Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn với đối tượng học sinh vùng dân tộc, học sinh vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Cuộc vận động đổi mới phương pháp dạy học đã diễn ra từ nhiều năm nay. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần phải bàn bạc trao đổi. Việc đổi mới phương pháp dạy học phải nhằm vào mục đích của nó, đó là thay đổi lối dạy học truyền thụ một chiều sang dạy học theo “ Phương pháp dạy học tích cực ” nhằm giúp học sinh phát huy tính tích cực, tự giác chủ động, sáng tạo, rèn luyện thói quen và kỹ năng tự học, tinh thần hợp tác, khả năng vận dụng kiến thức vào những tình huống khác nhau trong học tập và trong thực tiễn; tạo niềm tin, niềm vui, hứng thú trong học tập, khai thác và xủ lý thông tin… tự hình thành hiểu biết, năng lực và phẩm chất. Tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh, dạy học sinh tìm ra chân lý, dạy học sinh cách học. Học để đáp ứng những yêu cầu của cuộc sống hiện tại và tương lai. Với vị trí quan trọng và thế mạnh riêng, trong chương trình THPT, môn ngữ văn trước hết giúp học sinh tiếp xúc với vẻ đẹp kỳ diệu và phong phú của tiếng mẹ đẻ, tiếp xúc với vốn văn hoá dân tộc và văn hoá nhân loại được kết tinh trong tác phẩm văn học, để bồi dưỡng tâm hồn, góp phần hình thành và phát triển toàn diện nhân cách của học sinh. Đổi mới phương pháp dạy học văn ở trường phổ thông trên tinh thần đề cao vai trò chủ động, tích cực của học sinh trong hoạt động nhận thức, cảm thụ và ứng dụng các kiến thức, kỹ năng văn học. Giáo viên không còn là người chỉ biết truyền thụ kiến thức, kỹ năng văn học đúng hướng, đúng cách tránh sự suy diễn, phỏng đoán hay áp đặt. Mà còn là người hướng dẫn học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của tác phẩm văn học, bộc lộ sự hiểu, cảm ấy bằng ngôn ngữ và tình cảm của lứa tuổi mình. Các kỹ năng đọc, phân tích, bình giá, diễn đạt bằng ngôn ngữ nói - viết sẽ được hình thành chắc chắn và bền vững. Để có thể thực hiện tốt đổi mới phương pháp dạy học văn ở trường THPT, đòi hỏi mỗi giáo viên dạy văn phải nắm vững những đặc điểm của đối tượng học sinh mình đang dạy về tâm lí, đều kiện học tập, điều kiện gia đình, năng lực học tập, năng lực giao tiếp, năng lực hoạt động nhóm, sinh hoạt tập thể… Giảng dạy bộ môn văn với đối tượng học sinh vùng dân tộc, học sinh vùng có điều kinh tế - xã hội khó khăn, đòi hỏi người giáo viên dạy văn càng phải phát huy vai trò tổ chức, hướng dẫn, là người mở cho học sinh con đường đầy sáng tạo, chủ động trong tiếp nhận và cảm thụ văn học. Giáo viên phải huy động, linh hoạt tài năng và nghệ thuật sư phạm để các hoạt động học tập của học sinh đạt được kết quả cao nhất. Qua thực tế giảng dạy bộ môn ngữ văn ở trường THPT Thị Xã Nghĩa Lộ, một thị xã phía Tây của tỉnh Yên Bái, nơi có nhiều học sinh dân tộc và nông thôn cư trú, đời sống kinh tế còn rất nhiều khó khăn. Toàn trường học sinh dân tộc chiếm 39%; học sinh vùng nông thôn là 72% và có tới 13 xã thuộc diện khó khăn của Tỉnh. Với đối tượng học sinh như vậy tôi nhận thấy có những khó khăn hạn chế từ phía học sinh như sau : + Về tiếp thu kiến thức, phần lớn các em học sinh gặp khó khăn trong quá trình tiếp thu kiến thức từ các bài giảng của thầy cô, bên cạnh đó khả năng vận dụng kiến thức đã học để cảm thụ một tác phẩm văn chương còn yếu. Trong các giờ học học sinh vẫn chưa thực sự phát huy được vai trò chủ động sáng tạo trong tiếp nhận, trước nhưng câu hỏi của giáo viên học sinh vẫn còn lười suy nghĩ, chưa mạnh dạn, hiệu quả của hoạt động nhóm chưa cao. + Năng lực tự học, tự nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa còn yếu. Khả năng diễn đạt, phát âm, dùng từ, đặt câu thiếu chính xác. + Thiếu vốn sống, kinh nghiệm sống, hạn chế trong nhận thức cũng như những kiến thức về cuộc sống xã hội. Thậm chí nhiều học sinh còn thiếu động cơ học tập, thiếu định hướng nghề nghiệp… Lý do dẫn đến những hạn chế trên : + Không có thời gian học: nhiều em phải làm nhiều công việc gia đình nên không có thời gian để học bài ở nhà, thậm chí có em còn là lao động chính trong gia đình. + Thiếu những điều kiện học tập thiết yếu: đồ dùng học tập, tài liệu tham khảo, không có người giúp đỡ để hiểu thêm bài khi thầy cô giao. + Nhiều em không xác định được mục đích và động cơ học tập, trong khi đó bố mẹ không định hướng được tương lai cho con cái. Với tình hình thực tế như vậy có thể nói rất khó khăn cho giáo viên khi đứng lớp, vậy làm thế nào để áp dụng được phương pháp dạy học mới, phù hợp với đối tượng học sinh của trường, khắc phục những điểm yếu, nâng cao