BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG NGÔ DUY KHIÊM ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC THIẾT LẬP KHU BẢO TỒN BIỂN ĐẾN PHÚC LỢI CỦA NGƯ DÂN ĐỊA PHƯƠNG – NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP KHU BẢO
Trang 1BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG
NGÔ DUY KHIÊM
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC THIẾT LẬP
KHU BẢO TỒN BIỂN ĐẾN PHÚC LỢI CỦA NGƯ DÂN ĐỊA PHƯƠNG – NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP KHU BẢO TỒN BIỂN VỊNH
NHA TRANG
LUẬN VĂN THẠC SĨ
KHÁNH HÒA – 2018
Trang 2BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NHA TRANG
NGÔ DUY KHIÊM
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC THIẾT LẬP
KHU BẢO TỒN BIỂN ĐẾN PHÚC LỢI CỦA NGƯ DÂN ĐỊA PHƯƠNG – NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP KHU BẢO TỒN BIỂN VỊNH
PGS.TS NGUYỄN THỊ KIM ANH
Phòng Đào tạo Sau Đại học:
KHÁNH HÒA – 2018
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan mọi kết quả của đề tài: “Đánh giá tác động của việc thiết lập
khu bảo tồn biển đến phúc lợi của ngư dân địa phương – Nghiên cứu trường hợp
khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang” là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi và chưa
từng được công bố trong bất cứ công trình khoa học nào khác cho tới thời điểm này
Khánh Hòa, tháng 9 năm 2018
Tác giả luận văn
Ngô Duy Khiêm
Trang 4
LỜI CẢM ƠN
Trong suốt thời gian thực hiện đề tài, tôi đã nhận được sự giúp đỡ của quý phòng
ban trường Đại học Nha Trang, Khoa Kinh tế, Phòng Đào tạo Sau đại học và các quý
Thầy, Cô giảng dạy chương trình Đặc biệt là sự hướng dẫn tận tình của TS Quách
Thị Khánh Ngọc đã giúp tôi hoàn thành tốt đề tài Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu
sắc đến sự giúp đỡ này
Tôi cũng xin chân thành cảm ơn các Phòng, Ban, Lãnh đạo và các bạn bè, đồng
nghiệp tại thành phố Nha Trang đã nhiệt tình cung cấp thông tin giúp tôi thực hiện
thành công đề tài
Cuối cùng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến gia đình và tất cả bạn bè đã giúp
đỡ, động viên tôi trong suốt quá trình học tập và thực hiện đề tài
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Khánh Hòa, ngày 02 tháng 9 năm 2018
Tác giả luận văn
Ngô Duy Khiêm
Trang 5MỤC LỤC
LỜI CAM ĐOAN iii
LỜI CẢM ƠN .iv
MỤC LỤC .v
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT viii
DANH MỤC BẢNG .ix
DANH MỤC HÌNH, SƠ ĐỒ x
TRÍCH YẾU LUẬN VĂN .xi
CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU .1
1.1 Xác định vấn đề nghiên cứu .1
1.2 Mục tiêu nghiên cứu .2
1.2.1 Mục tiêu tổng quát 2
1.2.2 Mục tiêu cụ thể .2
1.3 Câu hỏi nghiên cứu 2
1.4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu .3
1.4.1 Đối tượng nghiên cứu .3
1.4.2 Phạm vi nghiên cứu .3
1.5 Phương pháp nghiên cứu .3
1.6 Ý nghĩa của đề tài nghiên cứu .3
1.6.1 Về mặt khoa học .3
1.6.2 Về mặt thực tiễn .4
1.7 Cấu trúc của luận văn .4
CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT 5
2.1 Các khái niệm liên quan .5
2.1.1 Khái niệm khu bảo tồn .5
2.1.2 Khu bảo tồn biển .5
2.1.3 Mục tiêu của các khu bảo tồn biển .6
Trang 62.1.4 Khái niệm về phúc lợi và mối liên quan với hệ sinh thái .9
2.1.5 Phúc lợi của ngư dân từ quan điểm nghề cá 13
2.2 Các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan .14
2.2.1 Các công trình nghiên cứu trong nước .14
2.2.2 Công trình nghiên cứu ngoài nước .15
2.3 Khung phân tích của nghiên cứu .16
Tóm tắt chương 2 16
CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU .17
3.1 Giới thiệu về địa bàn nghiên cứu 17
3.1.1 Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang .17
3.1.2 Đặc điểm kinh tế xã hội của hộ dân trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang 20
3.2 Phương pháp nghiên cứu .21
3.2.1 Cách tiếp cận nghiên cứu .21
3.2.2 Phương pháp chọn mẫu .23
3.3 Loại dữ liệu thu thập 24
3.3.1 Dữ liệu thứ cấp .24
3.3.2 Dữ liệu sơ cấp 24
3.4 Phương pháp phân tích số liệu .25
Tóm tắt chương 3 25
CHƯƠNG 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU .26
4.1 Hiện trạng đa dạng sinh học tại KBTB vịnh Nha Trang 26
4.1.1 Đa dạng sinh học biển .26
4.1.2 Hệ sinh thái rạn san hô .28
4.1.3 Thành phần thủy sản được khai thác .30
4.2 Tác động của KBTB đến phúc lợi của ngư dân địa phương .31
4.2.1 Sự thay đổi trong phương tiện đánh bắt của ngư dân trong vịnh Nha Trang 31
4.2.2 Sự thay đổi việc làm của ngư dân địa phương .33
Trang 74.2.3 Thu nhập và thay đổi thu nhập từ hoạt động khai thác thủy sản 35
4.2.4 Quản lý và sự chấp hành các quy định của KBTB 37
4.3 Thảo luận kết quả nghiên cứu .41
CHƯƠNG 5: MỘT SỐ GỢI Ý CHÍNH SÁCH NHẰM BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ NÂNG CAO PHÚC LỢI CHO CỘNG ĐỒNG NGƯ DÂN XUNG QUANH KBTB NHA TRANG 44
5.1 Gợi ý chính sách .44
5.2 Kết luận và kiến nghị 48
5.3 Những hạn chế của nghiên cứu và hướng nghiên cứu tiếp theo .51
TÀI LIỆU THAM KHẢO .52 PHỤ LỤC
Trang 8DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
BQL : Ban quản lý
IUCN : Tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới
KBTB : Khu bảo tồn biển
MEA : Báo cáo đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ
UBND : Ủy ban nhân dân
WB : Ngân hàng thế giới
Trang 9DANH MỤC BẢNG
Bảng 3.1 Các ngành nghề khai thác thủy sản trên các khóm đảo vịnh Nha Trang .20
Bảng 3.2 Mối quan hệ giữa tổng thể và kích thước mẫu 23
Bảng 3.3 Vùng nghiên cứu và số phiếu điều tra 24
Bảng 4.1 Tỷ lệ (%) thành phần đánh bắt .31
Bảng 4.2 Phân phối số người trả lời theo khu vực nghiên cứu .33
Bảng 4.3 Đặc điểm kinh tế xã hội của các hộ đánh bắt thủy sản .34
Bảng 4.4 Cơ cấu nghề nghiệp tại vịnh Nha Trang .35
Bảng 4.5 Sản lượng và doanh thu bình quân trên một chuyến biển 35
Bảng 4.6 Đánh giá của ngư dân về sản lượng thủy sản 36
Bảng 4.7 Tổng hợp số vụ vi phạm quy chế KBTB vịnh Nha Trang về khai thác thủy sản các năm 40
Trang 10DANH MỤC HÌNH, SƠ ĐỒ
Sơ đồ 2.1 Các loại hình khu bảo tồn 5
Sơ đồ 2.2 Các loại hình KBTB 6
Sơ đồ 2.3 Khung phân tích của nghiên cứu 16
Hình 2.1 Mối liên hệ giữa Hệ sinh thái và phúc lợi con người .13
Hình 4.1 Rạn san hô tại vịnh Nha Trang .27
Hình 4.2 Độ phủ san hô cứng (%) trên tổng diện tích rạn san hô 1994 - 2010 28
Hình 4.3 Độ phủ san hô Acropora và san hô khác ở Hòn Miễu, 2001 - 2010 .29
Hình 4.4 Độ phủ cao của san hô sống Porites (cận cảnh) và Montipora spp., Đông Bắc Hòn Tre 30
Hình 4.5 Biến động tàu cá trong vịnh Nha Trang qua các năm .31
Hình 4.6 Biến động số lượng tàu cá đóng mới tại vịnh Nha Trang qua các năm .32
Hình 4.7 Tình hình du khách đến tham quan các đảo trong KBTB vịnh Nha Trang 1995 - 2014 .34
Hình 4.8 Khu Du lịch Hòn Tằm và Vinpearl Land Nha Trang 35
Hình 4.9 Nhận thức về tác động của KBTB từ những quan điểm khác nhau .38
Hình 4.10 Số lượng các vụ vi phạm khai thác thủy sản trong KBTB qua các năm 40
Trang 11TRÍCH YẾU LUẬN VĂN
Khu bảo tồn biển là một công cụ quản lý tài nguyên được sử dụng để làm chậm lại và cuối cùng đảo ngược quá trình suy giảm hệ sinh thái ven biển Trên thế giới, các nhà khoa học đã nhận ra giá trị của khu bảo tồn biển, đặc biệt là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trong việc cải thiện sức khỏe hệ sinh thái, bao gồm sự tồn tại và phát triển của ngành thủy sản (NCEAS, 2001) Trong số các khu bảo tồn đang hoạt động ở nước
