Cùng với sự phát triển của xã hội, tiếng Việt cũng phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Như một đòi hỏi khách quan và cũng là tất yếu của sự phát triển ngôn ngữ, một hệ thuật ngữ khoa học tiếng Việt ra đời, để đáp ứng nhu cầu giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học. Cũng vì thế, thuật ngữ là một trong những lĩnh vực trở thành đối tượng nghiên cứu cần thiết của Việt ngữ học. Việc xây dựng, tiếp nhận hệ thuật ngữ là một hoạt động quan trọng và cần thiết trong quá trình phát triển và đào tạo của các ngành khoa học. Cuốn Danh từ y dược Pháp – Việt xuất bản năm 1963, bước đầu đã đúc kết được công tác xây dựng thuật ngữ y học kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 và cả trước năm 1945. Kể từ khi cuốn Danh từ y học của tác giả Bác sĩ Phạm Khắc Quảng và Lê Khắc Thiền ra đời, năm 1973 và năm 1976 cuốn Từ điển Y Dược được chỉnh lý bổ sung và xuất bản, đến nay, thuật ngữ khoa học, công nghệ nói chung và thuật ngữ y học nói riêng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Từ trước đến nay, nói đến xây dựng, phát triển thuật ngữ, người ta đề cập đến nhiều con đường như: phiên âm, chuyển dịch, tiếp nhận thuật ngữ tiếng nước ngoài, cấu tạo thuật ngữ mới theo con đường hình thái cú pháp hoặc phái sinh ngữ nghĩa, chuyển chức năng – ngữ nghĩa. Trong đó, con đường cấu tạo thuật ngữ mới có ý nghĩa quan trọng, vì nó sử dụng chất liệu ngôn ngữ dân tộc. Chính vì vậy, việc đi sâu nghiên cứu các phương thức cấu tạo của hệ thuật ngữ Y học cổ truyển trong tiếng Việt là rất cần thiết, góp phần vào quá trình xây dựng và chuẩn hóa hệ thuật ngữ nói chung và hệ thuật ngữ Y học cổ truyền nói riêng, theo phương châm khoa học, quốc tế và dân tộc. Mặt khác, hiểu rõ các đặc điểm cấu tạo của hệ thuật ngữ Y học cổ truyền tiếng Việt, cũng sẽ khẳng định vai trò của tiếng Việt trong lĩnh vực khoa học, góp phần vào quá trình truyền bá tri thức, phát triển khoa học ở Việt Nam. Y học cổ truyền là một kho báu quý giá, mà nhân dân ta có được trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và phát triển văn hóa. Đó là thành quả của việc học hỏi, nghiên cứu Y học cổ truyền Trung Hoa của những nhà Nho Việt Nam, để chữa bệnh và làm thuốc phục vụ nhân dân. Thuật ngữ Y học cổ truyền là nguồn cung cấp lượng từ vựng và thuật ngữ về y học cổ truyền một cách cơ bản nhất, nhằm củng cố, chính xác hóa, nâng cao các kĩ năng đọc, hiểu và dịch các tài liệu y học cổ truyền được viết bằng tiếng Anh. Trong quá trình học tập, nghiên cứu và giảng dạy tiếng nước ngoài, tác giả nhận thấy những khó khăn của người học trong việc nhận biết, ghi nhớ và sử dụng thuật ngữ. Khắc phục được khó khăn này, sẽ giúp cho người dạy và người học nắm bắt được quy luật, cấu tạo thuật ngữ, những đặc điểm trong tư duy ngôn ngữ của mỗi dân tộc. Là một giảng viên dạy ngôn ngữ tiếng Anh, trong một đơn vị đào tạo chuyên ngành về Y học cổ truyền hàng đầu cho cả nước, chúng tôi nhận thấy việc nâng cao kiến thức chuyên ngành về Y học cổ truyền là một điều hết sức hữu ích, không chỉ đối với những người dạy và học tiếng Anh chuyên ngành y học cổ truyền, mà cả đối với những người dạy và học tiếng Anh ở những chuyên ngành khác, để họ có thể mở rộng và nâng cao kiến thức của mình. Với những lí do trên, vấn đề “Nghiên cứu đặc điểm thuật ngữ y học cổ truyền Việt Nam” được chúng tôi chọn làm đề tài luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học. Trên cơ sở nghiên cứu các tài liệu có liên quan, các công trình nghiên cứu khoa học, kế thừa và vận dụng các thành quả nghiên cứu của các tác giả đi trước. Đồng thời, căn cứ vào thực tế nghiên cứu, tác giả đã nhận diện được, thấy các phương thức, các đặc điểm, các cấu tạo của thuật ngữ. Qua đó nhận thấy ý nghĩa to lớn của thuật ngữ y học cổ truyền, để phục vụ nhu cầu học tập và nghiên cứu khoa học, đáp ứng kịp tốc độ phát triển của khoa học kĩ thuật nước nhà và thế giới.