1. Trang chủ
  2. » Luận Văn - Báo Cáo

Cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị của edgar alian poe

59 791 0

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 59
Dung lượng 778,19 KB

Nội dung

Edgar Allan Poe – một hiện tượng kì lạ, độc đáo của văn học nước Mỹ thế kỉ XIX, người góp phần khai sinh nền văn học Mỹ, một trong những người đầu tiên đại diện cho cả một nền văn học ph

Trang 1

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

HÀ NỘI - 2014

Trang 2

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

Người hướng dẫn khoa học ThS ĐỖ THỊ THẠCH

HÀ NỘI - 2014

Trang 3

LỜI CẢM ƠN

Lời đầu tiên, em xin gửi lời cảm ơn chân thành đến giảng viên, ThS

Đỗ Thị Thạch – người trực tiếp hướng dẫn tận tình và thường xuyên động viên em trong quá trình hoàn thành đề tài khóa luận này

Em xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong Khoa Ngữ văn đã truyền đạt kiến thức quý báu để em có được một nền tảng tri thức làm hành trang vào đời Em cũng gửi lời cảm ơn đến các cô giáo trong Tổ Văn học nước ngoài đã góp ý, chỉnh sửa để khóa luận tốt nghiệp này được tốt nhất

Trong khóa luận, tác giả đã cố gắng bao quát những nội dung quan trọng và trình bày khoa học dưới các chương mục Song thời gian và khuôn khổ cho phép của đề tài còn hạn chế, vốn tri thức còn hạn hẹp không thể tránh khỏi những sai sót Rất mong nhận được sự đóng góp nhận xét tích cực từ quý thầy cô và các bạn để khóa luận này được hoàn thiện hơn

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2014

Sinh viên thực hiện

Đỗ Mai Hương

Trang 4

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của cá nhân tôi, không sao chép hoặc lấy ý tưởng ở bất kỳ một tài liệu nào khác hay kết quả nào đã được công bố Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm về khóa luận này

Hà Nội, ngày 05 tháng 05 năm 2014

Tác giả

Đỗ Mai Hương

Trang 5

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

1 Lý do chọn đề tài 1

2 Lịch sử vấn đề 2

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 3

4 Đối tượng, phạm vi nghiên cứu 4

5 Phương pháp nghiên cứu 4

6 Đóng góp của khóa luận 4

7 Bố cục của khóa luận 5

NỘI DUNG 6

Chương 1 CÁC MÔ TÍP CỐT TRUYỆN TRONG TRUYỆN KINH DỊ CỦA EDGAR ALLAN POE 6

1.1 Diện mạo văn học Mỹ thế kỉ XIX và truyện ngắn Edgar Poe trong vị thế khai mở thể loại truyện kinh dị 6

1.2 Một số khái niệm và các mô típ cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Poe 8

1.2.1 Một số khái niệm 8

1.2.2 Các mô típ cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe 11

1.3 Ý nghĩa triết học, nhân sinh 22

Chương 2 NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG CỐT TRUYỆN TRONG TRUYỆN NGẮN KINH DỊ CỦA EDGAR ALLAN POE 28

2.1 Chi tiết hoang đường kỳ ảo - đặc điểm nổi bật thu hút độc giả khám phá thế giới quái dị 29

2.1.1 Yếu tố kỳ ảo – những vấn đề khái quát 29

Trang 6

2.1.2 Chi tiết hoang đường kỳ ảo trong truyện ngắn kinh dị của

Edgar Allan Poe 31

2.2 Một số thủ pháp nghệ thuật biểu hiện cốt truyện kinh dị 44

2.2.1 Thủ pháp “treo” cốt truyện 44

2.2.2 Thủ pháp “lồng ghép” 47

2.2.3 Thủ pháp “hồi cố” 48

2.2.4 Thủ pháp “gối” 49

KẾT LUẬN 52 TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trang 7

PHẦN MỞ ĐẦU

1 Lý do chọn đề tài

Edgar Allan Poe (1809 – 1849) vừa là nhà thơ, nhà văn Mỹ nổi tiếng, vừa là nhà phê bình văn học Theo Jorges Luis Borges, Poe là người mà nếu thiếu đi, văn học hiện đại không thể như nó đang tồn tại Nổi danh là ông tổ của truyện trinh thám, truyện hình sự, ông trở nên được yêu mến ở nhiều nơi trên thế giới và ở mọi nền văn học Đọc Edgar Poe, độc giả lúc nào cũng cảm thấy bị lôi cuốn bởi cái độc đáo, bí ẩn, khủng khiếp ở những cốt truyện trinh thám li kì cũng như mảng truyện ngắn kinh dị nổi tiếng của ông Edgar Allan Poe – một hiện tượng kì lạ, độc đáo của văn học nước Mỹ thế kỉ XIX, người góp phần khai sinh nền văn học Mỹ, một trong những người đầu tiên đại diện cho cả một nền văn học phía bên kia đại dương, đã ảnh hưởng nhiều đến các tác giả lớn như Charles Pierre Baudelaire, Fyodor Mikhailovich Dostoevsky, Athur Conan Doyle, và dĩ nhiên, có nhiều nhà thơ của Việt Nam như Thế Lữ, Hàn Mặc Tử…

Nghiên cứu Edgar Allan Poe, người viết khóa luận thiết nghĩ đây là một tác giả nhiều tài năng, một con người tài bất hạnh, một nhà văn, nhà thơ nổi tiếng ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm ở mọi nơi, trong đó có Việt Nam Phần truyện ngắn kinh dị của Poe chính là một mảng sáng tác quan trọng, có ý nghĩa to lớn bên cạnh mảng truyện trinh thám của ông Nghiên cứu cốt truyện không mới, song cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị của Poe chứa những đặc điểm độc đáo chưa bao giờ kém hấp dẫn

Trong khuôn khổ trường sư phạm, mặc dù Edgar Allan Poe không được giảng dạy trong nhà trường cũng như mọi chương trình học nhưng nghiên cứu về tác giả là cơ hội khám phá một cách sâu sắc hơn tài năng nghệ thuật, sự phong phú trong cách nhìn về con người và cuộc đời của nhà văn

Trang 8

Bên cạnh đó, khóa luận cũng hỗ trợ việc nghiên cứu, giảng dạy về sau, đặc biệt là vấn đề cốt truyện – một nội dung lớn và quan thiết của lí luận văn học

Về vị trí trong nền văn học, Poe được hai tác giả Dowthy Brewster và John Burell dành cho những lời đánh giá trân trọng: “Poe có một vị trí đặc biệt trong văn giới, và khó có thể xếp ông vào loại nào (…), một trực giác nhạy bén để quan sát những chuyển biến lạ lùng và không thể tiên đoán của tính tình con người, do đó mở đường cho những nghệ sĩ lớp sau, trầm tĩnh hơn trong việc khám phá địa hạt tâm lý” (dẫn theo Đỗ Đức Hiểu, [6, tr45])

Poe cũng được tác giả Lê Nguyên Cẩn đề cập tới trong chuyên luận

Cái kì ảo trong tác phẩm của Balzac (1999) từ góc độ văn học so sánh

Nguyễn Văn Dân từng nhận định như sau về Poe: “Đêm tối, du ngoạn, ảo giác, thôi miên, cái ngoại lai, và đặc biệt là mộng tưởng là những thành tố huyễn tưởng của Poe Mộng tưởng là phương tiện đắc lực giúp Poe tiến hành

sự phân tích tâm lý”[9, tr190]

Nguyễn Đức Đàn, Lê Huy Bắc từng quan tâm tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp của Poe Nguyễn Đức Đàn trong nghiên cứu của mình đã nhắc đến ám

