Gia đình là nơi trú ngụ của hạnh phúc, cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ thơ, nơi trở về sau mỗi lần vấp ngã đối với mỗi con người. Nhưng trong nhiều trường hợp, bạo lực đang trở thành một trong những nguy cơ biến gia đình thành “địa ngục trần gian”. Dù ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào bạo lực gia đinh (BLGĐ) không chỉ để lại hậu quả về thể chất, tinh thần mà còn về mặt kinh tế - xã hội. Mà đó là vấn đề nhức nhối khiến dư luận, xã hội đặc biệt quan tâm. BLGĐ làm xói mòn các giá trị, chuẩn mực, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phá vỡ sự bền vững của gia đình. Trong những năm gần đây BLGĐ đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu trong các nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Các nghiên cứu khoa học cho thấy BLGĐ xảy ra khá phổ biến, hầu như ở đâu cùng có, từ xã hội phương Tây đến xã hội phương Đông, từ thành thị đến nông thôn, từ nhóm có trình độ văn hóa thấp đến nhóm có trình độ văn hóa cao, từ nhóm không có việc làm đến nhóm có việc làm ổn định. Có thể nói BLGĐ đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng, phổ biến và có tính toàn cầu. BLGĐ, cho dù diễn ra dưới bất cứ hình thức nào, thì hậu quả của nó cũng hết sức trầm trọng. Nạn nhân của BLGĐ phải chịu đựng từ bị nhục mạ, bị khủng hoảng về tâm lý kéo dài, tổn thương tinh thần, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đến bị thương tật, thậm chí thiệt hại đến tính mạng, tài sản. Nhiều trẻ em trong các gia đình có bạo lực phải chịu thiệt thòi: nhiều em phải sống xa cha hoặc mẹ, hoặc cả hai, các em phải bỏ học, lang thang, rơi vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. BLGD phá hủy nền tảng của gia đình. Các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho BLGĐ là một trong những hiện tượng đáng lo ngại nhất của tình trạng khủng hoảng gia đình hiện nay. BLGĐ là một trong những hành vi vi phạm pháp luật cần được loại trừ, nhất là trong xã hội hiện đại văn minh. Để ngăn chặn, đẩy lùi hành vi BLGĐ, đòi hỏi phải có những nghiên cứu toàn diện, sâu sắc làm cơ sở khoa học cho các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và từng gia đình đưa ra những giải pháp tích cực phòng chống có hiệu quả BLGĐ, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng nghiêm trọng này. Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống BLGĐ và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự,..và đặc biệt Luật phòng, chống BLGĐ 2007. Những văn bản này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ. Nhưng đánh giá một cách khách quan thì các quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống, sự quan tâm và hiểu biết về lĩnh vực này chưa đi vào chiều sâu, tình trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực và thế nữa nó dần trở thành như một hiện tượng của xã hội. Trước thực trạng BLGĐ trên địa bàn phường ngày một diễn biến phức tạp. tôi chọn đề tài: “Xử lý tình huống bạo lực gia đình trên địa bàn phường An Khê” để làm đề tài cuối khóa “Lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên Thanh Khê năm 2019”.