Các hàm lượng giác của một góc thường được định nghĩa bởi tỷ lệ chiều dài hai cạnh của tam giác vuông chứa góc đó, hoặc tỷ lệ chiều dài giữa các đoạn thẳng nối các điểm đặc biệt trên vòng tròn đơn vị. Những định nghĩa hiện đại hơn thường coi các hàm lượng giác là chuỗi số vô hạn hoặc là nghiệm của một số phương trình vi phân, điều này cho phép hàm lượng giác có thể có đối số là một số thực hay một số phức bất kì. Hàm số lượng giác có vai trò quan trọng trong rất nhiều ngành khoa học. Tính tuần hoàn của các hàm lượng giác có vị trí to lớn trong việc mô phỏng các chuyển động sóng như sóng điện từ hay âm thanh. Mọi tín hiệu đều có thể được phân tích thành tổng (vô hạn) của các hàm và ứng với nhiều tần số; Đây là ý tưởng chủ đạo của phân tích Fourier, dùng để giải quyết các bài toán điều kiện biên và phương trình đạo hàm riêng. Đặc biệt trong lượng giác học và toán học, hàm số lượng giác được xem như một công cụ hữu hiệu để để giải quyết một số bài toán đại số, hình học… Trong chương trình sách giáo khoa bậc Trung học phổ thông, nội dung phần hàm số lượng giác mới chỉ dừng lại ở việc cho các em bước đầu làm quen, tìm hiểu một số tính chất và làm một số dạng bài tập chứ chưa trú trọng , khai thác ứng dụng và vai trò của hàm số lượng giác trong việc giải quyết một số vấn đề Toán học có liên quan. Với mong muốn giúp các bạn học sinh, sinh viên nghiên cứu về lý thuyết hàm số lượng giác một cách dễ dàng và có hệ thống, đồng thời tìm hiểu về ứng dụng của hàm số lượng giác vào giải quyết một số bài toán có liên quan, nhóm chúng em mạnh dạn chọn đề tài nghiên cứu: “HÀM SỐ LƯỢNG GIÁC VÀ MỘT SỐ ỨNG DỤNG”.