Trang 9

ảnh về cái chết trong tác phẩm của Poe: “Là nhà thơ hay văn xuôi, thường bao giờ ông cũng bị ám ảnh bởi cái chết Có khi ông biểu hiện điều đó bằng sự khủng khiếp về thể xác với một bút pháp hiện thực ma quái, có khi vươn lên

một mức cao hơn về thẩm mỹ” Kathryn Vanspanckeren trong Phác thảo văn

học Mỹ nhận định: “Cái thế giới hỗn mang giữa sự sống và cái chết của Poe

và những bối cảnh mang tính Gothic, màu mè, hào nhoáng của ông không chỉ thuần túy để làm phông trang trí Chúng phản ánh đời sống nội tâm quá văn minh nhưng đượm màu chết chóc hoặc là tâm thần bấn loạn của những nhân vật của ông Chúng là biểu hiện tượng trưng của vô thức”[13, tr91]

Về cốt truyện trong truyện ngắn của E.Poe, có nhiều người nghiên cứu

đã chạm tới song chưa có một công trình hoàn chỉnh nào được công bố Những nghiên cứu về E.Poe qua nhiều năm nay thường đề cập đến những hình mẫu truyện trinh thám, hoặc cái kinh dị trong truyện ngắn kinh dị của Poe mà thôi Chính nhà văn cũng là một người quan tâm đặc biệt đến cốt

truyện, coi việc làm ra nó phải được thông qua một kĩ thuật Trong Triết lý về

sáng tác, kĩ thuật xây dựng truyện được Poe nói rõ như sau: “Mọi cốt truyện

đúng như tên gọi là cốt truyện phải được xây dựng nhằm vào sự mở nút của

nó trước khi ngòi bút động đến những vấn đề khác”

Trong khuôn khổ khóa luận, người viết hay nhắc tới nhiều ám ảnh tâm

lý của nhân vật “tôi” – người kể chuyện, những nhân vật “tôi” hành động kì quặc như những tên sát nhân bệnh hoạn, những kì ảo ma quái… nhằm làm nổi bật nghệ thuật xây dựng cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe Qua đó, tìm hiểu thêm về ý nghĩa sau mỗi câu chuyện ông viết ra, hiểu hơn

về cuộc đời, sự sống vì nghệ thuật của nhà thơ, nhà văn đầy tài năng này

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1 Mục đích nghiên cứu

Đề tài nhằm vào hai mục đích chính

Trang 10

- Thứ nhất: nghiên cứu các mô típ cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe, qua đó thấy được tài năng và vị thế của Poe trong văn học thế giới, bên cạnh mảng truyện trinh thám nổi tiếng của ông

- Thứ hai: qua phân tích hiệu quả nghệ thuật xây dựng cốt truyện, người viết muốn coi đây như một cuộc tập dượt nghiên cứu khoa học và hướng tới việc tìm hiểu các tác giả văn học phương Tây về sau, trong đó có Edgar Allan Poe

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Khảo sát, thu thập tài liệu và hệ thống các câu truyện kinh dị li kì (không kể truyện trinh thám do phạm vi dung lượng có hạn), chỉ rõ các thủ pháp nghệ thuật được dùng trong việc tạo dựng cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị

4 Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

Tập trung vào các truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe, chủ yếu là nghệ thuật xây dựng cốt truyện Do điều kiện không cho phép, tác giả chỉ

khảo sát 14 truyện trên tổng số 44 truyện được in trong Tuyển tập E.A.Poe do

Ngô Tự Lập và nhóm Địa cầu văn hóa biên soạn, Nhà xuất bản Văn học, Hà Nội, năm 2002

5 Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp phân tích, tổng hợp

- Phương pháp khảo sát, thống kê

- Phương pháp so sánh

6 Đóng góp của khóa luận

Về phương diện lí luận, khóa luận góp phần tìm hiểu về cốt truyện và nghệ thuật xây dựng cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Poe, những đóng góp của ông trong vị thế người khai mở thể loại truyện kinh dị Qua đây, người viết cũng muốn lí giải thêm nữa mối quan hệ giữa cuộc đời

Trang 11

nhà văn, thời đại, những ẩn ức, lỡ dở và bất hạnh, căn bệnh về thần kinh trong chính cuộc đời riêng của Poe đối với những gì ông kể cho người đọc

7 Bố cục của khóa luận

Ngoài phần mở đầu và phần kết luận, nội dung của khóa luận bao gồm

Trang 12

NỘI DUNG Chương 1 CÁC MÔ TÍP CỐT TRUYỆN TRONG TRUYỆN KINH DỊ CỦA

EDGAR ALLAN POE

1.1 Diện mạo văn học Mỹ thế kỉ XIX và truyện ngắn Edgar Poe trong vị thế khai mở thể loại truyện kinh dị

Nước Mỹ thời Edgar Poe đầy những biến cố Năm 1809 Jame Madison làm Tổng thống liên bang, sau những cuộc nổi dậy của người da đỏ và cuộc chiến tranh giành độc lập lần thứ 2, ông này lại tái cử năm 1813 Sau đó là hàng loạt những cuộc thay đổi người cầm quyền, tổng thống khác nhau, kết thúc ở thời điểm 1849 Fillmore được bầu làm tổng thống Cuộc đời của Poe cũng đầy thăng trầm đau khổ Những người thân trong gia đình lần lượt mất tích và qua đời, tình duyên không trọn vẹn bởi những trắc trở cứ liên tiếp xảy

ra, hai người vợ chết do bệnh tật, cuối cùng ông cũng qua đời trong đói khổ Sống không bình thường trong tâm lý, Poe luôn phải chịu đựng những cơn đau về tinh thần, và sự chịu đựng quá lâu đã ảnh hưởng đến trực giác cũng như thần kinh của Poe Edgar Allan Poe có một trí lực dường như vô hạn khi sáng tạo ra những truyện ngắn đậm màu sắc tâm lý khám phá Vì lẽ đó, ông chính là người khai sinh ra thể loại truyện kinh dị sau rất được ưa chuộng ở mọi nơi trên thế giới

Năm 1812, Chiến tranh Hoa Kỳ - Anh quốc nổ ra, văn học nước Mỹ cũng theo đó mà thay đổi, sự gia tăng việc sáng tạo các tác phẩm với phong cách lạ, độc đáo là điều dễ hiểu Giai đoạn này, một số cây bút văn chương mới chủ chốt đã ra mắt, nổi bật là Washington Irving, William Cullen Bryant, James Fenimore Cooper, và Edgar Allan Poe Trước khi trở thành một nhà văn có tên tuổi, ông đã chứng kiến sự phát triển của văn học nước nhà như

Trang 13

một người thưởng thức bức họa đầy màu sắc Đó là những Irving sáng tác các

tác phẩm hài hước trong Salmagundi và văn trào phúng rất nổi tiếng A history

of Newyork, by Diedrich Knickrbocker (1809), Bryant sáng tác thơ ca ngợi

thiên nhiên và thơ lãng mạn đầu tiên mà thoát ly khỏi nguồn gốc châu Âu của

nó Đến năm 1932, Poe bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tiên, bao gồm

“Vở vũ kịch tử thần đỏ”, “Sự suy tàn của ngôi nhà Usher”, “Vụ án trên đường Morgue” Ông đi sâu vào nghiên cứu những bí ẩn ngõ ngách trong tâm thần, tâm lí con người và tạo ra một thế giới kinh dị rùng rợn – cái thế giới phản ánh con người trong thời đại đầy biến động

