PHẦN MỞ ĐẦU 1. Tính cấp thiết của đề tài Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, trong đó, 54 tộc người anh em là 54 sắc màu văn hóa tạo nên nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam, được phân bố ở các vùng, miền của Tổ quốc. Do đặc điểm về điều kiện địa lý, kinh tế xã hội và nhiều nhân tố ảnh hưởng khác nhau, đã hình thành nên các vùng văn hóa khác nhau, từ đó, văn hóa của các dân tộc cũng có những điểm khác biệt và mang tính đặc thù. Trong đó vùng Tây Bắc là một vùng rộng lớn, có địa chính trị, kinh tế văn hóa độc đáo, có vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước cả về an ninh quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội. Vùng Tây Bắc nước ta gồm 6 tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái bao gồm rất nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Mỗi dân tộc với những đặc điểm riêng, đều sớm hình thành những nét văn hóa riêng có, độc đáo của mình. Dân tộc Mường là dân tộc có số dân đông thứ hai trong 53 dân tộc thiểu số ở nước ta. Cũng như mọi dân tộc khác, người Mường ở Tây Bắc đã sớm hình thành một nền văn hóa mang màu sắc riêng và hết sức đặc sắc. Nền văn hóa ấy ảnh hưởng sâu xa đến từng cá nhân trong cộng đồng người Mường, góp phần làm phong phú thêm những giá trị cho nền văn hóa Việt Nam. Thờ cúng tổ tiên là một loại hình tín ngưỡng khá phổ biến của người Mường ở Hòa Bình. Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển tín ngưỡng này luôn luôn nhắc con cháu rằng phải nhớ lấy nguồn khi uống nước, nhớ công người trồng cây khi ăn quả, phải biết kính trọng và phụng dưỡng ông bà, bố mẹ lúc sinh thời và thờ phụng khi mất. Tín ngưỡng này không chỉ thanh cao, tinh khiết khi coi đó là một cái nét văn hoá truyền thống của người Mường mà còn là sức mạnh niềm tin đối với toàn thể nhân dân trong đời sống văn hóa tinh thần. Song nó sẽ trở thành phiền toái khi mang mầu sắc mê tín dị đoan, ảnh hưởng của nó rất lớn đối với đời sống kinh tế của con người nói chung và người Mường nói riêng. Trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang phát triển theo nền kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập quốc tế, từng bước dân chủ hoá đời sống xã hội. Mặt khác còn có sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội, môi trường bị ô nhiễm, xuất hiện các mặt trái của khoa học công nghệ, trình độ dân trí thấp v.v… đó là những nguyên nhân xã hội, tâm lý và nhận thức dẫn đến việc tín ngưỡng, tôn giáo ngày một gia tăng. Hoạt động thờ cúng tổ tiên được diễn ra một cách rất phổ biến trong các gia đình người Mường. Điều đó đã góp phần gìn giữ giá trị tốt đẹp của Văn hoá truyền thống, nhưng mặt khác cũng có tác động tiêu cực là thúc đẩy kích thích mê tín dị đoan phát triển, cản trở sự nghiệp xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của vấn đề, để đóng góp phần công sức nhỏ bé vào mục tiêu của cả nước nói chung, và tỉnh Hòa Bình nói riêng, người viết lựa chọn đề tài Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Mường ở Hòa Bình hiện nay làm đề tài cho khóa luận tốt nghiệp