ta thì Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang là khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam được xem là khu bảo tồn biển có tầm quan trọng quốc tế vì nó có số loài san hô tương
tự như ở các trung tâm thế giới về đa dạng san hô ở khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương
Tuy nhiên, việc thiết lập khu bảo tồn biển sẽ có tác động đến sinh kế và phúc lợi của người dân xung quanh khu bảo tồn, đặc biệt là cộng đồng ngư dân địa phương, do đó mục tiêu của đề tài này là nhằm đánh giá tác động của khu bảo tồn biển đến các yếu tố cấu thành phúc lợi của cộng đồng ngư dân địa phương mà cụ thể là ngư dân sống và sinh hoạt xung quanh phạm vi Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang Luận văn sẽ tập trung trên các khía cạnh liên quan đến phúc lợi của ngư dân: i) tiếp cận nguồn tài nguyên (thể hiện qua sự thay đổi ngư trường đánh bắt); ii) việc làm; iii) thu nhập; và iv) nhận thức của ngư dân về việc quản lý và chấp hành của quy định của khu bảo tồn biển Những chỉ số này sẽ được coi như là sự đóng góp của khu bảo tồn biển
và các tác động của các khu bảo tồn biển đến đời sống của cộng đồng
Kết quả nghiên cứu của đề tài cho thấy việc thiết lập khu bảo tồn biển mang lại nhiều lợi ích cho hệ sinh thái rạn san hô và bảo vệ các loài thủy sản, điều này được sự thừa nhận của chính các ngư dân địa phương, đồng thời cũng mang đến nhiều lựa chọn sinh kế cho họ thông qua hoạt động du lịch sinh thái hoặc tiêu thụ các loài thủy sản đánh bắt được Tuy nhiên khu bảo tồn biển lại tác động rất lớn đến khía cạnh phúc lợi khác của ngư dân địa phương đặc biệt là việc ngư dân phải đóng mới các tàu
cá với công suất lớn hơn, to hơn để đi được dài ngày hơn do phải thay đổi ngư trường đánh bắt; cơ cấu việc làm của ngư dân cũng thay đổi, có sự chuyển dịch sang nghề khác như du lịch sinh thái và buôn bán nhỏ
Trang 12Qua khảo sát của nghiên cứu, 72,55 % ngư dân đánh giá việc thành lập KBTB làm cho thu nhập của họ giảm nhiều và 63,73% nhận thấy sản lượng cá đánh bắt được hiện tại giảm nhiều so với 4 - 5 năm trước đây Bên cạnh đó, đa số ngư dân cho rằng việc chấp hành các quy định của khu bảo tồn biển chỉ ở mức tương đối và các nhà quản lý của khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang vẫn chưa thực sự tạo điều kiện cho cộng đồng cùng tham gia vào việc xây dựng và quản lý khu bảo tồn biển
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhau bao gồm phân tích định tính và phân tích định lượng Hai phương pháp phân tích này sẽ hỗ trợ tích cực cho nhau trong việc làm sáng tỏ các nhận định và rút ra kết luận của vấn đề nghiên cứu
Từ khóa: Đánh giá tác động, việc thiết lập khu bảo tồn biển, phúc lợi, ngư dân địa phương, nghiên cứu trường hợp khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang
Trang 13CHƯƠNG 1: GIỚI THIỆU
1.1 Xác định vấn đề nghiên cứu
Khu bảo tồn biển (KBTB) là một công cụ quản lý tài nguyên được sử dụng để làm chậm lại và cuối cùng đảo ngược quá trình suy giảm hệ sinh thái ven biển Trên thế giới, các nhà khoa học đã nhận ra giá trị của KBTB, đặc biệt là phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trong việc cải thiện sức khỏe hệ sinh thái, bao gồm sự tồn tại và phát triển của ngành thủy sản (NCEAS, 2001) Vào tháng 5 năm 2010, Thủ tướng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Quyết định số 742 về việc thành lập 16 KBTB như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế bền vững Trong
16 khu này, có 9 khu đã được chính thức phân ranh giới
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang là KBTB đầu tiên ở Việt Nam, được thành lập năm 2001 nhằm mục đích bảo tồn đa dạng sinh học biển và góp phẩn cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương Để khu bảo tồn có thể đạt được các mục tiêu đặt ra đã có nhiều quy định được thực thi Gần đây, nhằm bảo vệ tốt hơn nữa các hệ sinh thái biển
và nguồn lợi thủy sản trong Khu bảo tồn biển, Quy chế quản lý vịnh Nha Trang đã được Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa ban hành tại Quyết định số 3363/QĐ-UBND ngày 09/12/2014 Trong đó, phạm vi bảo vệ gồm có 3 phân khu: Phân khu bảo
vệ nghiêm ngặt là toàn bộ khu vực phía Đông, Đông Nam Hòn Tre, từ Đầm Báy trở ra Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Cau và Hòn Vung, bao gồm các khu phục hồi và bảo tồn rừng trên các đảo và các vùng nước xung quanh các đảo có giới hạn từ mép nước chân đảo (mức thủy triều thấp nhất) ra phía biển 300 mét; Phân khu phục hồi sinh thái là các đảo và các vùng nước xung quanh các đảo: Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Miễu
và phần còn lại của đảo Hòn Tre có giới hạn từ mép nước chân đảo (mức thủy triều thấp nhất) ra phía biển 300 mét và vùng nước 300 mét bao quanh các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Phân khu phát triển là những phần còn lại của vịnh Nha Trang, bao gồm vùng biển và đất liền xác định theo tọa độ, ranh giới được quy định tại Quyết định
số 738/QĐ-UB ngày 21 tháng 3 năm 2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc xác định ranh giới vịnh Nha Trang
Qua các cuộc nghiên cứu cho thấy KBTB giúp hỗ trợ các nguồn sinh kế thay thế bằng cách thúc đẩy việc sử dụng bền vững tài nguyên ven biển như du lịch sinh thái (Agardy, 1993), quy hoạch KBTB đang được tiến hành tại rất nhiều quốc gia với
Trang 14những kết quả khả quan, có lợi cho các cộng đồng dân cư và hệ sinh thái (Samonte et
al, 2010; Palumbi, 2002) Tuy nhiên, việc thiết lập KBTB cũng gây ảnh hưởng rất lớn đến các khía cạnh phúc lợi của cộng đồng dân cư trong các KBTB nói chung và của ngư dân nói riêng đặc biệt là do việc quy hoạch phân khu bảo vệ
Việc xác định giá trị và ảnh hưởng của KBTB đối với phúc lợi của ngư dân ven biển là bước đầu tiên để bảo vệ và quản lý các hệ sinh thái cũng như thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế và để đánh giá ảnh hưởng của KBTB đến cộng đồng ngư dân địa phương cần có sự đánh giá đúng đắn trên nhiều phương diện khác nhau Xuất phát từ
những lí do trên, việc nghiên cứu đề tài: “Đánh giá tác động của việc thiết lập khu
bảo tồn biển đến phúc lợi của ngư dân địa phương - Nghiên cứu trường hợp khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang” là cần thiết
1.2 Mục tiêu nghiên cứu
1.2.1 Mục tiêu tổng quát
Mục tiêu tổng quát của đề tài nhằm đánh giá tác động của việc thiết lập KBTB vịnh Nha Trang đến đến phúc lợi của cộng đồng ngư dân địa phương, từ đó đề xuất một số gợi ý chính sách để nâng cao phúc lợi cho ngư dân và kết nối họ với việc bảo
vệ đa dạng sinh học tại KBTB
1.2.2 Mục tiêu cụ thể
- Đánh giá hiện trạng về hệ sinh thái biển tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang
- Đánh giá tác động của việc thiết lập khu bảo tồn biển đến phúc lợi của cộng đồng ngư dân tại KBTB vịnh Nha Trang
- Đề xuất một số gợi ý chính sách nhằm củng cố việc bảo tồn nguồn lợi và kết nối ngư dân trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao phúc lợi của họ
1.3 Câu hỏi nghiên cứu
- Hệ sinh thái biển thay đổi như thế nào từ khi khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang được thành lập?
- Phúc lợi của ngư dân địa phương bị ảnh hưởng như thế nào từ việc thiết lập khu bảo tồn biển?
