ĐẶT VẤN ĐỀ Trong những năm gần đây, chất lượng cuộc sống con người ở Việt Nam đang ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng già hóa dân số cũng có xu hướng tăng cao. Loãng xương là bệnh lý phổ biến hơn so với trước đây. Khi bị loãng xương, khả năng chịu lực của cơ thể giảm dần, đang trở thành một vấn đề quan trọng đối với toàn xã hội [1], [2]. Ở những người cao tuổi, loãng xương nặng dần, có thể gây gãy xương, chất lượng cuộc sống bị suy giảm rõ rệt. Trước đây, bệnh lý loãng xương thường chỉ gặp ở phụ nữ sau mãn kinh. Các nghiên cứu gần đây cho thấy nam giới cũng bị loãng xương. Tùy theo từng nghiên cứu, tỷ lệ gãy xương do loãng xương ở nam ước tính từ 10-25% [3], [4]. Gãy xương ở nam giới nặng nề hơn so với nữ giới [3], [5]. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo trong thế kỷ XXI, châu Á là tâm điểm của tình trạng loãng xương. Ở Việt Nam tỷ lệ loãng xương trong số những người trên 60 tuổi [6] ước tính là 3,2% ở nam giới và 20% ở nữ giới. Những người từ 50 tuổi trở lên có khoảng 14% phụ nữ và 5% nam giới bị loãng xương [7], [8]. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mật độ xương như tuổi cao, giới tính, chế độ dinh dưỡng, nghề nghiệp, tình trạng mãn kinh, thừa cân, béo phì (TC-BP)... [9]. Trong những năm gần đây tình trạng thừa cân, béo phì đã và đang trở thành một nguy cơ, ảnh hưởng tới sức khỏe đối với cả người lớn và trẻ em [10], [11]. Thừa cân, béo phì là nguyên nhân gây ra nhiều biến chứng làm tăng tỷ lệ bệnh tật. Ngoài biến chứng đến hệ thống tim mạch còn gây biến đổi nội tiết, chuyển hóa nghiêm trọng [9]. Theo số liệu công bố của WHO (2008), toàn thế giới có khoảng 1,5 tỷ người từ 20 tuổi trở lên thừa cân, hơn 200 triệu nam và 300 triệu phụ nữ bị béo phì. Dự báo đến năm 2030 sẽ có khoáng 1,9 tỷ người thừa cân, béo phì trên toàn thế giới [10]. Nghiên cứu về mối liên quan giữa mật độ xương và tình trạng thừa cân, béo phì đã thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của các tác giả còn những điểm khác nhau [12], [13], [14]. Có những quan điểm cho rằng mô mỡ đóng vai trò bảo vệ hệ thống xương. Người béo phì có nguy cơ loãng xương thấp hơn những người bình thường và nhẹ cân [15], [16]. Hiện nay đã có các bằng chứng cho thấy mô mỡ có tác động tiêu cực đến độ vững chắc của xương do tiết ra một số Adipokine và yếu tố viêm làm thay đổi quá trình tái tạo xương [17]. Để chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh loãng xương có thể dựa vào kết quả đo mật độ xương hoặc định lượng các dấu ấn chu chuyển xương [18]. Nhiều nghiên cứu cho thấy dấu ấn chu chuyển xương có vai trò hỗ trợ chẩn đoán, dự báo nguy cơ mất dần tổ chức xương, dễ gây biến chứng gãy xương và giúp theo dõi khi điều trị bằng các thuốc chống loãng xương [18]. Theo khuyến cáo của hiệp hội chống loãng xương quốc tế (IOF), Hiệp hội Hóa sinh lâm sàng và xét nghiệm quốc tế (IFCC) 2011, hai dấu ấn chu chuyển xương có thể ứng dụng trong lâm sàng, dự báo nguy cơ loãng xương và theo dõi hiệu quả điều trị là dấu ấn tạo xương Osteocalcin và dấu ấn hủy xương Beta-crosslap. Trong những năm vừa qua, ở Việt Nam cũng đã có những nghiên cứu về mật độ xương, tình trạng loãng xương ở các nhóm đối tượng khác nhau. Những nghiên cứu tập trung vào đối tượng những người người thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, nghiên cứu về mật độ xương, tình trạng loãng xương, nồng độ dấu ấn chu chuyển xương ở đối tượng thừa cân béo phì thuộc diện Ban bảo vệ sức khỏe cấp tỉnh quản lý (là những người có nhận thức cao, có điều kiện kinh tế, sống trên địa bàn một tỉnh miền núi phía Bắc của Việt Nam có những đặc trưng riêng về địa dư, phong tục tập quán) vẫn chưa được triển khai một cách đầy đủ. Trong những năm vừa qua, chúng tôi thực hiện đề tài: “Nghiên cứu mật độ xương, tỷ lệ loãng xương và một số dấu ấn chu chuyển xương ở đối tượng thừa cân, béo phì” với hai mục tiêu: 1. Xác định mật độ xương, tỷ lệ loãng xương, nồng độ Osteocalcin và Βeta-Crosslap huyết thanh ở đối tượng thừa cân, béo phì do Tỉnh uỷ Hoà Bình quản lý. 2. Tìm hiểu mối liên quan giữa mật độ xương, tỷ lệ loãng xương, nồng độ Osteocalcin, Βeta-Crosslap huyết thanh với một số đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng ở đối tượng trên.