Có thể nói, trước Poe nước Mỹ chưa có văn học Ông và những người cùng thời như James Fenimore Cooper…là thế hệ khai sinh ra văn học Edgar Poe không chỉ là ông tổ của thể loại truyện trinh thám mà còn là người khai

mở cho thể loại truyện kinh dị Truyện ngắn của ông chính là một sự pha trộn, đan xen biến hóa của những điều tuyệt vời và khủng khiếp Truyện trinh thám của Poe chứa đầy những yếu tố kinh dị, cũng có khi cả hài hước Ngược lại, trong truyện kinh dị, những cốt truyện giết người – giấu xác – tìm ra thủ phạm lại mang phong cách của một truyện trinh thám đích thực Nói ông chính là người khai mở cho thể loại truyện ngắn, đặc biệt là truyện ngắn kinh dị, bởi lẽ trước Poe, nước Mỹ chưa có ai sáng tác truyện ngắn, giai đoạn này chỉ có những vở kịch nhỏ hay vài ba truyện hài hước chưa thực sự có giá trị, càng không có truyện trinh thám hay kinh dị Poe mượn những tình huống hài hước nực cười để vẽ ra khung cảnh cuộc đời của một nhân vật tưởng chừng rất thuần túy hài hước, song đó lại là cái đau xót của căn bệnh tâm thần hay rối loạn thần kinh, hoặc bị ảo giác do một điều khủng khiếp nào đó mà nhân vật phải trải qua Truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe đập vào mọi giác quan con người, gây ấn tượng độc đáo mạnh mẽ bởi những điều kỳ dị, huyễn tưởng, như một thứ dị truyện

Trang 14

Trong vị thế một người tiên phong, Edgar Poe ngay từ đầu đã tỏ ra xứng đáng là bậc đàn anh trong địa hạt truyện ngắn kinh dị Cũng bởi lẽ, là một con người trẻ cầu kỳ, cầu toàn trong sáng tạo, ông luôn miêu tả một cách

tỉ mỉ, chi tiết, diễn giải những sự kiện đặc biệt một cách hợp lý, làm tăng lên cảm giác rùng rợn trong truyện ngắn của mình Thế giới ấy sống động như thực, là thế giới thê lương và đượm màu chết chóc, rùng rợn, cuốn người đọc vào một trạng thái kỳ lạ Nhân vật chính thường giam mình trong những không gian hẹp, nếu có rộng hơn thì rất kín, trong những lâu đài tối tăm cũ buồn, trong những tấm thảm, căn phòng không đèn đầy ma quái Ảo giác sinh

ra hoặc vì không gian ngoại cảnh, hoặc vì những đau đớn riêng do nhân vật gây ra, hoặc cả hai Sự tách biệt với thế giới bên ngoài đầy ánh sáng và màu sắc làm nên không gian kinh dị trong truyện ngắn của ông Sự thành công của những truyện ngắn ban đầu của Poe là tiền đề cho những cây viết truyện kinh

dị xuất sắc sau này Sau E.Poe là những cây bút mà tên tuổi của họ được biết đến rộng rãi như Conan Doyle – cây bút lừng danh của thể loại truyện trinh thám, Stephen King – người viết truyện kinh dị xuất sắc…

1.2 Các mô típ cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Poe

1.2.1 Một số kKhái niệm

1.2.1.1 Cốt truyện

Các tác phẩm tự sự miêu tả các sự kiện, hành động, trong đó nhân vật hoạt động trong không gian và thời gian Phương diện này của sáng tác nghệ thuật được gọi là cốt truyện Với quan điểm “nghệ thuật là sự mô phỏng”, từ

xa xưa Aristote đã cho rằng cốt truyện chính là “linh hồn và cơ sở của bi kịch”[1, tr49], tức của sáng tác văn học

Theo Từ điển thuật ngữ văn học, Nhà xuất bản giáo dục do Lê Bá Hán,

Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, cốt truyện là “hệ thống sự kiện cụ thể, được tổ chức theo yêu cầu tư tưởng và nghệ thuật nhất định, tạo

Trang 15

thành bộ phận cơ bản, quan trọng nhất trong hình thức động của tác phẩm văn học thuộc các loại tự sự và kịch”[5, tr99]

Trong 150 thuật ngữ văn học của tác giả Lại Nguyên Ân, Nhà xuất bản

ĐHQG Hà Nội, 1998 định nghĩa: “Cốt truyện là một phương diện của hình thức nghệ thuật (…) Chính hệ thống biến cố (tức cốt truyện) đã tạo ra sự vận động của nội dung cuộc sống được mô tả trong tác phẩm”[2, tr122] và “cốt truyện là thành phần thiết yếu của tác phẩm tự sự và kịch”

Một khái niệm khác được ghi trong sách Lí luận văn học, tập 2, Nhà

xuất bản Giáo dục của Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam về cốt truyện như sau: “Cốt truyện là hình thức sơ đẳng nhất của truyện, cốt truyện thực chất là cái cốt lõi, diễn biến của truyện từ khi xảy ra đến khi kết thúc”

Như vậy, cốt truyện chính là phương tiện cơ bản để nhà văn khắc họa nhân vật Dù hiểu theo cách nào, cốt truyện vẫn mang đặc điểm là một hệ thống các sự kiện phản ánh những diễn biến của cuộc sống và nhất là xung đột xã hội một cách có nghệ thuật, qua đó các tính cách hình thành và phát triển trong mối quan hệ qua lại của chúng nhằm làm sáng tỏ chủ đề và tư tưởng của tác phẩm

1.2.1.2 Mô típ cốt truyện

“Mô típ” là khái niệm quen thuộc được sử dụng nhiều trong văn học,

trong từ Hán Việt là “mẫu đề” (do người Trung Quốc phiên âm chữ motif

trong tiếng Pháp) Mô típ chính là những “khuôn”, “dạng” hoặc “kiểu” trong

tiếng Việt Theo Từ điển thuật ngữ văn học, mô típ nhằm chỉ những thành tố,

những bộ phận lớn hoặc nhỏ đã được hình thành ổn định bền vững và đã được

sử dụng nhiều lần trong sáng tác văn học Người ta thường thấy khái niệm này trong văn học nghệ thuật dân gian, với những mô típ quen thuộc như “đôi giày và việc thử giày”, mô típ “người em tốt bụng được hưởng hạnh phúc”,

mô típ “diệt mãng xà cứu người đẹp”…

Trang 16

Như vậy, mô típ cốt truyện chính là những khuôn, dạng được lặp đi lặp lại nhằm xây dựng cốt truyện trong các sáng tác của một tác giả, trong một trào lưu hay giai đoạn văn học Dựa vào các mô típ cốt truyện trong các truyện, người đọc có thể dễ dàng tìm hiểu cách thức nhà văn xây dựng truyện như thế nào, từ đó so sánh các sáng tác với nhau Mô típ cốt truyện phản ánh đầy đủ mơ ước, sở trường, thể hiện chất riêng, độc đáo của mỗi nhà văn

1.2.1.3 Kinh dị, truyện kinh dị

Từ điển tiếng Việt có viết “kinh dị” nghĩa là “kinh hãi hoặc làm cho

kinh hãi bởi điều gì quá lạ lùng”[14, tr204] “Kinh dị” phần nhiều được biết đến với những bộ phim kinh dị được chiếu trên các trang mạng hay kênh truyền hình Đó là thể loại phim với nội dung chính là đưa đến cho khán giả xem phim những cảm xúc tiêu cực, gợi cho người xem nỗi sợ hãi nguyên thủy nhất thông qua cốt truyện, những hình ảnh rùng rợn, bí hiểm, ánh sáng mở ảo,