- Cần có những chính sách gì để cải thiện, nâng cao phúc lợi cho cộng đồng ngư dân quanh khu bảo tồn?
Trang 151.4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
1.4.1 Đối tượng nghiên cứu
Những tác động của khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang đến phúc lợi của ngư dân địa phương
1.4.2 Phạm vi nghiên cứu
Nghiên cứu của đề tài được thực hiện trong phạm vi như sau:
- Về không gian: Thực hiện nghiên cứu tại các địa phương xung quanh khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, bao gồm 05 đảo: Bích Đầm, Hòn Một, Trí Nguyên, Đầm Báy và Vũng Ngán
- Về thời gian: Đề tài thực hiện từ tháng 11/2015 đến tháng 07/2018
1.5 Phương pháp nghiên cứu
Trong khuôn khổ nghiên cứu, tác giả điều tra, thu thập các thông tin cần thiết thông qua bảng câu hỏi khảo sát các ngư dân sống trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện
Đề tài chủ yếu sử dụng phương pháp định tính và phương pháp phân tích thống
kê Dữ liệu sau khi thu thập được xử lý bằng phần mềm Microsoft Excel, thu được 102 mẫu có ý nghĩa, đầy đủ dữ liệu Sau khi lưu vào máy tính, dữ liệu sẽ được phân tích sử dụng các hàm thống kê như hàm Sum, Average… và dựa vào các chỉ số này để rút ra nhận xét sau khi tiến hành phân tích, so sánh
1.6 Ý nghĩa của đề tài nghiên cứu
1.6.1 Về mặt khoa học
Thứ nhất, đề tài nghiên cứu sẽ góp phần hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về các khu bảo tồn nói chung và khu bảo tồn biển nói riêng, hoạt động đánh bắt thủy hải sản theo cách tiếp cận kinh tế
Thứ hai, đề tài nghiên cứu sẽ tổng hợp và kế thừa các công trình nghiên cứu có liên quan, các công trình nghiên cứu trước; từ đó làm rõ được các đóng góp và hạn chế của đề tài, gợi ý các công trình nghiên cứu sau ở các khu vực khác
Thứ ba, từ cơ sở lý thuyết và tổng quan các công trình nghiên cứu trước đó, đề tài nghiên cứu sẽ xây dựng mô hình nghiên cứu về ảnh hưởng của khu bảo tồn biển đến phúc lợi cộng đồng ngư dân sống tại khu vực khu bảo tồn biển Vịnh Nha Trang
Trang 16Thứ tư, đề tài nghiên cứu là tài liệu tham khảo, cung cấp các dữ liệu khoa học cho các nhà quản lý, sinh viên các trường đại học, học viên cao học, đồng thời cũng là nền tảng các dẫn liệu khoa học cho các nghiên cứu tiếp theo
1.7 Cấu trúc của luận văn
Ngoài phần mục lục, bảng biểu, tài liệu tham khảo và phụ lục luận văn được chia làm 5 chương chính như sau:
- Chương 1: Giới thiệu: Chương này xác định vấn đề nghiên cứu, mục tiêu nghiên cứu, câu hỏi nghiên cứu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, ý nghĩa nghiên cứu và cấu trúc của luận văn
- Chương 2: Cơ sở lý thuyết: Chương này trình bày cơ sở lý thuyết về khái niệm khu bảo tồn, khái niệm khu bảo tồn biển, mối quan hệ hệ sinh thái và phúc lợi con người, một số nghiên cứu về phúc lợi con người Bên cạnh đó, chương cũng tổng quan các nghiên cứu trước trong nước và ngoài nước liên quan đến đề tài, mô hình nghiên cứu
- Chương 3: Phương pháp nghiên cứu: Chương này trình bày khái quát về địa bàn nghiên cứu, quy trình và cách tiếp cận nghiên cứu, phương pháp chọn mẫu/quy
mô mẫu, loại dữ liệu, cách thu thập dữ liệu và các công cụ phân tích dữ liệu
- Chương 4: Kết quả nghiên cứu: Chương này trình bày khái quát về hiện trạng
đa dạng sinh học của vịnh Nha Trang, mô tả mẫu nghiên cứu, thống kê mô tả nhân khẩu học Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng phân tích các ảnh hưởng của khu bảo tồn biển tới phúc lợi cộng đồng ngư dân địa phương tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang
- Chương 5: Một số gợi ý chính sách nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao
phúc lợi cho cộng đồng ngư dân xung quanh KBTB Nha Trang: Chương này gợi ý một
số chính sách để bảo tồn đa dạng sinh học của KBTB vịnh Nha Trang và nâng cao phúc lợi cho cộng đồng ngư dân địa phương đồng thời đưa ra kết luận và khuyến nghị
Trang 17CHƯƠNG 2: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
2.1 Các khái niệm liên quan
2.1.1 Khái niệm khu bảo tồn
Theo IUCN (1994): “Khu bảo tồn là một khu vực trên đất liền hoặc trên biển được khoanh vùng để bảo vệ da dạng sinh học, các tài nguyên thiên nhiên và văn hóa
đi kèm, được quản lý bằng các công cụ pháp luật hoặc các hình thức quản lý có hiệu quả khác”
Các loại hình khu bảo tồn: Theo báo cáo quốc gia của Việt Nam về các khu bảo tồn và phát triển thì khu bảo tồn bao gồm 05 loại: Khu rừng đặc dụng, Đất ngập nước, Khu bảo tồn biển, Khu di sản thế giới, Khu dự trữ sinh quyển
Sơ đồ 2.1 Các loại hình khu bảo tồn 2.1.2 Khu bảo tồn biển
Hiện nay, có khá nhiều tổ chức đưa ra các định nghĩa khác nhau về KBTB Theo
tổ chức bảo tồn thế giới IUCN (1988) một KBTB được định nghĩa như sau: “ Một khu
vực nào đó thuộc vùng triều hoặc dưới triều, cùng khối nước phía trên và các khu hệ động, thực vật, các đặc điểm lịch sử và văn hóa đi kèm được bảo hộ bởi pháp luật hoặc các biện pháp tích cực nhằm bảo vệ một phần hoặc toàn bộ môi trường tại đó”
Khu bảo tồn
Khu rừng
đặc dụng
Đất ngập nước
Khu dự trữ sinh quyển
Khu bảo tồn biển
Khu di sản thế giới
Khu rừng văn hóa lịch sử môi trường
Khu bảo tồn thiên nhiên Vườn quốc
gia
Trang 18Khu bảo tồn biển bao gồm một vùng biển (thường gồm những vùng đất và những vùng ven biển) được quản lý thông qua một hệ thống pháp lý và những phương tiện quản lý hiệu quả khác nhằm bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học hoặc nguồn lợi tự nhiên và các giá trị về văn hóa trong vùng Theo Nghị định số 27 của Chính phủ Việt Nam hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thủy sản, KBTB được định nghĩa như sau: Khu bảo tồn biển là vùng biển được xác định (kể cả đảo có trong vùng biển đó) có các loài động vật, thực vật, có giá trị và tầm quan trọng quốc gia hoặc quốc tế về khoa học, giáo dục, du lịch, giải trí được bảo vệ và quản lý theo quy chế của khu bảo tồn Khu bảo tồn biển trong Quy chế tạm thời quản lý KBTB Hòn Mun được hiểu: Là một vùng biển mà đa dạng sinh học cùng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các đặc điểm lịch
sử, văn hóa đi kèm được quản lý, duy trì và bảo vệ theo quy định của pháp luật Theo Nghị định số 57/2008/NĐ-CP: KBTB có tầm quan trọng quốc gia và quốc
tế được phân loại thành: Vườn quốc gia; Khu bảo tồn loài, sinh cảnh; Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh
Sơ đồ 2.2 Các loại hình KBTB 2.1.3 Mục tiêu của các khu bảo tồn biển
Các khu bảo tồn biển được thành lập nhằm đạt được rất nhiều những mục tiêu khác nhau Mục tiêu chung chủ yếu hiện nay là:
- Bảo tồn đa dạng sinh học là một mục tiêu của các khu bảo tồn biển, nếu không xét đến sự mở rộng đặc biệt về giải trí của chúng Bảo tồn đa dạng là quan trọng như nhau đối với việc duy trì các loài bản xứ, giúp để duy trì tính toàn vẹn của các quần xã sinh vật
Khu bảo tồn biển
Khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thủy sinh
Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Vườn quốc gia
Trang 19- Bảo tồn đa dạng gen: Các khu bảo tồn biển và ven bờ có thể giúp duy trì các ngân hàng gen theo một số cách Chúng bảo vệ những loài bị nguy hiểm, bị đe dọa, loài hiếm, loài có giá trị như những nguồn gen Sự tuyệt chủng địa phương và sự suy yếu của quần thể đã được dẫn tới một phần là từ sự tàn phá nơi cư trú và do nhu cầu cao về những loài như cá voi, rùa, bò biển, một số thân mềm và san hô Bảo tồn gen là quan trọng nhằm duy trì sự phù hợp của loài, với tất cả các quan hệ mật thiết về kinh
tế và xã hội
- Bảo tồn các hệ sinh thái và duy trì các quá trình sinh học: Các khu bảo tồn biển
có thể bảo tồn toàn bộ các hệ sinh thái duy nhất, đặc biệt phong phú về loài, đại diện của các đơn vị địa sinh, hoặc có khả năng sản xuất hải sản đặc biệt Có thể có các hệ sinh thái duy nhất có đầy đủ các loài mà không nơi nào tìm thấy Những hệ sinh thái này đại diện cho sự đầu tư tự nhiên có rủi ro cao của đa dạng sinh học và những nguồn gen có liên quan, tất cả chúng có thể bị mất đi nếu những nơi cư trú như thế bị phá hủy Các hệ sinh thái giàu về loài - có tính đa dạng sinh học cao - đại diện cho sự đầu
tư tốt vì nỗ lực bảo tồn
