ĐẶT VẤN ĐỀ Trên thế giới, vai trò và hiệu quả của y học cổ truyền trong khám chữa bệnh ngày càng được nhiều nước thừa nhận và sử dụng rộng rãi cả trong phòng bệnh, phục hồi chức năng, nâng cao sức khỏe [1], [2]. Khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới tại 141 quốc gia về chính sách y tế, và các quy định về thuốc y học cổ truyền đã cho thấy sự quan tâm rất lớn của các quốc gia này đối với y học cổ truyền trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe [3]. Một trong các quốc gia tiêu biểu sử dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe lâu đời và thành công nhất là Trung Quốc [4]. Tại Việt Nam, Y Dược học cổ truyền là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Cội nguồn của nền y học cổ truyền là những kinh nghiệm, lý luận của một dân tộc phải đối mặt với cuộc sống, với thiên tai khắc nghiệt, với nhiều tác nhân gây bệnh, nền y học cổ truyền đã giúp dân tộc Việt Nam tồn tại và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử và đã từng bước đáp ứng được nhu cầu của nhân dân trong phòng bệnh, chữa bệnh đặc biệt là chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở tuyến cơ sở [5]. Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2014 của Bộ Y tế cho thấy, hệ thống các cơ sở y học cổ truyền đã được hình thành và phát triển ở tất cả các tuyến, với 58 bệnh viện y học cổ truyền; số xã triển khai bảo hiểm y tế khám chữa bệnh bằng thuốc thành phẩm y học cổ truyền là 61,5%; trong đó số trạm y tế triển khai chữa bệnh bằng thuốc thành phẩm y học cổ truyền chiếm 67,1%, triển khai điều trị bằng thuốc nam chiếm 44,6%; số trạm y tế xã có vườn thuốc nam chiếm 83,9% [6]. Tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền so với tổng số khám chữa bệnh chung của từng tuyến đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên, chưa chiếm tỷ trọng cao trong tổng số lượt khám chữa bệnh chung, cụ thể: tuyến tỉnh (8,69%); tuyến huyện (8,95%); tuyến xã (18,8%) [6]. Nguyễn Thị Thủy (2018) khi tổng quan về thực trạng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở Việt Nam cho thấy, chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền chưa cao, nhất là tuyến xã còn gặp không ít khó khăn như đội ngũ cán bộ làm công tác y học cổ truyền thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng; ít được đào tạo lại cũng như cập nhật kiến thức. Công tác tuyên truyền, tư vấn về các biện pháp khám chữa bệnh bằng thuốc nam và phương pháp không dùng thuốc chưa được coi trọng; hướng dẫn nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam chưa được triển khai rộng rãi; số lượng người bệnh được khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền còn thấp... [7]. Quyết định 2166/QĐ-TTg của Chính phủ về phát triển y, dược cổ truyền Việt Nam đến năm 2020 có mục tiêu đến năm 2020 tỷ lệ khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến xã đạt 40% [8]. Thành phố Hà Nội là Thủ đô - Trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả nước, nơi tập trung nhiều loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh công, tư sử dụng công nghệ cao, hiện đại... người dân có nhiều cơ hội trong việc tiếp cận, lựa chọn, sử dụng các dịch vụ khám chữa bệnh cả tây y và y học cổ truyền. Câu hỏi đặt ra là thực trạng hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã ở Hà Nội như thế nào? Giải pháp để nâng cao tỷ lệ và chất lượng khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền của trạm y tế xã? Đây là lý do chúng tôi nghiên cứu đề tài: “Thực trạng hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại tuyến xã ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội và hiệu quả giải pháp can thiệp (2017 – 2019)”. Mục tiêu nghiên cứu: 1) Mô tả thực trạng hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền tại trạm y tế xã, huyện Phú Xuyên, Hà Nội năm 2017. 2) Đánh giá hiệu quả giải pháp can thiệp cải thiện hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền ở hai xã của huyện Phú Xuyên, Hà Nội (2017 – 2019).