âm thanh gây kinh hãi với nhiều cảnh máu me, chết chóc và những pha gây giật mình bất ngờ Kinh dị chỉ những hoạt động bạo lực dã man, hung ác của con người với con người hay với con vật, chỉ sự hành hạ thể xác hoặc tinh thần quá mức dẫn đến cái chết

Hiện nay chưa có một khái niệm chính thức về truyện ngắn kinh dị mà chỉ có những cách hiểu về nó Trên cơ sở nghiên cứu tìm hiểu, người viết có thể đưa ra cách hiểu như sau về truyện ngắn kinh dị: Truyện ngắn kinh dị trước tiên là một truyện ngắn mang đầy đủ những đặc điểm cơ bản của thể loại truyện ngắn, nếu truyện ngắn lịch sử dựa trên những yếu tố sự thực lịch

sử để sáng tạo, truyện ngắn hiện thực phần nhiều tự sự, truyện ngắn lãng mạn mang yếu tố trữ tình thì truyện ngắn kinh dị chứa những chi tiết mang sắc thái rùng rợn, làm cho sợ hãi bởi những điều lạ lùng khác với quy luật thông thường, không thể lí giải được Truyện ngắn kinh dị gợi sự tò mò, đánh thức

Trang 17

các giác quan bản năng nguyên thủy nhất của con người Độc giả xưa nay vẫn coi đọc truyện kinh dị như một “sự trở về” để thử thách chính mình

Nhiều người cho rằng không dễ dàng nhận ra đâu là truyện trinh thám, đâu là truyện kinh dị trong sáng tác của Poe Truyện của E.Poe là sự tổng hợp của các câu chuyện trinh thám và kinh dị, truyện kinh dị mang màu sắc trinh thám, hoặc truyện trinh thám chứa đầy những chi tiết kinh dị Không phải hễ thấy nội dung giết người và tìm ra thủ phạm là xếp truyện đó vào thể loại trinh thám, cũng như không phải tất cả truyện ngắn kinh dị đều loại trừ yếu tố khoa học trong tìm kiếm và tìm ra kẻ thủ ác Chẳng hạn, truyện “Bản thảo tìm thấy trong chai”, “Mi cũng là một con người ư” có thể xếp vào cả hai thể loại, song điều này rất hiếm Vậy làm thế nào để phân biệt chúng một cách rõ ràng? Truyện ngắn kinh dị lấy cốt từ những mô típ quen thuộc, phần nhiều do một người kể chuyện xưng “tôi” kể ra, phần lớn đồng thời là kẻ gây ra tội ác,

kể về tội ác ấy một cách tỉ mỉ và tường tận, về những chi tiết “dựng tóc gáy” người đọc, và chúng dường như được gói gọn trong không gian kín, ít người biết như căn phòng cũ, lâu đài cổ, hầm mộ, tầng âm, hầm rượu… (Con mèo đen, Sự suy tàn của ngôi nhà Usher…) Trái lại, truyện trinh thám lại mở rộng tội trạng thành một vụ án thực sự, có sự tham gia của nhiều người và muốn tìm ra phải là một quá trình có chứng cớ rõ ràng như “Vụ án đường Morgue”,

“Con cánh cam vàng”, “Lá thư bị đánh cắp”…

1.2.2 Các mô típ cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Allan Poe

Để tiện cho việc theo dõi, người viết có tiến hành khảo sát 14 trên tổng

số 44 truyện của E.Poe theo tiêu chí các mô típ cốt truyện như sau:

Trang 18

BẢNG KHẢO SÁT CÁC MÔ TÍP CỐT TRUYỆN TRONG TRUYỆN KINH DỊ CỦA EDGAR ALLAN POE STT

Tên truyện Mô típ “cái

song trùng”

Mô típ “oan hồn báo thù”

hay “ảo giác của người điên”

Mô típ “nỗi sầu muộn khi người bạn đời vừa chết”

Trang 19

Mô típ cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị được Edgar Allan Poe vận dụng một cách thành thục và tinh tế Xuyên suốt những truyện ngắn của ông, người đọc nhận ra những nguyên tắc, những mô típ quen thuộc được chuyển hóa, đan thấm, xen cài gây ra hiệu ứng của cái vừa quen vừa lạ 14 truyện được chọn lọc nghiên cứu căn cứ vào tiêu chí phân chia truyện kinh dị và truyện trinh thám

1.2.2.1 Mô típ “cái song trùng”

Cái song trùng (the double) đã tồn tại từ lâu trong các nền văn hóa nghệ thuật nhân loại Đó là sự thể hiện các con vật, sự vật theo nguyên lí cặp đôi, thể hiện tính lưỡng diện, sự tồn tại song song không thể thiếu nhau của các đối cực…

“Cái song trùng” tồn tại như một mẫu gốc có sức mạnh rất lớn trong văn học các dân tộc Trong truyện của Edgar Allan Poe cũng thế, người đọc có thể

dễ dàng quan sát được mô típ cái song trùng Cái song trùng ở đây không chỉ tồn tại đơn thuần để Poe chuyên chở ý niệm triết học nào đó của mình mà nó còn phải được Poe tạo ra một ảo giác giữa hư và thực gây hoang mang do dự cho chủ thể khi đối mặt với nó

Đó là sự song trùng giữa con người với con người, con người với ngoại cảnh hay con người với chính mình “Cái song trùng” diễn ra giữa nhân vật “tôi” – người kể chuyện với người bạn, người vợ, hay người yêu (trong Ligeia, Berenice) Trong đó, Poe dựng lên hai thái cực: một bên là phần con người thường đầy những toan tính, ích kỉ, hẹp hòi hoặc nhu nhược hay bỉ ổi, một bên kia ngược lại Đối cực với “tôi” lại là phần con người đẹp với bao thánh thiện, đạo đức hoặc trí tuệ siêu phàm Chẳng hạn, Ligeia được miêu tả như sau: “tính nết đáng yêu, trình độ học vấn sâu rộng, sắc đẹp dịu dàng có một không hai, sức xúc động mà mê hoặc của giọng nữ trầm hùng biện của nàng”[8; tr241] Cái song trùng ở đây, tất nhiên đã được lồng vào một hiệu ứng hoang mang tạo nên

Trang 20

Truyện “Sự sụp đổ của ngôi nhà Usher” cũng là minh chứng cho mô típ song trùng của con người, giữa hai anh em song sinh nhà Usher là Roderick và Madeline – những thành viên cuối cùng của dòng họ Usher danh giá nhiều đời tồn tại bên nhau trong tòa lâu đài cổ Đó là sự tồn tại của hồn và xác, của cuộc vật lộn giữa sự sống và cái chết không thể thiếu nhau của hai anh em sinh đôi

Sự gắn kết máu mủ này là điềm báo cho cuộc giằng xé đau đớn ấy Ngôi nhà cũ nhưng còn kiên cố, chỉ có một vết nứt ấy cuối cùng rồi sẽ sụp đổ, đồng nghĩa với việc hai người cuối cùng “bị chôn sống” trong ngôi nhà cũng biến mất theo