- Các khu bảo tồn biển giúp duy trì năng suất của các hệ sinh thái; giữ an toàn cho các quá trình sinh thái quan trọng bằng cách kiểm soát các hoạt động tàn phá hoặc phá hủy môi trường một cách tự nhiên Một vài trong số các quá trình này là vật lý, như sự vân chuyển của nước, thức ăn, và sinh vật bởi trọng lực, sóng và dòng chảy Những quá trình khác là quá trình khác là hóa học như hàm lượng và sự trao đổi khí và chất khoáng, và sinh học, như dinh dưỡng chuyển từ một mức dinh dưỡng sang một mức khác Một số quá trình, như chu kỳ dinh dưỡng, có tất cả 3 loại Những quá trình này duy trì tính toàn vẹn và năng suất hệ sinh thái
- Khu bảo tồn biển giúp sử dụng nguồn lợi của nó một cách bền vững: Sử dụng bền vững đòi hỏi việc kiểm soát thu hoạch mỗi loài và những quần xã ở biển cùng với việc bảo tồn những nơi cư trú và các hệ sinh thái mà chúng phụ thuộc vào, để tính hữu ích hiện tại và tiềm năng của chúng với con người không bị giảm sút Nguồn lợi nên được quản lý và để khả năng tự phục hồi không bị nguy hiểm Sự quản lý như thế duy trì tiềm năng sinh học và củng cố tiềm năng kinh tế về lâu dài của nguồn lợi tự nhiên có thể phục hồi ở biển
- Bảo vệ những loài có giá trị về mặt thương mại: Một trong những điều quan trọng là duy trì năng suất cho ngành thủy sản- một ví dụ rõ ràng của một quá trình sinh
Trang 20thái trực tiếp hỗ trợ cho phúc lợi kinh tế của con người Các hệ sinh thái có khả năng sản xuất tự nhiên, như các rạn san hô và vùng của sông, cung cấp miễn phí những gì
mà nghề nuôi hải sản tốn kém nhưng hiếm khi có thể đáp ứng được sản lượng cá liên tục Ở nhiều nơi trên thế giới, hải sản cung cấp phần lớn protein động vật và sinh kế cho người dân Ở Châu Phi, nghề thủy sản thủ công cung cấp số lượng lớn cá cho người dân địa phương, những thủy sản này được xem là bị khai thác một cách đầy đủ, với một số đang bị khai thác bên ngoài mức bền vững mà không có giới hạn nào để nuôi sống dân số ngày càng tăng Vì nhu cầu ngày càng tăng với sự phát triển kinh tế
và sự gia tăng dân số, thủy sản không được quản lý một cách tiêu biểu cho sự bền vững; sự đóng góp của chúng đối với thực phẩm quốc gia và thu nhập là đang giảm và
có lẽ sẽ tiếp tục giảm Các KBTB có thể giúp làm bền vững những ngành thủy sản như thế Việc bảo vệ những nơi cư trú nguy cấp có thể cần thiết để duy trì nguồn lợi thủy sản hoặc ngăn chặn “sự tuyệt chủng về mặt kinh tế” của các loài quan trọng về mặt thương mại Nhiều loài có giá trị về mặt thương mại hiện không còn bị đe dọa với sự tuyệt chủng sinh học nhưng vì bị khai thác một cách nặng nề nên chúng có thể bị “đe dọa về mặt thương mại”
- Bổ sung vào những tập đoàn bị suy yếu: Những khu bảo tồn biển có thể góp phần vào việc bổ sung những nguồn lợi hải sản bị đe dọa thông qua việc tạo ra những khu vực cấm đánh bắt Chúng có thể tạo ra những nơi sinh sản an toàn mà từ đó những
cá thể có thể phát tán đến những khu vực khai thác đàn giống KBTB có thể giữ an toàn cho những khu vực nuôi dưỡng (những khu vực ươm) cho các giai đoạn con non Những KBTB và ven bờ có thể mang lợi ích đến cho đàn giống có giá trị nhưng dễ bị tổn thương Những khu bảo tồn có thể giúp bổ sung những đàn giống bị suy yếu bằng cách bảo tồn con giống rồi vận chuyển chúng đến những khu vực bị suy yếu Thêm vào đó, việc bảo vệ những con giống quan trọng ở một số khu bảo tồn biển có thể giúp
bổ sung cho nhưng nơi cư trú bị suy yếu gần đó thông qua việc di cư
- Giáo dục và nghiên cứu: Những khu vực nghiên cứu tự nhiên được sử dụng cho
cả giáo dục, tập huấn cũng như nghiên cứu Giáo dục cộng đồng thường được tổ chức quanh các chương trình trình diễn tại chỗ ở những KBTB Những chuyến đi thực địa đến các KBTB và những trạm nghiên cứu bởi các sinh viên đại học và nhà trường minh họa cho việc sử dụng chúng trong công việc tập huấn chính thức Những khu vực tự nhiên có thể phục vụ như là “những phòng thí nghiệm ngoài trời”, cung cấp
Trang 21những ví dụ sống về nguyên lý sinh thái học được dạy ở lớp Những KBTB cho cơ hội để nghiên cứu hàn lâm (ví dụ về những môn sinh lý học hoặc đạo đức), nghiên cứu ứng dụng (về nhu cầu quản lý nguồn lợi), và giám sát những điều kiện sinh học cụ thể (ví dụ: tẩy trắng rạn san hô, sự bùng nổ sao biển gai) hoặc những chiều hướng lâu dài (sự phục hồi của rạn san hô) Sự thuận lợi đặc biệt của các khu bảo tồn biển cho nghiên cứu là chúng làm cho các nghiên cứu liên tục và lâu dài của cùng một nhóm sinh vật hoặc của cùng một nơi cư trú mà không bị sự quấy rầy của những du khách, những người câu trộm, hoặc những người phá hoại
- Bảo vệ khỏi những rủi ro thiên nhiên: Một chức năng quan trọng thường bị đánh giá thấp của những hệ sinh thái dọc theo những bãi ngang là sự bảo vệ ven bờ khỏi những thảm họa thiên nhiên Sự bảo vệ này là đặc biệt quan trọng ở các nơi rạn san hô viền bờ, rạn san hô chắn và rừng ngập mặn giúp bảo vệ những cánh đồng trũng ven bờ, những thảm thực vật, và những ngôi làng nhỏ khỏi sự tàn phá của bão nhiệt đới Cũng quan trọng đối với những vùng ven bờ cao năng được đặc trưng bởi những đụn cát được làm ổn định bởi những thảm thực vật đất đặc trưng phù hợp với môi trường đụn cát khắc nghiệt Những đảo chắn và những đảo cát là những ổ sinh thái động bảo vệ các quần xã ven bờ khỏi sóng, bão - hình dạng và vị trí của chúng xác định bởi hướng gió thịnh hành, dòng chảy, sóng và những ảnh hưởng ổn định của rạn
và thảm thực vật Sự can thiệp với các quá trình xây dựng đảo và sự ổn định có thể dẫn đến sự mất mát giá trị bảo vệ đó Những KBTB có thể giúp bảo vệ an toàn những môi trường nhạy cảm như thế bằng việc kiểm soát sự tiếp cận, sử dụng và hạn chế xây
- Giải trí và du lịch: Nơi nào có ngành du lịch trong những KBTB thì dành riêng những khu vực du lịch đặc biệt cho bơi lội, lặn ống thở, và những môn thể thao dưới nước khác Điều này sẽ khuyến khích khách du lịch và làm giảm tối thiểu xung đột với những hình thức sử dụng khác như đánh cá Đồng thời nó còn có thể tách riêng những người sử dụng ngành du lịch xung đột với nhau như những người bơi lội và tàu cao tốc
2.1.4 Khái niệm về phúc lợi và mối liên quan với hệ sinh thái
Những biến đổi của hệ sinh thái ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của con người,
bao gồm các nhu cầu cơ bản cho cuộc sống như sức khỏe, các mối quan hệ xã hội, an
ninh, tự do lựa chọn và hành động Con người phụ thuộc hoàn toàn vào các hệ sinh thái
của trái đất và những lợi ích mà nó mang đến như thức ăn, nước sạch, điều tiết khí hậu…
Trang 22Mối quan hệ giữa lợi ích của hệ sinh thái và phúc lợi con người là mối quan hệ phi tuyến tính Khi lợi ích của hệ sinh thái phong phú hơn so với nhu cầu thì nó chỉ ảnh hưởng một phần đến phúc lợi con người Nhưng khi lợi ích mang đến tương đối khan hiếm, một sự suy giảm nhỏ của hệ sinh thái có thể tác động đáng kể đến phúc lợi con người
Phúc lợi con người được cấu thành bởi 5 yếu tố chính đó là: i) Những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống tốt, ii) sức khỏe, iii) quan hệ xã hội, iv) an toàn và v) sự tự do trong lựa chọn và hành động (MEA, 2005) Thành phần cuối cùng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố khác của phúc lợi và cũng là điều kiện tiên quyết để đạt được các thành phần khác của phúc lợi Hệ sinh thái tác động đến phúc lợi con người thông qua việc hỗ trợ, cung cấp, điều tiết và các dịch vụ văn hóa Phúc lợi còn phụ thuộc vào nguồn cung, chất lượng của các dịch vụ, công nghệ và các tổ chức của con người Theo định nghĩa của Báo cáo đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ (2005), từng yếu tố của phúc lợi sẽ được trình bày cụ thể dưới đây:
2.1.4.1 Những nhu cầu cơ bản cho cuộc sống tốt
Khía cạnh này đề cập đến khả năng có được cuộc sống an toàn và đầy đủ, bao gồm thu nhập, tài sản, thức ăn và nước uống đầy đủ, có đủ nguồn năng lượng để giữ
