ĐẶT VẤN ĐỀ Thuốc vừa hàng hóa đặc biệt, vừa là hàng hóa thiết yếu, có vai trò quan trọng trong phòng bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe. Nhờ phát minh ra thuốc và nhờ vào mạng lưới cung ứng thuốc cho người dân tại cộng đồng ngày càng phát triển về số lượng và cải thiện chất lượng, do đó nhiều bệnh dịch lớn trên thế giới và ở Việt Nam đã được khống chế và thanh toán, góp phần tích cực vào phá triển kinh tế - xã hội ở mỗi quốc gia [1]. Liên đoàn Dược phẩm Quốc tế (FIP) đánh giá hoạt động chăm sóc thuốc cho người dân thông qua hệ thống các nhà thuốc và cơ sở bán lẻ thuốc trong cộng đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc “cung ứng và sử dụng thuốc có trách nhiệm”, tại đây người dược sĩ thể hiện được trách nhiệm của mình trong việc cung ứng thuốc đảm bảo chất lượng, hướng dẫn giúp người bệnh được sử dụng đúng thuốc và tư vấn hợp lý để họ hiểu và tuân thủ điều trị [2]. Tại Việt Nam, từ năm 2007 đến nay, hệ thống nhà thuốc phát triển mạnh mẽ cả số lượng và chất lượng, bao phủ khắp các xã, phường trên phạm vi cả nước, đáp ứng cơ bản nhu cầu về thuốc thiết yếu cho người dân trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, song việc thực hành nhà thuốc vẫn chủ yếu tập trung vào thuốc hơn là vào người bệnh. Thông tư 46/2011/TT- BYT về việc ban hành nguyên tắc, tiêu chuẩn "Thực hành tốt nhà thuốc", được gọi tắt là GPP, đã tạo ra sự thay đổi lớn trong thực hành nghề nghiệp ở nhà thuốc. Theo đó, các hoạt động bảo quản, tồn trữ và cấp phát thuốc được coi là các biện pháp kỹ thuật còn vấn đề cốt lõi của thực hành nghề nghiệp ở nhà thuốc là chăm sóc dược. Điều này thể hiện ở việc dược sĩ và nhân viên nhà thuốc đặt lợi ích của người bệnh và sức khỏe cộng đồng lên trên hết, cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn thích hợp cho người sử dụng và theo dõi việc sử dụng thuốc của họ, góp phần đẩy mạnh kê đơn phù hợp, kinh tế và việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả [3], [4], đến nay đã hơn 10 năm, khi mà lộ trình thực hiện GPP đã hoàn tất và đi vào giai đoạn ổn định. Tuy nhiên, một số nghiên cứu những năm gần đây cho thấy các nhà thuốc GPP còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và thiếu sót trong việc chấp hành các quy định “Thực hành tốt nhà thuốc”. Một nghiên cứu 40 nhà thuốc tại Cần Thơ năm 2016 cho thấy, chỉ có 10% dược sĩ phụ trách chuyên môn có mặt khi nhà thuốc hoạt động; trong 200 lượt đóng vai khách hàng mua thuốc kháng sinh, chỉ có 57,0% lượt khách hàng được người bán thuốc hỏi một số nội dung như: đơn thuốc (8,0%), nguyên nhân mua thuốc (30,5%), dấu hiệu nhiễm khuẩn (3,5%) và chỉ có 19,5% và 14,0% lượt khách hàng được người bán thuốc đưa ra lời khuyên – tư vấn dùng đủ liều và cần đi khám bác sĩ... [5 ]. Một nghiên cứu tại 60 nhà thuốc ở Đồng Tháp (2017), cho thấy, nhân viên bán thuốc có hướng dẫn, tư vấn về sử dụng thuốc cho khách hàng mua thuốc đạt tỷ lệ rất thấp: thời điểm dùng thuốc trong ngày (10,0%), số lần dùng thuốc/ngày (1,7%)... [6]. Từ thực trạng trên, câu hỏi được đặt ra là hoạt động cung ứng thuốc của các nhà thuốc liệu có tiếp tục được duy trì và đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự, thực hành chuyên môn như kết quả thẩm định GPP ban đầu không? Mức độ hài lòng của khách hàng mua thuốc như thế nào? Vì vậy, chúng tôi nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu thực trạng hoạt động cung ứng thuốc của các nhà thuốc tại một số tỉnh/thành phố miền Bắc”. Mục tiêu nghiên cứu: 1. Phân tích thực trạng hoạt động cung ứng thuốc của các nhà thuốc đạt chuẩn GPP tại một số tỉnh/thành phố miền Bắc (2016 – 2018). 2. Đánh giá sự hài lòng của khách hàng về chất lượng dịch vụ tại các nhà thuốc nghiên cứu (2016 – 2018).