Những ám ảnh người – người còn xuất hiện rõ ràng trong “Thùng rượu Amontillado” Theo đó, nhân vật này là ám ảnh của nhân vật kia, là đối thủ để nhân vật kia tìm mọi cách tiêu diệt Người – người này tồn tại như một cặp đôi nhưng không phải là khắng khít không thể thiếu nhau như hai nhân vật nhà Usher mà là sự dồn đẩy phải triệt hạ Nhân vật Montresor và Fortunato là một cặp song trùng bởi chúng tồn tại như là ám ảnh của nhau Chỉ một lời lăng mạ, sỉ nhục đến danh dự dòng họ nhà Montresor, anh ta đã âm thầm quyết tâm đặt mưu trả thù Nhân vật người kể chuyện xưng tôi và ông già trong “Trái tim mách bảo” cũng như vậy Nhân vật “tôi” bị ám ảnh dữ dội và quyết tâm giết ông già vì một nguyên cớ hết sức vu vơ mà chính y cũng ý thức rất rõ: “Thoạt tiên khó có thể nói ý tưởng ấy len vào đầu tôi bằng cách nào; nhưng một khi đã hiển hiện thì

nó ám ảnh tôi suốt ngày lẫn đêm Không có một chút mục đích nào Chút tình cảm say đắm cũng không Tôi yêu một ông lão Lão chưa hề làm bất cứ điều gì sai trái với tôi Lão chưa bao giờ sỉ nhục tôi Vàng của lão tôi cũng không màng Tôi nghĩ đấy là tại con mắt lão! Đúng, đúng là nó rồi! Một con mắt giống mắt của loài kền kền – con mắt màu xanh nhạt, mag cả cuốn phim trong đó Bất cứ lúc nào con mắt ấy nhìn tôi, máu trong người tôi lạnh ngắt; và thế là dần dà từng

tí một – rất từ từ - tôi hình thành ý tưởng lấy đi mạng sống của lão và có thế thì cuộc đời tôi mới vĩnh viễn thoát khỏi con mắt kia”[8, tr500] Như thế có nghĩa

Trang 21

là, bên cạnh cặp người không thể thiếu người kia, còn có cặp người phải trừ khử, triệt hạ nhau, đến cuối cùng vẫn chung một mục đích : giải thoát

Có thể nói, mô típ “cái song trùng” là môt típ được vận dụng nhiều hơn cả trong các truyện, và hầu như truyện nào cũng có sự xuất hiện của mô típ này Sự tồn tại song song được coi như điểm mấu chốt thu hút sự chú ý, và cũng là cái

cớ dẫn đến sự hủy hoại của cái còn lại Đó là sự tồn tại song trùng của người – người, người – vật

1.2.2.2 Mô típ “oan hồn báo thù” hay “ảo giác của người điên”

Đây cũng là một mô típ hấp dẫn tạo nên cái kì ảo cho cốt truyện trong truyện ngắn kinh dị của Edgar Poe Nói cách khác, đó là những ám ảnh kinh niên giống như một chứng bệnh “tâm thần”, “loạn thần kinh” tạo ra do một vài biến cỗ ngẫu nhiên không lường trước được trong đời Có thể gọi đó là mô típ

“ảo giác của người điên” Và ảo giác này tạo ra hiệu ứng nhân vật cảm thấy, hoặc bị dồn ép vào chỗ thảm hại như bị oan hồn báo thù

Bên cạnh cái song trùng, mô típ này thể hiện cốt truyện kinh dị khá rõ nét Theo Freud, những gì gọi là “giấc mơ”, “ám ảnh”, “thôi miên”, “trí nhớ”,

“tưởng tượng”, “ảo giác” đều thuộc lĩnh vực nghiên cứu của phân tâm học Ông cho rằng ảo giác là hậu quả thông thường của một số méo mó trong ý thức Ảo giác là một tri giác sinh động xuất hiện mà không có kích thước vật chất tương ứng Ảo giác có thể do một vài thứ thuốc tác động tới tâm thần gây ra những rối nhiễu tâm lý như tâm thần phân liệt, hoặc cách ly giác quan quá mức Điều này nghe có vẻ không liên quan cho lắm nhưng thực chất, có thể chứng minh là đúng trong truyện kinh dị của Poe

Nói về ảo giác của người điên, Edgar Poe đã xây dựng mô típ này với mục đích riêng, thể hiện cách nhìn, cách cảm nhận cuộc sống riêng Những hành động, ngôn ngữ của nhân vật đều khác thường, lập dị mà những người bình thường không thể hiểu được Có thể so sánh một chút với những nhân vật điên

Trang 22

nhìn của Benjy, thế giới vỡ vụn, hoang sơ trần trụi vô cùng, và anh ta luôn lảm nhảm một câu: “Caddy có mùi cây” lặp lại nhiều lần trong truyện Chính Faulkner cũng đã nói: “Bi kịch của chúng ta ngày nay chính là nỗi sợ hãi mang tính phổ biến bao trùm liên quan đến thể xác, nỗi sợ hãi mà chúng ta phải chịu đựng quá lâu Không còn vấn đề tâm linh gì nữa cả Câu hỏi duy nhất còn lại là: Khi nào tôi bị nổ tung đây?”

“Nhật kí của một người điên”, Gogol kể về anh chàng phòng giấy của Vụ tên là Poprishchen Trong nhật kí của Poprishchen, anh ta viết về căn bệnh của mình từ khi bắt đầu khởi phát cho tới khi anh ta trở thành cuồng loạn Trong truyện ngắn kinh dị của mình, Poe cũng để cho nhân vật của mình tự kể câu chuyện của chính anh ta Ám ảnh tội ác sinh ra sau khi nhân vật làm điều xấu: hành hạ vật/người khác hoặc giết hại Ám ảnh và ảo giác này tạo nên từ cặp đôi người – vật trong truyện “Con mèo đen” Ở đó, nhân vật tôi là người kể lại toàn

bộ câu chuyện mình yêu thương động vật ra sao, là bạn tri kỉ với con mèo Pluto

ra sao, kể về việc “con ma men” điều khiển và khiến mình trở thành người khác, đánh đập và hành hạ con vật đáng thương như thế nào: “Đối với tôi, đó là những chuyện vặt nhưng đáng sợ, còn đối với nhiều người khác, thì dường như chúng không khủng khiếp lắm nhưng kì cục Có thể sau hết, một người hiểu biết nào

đó sẽ nhận thấy trong những ảo tưởng của tôi có cái gì đó tầm thường.”[8, tr39],

“sự ác tâm của kẻ nghiện được con ma men nuôi dưỡng, đã làm rung lên từng sợi thần kinh trong tôi Tôi rút trong túi áo gile ra một con dao nhíp, mở nó ra, nắm lấy cổ con vật thơ ngây, chọc vào hố một con mắt của nó một cách ác ý”[3, tr42] Và ám ảnh của một oan hồn báo thù xuất hiện sau khi nhân vật treo cổ con mèo chột đáng thương Liên tiếp những thảm họa xảy đến với gia đình, khiến cho nhân vật rơi vào trạng thái nửa mê nửa tỉnh, dằn vặt và sợ hãi cùng cực Đến cuối cùng, khi “lỡ tay” giết đi người vợ của mình, nhân vật đã hành động bình thản bằng cách xây tường giấu xác Nhưng không thể, “con vật gớm ghiếc đã

Trang 23

dùng mánh khóe cám dỗ tôi thành kẻ giết người đang ngồi đó, giọng thì thào cáo buộc tội tôi treo cổ” Bị ảo giác hay là sự thật, không ai có thể phân xử được

