A MỞ ĐẦU Văn học ngay từ những ngày đầu xuất hiện đã được coi là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời sớm nhất của nhân loại. Nên như một lẽ tự nhiên, văn học đã dành ra những tinh hoa và kinh nghiệm của mình để nuôi lớn một nền báo chí vốn có nhiều điểm chung với nó cùng chung chất liệu, cùng chung đội ngũ những người cầm bút, cùng chung đối tượng phục vụ là công chúng từ khi còn trứng nước. Báo chí Việt Nam không tách mình ra khỏi quy luật đó. Có lẽ vì ý nghĩa lớn lao đó của văn học mà trong quá trình tác nghiệp của nhà báo, chất liệu văn học được khai thác một cách tối đa và xuất hiện trong mọi thành phần của tác phẩm báo chí. Chính chất liệu văn học chứ không phải yếu tố nào khác đã góp phần tăng thêm “bút hồn” cho mỗi bài báo, tăng thêm sự hấp dẫn đối với công chúng, thổi hơi thở dân tộc và thời đại vào tác phẩm giống như nhận định của nhiều nhà nghiên cứu. Đặc biệt, tính dân tộc trong tác phẩm báo chí thể hiện rõ khi đội ngũ những người cầm bút đề cao ý thức sử dụng chất liệu văn học dân gian trong sáng tạo tác phẩm. Chất liệu dân gian được sử dụng có thể là những cốt truyện, những nhân vật dân gian, những điển tích điển cố, hay hệ thống ca dao, tục ngữ, thành ngữ trong kho tàng văn học dân gian hết sức giàu có của dân tộc Việt Nam. Là một tờ báo…….., báo Lao Động(nhật báo) cũng không nằm ngoài dòng chảy chung đó. Để lôi kéo công chúng và tăng thêm hiệu quả tiếp nhận thông tin, đội ngũ những người làm báo ở báo Lao Động đã có ý thức khai thác tối đa sức mạnh của văn học dân gian trong sáng tạo tác phẩm. Chất liệu của văn học dân gian hiện diện trong mọi thành tố của một tác phẩm báo chí. Tuy nhiên trên cái nền đa dạng ấy, đề tài này chỉ tập trung khảo sát việc sử dụng chất liệu văn học dân gian trong việc sáng tạo một thành phần tác phẩm báo chí, cụ thể là tít báo. Phạm vi khảo sát là báo Lao Động(nhật báo) tháng 10, 11, 12 năm 2009. Từ thực tế khảo sát việc sử dụng chất liệu văn học dân gian trong việc đặt tít báo Lao Động, tiểu luận sẽ làm rõ cấp độ sử dụng, phương thức sử dụng, hiệu quả thẩm mĩ mà chất liệu văn học mang lại cho tác phẩm. Đồng thời, thông qua việc khảo sát, tiểu luận cũng giải quyết nhiệm vụ đề xuất những kiến nghị, giải pháp nhằm tăng thêm hiệu quả của việc sử dụng chất liệu văn học dân gian trong việc đặt tít trên báo Lao Động. Để hoàn thành đề tài tiểu luận, người nghiên cứu đã dùng phương pháp khảo sát, thống kê, phân loại hệ thống các tác phẩm báo chí trong 3 tháng cuối năm 2009 có liên quan đến việc sử dụng chất liệu văn học dân gian trong đặt tít bài. Để có thêm cái nhìn khách quan, phương pháp so sánh cũng được sử dụng (so sánh việc sử dụng chất liệu văn học dân gian trong đặt tít trên báo Lao Động các tháng khác nhau, so sánh việc sử dụng chất liệu văn học dân gian trên báo Lao Động với việc sử dụng chất liệu văn học nước ngoài trên các báo khác) nhằm mục đích thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra.