Đối với mọi quốc gia, muốn phát triển kinh tế thì cần phải có vốn để tiến hành các hoạt động tạo ra tài sản mới cho nền kinh tế. Nguồn vốn này có thể được huy động ở trong nước hoặc từ nước ngoài. Tuy nhiên, nguồn vốn trong nước thường có hạn, do đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn FDI ngày càng giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn luôn là trọng tâm trong chính sách phát triển của các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam do những tác động tích cực của FDI đến phát triển kinh tế như giải quyết nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển, thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, chuyển giao công nghệ và kỹ năng quản lý hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay tỷ trọng dòng vốn FDI vào các nước đang phát triển có xu hướng tăng song lượng vốn FDI thu hút vào các nước này lại không đồng đều. Do vậy, làm thế nào để thu hút được tối đa vốn FDI vẫn đang là bài toán đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách, nhất là trong bối cảnh hậu khủng hoảng như hiện nay. Đảng ta đã xác định “Đẩy mạnh công nghiệp hoá – hiện đại hoá xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp; ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất, đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng xã hội chủ nghĩa; phát huy cao độ nội lực, đồng thời tranh thủ nguồn lực bên ngoài và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nhanh, có hiệu quả và bền vững; tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường; kết hợp phát triển kinh tế xã hội với tăng cường quốc phòng an ninh”. Công nghiệp hoá – hiện đại hoá nhằm phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật ngày càng hiện đại đòi hỏi phải có nhiều vốn trong và ngoài nước. Do đó, cũng như mọi quốc gia khác, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam Nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động, với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và môi trường đầu tư đang không ngừng được cải thiện, đặc biệt sau khi trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới, Việt Nam đang ngày càng được các nhà đầu tư chú ý và được đánh giá sẽ trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn. Vì vậy, để thu hút được tối đa nguồn vốn FDI phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế trong nước, Việt Nam cần khắc phục những khó khăn như điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, hệ thống tài chính chưa phát triển, môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, công tác quản lý vĩ mô còn nhiều bất cập… Đây là những thách thức lớn đối với Việt Nam trong bối cảnh sức ép cạnh tranh trong thu hút các dòng vốn trên thế giới ngày càng tăng. Chính vì vậy, em đã lựa chọn đề tài: “Tăng cường thu hút vốn FDI tại Việt Nam hiện nay”.