chất lượng dạy học bộ môn ? Đó là những câu hỏi mà bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp trong tổ bộ môn trăn trở suy nghĩ, đưa ra nhiều giải pháp tìm lời giải cho những câu trả lời đó. Tôi xin được đưa ra một số giải pháp để chúng ta cùng tham khảo, thảo luận, góp ý : - Bồi dưỡng tình cảm hứng thú, giáo dục thái độ tích cực, tinh thần chủ động, sáng tạo trong học tập của học sinh. Từ nhiều năm nay, phương pháp dạy văn đổi mới đã hướng tới học sinh, chú trọng phát triển hứng thú học văn của học sinh. Một trong những mục đích của giờ học văn là làm sao gây được rung động thẩm mĩ, giáo dục nhân cách cho học sinh. Tuy nhiên việc gây được hứng thú cho các em còn phụ thuộc vào tài năng sư phạm, lòng nhiệt tình của giáo viên, giáo viên có thể sử dụng những thao tác, biện pháp, để kích thích hứng thú cho học sinh, có thể bằng lời giới thiệu, bằng hệ thống các câu hỏi, bằng việc tạo dựng bầu không khí văn chương, hoặc làm thế nào đó để những tác phẩm văn chương gần gũi với thực tế cuộc sống hơn… - Để có thể tạo cho học sinh một khả năng cảm thụ độc lập và có sáng tạo. Giáo viên phải là người khơi nguồn còn học sinh là nhân vật trung tâm, học sinh là người trực tiếp đi vào mổ xẻ, phát hiện những khía cạnh độc đáo của tác phẩm văn chương. 2 - Cần tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khoá về văn học, đặc biệt là tổ chức cho các em tham quan tìm hiểu thực tế những vấn đề liên quan tới bộ môn ( có thể tìm hiểu về văn học dân gian ở địa phương… ) từ đó bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước, ý thức gìn giữ và phát huy truyền thống văn hoá văn học của dân tộc mình. - Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá, phân loại từng đối tượng học sinh trong lớp để có biện pháp giảng dạy cũng như kế hoạch bồi dưỡng phù hợp ( như : tâm lý, điều kiện học tập, điều kiện gia đình… ) - Đối với giáo viên cần chú trọng đầu tư thời gian vào việc thiết kế bài giảng sao cho khoa học, sắp xếp hợp lí các hoạt động của thầy và trò, thiết kế các câu hỏi hợp lí tập trung vào trọng tâm, vừa sức tiếp thu của học sinh. Chú trọng việc nghiên cứu tìm tòi mở rộng kiến thức. Tuỳ từng đối tượng học sinh mà giáo viên đưa ra phương pháp dạy học thích hợp, linh hoạt sao cho đạt được hiệu quả cao nhất, không nên chỉ áp dụng một phương pháp nào đó cho tất cả các đối tương học sinh. - Tăng cường yêu cầu tự học, tự nghiên cứu bài học đối với học sinh trên cơ sở có sự hướng dẫn, định hướng và giúp đỡ của giáo viên. Chú ý bồi dưỡng năng lực độc lập suy nghĩ, vận dụng sáng tạo những kiến thức đã học, tránh thiên về ghi nhớ máy móc không nắm được bản chất. - Một trong những nội dung của chủ đề năm học là “ Ứng dụng công nghệ thông tin ” giáo viên cần sử dụng phù hợp với đặc trưng bộ môn sao cho đạt hiệu quả, tránh tình trạng chạy theo phong trào, thành tích. Để làm được như vậy, thiết nghĩ người giáo viên phải yêu nghề, có lòng nhiệt tình tâm huyết với học sinh. Ngoài tài năng, trí thức khoa học cần có sự khéo léo, lòng chân thành và nhân cách gương mẫu. Mỗi thầy cô cần xây dựng cho mình một ý thức, thái độ tự học, tự rèn luyện để phát triển chính mình. Đứng trước mỗi bài thơ, mỗi văn bản trích đoạn tác phẩm thầy cô có thể sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề vượt tầm hiểu biết của mình, thầy cô không nên dừng lại ở vốn liếng được đào tạo trang bị ở trường Đại học mà yêu cầu cần phải chịu khó đọc thêm, nghiên cứu tìm tòi. ( Hiện nay, sách vở tài liệu về phương pháp, giáo án mẫu, các phương tiện hỗ trợ dạy học để các thầy cô tham khảo rất dồi dào. Trên cơ sở đó mỗi thầy cô hãy tạo cho mình một “thương hiệu”, một phong cách dạy riêng, linh hoạt để tạo ấn tượng tốt đối với học trò mỗi giờ lên lớp. ) Cùng nhau bàn bạc trao đổi nhằm tìm ra một ( hay một vài ) phương pháp dạy học văn nào đó, giúp cho học sinh hứng thú và học tốt môn văn hơn là việc cần làm đối với mỗi nhà giáo có trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp trồng người. Tuy vậy việc thay đổi hay triển khai, áp dụng vào thực tế dạy học một “phương pháp mới” nào đó thiết nghĩ trước hết, phải nhìn thẳng vào thực tế và hoàn cảnh của mỗi trường, mỗi đối tượng học sinh, mỗi vùng, miền… xem có thể áp dụng được hay không, áp dụng như thế nào…? Trên đây là một số suy nghĩ của cá nhân tôi về dạy học văn ở một trường miền núi có nhiều học sinh dân tộc, vùng nông thôn cư trú, nơi mà điều kiện kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn. Rất mong nhận được những đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp. 3 Xin ch©n thành cảm ơn ! 4