ấm và làm mát, và tiếp cận hàng hóa Những biến đổi trong nguồn cung cấp các nhu yếu phẩm cần thiết như thức ăn, nước, củi đun có tác động rất lớn đến các nhu cầu cần thiết cho một cuộc sống tốt Việc tiếp cận các nguồn lực này bị ảnh hưởng nặng nề bởi hoàn cảnh kinh tế xã hội Đối với những người giàu có, sự thay đổi ở hệ sinh thái địa phương có thể không gây ra sự thay đổi đáng kể trong việc tiếp cận các hàng hóa vật chất cần thiết, thứ mà họ có thể mua được ở các địa phương khác, đôi khi còn ở mức giá thấp đến mức không tưởng nếu Chính phủ trợ cấp nguồn cung (ví dụ như các hệ thống cấp nước)
2.1.4.2 Sức khỏe
Đối với sức khỏe, chúng ta đề cập đến khả năng của một cá nhân để cảm thấy khoẻ mạnh và mạnh mẽ, hoặc nói cách khác là được nuôi dưỡng và không bị bệnh tật,
có đủ nước uống sạch và không khí sạch, và có khả năng có đủ năng lượng để giữ ấm
và mát mẻ Sức khoẻ con người vừa là một sản phẩm vừa là yếu tố quyết định của phúc lợi Sự thay đổi trong cung cấp dịch vụ như thực phẩm, nước, cây dược liệu, tiếp
Trang 23cận các loại thuốc mới và thay đổi các dịch vụ điều chỉnh chất lượng không khí, chất lượng nước, điều tiết bệnh tật và xử lý chất thải cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ Sự thay đổi trong các dịch vụ hỗ trợ có ảnh hưởng mạnh đến tất cả các loại dịch
Những thay đổi trong hệ sinh thái có xu hướng làm tăng khả năng tiếp cận của người dân đến các khu giải trí và du lịch sinh thái Có rất nhiều ví dụ rõ ràng về dịch
vụ hệ sinh thái đang suy giảm và gây ra các tác động xấu đến quan hệ xã hội hoặc tệ hơn là xung đột lẫn nhau Tại các xã hội bản xứ mà bản sắc văn hoá gắn liền với môi trường sống hoặc động vật hoang dã sẽ phải gánh chịu hậu quả nếu sinh cảnh bị phá hủy hoặc số lượng động vật hoang dã giảm
Những tác động như vậy đã được xác thực tại các cộng đồng ven biển, các cộng đồng sinh sống trong rừng truyền thống, và cả cộng đồng du mục
2.1.4.4 Sự an toàn
Đối với sự an toàn, chúng ta đề cập đến an toàn về người và tài sản, an toàn tiếp cận những tài nguyên cần thiết và an toàn khỏi những thảm họa thiên nhiên hoặc do con người gây nên Các thay đổi trong những quy định về các loại dịch vụ như bệnh tật, khí hậu, và lũ lụt có ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn Những thay đổi trong cung cấp dịch vụ như thực phẩm và nước có tác động mạnh mẽ đến an toàn, bởi vì sự suy biến này có thể dẫn đến mất quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên cần thiết Những thói
Trang 24quen tốt ở tất cả các loại dịch vụ có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự thay đổi trong hỗ trợ dịch vụ Những lợi ích này được điều tiết bởi hoàn cảnh kinh tế xã hội
Những người giàu có thể di chuyển đến các điểm an toàn để giảm thiểu tác động của sự thay đổi hệ sinh thái (chẳng hạn như lũ lụt hay hạn hán) Tuy nhiên, họ cũng không thể hoàn toàn tránh tiếp xúc với một số những thay đổi trong khu vực sinh sống
Ví dụ về một khía cạnh của sự an toàn bị ảnh hưởng bởi hệ sinh thái thay đổi liên quan đến mức độ nghiêm trọng và độ lớn của lũ lụt và cháy Tỷ lệ này đã tăng lên rất nhanh trong 50 năm qua Những thay đổi trong hệ sinh thái và quản lý các hệ sinh thái
đã góp phần vào xu hướng này Hệ thống sông đào là một ví dụ, nó giúp giảm tỷ lệ mắc và tác động của những trận lụt nhỏ và tăng tỷ lệ mắc và mức độ nghiêm trọng của những trận lớn Tính trung bình, 140 triệu người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt mỗi năm, nhiều hơn tất cả các thiên tai khác từ tự nhiên hoặc công nghệ cộng lại với nhau Từ năm 1990 đến năm 1999, hơn 100.000 người đã thiệt mạng do lũ lụt, và tổng cộng số tiền bồi thường thiệt hại là 243 tỷ đô la
ở các nước có chính phủ hiệu quả và xã hội dân sự mạnh có thể duy trì sự tự do và sự lựa chọn ngay cả khi đối mặt với sự thay đổi đáng kể của hệ sinh thái, trong khi điều này không thể xảy ra đối với người nghèo, ví dụ như sự thay đổi hệ sinh thái dẫn đến mất đi sinh kế
Trong tổng thể, kiến thức của chúng ta về tác động thay đổi điều kiện hệ sinh thái đối với tự do và sự lựa chọn là tương đối hạn chế Việc giảm cung cấp nhiên liệu và nước uống đã làm tăng thời gian cần thiết để thu thập các nhu cầu cơ bản như vậy, từ
đó giảm đi thời gian dành cho giáo dục, việc làm và chăm sóc các thành viên trong gia
Trang 25đình Những tác động như vậy thường bị các phụ nữ không quan tâm nhiều (mặc dù nền tảng kinh nghiệm cho quan điểm này là tương đối hạn chế)
Hình 2.1 Mối liên hệ giữa Hệ sinh thái và phúc lợi con người
(Nguồn: MEA, 2005)
2.1.5 Phúc lợi của ngư dân từ quan điểm nghề cá
Cải thiện phúc lợi của cộng đồng ngư dân là tiêu chí quan trọng của các nhà quản lý thủy sản (McGregor, 2009; Coulthard, Johnson, and McGregor, 2011) Dựa trên định nghĩa về phúc lợi của MEA (2005) thì khi đánh giá phúc lợi của cộng đồng ngư dân cần tập trung vào mục tiêu vật chất và mục tiêu cuộc sống phi vật chất
Về mục tiêu vật chất, vấn đề đánh bắt thủy sản, cung cấp thực phẩm và việc làm là những chỉ số quan trọng Đối với mục tiêu phi vật chất thì điều kiện làm việc,
sự tham gia của cộng đồng vào nghề cá hoặc bảo tồn giá trị sinh thái của hệ sinh thái biển và ven biển có thể đại diện cho phúc lợi của ngư dân (FAO, 2003; Garcia and Cochrane, 2005) Bằng cách cung cấp một quan điểm đa chiều, việc đánh giá phúc lợi còn có thể được xem như là một công cụ quản lý thủy sản và tăng thêm sự lựa chọn trong việc phân tích của các nhà quản lý (Garcia et al, 2008)
Trang 262.2 Các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước có liên quan
2.2.1 Các công trình nghiên cứu trong nước
Ở nước ta cũng đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về các KBTB như:
- Nguyễn Thị Bích Hảo (2009), đề tài luận văn Thạc sĩ “Những yếu tố tác động đến nghèo và giải nghèo đối với người dân sống trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang”, với mục tiêu xác định tình trạng nghèo và nguyên nhân ảnh hướng đến nghèo của người dân sống trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, đề tài đã xây dựng mô hình hồi qui đa biến để xác định những nhân tố tác động đến chi tiêu đầu người, thu nhập trên đầu người và thông qua phần mềm SPSS để tính toán các chỉ tiêu và mô hình Đề tài đã chỉ ra được một số yếu tố tác động đến nghèo đói và đưa ra các giải pháp nhằm giải nghèo đối với người dân địa phương
- Nguyễn Văn Hoàng (2012) có bài báo “Một số giải pháp quản lý môi trường đối với hoạt động du lịch ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang – tỉnh Khánh Hòa”, tác giả đã đánh giá sức tải của khu bảo tồn vịnh Nha Trang đối với các hoạt động của du lịch sinh thái, đây là các dẫn liệu khoa học quan trọng trong quản lý khu bảo tồn, bảo
vệ tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng
- Kết quả nghiên cứu của Trần Mạnh Linh (2015) về “Tác động của du lịch sinh thái đến cộng đồng địa phương tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang” nhằm đánh giá thực trạng hoạt động kinh tế xã hội cộng đồng cư dân sống tại khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và đưa ra một số gợi ý chính sách cho các nhà quản lý nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường, đồng thời cũng tạo sinh kế bền vững
- Chu Mạnh Trinh (2011), đề tài luận án Tiến sĩ “Xây dựng Mô hình Đồng quản
lý tài nguyên môi trường tại khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam” , với mục tiêu đưa ra giải pháp tối ưu để vận động cộng đồng địa phương tham gia chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi trong việc bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên, môi trường (TN,MT) tại KBTB Cù Lao Chàm theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” và theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm, cùng hưởng lợi
- Đàm Hải Vân (2013), với đề tài luận văn Thạc sĩ “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang”, sử dụng công cụ phân tích SWOT và các số liệu điều tra thống kê để đánh giá và đưa ra được những điểm mạnh và yếu trong công tác quản lý khai thác và
Trang 27bảo vệ nguồn lợi thủy sản của Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang Từ đó đưa ra những giải pháp hợp lý nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, góp phần nâng cao hiệu quả đời sống của cộng đồng ngư dân địa phương.