Dòng tâm lý phát triển dần dần, diễn biến tội lỗi cứ theo đà mà đi lên đỉnh điểm, thoạt đầu là ảo giác khùng bực khi con mèo lánh xa mình, sau đó là hành động treo cổ con mèo gây ra những ảo giác kinh hãi, nhìn thấy con mèo in hình trên nền bức tường cùng cái giá treo cổ Con mèo đen trong truyện, “tôi” cũng

kể đó là biểu tượng của sự trả giá (lời người vợ): “Khi nói về sự khôn ngoan của

nó, vợ tôi, tự tâm can không hề có một sự mê tín nào, vẫn thường ám chỉ một quan niệm cổ hết sức phổ biến rằng mèo đen là hiện thân của sự trả giá”[8, tr40],

nó cũng là biểu tượng của bóng tối và thần chết Như một sự xúi giục, sai khiến

ma mãnh, “tôi” từ chỗ là người giàu lòng trắc ẩn, sau trở nên hung bạo, đối xử tàn tệ với mọi thứ xung quanh Đẩy theo sự việc, người đọc dễ thấy sự ám ảnh với nhân vật “tôi” là hoàn toàn tự nhiên, song đáng ra anh ta cảm thấy ân hận với con mèo Pluto và yêu thương chăm sóc con mèo đen mới này, có lẽ không

có chuyện gì xảy ra Nhưng nỗi sợ, sự ám ảnh ảo giác điên khiến nhân vật tôi khổ sở vô cùng “nỗi sợ của tôi không hẳn là nỗi sợ về một con quỷ có hình thù

cụ thể, nhưng tôi thật bối rối khi xác định đó là nỗi sợ cái gì”[8, tr46]; “nỗi sợ hãi mênh mang nhất vẫn là những cơn ác mộng đầy tai họa ghê sợ và rùng rợn hiện ra trong giấc ngủ” Sau tội ác, như đã nói, là bi kịch của sự trả thù

Trong “Trái tim thú tội” cũng vậy “Ảo giác của người điên” hay chính sự

ám ảnh về tội ác đã khiến cho nhân vật, vào phút chót lại tự động “lên cơn” kể lại một cách rất tỉ mỉ chi tiết về cách thức giết người, khiến sự ghê rợn làm buốt

Trang 24

tội”, sự gấp rút thôi thúc phải trả thù người đã sỉ nhục dòng họ mình trong

“Thùng rượu Amontillado”

1.2.2.3 Mô típ “nỗi sầu muộn khi người bạn đời vừa chết”

Có thể nói, đây là mô típ biểu hiện rõ quan niệm của Poe về con người: coi cái chết của một người phụ nữ đẹp là một trong những cảm hứng sáng tác của ông Những truyện “Ligeia”, “Berenice”, “Morella”… cũng được xếp vào những truyện ngắn kinh dị của Poe bởi tính chất giả tưởng, những chi tiết rùng rợn li kì khiến người đọc phải “rùng mình” hay thót tim theo dõi Công thức chung của mô típ là nỗi đau sầu ám ảnh sau khi người vợ yêu thương của nhân vật bị chết vì một lí do nào đó Căn bệnh quái ác cướp đi Ligeia, Berenice, Morella Ở đó, nhân vật sống vùi mình trong sầu thảm tiếc nhớ, thương xót và tuyệt vọng, Anh ta luôn nhớ và tưởng tượng về quá khứ với người vợ yêu thương của mình Trong hai truyện viết về nỗi sầu muộn khi bạn đời đã chết, Poe không nói rõ nhân vật nữ kia vì sao lại chết, chỉ nêu ra nguyên nhân mơ hồ:

bị ốm Cả Madeline (Sự suy tàn của ngôi nhà Usher) cũng vậy, ốm yếu lâu ngày rồi bị “chôn sống”, rồi trở lên ngôi nhà đứng đó run rẩy một lúc rồi “đổ sập xuống mà chết” Điều quan trọng là, nhà văn hướng đến mô tả cuộc sống của nhân vật tôi khi ở vào hoàn cảnh đáng thương mất đi người thân yêu Cốt truyện tập trung ở mô típ sự đau đớn, quẫn bách đến loạn trí, tâm thần của người đàn ông ở lại: “Tôi tan nát cõi lòng vì thương tiếc”, “Cái tính điên rồ mà tôi vẫn giữ được từ lúc bé dường như bây giờ đã trở thành sự lẩm cẩm” Đó là nhân vật tôi trong truyện “Ligeia” Nhân vật vì quá say mê và yêu thương người vợ tuyệt vời, nên khi cô ấy qua đời, “bởi vì không có Ligeia, tôi chỉ là một thằng bé mới chập chững biết đi”[8, 245], “tôi rên rỉ trong nỗi đau đớn về một viễn cảnh tang thương”; “đầu óc tôi quay cuồng, tôi lắng nghe, bị huyễn hoặc trước cái âm điệu chết chóc ấy, nó tích tụ thấm đượm cái giọng điệu của tử thần chưa bao giờ thấy”[8, 246]; “nàng đã chết, tôi tan nát cõi lòng vì thương tiếc, không thể chịu

Trang 25

yêu là vợ của nhân vật qua đời Song, câu chuyện không đơn giản như thế Nỗi sầu muộn giờ đây đã trở thành ám ảnh đến mức cao độ, nó trở thành thứ ma lực xoáy nhân vật tôi vào vùng tối, ở đó anh ta chỉ có thể nhìn thấy những điều khủng khiếp rùng rợn, mà suy cho cùng đều liên quan đến người đã chết Ở đây, nhân vật tôi “trong phút tâm thần” đã cưới một cô vợ khác, song trong chính căn phòng ấy, tuần trăng mật “chẳng hân hoan chút nào” đã diễn ra, và căn bệnh của người vợ mới cũng bắt đầu Nhà văn đặc tả tâm trạng sợ hãi tột độ khi nhân vật tôi một mình chứng kiến mọi sự xảy ra với thân thể cô vợ mới khi cô ta chỉ còn như một cái xác không hồn trên giường bệnh Những tiếng động mơ hồ, bước chân gần chiếc giường khiến cho “tôi” gần như quay cuồng: “tôi lắng nghe trong nỗi sợ hãi cùng cực” rồi “thế là tôi lại chìm đắm trong những hình ảnh về Ligeia”; “tôi sợ kinh khủng, sợ đến co thắt cả ngực”; “trăm ngàn ảo ảnh bập bùng cuộn xoáy trong tôi, bay trong không gian, nhập vào những họa tiết chập chờn, làm cho tôi bị tê liệt, bị hóa đá”, khi không còn chịu đựng được “tôi hét lên” Tất cả là những nỗi sầu đau do quá tiếc thương người vợ cũ gây nên, hay còn vì một lí do nào khác mà người đọc không đủ sức lí giải? Và tại sao, Ligeia lại ở trong hình hài mà đáng ra là của Rowena?

Mô típ này tiếp tục được vận dụng trong truyện “Berenice” Berenice là một người em họ, rồi sau đó trở thành vợ của “tôi” Trong truyện, tác giả có cho nhân vật tôi kể như sau: “Berenice và tôi là hai anh em họ đàng nội”[8, 577] và cũng như Ligeia, đây là một người nữ tuyệt đẹp “Ôi! Một vẻ đẹp tuyệt diệu mà cũng thật lạ thường Ôi! Một thiên thần trong số những vị thần sắc đẹp của Arnheim” Song, đó chỉ là chuyện trước khi cô nàng bị ốm, sự thay đổi về ngoại hình đột nhiên trở nên kinh khủng Như một ám ảnh, “hình ảnh những chiếc răng trắng nhởn” cứ thế bám riết nhân vật, nỗi yêu thương và sợ hãi đi cùng nhau không rời “Tôi” đã phải thú nhận “trong đầu tôi lúc nào cũng chỉ có hình ảnh những chiếc răng ma trong khi thế giới vật chất xung quanh tôi có bao nhiêu thứ

Trang 26

hàm răng đó”; “tôi cố thoát khỏi cõi âm để hít thở không khí trong lành của thiên đàng” Cứ như thế, nỗi sầu muộn đã không còn ở mức bình thường đơn giản trong giới hạn chịu đựng của con người Nhân vật tôi trong thế giới của mình, cô độc đối chọi với sợ hãi và những điều quái đản, để rồi vào phút chót, kết thúc truyện khiến độc giả vô cùng bất ngờ Ở “Ligeia” là chuyện ma nhập, cô Ligeia cuối cùng đã nhập vào người vợ mới của nhân vật tôi, khiến cho anh ta sợ hãi tột

