Nghệ thuật lãnh đạo Không ai sinh ra đã có sẵn trong mình những tố chất lãnh đạo bẩm sinh. Để trở thành một nhà lãnh đạo giỏi, bạn cần phải có ý chí, có nỗ lực quyết tâm, có tích luỹ kinh nghiệm, biết không ngừng trau dồi kiến thức và học hỏi để hoàn thiện mình. Năng lực lãnh đạo là cả một quá trình mà tại đó một cá nhân có ảnh hưởng lên những người khác để họ hoàn thành một mục tiêu và một hướng dẫn nào đó theo phương cách nối kết với nhau sao cho có hiệu quả nhất. Các nhà lãnh đạo thực hiện quá trình này bằng chính các kỹ năng leadership của mình, chẳng hạn như lòng tin, sự tôn trọng, cách ứng nhân xử thế, tính cách, kiến thức hoặc kỹ năng. Mặc dù vị trí của bạn với tư cách nhà quản lý, nhà giám sát, trưởng các phòng ban,… sẽ đem lại cho bạn thẩm quyền để chỉ đạo người khác hoàn thành những nhiệm vụ và mục tiêu của công ty, tuy nhiên, quyền lực này không khiến bạn trở thành nhà lãnh đạo theo đúng nghĩa của nó được. Đơn giản, nó chỉ giúp bạn ngồi vào vị trí “sếp” mà thôi. Còn năng lực lãnh đạo đem lại sự khác biệt vì nó khiến tự bản thân các nhân viên có mong muốn đạt được các mục tiêu cao hơn, trong khi “làm sếp” thường chỉ đơn thuần là “sai khiến” người khác. Các nguyên tắc năng lực lãnh đạo: Để có khả năng thể hiện, hiểu biết và thực hiện năng lực lãnh đạo (leadership), bạn hãy tuân thủ 11 nguyên tắc lãnh đạo sau: 1/ Hãy hiểu chính bản thân mình và hãy nỗ lực tự hoàn thiện mình. Để hiểu chính mình, bạn phải hiểu rõ các đặc tính của bản thân: bạn là ai, bạn biết những gì và bạn đang làm gì. Còn việc nỗ lực tự hoàn thiện mình đồng nghĩa với việc không ngừng phát huy các đặc tính đó. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tự học, qua các khoá học chính thức, qua suy ngẫm chiêm nghiệm và giao tiếp với người khác. 2/ Hãy là một người giỏi chuyên môn: Với vai trò là nhà lãnh đạo, bạn phải biết rõ về công việc của mình đồng thời có sự hiểu biết vững vàng về các công việc của nhân viên dưới quyền. 3/ Tìm kiếm và sẵn sàng gánh vác trách nhiệm đối với hành động của bạn: Hãy tìm kiếm các cách để dẫn dắt công ty vươn tới những tầm cao mới. Và khi gặp rắc rối, mà điều này thì sớm muộn gì chắc chắn cũng sẽ đến với bạn - không bao giờ được đổ lỗi cho người khác. Hãy phân tích tình huống, thực hiện những biện pháp chấn chỉnh, và tiếp tục bước tới để đương đầu với những thách thức tiếp theo. 4/ Hãy đưa ra những quyết định hợp lý và kịp thời: Bạn hãy sử dụng các kỹ năng và công cụ tốt để giải quyết vấn đề, ra quyết định và lên kế hoạch. 5/ Hãy gương mẫu: Bạn phải là một tấm gương điển hình trong con mắt các nhân viên. Họ không chỉ nghe mà sẽ còn nhìn vào những gì họ mong đợi. Khi đó, hình ảnh của nhà lãnh đạo là rất quan trọng. Việc này thực sự không quá khó, nó chỉ đòi hỏi ở bạn một suy nghĩ cẩn trọng trong công việc. 6/ Phải thấu hiểu nhân viên và tìm cách chăm lo cho phúc lợi của họ: Người lãnh đạo giỏi cần thấu hiểu bản chất con người và tầm quan trọng của việc chân thành quan tâm đến nhân viên của mình. 7/ Hãy tuyền tải thông tin đầy đủ cho nhân viên của bạn: Bạn phải biết cách giao tiếp và hỗ trợ nhân viên chủ động trong việc liên lạc và cung cấp thông tin cho các nhà lãnh đạo. Việc giao tiếp này không chỉ đơn thuần giữa nhân viên với người phụ trách mà còn giữa nhân viên với các nhà quản lý cấp cao hơn hay với những nhân vật chủ chốt khác trong công ty. 8/ Phát triển ý thức tinh thần trách nhiệm của các nhân viên: Điều này giúp phát triển các tính cách tốt của nhân viên và sẽ giúp họ gánh vác tốt hơn trách nhiệm trong công việc của mình. 9/ Đảm bảo rằng các nhiệm vụ khi giao phó đã được hiểu, được giám sát và được hoàn thành: Giao tiếp là yếu tố then chốt để thực thi trách nhiệm này. 10/ Tạo ra một tập thể gắn kết thực thụ: Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo tìm cách gọi công ty, các bộ phận, phòng ban, … của mình là những tập thể đoàn kết, nhưng thực ra đó vẫn chưa phải là một đội ngũ tập thể thực thụ, mà chỉ đơn thuần là một nhóm người làm chung một công việc mà thôi. Nhà lãnh đạo giỏi phải biết cách tạo ra một tập thể thực thụ. 11/ Hãy sử dụng một cách toàn diện mọi năng lực của công ty bạn: Bằng việc đẩy mạnh tinh thần tập thể, bạn sẽ có thể tận dụng toàn bộ năng lực của công ty, của các phòng ban, bộ phận và nhân viên. --------------------------