2.2.2 Công trình nghiên cứu ngoài nước
Có một số nghiên cứu cho thấy những bằng chứng về mối liên hệ giữa rạn san
hô, ngư trường với phúc lợi của con người:
- Husebo et al (2002) đã tiến hành một số thí nghiệm với các loại ngư cụ biển sâu
và lưới rê ngoài khơi Tây Nam Na Uy và rạn san hô dưới nước sâu Kết quả cho thấy lượng đánh bắt cá hồi đỏ tại môi trường sống san hô hiệu quả cao hơn so với các môi trường sống khác
- Costello et al (2005) đã phân tích sự xuất hiện của loài cá từ những hình ảnh và video tại các địa điểm ở Na Uy, Bắc Scotland và Tây Ireland Họ kết luận rằng càng ngày càng nhiều loài cá có liên quan tới các rạn san hô hơn là đáy biển gần đó Ngư dân cũng cho biết rằng sản lượng khai thác trong khu vực san hô đạt năng suất cao
- Armstrong et al (2013) áp dụng mô hình kinh tế sinh học cho rạn san hô và liên kết các ngư trường và chỉ ra rằng sự suy giảm môi trường sống của san hô mang lại thiệt hại sản lượng đánh bắt tương đối cao Kết quả của việc các ngư trường mất đi môi trường sống dẫn đến chi phí cao Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự ảnh hưởng của môi trường sống đối với việc quản lý các ngư trường
- Một số nghiên cứu khác tập trung nhiều hơn vào các mối liên hệ giữa việc bảo tồn tài nguyên biển, ven biển và giảm nghèo (Boyce, 1994; Cleaver & Schreiber, 1994; Lee and Barrett, 2001) Những nghiên cứu đó cung cấp nhiều khái niệm về mối quan hệ này Nghèo do sự suy thoái tài nguyên và sự suy thoái tài nguyên dẫn đến nghèo hơn (Cleaver & Schreiber, 1994)
Tuy nhiên một số người cho rằng sự mất cân bằng giữa giảm nghèo và cải thiện môi trường là điều không thể tránh khỏi, trong khi một số khác cho rằng việc khắc phục tình huống này có thể xảy ra trong những điều kiện riêng biệt (Lee & Barrett, 2001) Điều này đặt ra sự cần thiết phải nghiên cứu thêm để giúp các nhà quản lý trong suy nghĩ về làm thế nào để cân bằng hai mục tiêu này Các câu hỏi về làm cách nào để các KBTB có thể ảnh hưởng đến cộng đồng ngư dân cũng là mối quan tâm lớn của các nhà hoạch định chính sách và các nhà quản lý Bảo tồn rạn san hô và các KBTB có thể
Trang 28ảnh hưởng đến năm chỉ số phúc lợi của con người: an ninh lương thực, các quyền tài nguyên, việc làm, tổ chức cộng đồng, và thu nhập (Mascia et al, 2010) Những tác động
xã hội của các KBTB có thể khác nhau giữa các nhóm và các chỉ số khác nhau của phúc lợi xã hội, có thể dẫn đến mất cân bằng giữa các vấn đề xã hội (Mascia & Claus, 2009)
2.3 Khung phân tích của nghiên cứu
Một trong những lợi ích từ KBTB đối với ngư dân là việc bảo vệ các loài sinh vật biển trong KBTB đặc biệt là san hô dẫn đến độ phủ của san hô tăng lên là hệ sinh cảnh
để gia tăng các loài cá bên trong KBTB Sự đa dạng phong phú của các loài sinh vật biển bên trong KBTB có thể mang lại lợi ích cho vùng bên ngoài khu bảo tồn nhờ vào hiệu ứng tràn (spill over effect) dẫn đến nguồn lợi cá khu vực bên ngoài cũng có thể tăng lên Sản lượng đánh bắt của ngư dân nhờ vậy có thể cao hơn, thu nhập và nguồn thực phẩm cho gia đình cũng sẽ được cải tiến hơn Tuy nhiên, khu bảo tồn biển cũng
có thể tác động đến hành vi đánh bắt của ngư dân do ngư trường đánh bắt bị hạn chế dẫn đến sự thay đổi về nỗ lực đánh bắt và ngư trường đánh bắt của ngư dân so với trước khi có KBTB
Dựa trên nghiên cứu của Mascia và các cộng sự (2010) và Báo cáo đánh giá hệ sinh thái thiên niên kỷ (2005), nghiên cứu này sẽ tập trung vào: i) tiếp cận nguồn tài nguyên (thể hiện qua sự thay đổi ngư trường đánh bắt); ii) việc làm; iii) thu nhập và iv) nhận thức của ngư dân về việc quản lý và chấp hành các quy định của KBTB Những khía cạnh này có thể coi là sự đóng góp của khu bảo tồn biển thông qua bảo tồn san hô
và các tác động của các khu bảo tồn biển vào đời sống con người
Sơ đồ 2.3 Khung phân tích của nghiên cứu Tóm tắt chương 2
Chương này trình bày các khái niệm, cơ sở lý thuyết về khu bảo tồn, khu bảo tồn biển Bên cạnh đó, chương cũng tổng quan các nghiên cứu trước trong nước và ngoài nước liên quan đến đề tài; từ đó tìm ra những ý tưởng cho khung phân tích của nghiên cứu
Trang 29CHƯƠNG 3: PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
3.1 Giới thiệu về địa bàn nghiên cứu
3.1.1 Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang
Việt Nam được xem là nước có đa dạng sinh học cao, các khu bảo tồn ven biển
và trên biển có tầm quan trọng toàn cầu, từ các hệ sinh thái cận ôn đới ở miền Bắc tới các hệ sinh thái nhiệt đới ở miền Trung và miền Nam Tuy nhiên các rạn san hô đang
bị đe dọa cao, 98% số khu san hô được xếp vào nguy cơ đe dọa trung bình, cao và rất cao Bên cạnh đó, cùng với sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và tính di truyền của sinh vật biển, Việt Nam là một trong những khu vực trên thế giới có hệ sinh vật biển giàu thành phần loài và việc bảo tồn đa dạng loài ở nước ta có vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học biển của toàn cầu
Xuất phát từ nhu cầu phục hồi hệ sinh thái biển và ven bờ, bảo tồn các khu vực quan trọng về đa dạng sinh học, bảo vệ những nguồn cá quan trọng, Bộ Thủy sản và các tổ chức quốc tế đề xuất thành lập 16 KBTB dọc bờ biển Việt Nam Mạng lưới KBTB ở Việt Nam đề xuất có tổng diện tích 145.000 ha, kích thước trung bình của một KBTB vào khoảng 10.350ha
Ngày 20/12/2000, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 1777/CP-QHQT phê duyệt Dự án thí điểm Khu bảo tồn biển Hòn Mun (nay là Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang) Đây là khu bảo tồn biển đầu tiên tại Việt Nam trong Chương trình Biển - Hải đảo của Nhà nước Dự án do Bộ Thủy sản (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND tỉnh Khánh Hòa và IUCN phối hợp thực hiện trong 4 năm (2001-2005) với kinh phí tài trợ của Tổ chức Phát triển quốc tế Đan Mạch (DANIDA), Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF)/ Ngân hàng Thế giới (WB), IUCN và Chính phủ Việt Nam Mục tiêu chính của Dự án thí điểm Khu bảo tồn biển Hòn Mun, nhằm bảo vệ đa dạng sinh học biển điển hình, có tầm quan trọng quốc tế và đang bị đe dọa; tạo điều kiện nâng cao sinh kế cho cộng đồng dân cư; cùng cộng đồng quản lý hiệu quả KBTB
và làm mô hình cho các KBTB khác sẽ thiết lập tại Việt Nam
Ngày 12/3/2004, nhân dịp vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, là danh thắng cấp quốc gia, UBND tỉnh Khánh Hòa có Quyết định số 40/2004/QĐ-UB đổi tên Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Mun thành Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang
