PHẦN MỞ ĐẦU 1.Lý do chọn đề tài. Hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã gặt hái được rất nhiều thành công trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thành công đó không chỉ khẳng định con đường đổi mới của Đảng và nhân dân ta là đúng đắn, phù hợp mà còn góp phần nâng cao đời sống của nhân dân ta, đưa vị trí của nước ta nâng cao trên trường quốc tế. Thành công này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng và nhà nước ta. Tuy nhiên, Đảng ta cũng nhận thức được rằng con đường đổi mới mà chúng ta đang tiến hành còn gặp không ít những khó khăn, thách thức. Để có thể vượt qua những khó khăn này Đảng ta đã chủ chương phát huy tối đa nội lực, đồng thời tranh thủ hết mức các yếu tố ngoại lực có lợi cho quá trình phát triển đất nước. Đảng ta đã xác định các yếu tố ngoại lực không chỉ bao gồm các yếu tố về vốn, khoa học công nghệ, chuyên gia…Mà một yếu tố rất quan trọng đó là phải biết học hỏi, vận dụng kinh nghiệm của các nước, kinh nghiệm không chỉ trên lĩnh vực kinh tế mà cả kinh nghiệm về ổn định và phát triển xã hội, kinh nghiệm xây dựng và cải cách bộ máy nhà nước. Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, mỗi quốc gia, nhà nước đều không ngừng củng cố, đổi mới, hoàn thiện bộ máy nhà nước ở quốc gia mình để đáp ứng được yêu cầu của xu thế mới này. Việc củng cố, đổi mới, hoàn thiện thể chế chính trị ở mỗi quốc gia không chỉ góp phần ổn định tình hình của quốc gia đó, mà nó còn là bài học kinh nghiệm cho các quốc gia đang thực hiện quá trình hoàn thiện thể chế chính trị của đất nước mình. Thể chế chính trị của mỗi quốc gia được xây dựng trên cơ sở lý thuyết, truyền thống dân tộc, ảnh hưởng của địa chính trị… Nhưng bên cạnh đó ở một số quốc gia thể chế của đất nước lại được xây dựng trên cơ sở sự thành công của thể chế chính trị ở một quốc gia khác .Thể chế chính trị của các nước trên thế giới hiện nay là rất đa dạng và phức tạp. Để có thể tìm hiểu và nắm vững thể chế chính trị của một quốc gia đòi hỏi cần phải có quá trình tìm tòi, nghiên cứu công phu. Tuy vậy, bước vào xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi chúng ta không thể không nghiên cứu thể chế chính trị của các quốc gia trên thế giới. Và trong đường lối lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và nhà nước ta đã luôn khẳng định : “Việt Nam sẵn sàng là bạn là đối tác tin cậy của các nước trên cộng đồng quốc tế, với đường lối đối ngoại độc lập tự chủ mở rộng đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế”. Và trong cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ đổi mới Đảng ta đã luôn khẳng định và đặt ra mục tiêu : Xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, khai thác, kế thừa, học hỏi các yếu tố hợp lý trong thể chế chính trị của các quốc gia khác trên thế giới để từ đó xây dựng nhà nước vững mạnh về mọi mặt. Để có thể mở rộng sự hiểu biết của mình về thể chế chính trị các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước đi theo chủ nghĩa tư bản và hiện nay đang là nước có nền kinh tế phát triển, nhưng lại có nhiều nét tương đồng với Việt Nam . Mexico là một quốc gia như vậy. Và vì thế em đã lựa chọn và nghiên cứu: “thể chế chính trị liên bang Mexico” làm đề tài nghiên cứu cho tiểu luận của mình.