1. MỞ ĐẦU 1.1. Lý do chọn đề tài: Như chúng ta đã biết, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có một ngôn ngữ riêng, một chữ viết riêng. Qua ngôn ngữ, qua chữ viết đó con người thể hiện những tâm tư tình cảm, những ước mong về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Và đất nước Việt Nam chúng ta Một đất nước với bề dày văn hóa và lịch sử đã sáng tạo ra chữ viết riêng, ngôn ngữ riêng cho dân tộc mình. Đây là niềm tự hào cho mỗi người con đất Việt khi được nói và viết tiếng việt. Nói về chữ viết ông cha ta đã có câu: “Nét chữ là nét người”. Chính vì vậy mà có những nét chữ thể hiện tính cách con người cẩn thận, ngay ngắn; có những nét chữ thể hiện con người phóng khoáng tài hoa, nhưng cũng có những nét chữ thể hiện cẩu thả không cẩn thận,..... Một trong những thành tựu lớn lao nhất của giáo dục mầm non là làm cho trẻ sử dụng được một cách thành thạo tiếng mẹ đẻ trong đời sống hàng ngày. Tiếng mẹ đẻ là phương tiện quan trọng nhất để trẻ lĩnh hội nền văn hóa dân tộc, để giao lưu với mọi người xung quanh, để tư duy, để tiếp thu khoa học, để bồi dưỡng tâm hồn. Mặt khác, thông qua hoạt động làm quen chữ viết, còn phát triển ở trẻ khả năng quan sát, so sánh, tổng hợp, khái quát hóa, trừu tượng hóa và đặc biệt là phát triển ngôn ngữ mạch lạc cho trẻ.{1} Mặt khác, mục tiêu của giáo dục Mầm Non là nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ phát triển toàn diện theo 5 lĩnh vực. Trong đó hoạt động “Làm quen với chữ cái” là một trong những hoạt động đóng vai trò hết sức quan trọng. Chuẩn bị cho trẻ học chữ ở lớp Một, tạo sự chuyển tiếp giữa bậc học mầm non và tiểu học một cách khoa học và hợp lí là nhiệm vụ không thể thiếu trong công tác phát triển ngôn ngữ cho trẻ ở trường mầm non. Ngoài việc chuẩn bị thể lực, tâm thế, một số thói quen học tập… cho trẻ, chúng ta còn cần các hoạt động cho trẻ làm quen với chữ viết. Cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi làm quen với chữ viết là chuẩn bị các kỹ năng tiền biết đọc, biết viết cho trẻ. Đây chính là một trong các lĩnh vực chuyên biệt cần phải chuẩn bị cho trẻ trước khi trẻ bước vào lớp Một{1}. Giáo dục Mầm Non của chúng ta đã có những đổi mới, những chuyển biến mới trong việc nuôi dạy trẻ. Cùng với sự đổi mới của giáo dục Mầm Non nói chung, hoạt động làm quen chữ viết cũng đã đổi mới đáng kể. Là giáo viên mầm non nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất là giúp trẻ nắm được cấu tạo, phát âm chuẩn ngữ âm Tiếng Việt. Bởi không chỉ dạy trẻ nhận mặt chữ và phát âm từng chữ cái riêng lẻ (a, b, c...) trong 29 chữ cái mà còn dạy chữ cái cho trẻ trong các từ, câu gần gũi mà trẻ hay nhìn thấy xung quanh như : bài thơ, câu chuyện, tên truyện tranh, tên trẻ, tên nhân vật, đồ vật yêu thích qua sách truyện, họa báo, bảng hiệu trường, quảng cáo, tên bạn,…. Để trẻ học tốt hoạt động “Làm quen với chữ cái” theo chương trình giáo dục mầm non mới hiện nay, đòi hỏi phải có sự hướng dẫn, giúp đỡ của người lớn, đặc biệt là cô giáo mầm non. Vì vậy người giáo viên mầm non phải làm thế nào để giúp trẻ làm quen chữ viết một cách tốt nhất. Bản thân nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của vấn đề này nên đã lựa chọn và nghiên cứu đề tài sáng kiến kinh nghiệm: “ Một số biện pháp nâng cao chất lượng hoạt động làm quen với chữ viết cho trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi tại trường Mầm non Nga Mỹ”. 