LỜI MỞ ĐẦU Các Mác (1818 – 1883) và Phriđơrich Ăngghen (1820 – 1895) là hai nhà triết học có công sáng lập triết học Mác – Lênin, triết học Mác cũng như toàn bộ chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời như một tất yếu của lịch sử, nó là hệ tư tưởng khoa học và cách mạng nhất của loài người, không chỉ có ý nghĩa trong lý luận mà còn có ý nghĩa trong đời sống và thực tiễn, nhất là trong thực tiễn cách mạng của giai cấp công nhân và nhiệm vụ giải phóng các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Và không một ai trong số những người có tinh thần khoa học trung thực lại không thừa nhận ý nghĩa lịch sử của triết học Mác đối với lịch sử triết học và lịch sử phát triển của nhân loại. Tôi vô cùng tự hào khi được là một trong những người sinh ra trong thời đại mới và được tiếp thu những tri thức tinh hoa nhất của nhân loại, đặc biệt là hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Nhiệm vụ của một sinh viên chuyên ngành triết Mác như tôi đó là phải học tập và rèn luyện thật tốt nhằm nâng cao trình độ năng lực tư duy lý luận trên cơ sở nắm vững những nguyên lý của của triết học Mác – Lênin, để trở thành hạt nhân vững chắc góp phần xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội trong tương lai. Để làm được điều đó, tôi thấy cần thiết phải nghiên cứu một cách sâu sắc lịch sử triết học và đặc biệt là quá trình hình thành và phát triển của triết học Mác – Lênin nói riêng và toàn bộ chủ nghĩa Mác – Lênin nói chung, nắm vững những tư tưởng và sự chuyển đổi mang tính cách mạng trong triết học do Mác, Ăngghen và Lênin thực hiện. Quá trình hình thành và phát triển của triết học Mác được chia làm nhiều giai đoạn cụ thể khác nhau, tuy nhiên phạm vi bài tiểu luận này có hạn nên tôi sẽ trình bày những vấn đề cơ bản nhất, những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa duy vật lịch sử mà Các Mác và Phriđơrich Ăngghen đã trình bày trong giai đoạn đề xuất những nguyên lý triết học từ năm 1844 đến năm 1848.