độ, còn Egaeus trong “Berenice” vì quá thương tiếc người vợ sắp cưới, và bị ám ảnh bởi những chiếc răng trắng nhởn khi nàng bị bệnh, trong cơn mộng du đã đào huyệt, mở nắp quan tài lấy về những chiếc răng ấy của nàng Truyện

“Morella” miêu tả cảm giác hiện hữu của người vợ yêu quý trong đứa con gái giống nàng y hệt, từ dáng hình đến cảm xúc biểu lộ Nỗi sầu muộn ám ảnh đã khiến cho nhân vật cảm thấy, đó chính là người vợ mình chứ không phải ai khác

Rõ ràng, những truyện ngắn kinh dị của Poe không chỉ đơn thuần đề cập đến vấn đề tình yêu và gia đình Đó còn là sự quái dị lồng trong những sự kiện thần bí, kiểu hồn ma sống dậy hay nhập xác, đội mồ trở về… Vấn đề thần bí, chi tiết kì ảo sẽ nói ở chương sau

1.2.2.4 Mô típ “những điều bí ấn không thể giải thích”

Những điều bí ẩn không thể giải thích vốn dĩ tồn tại xuyên suốt trong sáng tác của Edgar Allan Poe Tuy nhiên, có thể xác nhận và gọi tên mô típ nổi trội và

có giá trị hơn cả ở mỗi truyện để phân biệt “Bản thảo tìm thấy trong chai”,

“Cuộc mai táng vội vã”, “Cuộc nói chuyện với một xác ướp”, “Ligeia”, “Linh hồn”, “Vở vũ kịch tử thần đỏ”… là loại cốt truyện nghiêng về điều bí ẩn hơn là chết chóc rùng rợn Đó là câu chuyện phiêu lưu trên biển sâu trong nỗi hoang mang sợ hãi khi chứng kiến điều kì quặc, hình ảnh lạ thường và những con người lạ thường trong “Bản thảo tìm thấy trong chai” Đó là câu chuyện nhập xác, sự đi về giữa xác và hồn của nàng Ligeia trong thân thể sắp chết của cô vợ mới Rowena, là chuyện chôn sống người chưa chết, người chết đi lại tỉnh dậy –

Trang 27

khiến cho những người xấu số này phải một mình đối chọi với nỗi sợ hãi bóng tối, dòi bọ, sự tuyệt vọng, và cái chết không thể tránh khỏi Vậy vì sao lại có trạng thái “chết lâm sàng” kì lạ đến như vậy? Con người trong trạng thái ngừng thở, mọi giác quan đều ngưng trệ, tại sao còn có thể tỉnh sống như chưa từng có chuyện gì xảy ra? Nhân vật người kể chuyện chính là một nhân chứng có thực cho việc bị “chôn sống” này, song cuối cùng, hoặc không thể làm gì khác nơi hầm mộ kín bưng, hoặc vì suy ngẫm được lẽ sinh tồn của cuộc đời, anh ta đã chọn nằm yên chết vĩnh viễn

“Linh hồn” nằm trong số những điều bí ẩn không thể giải thích Tâm linh người ta tin rằng con người có phần hồn và phần xác, song hồn sẽ mất khi xác không còn Vậy tại sao, Poe để cho linh hồn xuất hiện có hình thù, có tiếng nói giữa bữa tiệc, trước sự chứng kiến của đông đảo con người đang sống Linh hồn

là gì? Tại sao có thể tồn tại, nói tiếng nói của những người đã khuất? Câu chuyện về một tử thần màu đỏ trong “Vở vũ kịch tử thần đỏ” cũng là một câu chuyện khó giải thích Những chi tiết rùng rợn về cảnh giết chóc một con người,

và sau đó đám đông “chết lần lượt trong vũng máu” đặt ra câu hỏi cho người đọc

về một tên giết người cụ thể nào đó hay chỉ là sự trừng phạt của thần linh đối với những con người vô sỉ, ích kỉ? Bởi vì, nhà văn không hề miêu tả một kẻ thủ ác nào, vì kể cả anh thanh niên hình thù ghê rợn kia, khi được cho là giết ông Prospero, thì cái xác của ông ta ở đâu, khi mọi người đều nhìn thấy còn lại chỉ là cái hộp rỗng?

Xây dựng cốt truyện kinh dị trên những điều bí ẩn, kì lạ là điều không có

gì đặc biệt, song ở truyện kinh dị E.Poe, người đọc cảm được sức hấp dẫn đặc biệt từ sự bí ẩn kinh dị ấy, và còn bởi tính nhân văn, bài học có thể nhận ra qua mỗi tác phẩm của ông

1.3 Ý nghĩa triết học, nhân sinh

Edgar Allan Poe viết truyện kinh dị xuất phát từ nhiều lí do, nhưng thiết

Trang 28

đau đớn và tâm lý bất ổn không bình thường, Poe viết truyện kinh dị chính là viết về cuộc đời, viết cho những giá trị của cuộc đời Bởi lẽ, ngoài những chi tiết rùng rợn đầy ma quái, bên cạnh những sự việc li kì, đó là những chân giá trị cần xác thực: tội ác và trừng phạt, ánh sáng và bóng tối, cái đẹp với cái xấu xa, bỉ ổi,

sự dằn vặt lương tâm của Con Người Poe tha thiết nói với độc giả những bài học ý nghĩa đằng sau những mô típ kinh dị li kì

Gợi ra câu chuyện của những nhân vật “tôi” thường nhiều tội ác và ám ảnh, Edgar Poe cũng dựng lên bức họa sống động về tâm lý, tinh thần của những con người vốn lương thiện “giàu lòng trắc ẩn và yêu thương đồng loại” (Con mèo đen), ý thức cao về danh dự của dòng họ (Thùng rượu Amontillado), tình yêu thương con người, đặc biệt là người phụ nữ đẹp bị chết trong chùm những truyện về “nỗi sầu muộn khi người bạn đời đã chết” Bởi thế, nhìn ở góc độ quá khứ, họ đâu phải những tên tội phạm “kinh hồn bạt vía”, “giết người không ghê tay” Chính những nhân vật tôi kể chuyện đã sống quãng dài tâm lý của con người trước khi trở nên dã man tàn bạo Nhân vật thường tự vấn với những thắc mắc không hiểu tại sao mình cảm thấy như vậy Và tính người còn rõ hơn trong những giây phút ám ảnh đau đớn tột cùng Ở “Trái tim thú tội”, sau khi tội ác diễn ra một cách cẩn trọng, tinh vi, nhân vật tôi có cảm thấy đau đớn dằn vặt hay cắn rứt lương tâm hay không, câu trả lời để bạn đọc phán xét Để ý thấy điều này: trái tim đập dồn dưới lớp ván sàn nhà là tiếng kêu oan ức của ông già có đôi mắt xanh hay chính là “con tim đã biết thú tội” của kẻ vừa gây ra tội ác? Đó là

gì nếu không phải bài học nhân sinh? Đến cuối cùng, hầu hết những nhân vật gây ra tội ác đều trình bày một cách rõ ràng cách thức giết người, nhưng dưới dạng những ám ảnh bức bách từ người bị hại gây ra, và luôn có những chi tiết rùng rợn đi kèm Ví dụ, sau khi giết người vợ, xây tường giấu xác dưới hầm rượu, khi sự thật được phanh trần có cả hình ảnh “con mèo với cái miệng đỏ lòm…” Đó là sự trả giá hay là gì?