1.2. Mục đích nghiên cứu: Trong công tác giáo dục trẻ Mầm non thì việc cho trẻ Làm quen với chữ viết là không thể thiếu. Vì vậy mà tôi đã nghiên cứu một số biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động làm quen với chữ viết cho trẻ 5 – 6 tuổi tại trường mầm non xã Nga Mỹ, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. 1.3. Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng mà tôi chọn để nghiên cứu là trẻ mẫu giáo 5 6 tuổi lớp Lá Xanh trường Mầm Non Nga Mỹ do tôi phụ trách. 1.4. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp nghiên cứu tài liệu Phương pháp khảo sát thực tế Phương pháp dùng lời nói Phương pháp giáo dục bằng tình cảm khích lệ Phương pháp nêu gương. 2. NỘI DUNG SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM: 2.1. Cơ sở lý luận của sáng kiến kinh nghiệm: Công tác giáo dục là một chủ chương lớn, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân ta trong công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước, trong đó giáo dục mầm non là một ngành học cần thiết, một tác nhân quan trọng tác động và hình thành nhân cách con người cho trẻ. Chính vì vậy ngành giáo dục nói chung và bậc học mầm non nói riêng tiếp tục đẩy mạnh và không ngừng đổi mới, nâng cao công tác giảng dạy để tiến dần đến việc hoàn thiện một giáo trình cơ bản mang tính giáo dục cao, có hiệu quả nhất, để giúp trẻ hình thành và phát triển toàn diện nhân cách con người mới. Đối với trẻ mẫu giáo có rất nhiều các hoạt động như học tập, vui chơi, lao động….. Song một trong những hoạt động không thể thiếu được với trẻ đó là phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Vì ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất. Nhờ có ngôn ngữ mà con người hiểu được nhau, cùng nhau hành động vì mục đích chung: lao động, đấu tranh, xây dựng và phát triển xã hội. Quá trình trưởng thành của đứa trẻ bên cạnh thể chất là trí thức công cụ để phát triển tư duy trí thức chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ là công cụ để trẻ học tập và vui chơi những hoạt động chủ yếu của trường mầm non. Ngôn ngữ cần cho tất cả các hoạt động và ngược lại mọi hoạt động tạo cơ hội cho ngôn ngữ trẻ phát triển . Ngôn ngữ còn là phương tiện để giáo dục trẻ một cách toàn diện về 5 mặt giáo dục: đức, trí, lao, thể, mỹ. Vậy hoạt động làm quen với chữ cái là một phần, một bộ phận của việc phát triển ngôn ngữ trong chương trình chăm sóc giáo dục trẻ 5 6 tuổi, do đó làm quen với chữ cái nó có ý nghĩa quan trọng việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ. Trước hết làm quen với chữ cái là rèn luyện khả năng nghe, khả năng phát âm, khả năng hiểu ngôn ngữ Tiếng Việt . Thông qua việc làm quen với chữ cái cung cấp thêm vốn từ về thế giới xung quanh. Cho trẻ làm quen với chữ cái còn giúp trẻ hiểu được mối quan hệ giữa ngôn ngữ nói với ngôn ngữ viết, trẻ hiểu thế nào là đọc và viết sau này ở trường phổ thông, thông qua viêc tìm kiếm các chữ cái khác nhau ở các vị trí khác nhau của từ giúp trẻ phát triển óc quan