1. Những quan điểm cơ bản của Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo 1.1. Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo Một là, tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương giáo được hình thành từ sự kế thừa và phát huy những tinh hoa của truyền thống đoàn kết toàn dân trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước qua hàng nghìn năm lịch sử, với tinh thần đồng cam cộng khổ đã hun đúc thành một truyền thống quý báu: truyền thống yêu nước, thương nòi, đoàn kết dân tộc. Từ lịch sử dân tộc và thực tiễn cách mạng, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn”. Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, sự hình thành các tôn giáo ở nước ta, bao gồm có cả có những tôn giáo du nhập từ bên ngoài vào như: Phật giáo, Nho giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo, Tin lành... và những tôn giáo nội sinh trong nước như Cao đài, Hoà hảo...với số lượng đồng bào theo các tôn giáo chiếm khá đông. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các cư dân người Việt Nam, dù khác nhau về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo...nhưng đã sớm ý thức được tinh thần đoàn kết gắn bó, cố kết trong cộng đồng dân tộc để tạo nên sức mạnh chung vì sự nghiệp tồn vong, phát triển của dân tộc và trải qua nhiều thế hệ đã hun đúc nên truyền thống đoàn kết tốt đẹp của dân tộc ta. Mặt khác, sự tương đồng, thống nhất về cội nguồn, quốc gia lãnh thổ, những nguyện vọng chính đáng nhu cầu, lợi ích chung đã tạo sự gắn bó giữa mỗi người Việt Nam. Đã là con dân nước Việt, dù đồng bào lương hay giáo, đạo Nho hay đạo Phật...cũng đều cùng chung một cội nguồn “con Lạc, cháu Hồng”, “con Rồng, cháu Tiên”, người chung một bọc và cùng chung vận mệnh với đất nước. Lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc đã chứng minh: thành công trong cuộc kháng chiến chống quân Tống (thế kỷ XI), do nhà Lý đã tranh thủ được các tù trưởng, biết đoàn kết tập hợp được các lực lượng đồng bào các dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau ở phía Bắc và Đông Bắc, tạo nên lực lượng mạnh mẽ áp đảo kẻ thù, làm thất bại âm mưu xâm lược của nhà Tống. 1 Dưới sự lãnh đạo của nhà Trần (thế kỷ XIII), quân dân cả nước ta đã anh dũng đứng lên kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, cả ba lần đều giành thắng lợi vang dội. Hội nghị Bình Than (1282) và Hội nghị Diên Hồng (1285) do nhà Trần tổ chức đã thể hiện sức mạnh của cả dân tộc, ý chí đoàn kết toàn dân, trong đó có sự tham gia của đồng bào các tôn giáo với quyết tâm “quyết đánh” giặc, giữ nước đã củng cố thêm quyết tâm đánh giặc của vua tôi nhà Trần. Khởi nghĩa “Lam Sơn” do Lê Lợi Nguyễn Trãi lãnh đạo (thế kỷ XV), giành được thắng lợi, là nhờ biết quy tụ, đoàn kết tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, bao gồm cả những quần chúng nhân dân có tín ngưỡng, tôn giáo xung quanh ngọn cờ đại nghĩa, “coi việc nước là việc chung” đã làm nên thắng lợi oanh liệt. Tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, không phân biệt Bắc Nam, không phân biệt giáo hay lương...là cội nguồn sức mạnh giúp Tây Sơn dẹp tan được sự phân tranh “đàng trong, đàng ngoài” và đánh tan mấy chục vạn quân Thanh xâm lược, thống nhất đất nước. Không chỉ trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, mà ngay cả trong công cuộc xây dựng đất nước, chinh phục thiên nhiên, phát triển kinh tế, tinh thần đoàn kết cộng đồng, đoàn kết giữa các giai tầng, lực lượng, giữa đồng bào lương và giáo...ngày càng bền chặt hơn. Đoàn kết đã thực sự trở thành nguồn sức mạnh, nhân tố cơ bản bảo đảm cho dân tộc ta tồn tại, phát triển và vượt qua mọi gian nan, khó khăn, thử thách. Trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trở thành giá trị văn hoá truyền thống bền vững của dân tộc, được Hồ Chí Minh kế thừa, phát triển hình thành nên tư tưởng của Người về đoàn kết lương giáo. Hai là, quan niệm về vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng của chủ nghĩa Mác Lênin là nền tảng tư tưởng cho chiến lược đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc ở Hồ Chí Minh. Từ sự nhận thức sâu sắc về vai trò của quần chúng trong sự nghiệp cách mạng của học thuyết Mác Lênin, Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Đoàn kết toàn dân là yếu tố cơ bản đưa tới thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 2 Tôn giáo đã từng tồn tại ở mọi quốc gia, qua nhiều thể chế chính trị. Tuy nhiên, mỗi tôn giáo có lúc thịnh, lúc suy; vai trò và ảnh hưởng của tôn giáo đối với đời sống xã hội trong mọi quốc gia, dân tộc không giống nhau, song nhìn chung tôn giáo vẫn tồn tại suốt chiều dài lịch sử nhân loại. Việc nhận thức và đánh giá về tôn giáo, đòi hỏi những người cộng sản phải có thái độ đúng đắn và khoa học thì mới cảm hoá, lôi kéo, tập hợp được họ tham gia vào sự nghiệp cách mạng trong cách mạng vô sản, không những giải phóng cho người lao động nói chung, mà còn giúp họ cải tạo chính bản thân mình hướng tới một xã hội văn minh, tiến bộ hiện thực. Học thuyết Mác– Lênin, cung cấp cho ta thế giới quan để nhận thức, giải quyết đúng đắn về vấn đề đó. Đồng thời, các nhà kinh điển Mác – Lênin đã khẳng định: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, là người sáng tạo ra lịch sử, quyết định tiến trình phát triển của lịch sử; giai cấp công nhân là giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo cách mạng đi đến thắng lợi hoàn toàn...và theo các ông quần chúng nhân dân chỉ phát huy được sức mạnh to lớn đó của mình khi được giáo dục, giác ngộ đầy đủ, đúng đắn và được tổ chức chặt chẽ thành một khối thống nhất đặt dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mácxít chân chính. Ba là, đoàn kết còn xuất phát từ nhiệm vụ của sự nghiệp cách mạng Việt Nam, đó là sự nghiệp giải phóng dân tộc, tiến hành xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và xây dựng chế độ xã hội mới xã hội chủ nghĩa. Độc lập dân tộc đã khó, xây dựng chủ nghĩa xã hội còn khó khăn hơn. Người cho rằng, xây dựng chủ nghĩa là sự nghiệp vĩ đại chưa hề có tiền lệ lịch sử trong nước và quốc tế, là nhiệm vụ vô cùng lớn lao, gian khổ và lâu dài. Bởi vậy, hoàn thành sự nghiệp nặng nề và vẻ vang ấy phải hội tụ được sức mạnh của toàn dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Bốn là, đoàn kết còn là để chống lại âm mưu chia rẽ lương giáo của kẻ thù. Thực dân, đế quốc luôn có âm mưu chia rẽ, phá vỡ khối đoàn kết dân tộc để dễ bề thôn tính và nô dịch dân tộc Việt Nam. Do đó, đoàn kết lương giáo cũng nhằm chống lại âm mưu thâm độc đó.