Trang 29

Như vậy, sau những kì án giết người giấu xác đầy mạo hiểm li kì, Poe luôn đưa ra một cái kết rõ ràng như một sự giải thích, dù đó là kết quả thú tội của lương tâm cắn rứt hay sự trả giá: giết người đền mạng Trong truyện “Mi cũng là một con người ư” cũng là quan điểm nghệ thuật về con người của Poe, là phải sống sao cho xứng đáng với danh hiệu cao quý Con Người Sự kì ảo thể hiện cả một ý niệm triết học về mối quan hệ nhân quả giữa cái tuyệt đối và cái hữu hạn, chất thần thánh và thực tại, lí trí và bản năng… trong bản chất của tồn tại Đây chính là chiều sâu ý nghĩa trong truyện ngắn Edgar Poe

Một vấn đề nhân sinh nữa mà Poe muốn đặt ra trong truyện ngắn kinh dị của mình đó là sự hài hòa trong sáng tạo nghệ thuật: người nghệ sĩ phải là người tinh nhạy, nắm bắt được mọi sự thay đổi của ngoại cảnh, dù là nhỏ nhất Roderick Usher trong “Sự suy tàn của ngôi nhà Usher” là một nghệ sĩ có những cảm nhận tinh nhạy đến mức độ ghê sợ với sức sáng tạo phi thường trên nhiều lĩnh vực Trong “Eureca”, Poe tin rằng trí năng có hạn của người nghệ sĩ phải phản ánh càng chính xác càng tốt trí năng vô hạn của Chúa Các dự đồ của Chúa phản ánh sự hoàn thiện cảu vũ trụ Vì vậy, người ta có thể nhận ra sự thăng hoa của Đấng sáng tạo Cái chết của nhân vật là sự trở về với bản chất sáng tạo của Thượng đế Bởi vì, ngôi nhà cổ như một tòa lâu đài nhà Usher giống như một sự ban tặng của Chúa, bởi vì mỗi đời chỉ có một người duy trì sự tồn tại cảu dòng

họ, cho nên khi cô em gái song sinh với Roderick chết đi, anh cũng sẽ chết theo như một định mệnh đương nhiên không thể chối cãi được Sức mạnh của thiên tạo khiến cho nhân vật tôi – kể chuyện về sự sụp đổ của ngôi nhà Usher giải thích là vì vết nứt lớn mà anh ta thấy khi mới đến chơi ở ngôi nhà Sau khi anh

em nhà Usher chết đi, ngôi nhà cũng sụp đổ hoàn toàn, giống như tiếng kêu cuối cùng của con người trước Chúa khi không còn lí do để tồn tại nữa Có thể nói thêm, sự sáng tạo nghệ thuật, theo Poe, là những gì hài hòa không chỉ ở cái đẹp

Sự hài hòa ấy đối ứng ở nhiều khía cạnh, có cái đẹp cái xấu, có cái cao cả và xấu

Ngày đăng: 15/05/2018, 14:35

Nguồn tham khảo

Tài liệu tham khảo Loại Chi tiết
1. Aristote, Nghệ thuật thy ca, Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Xuân Hà, Thành Thế Yên Báy dịch, (2007), Nxb Lao động Sách, tạp chí
Tiêu đề: Nghệ thuật thy ca
Tác giả: Aristote, Nghệ thuật thy ca, Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Xuân Hà, Thành Thế Yên Báy dịch
Nhà XB: Nxb Lao động
Năm: 2007
2. Lại Nguyên Ân (1998), 150 thuật ngữ văn học, Nxb ĐHQG Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: 150 thuật ngữ văn học
Tác giả: Lại Nguyên Ân
Nhà XB: Nxb ĐHQG Hà Nội
Năm: 1998
3. Lê Huy Bắc (2003), “Cần chủ động hơn trong việc tiếp cận văn học Mỹ”, http://vietbao.vn/giai-tri/can-chu-dong-hon-trong-viec-tiep-can-van-hoc-My/20005513/235 Sách, tạp chí
Tiêu đề: Cần chủ động hơn trong việc tiếp cận văn học Mỹ
Tác giả: Lê Huy Bắc
Năm: 2003
4. Lê Nguyên Cẩn (1999), Cái kì ảo trong tác phẩm của Balzac, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Cái kì ảo trong tác phẩm của Balzac
Tác giả: Lê Nguyên Cẩn
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1999
5. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (2012), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ điển thuật ngữ văn học
Tác giả: Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2012
6. Đỗ Đức Hiểu (2000), Thi pháp hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Thi pháp hiện đại
Tác giả: Đỗ Đức Hiểu
Nhà XB: Nxb Hội Nhà văn
Năm: 2000
7. Huỳnh Như Phương, Trường phái hình thức Nga và văn xuôi tự sự, Nxb ĐHQG TP. Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Trường phái hình thức Nga và văn xuôi tự sự
Nhà XB: Nxb ĐHQG TP. Hồ Chí Minh
8. Edgar Allan Poe, , Tuyển tập Edgar Allan Poe, Ngô Tự Lập và nhóm Địa cầu văn hóa dịch (2002), Nxb Văn học, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tuyển tập Edgar Allan Poe
Tác giả: Edgar Allan Poe, , Tuyển tập Edgar Allan Poe, Ngô Tự Lập và nhóm Địa cầu văn hóa dịch
Nhà XB: Nxb Văn học
Năm: 2002
9. G.N. Pospelov (chủ biên), Dẫn luận nghiên cứu văn học tập 2, Trần Đình Sử dịch (1998), Nxb Giáo dục Sách, tạp chí
Tiêu đề: Dẫn luận nghiên cứu văn học tập 2
Tác giả: G.N. Pospelov (chủ biên), Dẫn luận nghiên cứu văn học tập 2, Trần Đình Sử dịch
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 1998
10. Trần Đình Sử (2004), Tự sự học – một số vấn đề lí luận và lịch sử, Nxb ĐHSP Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Tự sự học – một số vấn đề lí luận và lịch sử
Tác giả: Trần Đình Sử
Nhà XB: Nxb ĐHSP Hà Nội
Năm: 2004
11. Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam (2011), Lý luận văn học tập 2, Nxb Giáo dục, Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Lý luận văn học tập 2
Tác giả: Trần Đình Sử, Phương Lựu, Nguyễn Xuân Nam
Nhà XB: Nxb Giáo dục
Năm: 2011
12. Tzevan Todorov, Dẫn luận văn chương kì ảo, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch, (2008), Nxb ĐHSP Hà Nội Sách, tạp chí
Tiêu đề: Dẫn luận văn chương kì ảo
Tác giả: Tzevan Todorov, Dẫn luận văn chương kì ảo, Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch
Nhà XB: Nxb ĐHSP Hà Nội
Năm: 2008
13. Kathryn Vansparckeren, Phác thảo văn học Mỹ, Lê Sinh, Hồng Chương dịch (2001), Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh Sách, tạp chí
Tiêu đề: Phác thảo văn học Mỹ
Tác giả: Kathryn Vansparckeren, Phác thảo văn học Mỹ, Lê Sinh, Hồng Chương dịch
Nhà XB: Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh
Năm: 2001
14. Viện Ngôn ngữ học (2010), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đại học Bách Khoa Sách, tạp chí
Tiêu đề: Từ điển tiếng Việt
Tác giả: Viện Ngôn ngữ học
Nhà XB: Nxb Đại học Bách Khoa
Năm: 2010
15. M. Villard (1993), Chân dung tự họa của 131 tác giả truyện ngắn đương Khác

TỪ KHÓA LIÊN QUAN

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w