CHƢƠNG 1 GIỚI THIỆU 1.1 Giới thiệu Vi nấm là một trong những tác nhân gây bệnh ở động vật thủy sản và bệnh do vi nấm đã và đang gây thiệt hại cho nghề nuôi thủy sản ở nhiều quốc gia trên thế giới. Vi nấm bậc thấp với đa dạng thành phần loài gây bệnh và nhiễm ở các giai đoạn khác nhau trên động vật thủy sản, trong đó đặc biệt là Achlya và Saprolegnia là các giống vi nấm thường gây bệnh trên các loài cá nước ngọt với các sợi nấm phát triển nhanh và tạo thành búi màu trắng như bông gòn (Bruno and Woo, 1994; Yanong, 2003). Vi nấm nhiễm trên động vật thủy sản thông thường là bệnh mãn tính, tuy nhiên cũng gây thiệt hại kinh tế cho nghề nuôi thủy sản. Điển hình như nghiên cứu về các giai đoạn phát triển của cá chình (Anguilla Anguilla), cá hồi bạc (Oncorhynchus kisutch) nuôi ở Nhật Bản cho thấy tỉ lệ cá chết hằng năm do nhiễm vi nấm rất cao, khoảng 50% (Bruno and Woo, 1994; Hatai and Hoshiai, 1994). Tỉ lệ cá chết ở 5 loài cá hồi nuôi ở Nhật Bản lên đến 100% khi bị nhiễm vi nấm S. parasitica (Hussein and Hatai, 2002). Vi nấm Saprolegnia sp. gây cảm nhiễm trên cá nheo (Ictalurus punctatus) cho thấy 92% cá nheo bị bệnh có dấu hiệu tổn thương trên da và tỉ lệ chết lên đến 67% sau 21 ngày (Bly et al., 1992). Bên cạnh đó, vi nấm bậc cao bao gồm là Fusarium moniliforme và F. udum được phát hiện gây bệnh phổ biến trên một số loài cá nuôi nước ngọt ở Ấn Độ như cá chành dục (Channa punctatus), cá chốt giấy (Mystus tengra), cá leo (Wallago attu), cá trôi Ấn Độ (Labeo rohita), cá chạch bông (Mastaceamblus armatus), cá đòng đong (Puntius sophore) và cá ngạnh (Barbus rana) (Deepa et al., 2000). Ở Ai Cập, nghiên cứu đã phát hiện cá dĩa (Symphysodon) bị nhiễm vi nấm F. solani, F. oxysporum và F. moniliform với tỉ lệ lần lượt là 50; 33,3 và 16,7% (El-Ghany et al., 2014). Ở Tây Ban Nha, nhóm nghiên cứu của Cutuli et al. (2015) tìm thấy sự hiện diện của F. oxysporum ở vết thương dưới da cá rô phi (Oreochromis niloticus). Đặc biệt một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện các vi nấm phức nhiễm trên động vật thủy sản như F. incarnatum-equiseti complex (FIESC) và F. solani species complex (FSSC) nhiễm trên trứng cá (Odontesthes bonariensis) hay F. oxysporum species complex (FOSC) nhiễm trên cơ cá vằn (Danio rerio) nuôi ở Hàn Quốc (Marino et al., 2016; Kulatunga et al., 2017). Cá tra là loài cá nuôi truyền thống mang lại giá trị kinh tế và xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Hơn nữa bệnh do vi nấm đã xuất hiện cũng làm giảm hiệu quả kinh tế và ảnh hưởng đến nghề nuôi cá này, điển hình như bệnh trương bóng hơi trên cá tra. Bệnh xuất hiện trong một vài năm gần đây và các mẫu cá tra bệnh đã ghi nhận được các loài Fusarium oxysporum, Fusarium subglutinans và Fusarium sp. nhiễm trên bóng hơi (Phạm Minh Trúc và ctv., 2012; Phạm Minh Đức và ctv., 2012). Nhưng nghiên cứu này chỉ dừng lại ở dạng định tính, chưa xác định tác nhân gây ra bệnh trương bóng hơi và đặc điểm bệnh học của vi nấm Fusarium một cách hệ thống, thông tin về bệnh học vẫn còn giới hạn. Tương tự như cá tra, nghiên cứu về bệnh cá lóc nói chung và bệnh do nấm gây ra nói riêng vẫn còn hạn chế. Cho đến nay, các nghiên cứu về bệnh vi nấm trên cá lóc đang dừng lại ở mức xác định thành phần loài vi nấm nhiễm ở cá bệnh. Nghiên cứu của Kitancharoen et al. (1995) lần đầu tiên phát hiện Achlya klebsiana nhiễm trên cá lóc ở Myanmar. Ngoài ra, Saraswathi et al. (2015) cho biết trong số 9 loài cá nghiên cứu thì cá lóc là đối tượng dễ bị nhiễm đồng thời nhiều loài vi nấm Achlya khác nhau. Vi nấm Achlya bisexualis được ghi nhận nhiễm trên trứng cá rô phi, trứng cá tra dầu và cá rô phi bột ở Thái Lan (Panchai et al., 2007; Abking et al., 2012). Ở Việt Nam, kết quả khảo sát mầm bệnh trên cá lóc nuôi thâm canh trong ao đã phân lập được 4 giống vi nấm là Achlya sp., Fusarium sp., Acremonium sp., Geotrichum sp. và chỉ xuất hiện ở 3 tháng nuôi đầu tiên, đặc biệt vi nấm Achlya sp. chỉ xuất hiện ở tháng nuôi thứ nhất và thứ ba (Phạm Minh Đức và ctv., 2012). Như vậy, nghiên cứu một cách hệ thống về mầm bệnh vi nấm trong môi trường ao nuôi cá tra và cá lóc cũng như xác định tác nhân gây bệnh do vi nấm và khảo sát hóa chất, thảo dược diệt vi nấm là cần thiết nhằm có được hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học để kiểm soát mầm bệnh này.