Trên thực tế, công nghệ biến thân tre thành xe đạp đã ra đời từ năm 1995, do một kỹ sư người Mỹ – Craig Calfee – sáng tạo ra. Tre có sức căng tốt hơn thép, có thể ghép với nhau bằng các loại sợi tự nhiên và nhựa thông. Một khung xe hoàn thiện sẽ có những ưu điểm như nhẹ, chịu được lực va chạm mạnh, dễ dàng điều khiển và vận chuyển hàng hóa rất tốt. Khi đó, xe đạp tre xuất hiện như một phép màu cho những người dân nghèo châu Phi, khi chi phí để mua một chiếc xe đạp nhập ngoại (thứ mà trong nước không thể sản xuất) là điều không tưởng. Dự án sản xuất xe đạp tre đã làm được hai mục đích lúc đó: tạo ra được loại xe đạp thồ hàng chất lượng cao, dễ sử dụng cho người dân lục địa đen, đồng thời xóa đói giảm nghèo cho người bản địa khi họ có thể tự sản xuất xe đạp.Chỉ trong một thời gian ngắn, xe đạp tre đã trở nên phổ biến ở Ghana. Cư dân bản địa không chỉ tự sản xuất phương tiện đi lại mà còn xuất khẩu sản phẩm độc đáo này đi khắp thế giới. Việt Nam là một nước nằm trong top những nước có diện tích tre nứa lớn nhất thế giới. Xét về tiểu thủ công nghiệp, xuất khẩu mây tre đan của Việt Nam cũng đứng thứ 3 thế giới. Ở Việt Nam, xe đạp tre đã được công ty mây tre đan Xuân Lai đưa vào sản xuất từ năm 2006. “Với đặc tính kết hợp từ những cây trúc có đặc tính không mối mọt, có khả năng chịu được mưa nắng, thân thiện với môi trường công ty đã xuất khẩu được ra nhiều nước EU”, và sản phẩm đã có mặt ở một số thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Mỹ, EU, trong đó chủ yếu là thị trường EU, thị trường trong nước là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương, Điện Biên,...