LỜI MỞ ĐẦU Trong giai đoạn hiện nay, vốn là nhân tố quan trọng cho mọi hoạt động của nền kinh tế. Nhu cầu về vốn đang nổi lên như một vấn đề cấp bách. Đầu tư và tăng trưởng vốn là một cặp phạm trù của tăng trưởng kinh tế, để thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay ở nước ta cần đến một lượng vốn lớn. Vốn cho phát triển kinh tế - xã hội luôn là vấn đề quan trọng và cấp bách trong cuộc sống hiện nay và nhiều năm tới ở nước ta. Đương nhiên để duy trì những thành quả đã đạt được của nền kinh tế nhờ mấy năm đổi mới vừa qua, giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế cao, tránh cho đất nước rơi vào tình trạng “tụt hậu” so với nhiều nước láng giềng trong khu vực và trên thế giới. Trong giai đoạn hiện nay nước ta đang tìm mọi cách khơi dậy mọi nguồn vốn trong nước từ bản thân nhân dân và việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã có tại các cơ sở quốc doanh, nguồn vốn nước ngoài từ ODA, NGO và từ đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Tuy nhiên cần thấy rõ nguồn vốn trong nước là chủ yếu, được xem là quyết định cho sự phát triển bền vững và độc lập của nền kinh tế. Và để đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển Nhà nước đề ra chính sách tăng cường huy động vốn thông qua hệ thống Ngân hàng thương mại, phát triển đa dạng hóa các công cụ huy động vốn,.. vì vậy hoạt động huy động vốn của ngân hàng không chỉ quan trọng đối với bản thân ngân hàng mà còn đối với cả thị trường vốn của đất nước. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu Hoạt động chính của ngân hàng là hoạt động tín dụng, tức là cho vay vốn để thu lợi nhuận, vì thế đây là một hoạt động vô cùng quan trọng của ngân hàng, quyết định đến sự tồn tại và hiệu quả của ngân hàng. Để cho vay được thì ngân hàng cần có một lượng vốn lớn. Ngoài nguồn vốn tự có, ngân hàng cần phải huy động từ các nguồn khác nhau thì mới có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh như cấp tín dụng và các dịch vụ khác của ngân hàng. Phân tích nguồn vốn huy động của ngân hàng là cần thiết, trên cơ sở đó có thể đưa ra các giải pháp để thu hút nguồn vốn từ khách hàng. Vấn đề đặt ra là ngân hàng phải làm gì để nguồn vốn huy động từ khách hàng tăng lên để có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh của mình một cách dễ dàng mà không gặp khó khăn, vướng mắc về vốn. Điều này dẫn đến phải xem xét những yếu tố nào tác động đến nguồn vốn huy động của ngân hàng, yếu tố nào quan trọng nhất, tác động mạnh nhất đến nguồn vốn huy động của ngân hàng từ đó đưa ra được phương pháp thu hút nguồn vốn từ khách hàng, dự báo được nguồn vốn trong những kỳ tiếp theo xây dựng kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới. Từ những lý do trên mà em đã mạnh dạn chọn đề tài “ Sử dụng mô hình chuỗi thời gian phân tích một số yếu tố ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động của ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hồng Hà ”. Khóa luận của em gồm 3 chương như sau: Chương 1: Tổng quan về ngân hàng thương mại, ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn và công tác huy động vốn của ngân hàng. Chương 2: Cơ sở lý thuyết của mô hình. Chương 3: Phân tích chuỗi vốn huy động bằng một số mô hình kinh tế lượng.