LỜI MỞ ĐẦU Tính cấp thiết của việc nghiên cứu đề tài: Sự ra đời và phát triển của ngân hàng thương mại gắn liền với sự ra đời và phát triển của nền kinh tế hàng hoá để giải quyết nhu cầu thanh toán, phân phối vốn, phục vụ cho việc mở rộng sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế, cá nhân với đặc thù kinh doanh trên lĩnh vực tiền tệ. Vì thế, hoạt động ngân hàng chứa đựng rất nhiều tiềm ẩn rủi ro mà chúng ta khó có thể biết trước được. Hiện nay, tín dụng là một trong những hoạt động chính mang lại phần lớn doanh thu cho các ngân hàng. Do vậy, rủi ro tín dụng có thể đưa đến những hậu quả nặng nề cho các ngân hàng thương mại, từ giảm lợi nhuận hoạt động đến phá sản. Mặt khác, với vai trò trung gian tài chính quan trọng của mình trên thị trường tài chính và nền kinh tế, một ngân hàng phá sản có thể kéo theo sự sụp đổ của nhiều ngân hàng khác, từ đó đe dọa sự ổn định của hệ thống ngân hàng và theo đó là cả nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp và nguy cơ khủng hoảng tín dụng tăng cao. Đặc biệt trong năm 2008 vừa qua, cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra với quy mô rộng khắp toàn cầu đã ảnh hưởng sâu sắc và mạnh mẽ đến các doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng trong và ngoài nước. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng trước tình trạng phá sản, không có khả năng thanh toán các khoản nợ với ngân hàng. Khối lượng các khoản nợ xấu của ngân hàng tăng lên. Đứng trước tình hình đó, đòi hỏi các ngân hàng thương mại Việt Nam phải nâng cao công tác quản lý tín dụng, hạn chế đến mức thấp nhất có thể những nguy cơ tiềm ẩn gây nên rủi ro. Trước tính cấp thiết đó, trong quá trình thực tập tại phòng Kinh doanh Chi nhánh NHNo&PTNT Hà Thành, em đã chọn đề tài: “Hạn chế rủi ro tín dụng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Chi nhánh Hà Thành” để nghiên cứu. Mục đích nghiên cứu đề tài: Trình bày những lý luận cơ bản về hoạt động tín dụng, rủi ro tín dụng tại Ngân hàng thương mại. Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá thực trạng hoạt động tín dụng, rủi ro tín dụng, nhận xét về những thành công và mặt hạn chế của các biện pháp đang áp dụng nhằm hạn chế rủi ro tín dụng tại Chi nhánh NHNo&PTNT Hà Thành. Qua đó, đưa ra những giải pháp cũng như kiến nghị cụ thể. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu: - Đối tượng nghiên cứu: Rủi ro tín dụng và một số giải pháp để phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng. - Phạm vi nghiên cứu: Rủi ro tín dụng và một số giải pháp để phòng ngừa và hạn chế rủi ro tín dụng tại chi nhánh NHNo&PTNT Hà Thành trong giai đoạn 2007 - 2009 Phương pháp nghiên cứu: Để phù hợp với nội dung, yêu cầu, mục đích của đề tài đề ra , phương pháp được thực hiện trong quá trình nghiên cứu gồm phương pháp so sánh, phân tích kết hợp với phương pháp điều tra chọn mẫu và hệ thống hóa. Bên cạnh đó, đề tài cũng vận dụng kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học liên quan để làm phong phú và sâu sắc hơn các cơ sở khoa học và thực tiễn của đề tài. Kết cấu của chuyên đề: Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, chuyên đề được chia làm 3 nội dung chính: Chương I: Những vấn đề cơ bản về rủi ro tín dụng của Ngân hàng thương mại. Chương II: Thực trạng rủi ro tín dụng tại Chi nhánh NHNo&PTNT Hà Thành Chương III: Giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng tại Chi nhánh NHNo& PTNT Hà Thành