Giải quyết các vấn đề chính sách - xã hội luôn là một trong những việc được đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển của mọi quốc gia. Mỗi quốc gia, tuỳ thuộc vào mỗi giai đoạn phát triển lịch sử cụ thể của mình, vào khả năng kinh tế và mức độ cần giải quyết đối với các vấn đề xã hội, Chính phủ sẽ có những chương trình, áp dụng những biện pháp cụ thể thích hợp. Việt Nam là một quốc gia mà nền kinh tế được xếp vào nhóm các nước chậm phát triển nhất trên thế giới với cơ sở nền tảng của sự phát triển kinh tế nghèo nàn, lạc hậu và sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, các khu vực, giữa các tầng lớp dân cư còn khá lớn; đã và đang đặt ra hàng loạt các vấn đề chính sách - xã hội mà Đảng và Nhà nước cần quan tâm giải quyết. Từ kinh nghiệm của các quốc gia có hoàn cảnh “tương đồng” với chúng ta trên thế giới, từ thực tiễn của chính chúng ta về việc giải quyết các vấn đề chính sách xã hội thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính đối với các đối tượng chính sách xã hội trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002 về việc thành lập NHCSXH nhằm thống nhất các nguồn lực tài chính, thiết lập một cơ chế tài trợ phù hợp, góp phần thực hiện tốt nhất mục tiêu hỗ trợ của Nhà nước đối với các đối tượng chính sách xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Việc ra đời NHCSXH đã tạo ra cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ Ngân hàng, giúp các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước quen dần với nền sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo của nước ta vẫn còn cao (chiếm 19% tổng số hộ gia đình); tỷ lệ hộ thoát nghèo hàng năm tăng nhưng không bền vững, nguy cơ tái nghèo lớn; đối tượng cho vay còn hạn chế trong khi nhu cầu ngày một tăng. Những điều này làm chậm tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu xóa đói, giảm ngèo của Đảng và Nhà nước. Xuất phát từ yêu cầu thực tế trên, đề tài “Mở rộng hoạt động cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam” được chọn làm luận văn tốt nghiệp. Đây là một lĩnh vực còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu làm rõ thêm nhằm góp phần nâng cao vai trò của NHCSXH Việt Nam trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.