Nước thải có độ acid cao hay độ kiềm cao không được thải vào môi trường. Trong các nhà máy chế biến mủ cao su, nước thải từ sản suất mủ ly tâm có độ pH dao động từ 5,5 - 6,5 nên cần thiết phải trung hòa để tạo pH tối ưu cho quá trình xử lý sinh học tiếp theo.
Nước thải chế biến mủ cao su có tính acid, do đó hóa chất để trung hòa là xút hoặc vôi. Việc trung hòa nước thải chế biến mủ cao su có thể thực hiện bằng cách trộn lẫn chúng với nước thải chứa kiềm hoặc bổ sung các hóa chất kiềm.
Trong quá trình trung hòa, một lượng bùn cặn được tạo thành. Lượng bùn này phụ thuộc vào nồng độ và thành phần của nước thải. [5]
1.4.2.2. Keo tụ
Trong quá trình lắng cơ học chỉ tách được các hạt chất rắn huyền phù có kích thước ≥ 10μm, những hạt có kích thước nhỏ hơn không thể lắng được.
Để các hạt có kích thước nhỏ có thể lắng được, ta bổ sung các hóa chất để kết dính chúng lại thành những hạt có kích thước lớn hơn và có thể lắng được. Những chất keo tụ thường dùng phổ biến là muối sắt và muối nhôm như: Al2(SO4)3.18H2O, NaAlO2, Fe2(SO4)3.2H2O, FeSO4.7H2O.
Để tăng hiệu quả của quá trình keo tụ tạo bông, người ta thường sử dụng các chất trợ keo tụ. Việc sử dụng các chất trợ keo tụ cho phép giảm liều lượng chất keo tụ, giảm thời gian keo tụ và tăng tốc độ lắng của các bông keo. Các chất trợ keo tụ nguồn gốc thiên nhiên thường dùng là: Tinh bột, dextrin, các este, xenlulozơ. [6]
1.4.2.3. Tuyển nổi
Là quá trình tách các hạt rắn trong pha lỏng khi khối lượng riêng của các hạt này nhỏ hơn khối lượng riêng của nước. Thực chất đây là quá trình tách bọt hoặc làm đặc bọt.
Quá trình tuyển nổi thường được tăng cường bằng cách thổi khí vào nước, các hạt lơ lửng sẽ lớn dần lên nhờ bám vào bọt khí và nổi nhanh lên phía trên do tỷ trọng của bọt khí và cặn bám lên đó nhỏ hơn tỷ trọng của nước rất nhiều. [6]