Trang 30Ngày 11/9/2012, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số UBND về việc thành lập Ban quản lý vịnh Nha Trang trực thuộc UBND thành phố Nha Trang, trên cơ sở Ban quản lý Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, Ban quản lý Bến tàu du lịch Cầu Đá Vĩnh Nguyên và bộ phận cứu hộ nhân đạo trên biển của Đội Thanh niên xung kích Nha Trang Theo đó, Ban quản lý vịnh Nha Trang có chức năng giúp UBND thành phố Nha Trang quản lý, khai thác các giá trị của vịnh Nha Trang (trong
2259/QĐ-đó có Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang) trên cơ sở bảo tồn danh lam thắng cảnh và hệ
đa dạng sinh học trên vịnh; làm đầu mối phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa để thực hiện quản lý tổng hợp vịnh Nha Trang Ban quản lý vịnh Nha Trang chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/10/2012
Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 250 ha, và có nhiều hệ sinh thái quan trọng như rạn san hô, thảm cỏ biển và rừng ngập mặn Rạn san hô nơi đây phong phú hơn bất kỳ nơi nào khác đã được khảo sát ở Việt Nam Vì tính đa dạng sinh học mà khu vực Hòn Mun được “ưu tiên hàng đầu” bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển du lịch gắn liền với các hoạt động du lịch sinh thái Tuy nhiên, các rạn san hô
đã không còn duy trì ở tình trạng tốt, độ phủ san hô sống trung bình chỉ đạt 20,1%; nguồn lợi động vật đáy còn rất ít, chủ yếu là cầu gai đen; nguồn cá rạn có mật độ thấp,
cá cảnh kích thước nhỏ và ít có giá trị chiếm hơn 80% Các thảm cỏ biển duy trì trong tình trạng tương đối tốt với độ phủ và mật độ cỏ biển, mật độ động vật đáy trung bình khá cao
Do đó, nhằm mục đích bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản trong KBTB, Quy chế quản lý vịnh Nha Trang đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa ban hành tại Quyết định số 3363/QĐ-UBND ngày 09/12/2014 Trong đó, phạm vi bảo vệ gồm có 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là toàn bộ khu vực phía Đông, Đông Nam Hòn Tre, từ Đầm Báy trở ra Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Cau và Hòn Vung, bao gồm các khu phục hồi và bảo tồn rừng trên các đảo và các vùng nước xung quanh các đảo có giới hạn từ mép nước chân đảo (mức thủy triều thấp nhất) ra phía biển 300 mét; Phân khu phục hồi sinh thái là các đảo và các vùng nước xung quanh các đảo: Hòn Mun, Hòn Tằm, Hòn Một, Hòn Miễu và phần còn lại của đảo Hòn Tre
có giới hạn từ mép nước chân đảo (mức thủy triều thấp nhất) ra phía biển 300 mét và vùng nước 300 mét bao quanh các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; Phân khu phát triển là những phần còn lại của vịnh Nha Trang, bao gồm vùng biển và đất liền xác định theo
Trang 31tọa độ, ranh giới được quy định tại Quyết định số 738/QĐ-UB ngày 21 tháng 3 năm
2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc xác định ranh giới vịnh Nha Trang Theo đó, những hành vi sau bị nghiêm cấm: Xả rác, thải các chất thải, đổ bùn đất, xả nước thải, dầu, nhớt, khí thải và các chất thải khác vượt quá quy định cho phép xuống vịnh Nha Trang; Gây tác hại đến nguồn lợi, môi trường sống của các loài thủy sinh vật và ảnh hưởng đến việc bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản; Xâm hại các hệ sinh thái: san hô, rừng ngập mặn, bãi triều, cỏ biển, hệ sinh thái đáy, hệ sinh thái rừng trên các đảo; Xâm hại bãi rùa đẻ, khai thác rùa biển, trứng rùa biển và các loài thủy sản quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam trên vịnh Nha Trang; Khai thác thủy sản bằng cách sử dụng chất nổ, xung điện, hóa chất, giã cào, đào xới đáy biển Bên cạnh đó, nghiêm cấm các hành vi săn bắn, khai thác các loài động vật, thực vật trên các đảo, núi, hang động; Làm thay đổi môi trường cảnh quan như chặt cây, khai thác đá, cát và các loại khoáng sản, vật liệu xây dựng khác, lấn chiếm đất đai trái phép và các hành vi khác gây ảnh hưởng đến danh lam thắng cảnh; Xây dựng khách sạn, nhà kiên cố cao tầng, tô, vẽ, xây đắp tượng đài, miếu mạo, nơi thờ cúng và chôn cất trên các đảo Hòn Mun, Hòn Nọc, Hòn Vung và Hòn Cau; xây dựng đền, miếu, mộ chí và viết, vẽ, sơn, điêu khắc tại các đảo còn lại khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép Nghiêm cấm tuyên truyền, giới thiệu sai lệch các giá trị vịnh Nha Trang; Các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, phát tán tài liệu phản động, truyền đạo trái phép, mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội khác và các hoạt động khác xâm hại môi trường, giá trị vịnh Nha Trang
Ngoài ra, các hoạt động kinh tế - xã hội trên vịnh Nha Trang như: hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, giao thông đường thủy, kinh doanh, tham quan du lịch, dịch
vụ lặn, nhà hàng nổi…đều phải tuân thủ quy hoạch và quy định của Ban quản lý vịnh Nha Trang cũng như chủ trương của tỉnh
Những lợi ích do KBTB vịnh Nha Trang mang lại là:
- Bảo vệ đa dạng sinh học
- Giữ môi trường lành mạnh tạo cơ sở cho việc phát triển du lịch bền vững
- Tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân địa phương
- Bảo vệ các hệ sinh thái, các bãi đẻ nhằm duy trì và bảo vệ nguồn lợi sinh vật biển
- Tạo điều kiện phát triển nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giải trí
- Phục hồi những hệ sinh thái bị suy thoái
Trang 323.1.2 Đặc điểm kinh tế xã hội của hộ dân trong Khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang
Hiện nay, KBTB vịnh Nha Trang có 5 khóm đảo có dân cư sinh sống trên 3 đảo lớn là: Bích Đầm, Đầm Báy và Vũng Ngán nằm trên đảo Hòn Tre; Hòn Một nằm trên đảo Hòn Một; Trí Nguyên nằm trên đảo Hòn Miễu Tổng số dân trên đảo khoảng 5.168 người và 1.138 hộ dân, tỉ lệ phân bố nam và nữ tương đối cân bằng nhau Dân
cư phân bố không đồng đều giữa các khóm đảo (Đầm Báy 76 hộ dân, cụm dân cư Trí Nguyên có dân số đông nhất 3.253 người và 730 hộ) Số nhân khẩu trung bình trong mỗi hộ không cao (trung bình là 5 người trên mỗi hộ Số nhân khẩu trung bình của mỗi
hộ trên các khóm đảo tương tự nhau) (Ban quản lý vịnh Nha Trang, 2011)
