Trong các tài liệu viết về DHTDA của Intel, Hiệp hội Công nghệ trong Giáo dục Quốc tế và dự án Việt - Bỉ, để đáp ứng được các vấn đề trong đánh giá và phù hợp với DHTDA, đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết là những hình thức đánh giá rất cần thiết và phù hợp để có thể khẳng định được những tác động tích cực của DHTDA đối với quá trình học tập của HS.
Đánh giá quá trình là loại hình đánh giá được tiến hành trong quá trình dạy và học một nội dung nào đó nhằm thu thập thông tin phản hồi về kết quả học tập của HS về nội dung đó, dùng làm cơ sở cho việc định hướng hoạt động dạy và học tiếp theo để những hoạt động này có hiệu quả hơn. Đánh giá quá trình trong DHTDA là đánh giá theo các giai đoạn hoạt động của HS để triển khai DAHT. Việc đánh giá này có thể được tiến hành theo các giai đoạn sau:
- Đánh giá việc hình thành DAHT: Cần đánh giá khả năng lựa chọn chủ đề cũng như khả năng xác định mục tiêu, nội dung của DAHT, xác định những công việc cần thực hiện trong DAHT, những sản phẩm chính cần đạt được sau khi hoàn thành DAHT, dự kiến thời gian thực hiện DAHT, xác định những mốc thời gian quan trọng trong quá trình thực hiện DAHT...
- Đánh giá việc xây dựng kế hoạch thực hiện DAHT: Cần đánh giá trên các khía cạnh là khả năng dự kiến các công việc cần triển khai trong nhóm có chi tiết, logic và khả thi hay không, khả năng dự kiến các nội dung cần tìm hiểu có cụ thể hay không, phân công công việc cho từng thành viên trong nhóm có phù hợp không, dự kiến thời gian hoàn thành từng nội dung công việc, thời gian hoàn thành dự án có hợp lý không, khả năng xác định các sản phẩm cần đạt được trong mỗi giai đoạn, trong mỗi nội dung công việc, đối với mỗi cá nhân trong nhóm có phù hợp hay không, khả năng dự kiến những khó khăn có thể gặp phải trong quá trình thực hiện DAHT...
- Đánh giá việc thực hiện DAHT: Khi đánh giá việc thực hiện DAHT, cần tiến hành đánh giá chất lượng của các sản phẩm trong việc thực hiện các công việc đó, đánh giá tiến độ thực hiện các công việc trong nhóm, đánh giá khả năng, thái độ và hiệu quả làm việc của từng cá nhân trong việc tự lực cũng như cộng tác với các thành viên trong nhóm để hoàn thành các công việc được giao...
- Đánh giá việc hình thành DAHT của HS, xây dựng kế hoạch thực hiện DAHT của từng nhóm và việc thực hiện DAHT của HS, mức độ đánh giá được thể hiện trong mô hình dưới đây:
Các công việc HS tự đề xuất, GV chỉ định hướng và hỗ trợ quá trình thực hiện dự án
Mức yếu
Các công việc HS không tự đề xuất, GV phải đưa ra và chỉ dẫn cụ thể cho các em Mức độ hỗ trợ của GV
Mức độ tự đề xuất của HS
Đánh giá tổng kết là loại hình đánh giá được thực hiện vào cuối mỗi giai đoạn đào tạo nhằm cung cấp thông tin về kết quả học tập của HS so với mục tiêu giáo dục của mỗi giai đoạn đồng thời là cơ sở để phân loại HS nhưng không góp phần nâng cao kết quả học tập của HS trong giai đoạn học tập được đánh giá. Tuy nhiên, đánh giá tổng kết vẫn có thể góp phần vào việc cung cấp thông tin, làm cơ sở cho việc cải tiến giai đoạn học tập tiếp theo trong tương lai, cho những lớp kế tiếp. Trong đánh giá tổng kết, song song với việc đánh giá dựa vào kết quả điểm số của các bài kiểm tra, các bài thi học kì, chúng ta cần đánh giá chất lượng, số lượng các sản phẩm của DAHT như đã đề ra trong kế hoạch thực hiện, đánh giá hoạt động hợp tác của các thành viên trong từng nhóm học tập (đánh giá việc tham gia đề xuất ý kiến của các cá nhân trong nhóm học tập, khả năng cộng tác trong công việc, trách nhiệm trong công việc, mức độ hiệu quả trong các công việc...) và đánh giá năng lực của từng thành viên trong nhóm học tập (đánh giá khả năng lập kế hoạch, khả năng hợp tác, khả năng tổ chức, khả năng giao tiếp...).