sát, ghi nhớ có chủ định. Cho trẻ làm quen với chữ cái còn góp phần kích thích phát triển tư duy và hình thành tính tích cực của trẻ, nó giúp trẻ định hướng trong không gian, giúp trẻ điều khiển những hoạt động của các giác quan. Làm quen với chữ cái còn giáo dục tình cảm, mở rộng hiểu biết cho trẻ, chuẩn bị tích cực cho trẻ vào trường tiểu học. Như vậy làm quen với chữ cái là không thể thiếu được trong nội dung phát triển ngôn ngữ cho trẻ 5 6 tuổi. 2.2. Thực trạng vấn đề trước khi áp dụng sáng kiến kinh nghiệm: Năm học 2017 2018 này, tôi được BGH nhà trường phân công chủ nhiệm lớp mẫu giáo 5 6 tuổi. Tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài trong điều kiện thực trạng như sau: Thuận lợi: Trường mầm non Nga Mỹ là trường chuẩn Quốc gia có đầy đủ đồ dùng đồ chơi phục vụ cho công tác chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt là hoạt động làm quen với chữ viết. Ban giám hiệu nhà trường nhiệt tình, năng nổ, có năng lực vững vàng, luôn quan tâm đến chất lượng dạy và học, luôn dự giờ thăm lớp góp ý xây dựng cho các hoạt động của lớp. Có hội phụ huynh luôn quan tâm đến các hoạt động của nhà trường của lớp. Hội phụ huynh đã đầu tư mua sắm đồ dùng đồ chơi cho con em mình tương đối đầy đủ, hưởng ứng mọi phong trào của trường của lớp đề ra. Bản thân có trình độ Đại học, luôn nhiệt tình trong công tác chăm sóc, nuôi đưỡng và giáo dục trẻ, tâm huyết với nghề, yêu nghề mến trẻ, coi trẻ như con em mình. Tôi còn được tiếp thu đầy đủ các chuyên đề, được dự giờ dạy mẫu từ đồng nghiệp, luôn tham khảo tài liệu, học hỏi bạn bè đồng nghiệp… để tìm ra các phương pháp dạy, cách tổ chức cho trẻ hoạt động phù hợp với trẻ lớp mình, giúp trẻ tích cực, hứng thú tham gia các hoạt động . Lớp tôi phụ trách là lớp mẫu giáo lớn với tổng số 30 cháu, trong đó 14 cháu nữ, 16 cháu nam, trẻ đã có nề nếp học tập và các thói quen tốt, như: vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, lao động tự phục vụ, …… Khó khăn: Bên cạnh những thuận lợi trên vẫn còn gặp không ít những khó khăn, đó là: Trường tôi gần công ty may WINNERS VINA và công ty may MS.VINA. Tuy vậy, đời sống của nhân dân vẫn còn rất nhiều khó khăn. Bố mẹ các cháu đa số là công nhân làm ở công ty, họ đi làm cả ngày, có khi làm tăng ca đến 910 giờ tối mới về nên họ ít có thời gian quan tâm đến con em mình. Ngoài điều kiện khó khăn ra phụ huynh cứ nghĩ trẻ đến lớp chủ yếu là múa hát, đọc thơ và chơi rồi đọc xa xả vài cái chữ là xong. Bởi họ chưa hiểu được sự khác nhau giữa việc làm quen chữ viết trước đây và làm quen chữ viết hiện nay. Vì vậy phương pháp dạy của phụ huynh chưa khoa học. Cùng một độ tuổi nhưng có cháu sinh đầu năm, có cháu sinh cuối năm nên nhận thức của các cháu chưa đồng đều dẫn đến chất lượng của hoạt động làm quen với chữ viết chưa cao. Mặt khác, do ảnh hưởng của ngôn ngữ địa phương hay phát âm sai lỗi chính tả nên ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy trẻ làm quen với chữ viết. Ví dụ: Phụ huynh thường phát âm chữ “bây giờ” thành “bay giờ”; “cái đĩa” thành “cái đỉa”..... Đứng trước tình hình thực trạng trên, tôi đã tiến hành nghiên cứu đề tài. Tôi thực hiện khảo sát trẻ trong lớp về một số nội dung mục tiêu đề tài đặt ra.