Hoạt động kinh tế chính ở các khóm đảo trong KBTB là khai thác thủy sản, 80% hoạt động sinh kế chính trong gia đình là khai thác thủy sản Phần lớn các hộ ngư dân này không làm thêm kinh tế phụ nên thu nhập rất dễ bị ảnh hưởng bởi kết quả của hoạt động đánh bắt cũng như việc phân vùng khai thác trong KBTB ( Nguyễn HồngThao, 2003) Nghề khai thác hải sản trên các khóm đảo thường là các nghề: Trũ rút, Mành (lưới Đăng), Câu tay, Mành tôm, Mành đen, Mành rút và Mành mực Các phương thức khai thác này thường sử dụng những ghe có công suất nhỏ, khai thác thủ công và thường khai thác trong vịnh, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu, hiệu quả kinh tế thấp Mùa vụ khai thác của các nghề này thường là quanh năm nhưng tập trung chủ yếu từ tháng 1 đến tháng 9, các nghề như mành tôm, mành mực thường khai thác vào các tháng 11 đến tháng 12 Âm lịch hàng năm
Bảng 3.1 Các ngành nghề khai thác thủy sản trên các khóm đảo vịnh Nha Trang
năm 2014 Nghề khai thác Bích Đầm Đầm Báy Trí Nguyên Hòn Một Vũng Ngán
Trang 33Ngoài ra, có sự phối hợp hỗ trợ từ dự án KBTB và các tổ chức, chính quyền ủy ban nhân dân phường Vĩnh Nguyên trong suốt thời gian từ năm 2001 tới nay với các hoạt động tạo sinh kế phụ, cho vay vốn làm kinh tế hay đào tạo nghề cho con em trong khóm đảo (lựa chọn con em trong khóm đảo đi đào tạo nghề ở trường Hoa Sữa) Một
số hoạt động sinh kế phụ đã mang lại hiệu quả cho ngư dân khóm đảo như làm mành
ốc ở khóm đảo Bích Đầm, bơi thuyền du lịch ở Hòn Một, đan lưới thể thao ở Trí Nguyên, nuôi trồng thủy sản ở các khóm đảo Vũng Ngán, Hòn Một, Trí Nguyên, chăn nuôi ở Đầm Báy (Ban quản lý vịnh Nha Trang, 2011)
Sau khi KBTB được thành lập, hoạt động du lịch biển tại KBTB Nha Trang đã và đang tạo ra những tác động tích cực đến đời sống của một số nhóm cộng đồng dân cư, nhất là nhóm cộng đồng sống bên trong vịnh Các nhóm chuyên chở khách du lịch bằng thuyền thúng đáy kính tại Hòn Một và Trí Nguyên là một ví dụ cụ thể Thành viên thuộc các nhóm này đã được tập huấn về cách thức hoạt động, kỹ năng cơ bản trong giao tiếp Đặc biệt là với sự hỗ trợ về mặt pháp lý của chính quyền địa phương,
cụ thể là Ủy ban Nhân dân phường Vĩnh Nguyên, và của Ban quản lý KBTB vịnh Nha Trang về các trang thiết bị cần thiết để phục vụ khách du lịch Các hoạt động này đã tạo ra các cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình vốn bị ảnh hưởng bởi việc hình thành khu bảo tồn biển, đồng thời nó cũng hỗ trợ làm giảm áp lực khai thác và sự phụ thuộc của con người vào tài nguyên biển giúp bảo vệ các tài nguyên này tốt hơn (Ban quản lý vịnh Nha Trang, 2011)
Nhìn chung, trình độ học vấn của người lớn chỉ ở mức cơ bản, hầu hết chỉ ở cấp
I Họ chỉ biết đọc và biết viết Ở các khóm đảo đều có trường cấp I Vì thế, tỷ lệ đi học
ở cấp học này khá cao Càng lên cao, tỷ lệ số trẻ em nghỉ học càng nhiều, số học sinh ở
độ tuổi cấp 3 đi học ở các trường trung học phổ thông rất ít Tỷ lệ này được thể hiện qua các con số thống kê: có 64,5% chủ hộ có trình độ học vấn cấp I, 23,7% có trình độ cấp II, 2,8% số chủ hộ học tới cấp III và chỉ có 0,8% có trình độ sau phổ thông, còn lại
5% chủ hộ không biết chữ (Ban quản lý vịnh Nha Trang, 2011)
3.2 Phương pháp nghiên cứu
3.2.1 Cách tiếp cận nghiên cứu
Quy trình nghiên cứu của đề tài được tổ chức hai giai đoạn bao gồm nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng Nghiên cứu định tính bao gồm 2 nội dung cơ bản là
Trang 34nghiên cứu các cơ sở lý thuyết về KBTB và phúc lợi , những yếu tố ảnh hưởng đến phúc lợi, đồng thời tổng quan các kết quả nghiên cứu trước đây nhằm hình thành khung phân tích của đề tài
Bằng phương pháp phỏng vấn trực tiếp chủ hộ hoặc đại diện chủ hộ thông qua bảng câu hỏi để thu thập các thông tin, dữ liệu liên quan đến các khía cạnh về phúc lợi của ngư dân đại phương mà đề tài cần nghiên cứu Phương pháp nghiên cứu đối với từng khía cạnh của phúc lợi ngư dân trong khung phân tích sẽ được trình bày cụ thể dưới đây:
3.2.1.1 Tiếp cận các nguồn lợi
Việc phân khu bảo vệ của KBTB khiến cho ngư dân phải thay đổi địa điểm đánh bắt cá, tìm kiếm các ngư trường xa hơn, chỉ tiêu này của phúc lợi ngư dân được tác giả đánh giá qua sự thay đổi trong phương tiện đánh bắt của ngư dân từ năm 2000 đến năm
2017 Từ dữ liệu thứ cấp được Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cung cấp, tác giả đã nghiên cứu trên hai khía cạnh: biến động số lượng tàu cá đóng mới theo công suất và theo chiều dài Từ đó đưa ra so sánh và nhận xét đối với ảnh hưởng của KBTB đến việc tiếp cận nguồn lợi thủy sản của ngư dân địa phương
3.2.1.2 Việc làm
Tác giả sẽ xem xét cơ cấu nghề nghiệp của ngư dân địa phương thay đổi như thế nào tại thời điểm trước (2000) và sau khi thành lập KBTB (2015) Cấu trúc nghề nghiệp của cộng đồng và vấn đề các nghề thay thế cũng sẽ được điều tra xem có đủ để thay cho hoạt động đánh bắt phụ thuộc vào KBTB hay không
Đánh giá cơ cấu việc làm được áp dụng để xác định tỷ lệ người có sinh kế phụ thuộc vào nguồn tài nguyên ven biển, bất kỳ sự thay đổi nào trong cơ cấu nghề nghiệp cũng liên quan đến việc thiết lập khu bảo tồn biển và tầm quan trọng của các hoạt động sinh kế thay thế
Trang 353.2.1.4 Nhận thức của ngư dân về việc quản lý và chấp hành các quy định của KBTB
Để xác định liệu rạn san hô và KBTB có được quản lý hiệu quả hay không, tác giả đã tiến hành khảo sát các hộ ngư dân thông qua bảng câu hỏi với 5 thang điểm từ
“hoàn toàn không đồng ý” đến “hoàn toàn đồng ý” Cụ thể, các ngư dân đã được hỏi về hiệu quả của quy định KBTB, sự đóng góp của KBTB đối với bảo tồn rạn san hô, bảo
vệ các loài cá, tìm ra các sinh kế thay thế Từ đó làm cơ sở đề xuất cho việc quản lý KBTB trong tương lai
3.2.2 Phương pháp chọn mẫu
Phương pháp lựa chọn mẫu điều tra
Việc lựa chọn hộ dân để phỏng vấn được dựa trên các tiêu chuẩn lựa chọn đảm bảo sự cân bằng giữa người dân các khóm đảo Khi tác giả lựa chọn có sự cân nhắc các điểm sau: phần trăm của hộ gia đình trong một khóm đảo trên tổng số hộ trong KBTB, chẳng hạn như không cho rằng khóm đảo này quan trọng hơn khóm đảo khác;
sự phân bổ số hộ phải đảm bảo mang tính đại diện, phản ánh được toàn diện, sau đó sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện để tiến hành phỏng vấn
Ngoài ra, tính đến mục tiêu của việc đánh giá hiện trạng quản lý nguồn lợi thủy sản nên việc lựa chọn các hộ phỏng vấn tập trung vào các hộ có hoạt động đánh bắt Đối với các cuộc phỏng vấn, người phỏng vấn cố gắng phỏng vấn cả hai thành viên trong hộ gia đình khi có cả vợ và chồng Tuy nhiên, đối với những câu hỏi liên quan đến hoạt động đánh bắt thì tập trung phỏng vấn chính là người chồng
Xác định kích thước mẫu điều tra
Theo lý thuyết chọn mẫu về hoạt động giám sát kinh tế-xã hội cho các nhà quản
lý vùng ven biển ở Đông Nam Á, cỡ mẫu quy mô nhỏ có thể được dùng theo Bảng 3.2
Bảng 3.2 Mối quan hệ giữa tổng thể và kích thước mẫu