượng trung bình cây và năng suất thực thu của các công thức cải làn có ảnh hưởng đáng kể khi gieo trồng theo các khoảng cách 15 x 15 cm, 15 x 20 cm, 20 x 20 cm. Khoảng cách 15 x 15 cm cải làn có khối lượng trung bình cây nhỏ nhất 64,23 g/cây nhưng lại cho năng suất cao nhất đạt 19,88 tấn/ha. Trong khi công thức có khối lượng trung bình cây cao nhất ở khoảng cách 20 x 20 cm đạt 81,5 g/cây nhưng lại cho năng suất thấp nhất đạt 16,58 tấn/ha.
Hiện nay cũng đã có nhiều khuyến cáo mật độ trong sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo tài liệu của Trung tâm Khuyến Nông Quốc gia (2010) [64] khuyến cáo nên trồng khoảng cách 20 x 20 cm. Trung tâm Khuyến
Nông Thành phố Hồ Chí Minh (2009) [65] khuyến cáo nên trồng với khoảng cách 10 x 15 cm.
Trần Khắc Thi và cs (2009) [61] khuyến cáo nên cấy khoảng cách 20 x 30 cm, đảm bảo mật độ trồng từ 16 - 17 ngàn cây/ha.
Nguyễn Xuân Giao (2010) [18] khuyến cáo mật độ trồng cây cách cây đối với cải xanh là 20 - 30 cm, đảm bảo mật độ 80 - 100 nghìn cây/ha.
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của mật độ tới dư lượng nitrat trên cải xanh nói riêng và cây trồng nói chung ở Việt Nam ít được nghiên cứu.