MỞ ĐẦU 1. Lý do lựa chọn đề tài Trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực là nhân tố quyết định nhất đối với sự phát triển của mỗi quốc gia; trình độ phát triển của nguồn nhân lực là thước đo chủ yếu sự phát triển của các quốc gia. Vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng phát triển nguồn nhân lực. Trong thế kỷ XX, đã có những quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, nhưng do phát huy tốt và tối đa nguồn nhân lực nên đã đạt được thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá chỉ trong vài thập kỷ. Ở nước ta, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định quan điểm coi con người là trung tâm của sự phát triển, của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định 3 khâu đột phá chiến lược, trong đó có vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay, với nội dung cụ thể là “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ”. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao”. Một trong các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 thể hiện trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng là: “Thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”. Lý thuyết và thực tiễn phát triển ở tất cả các quốc gia trên thế giới cho thấy nguồn nhân lực đóng vai trò hết sức quan trọng đối với quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Những khuyến nghị của Liên hợp quốc cũng như những quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng ta cho thấy sự thừa nhận vai trò to lớn, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực trong sự phát triển đất nước và nhân loại, là nhân tố hàng đầu, quyết định thành công hay thất bại của các quốc gia, dân tộc. Nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước công nghiệp mới như Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc,... đều đánh giá cao vai trò của NNL ngành môi trường là yếu tố quyết định nhất trong sự nghiệp bảo vệ môi trường. Trong những năm qua, cùng với sự phát triển của kinh tế và an sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo và cải thiện, công tác bảo vệ môi trường cũng luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo và đã thu được những kết quả quan trọng. Vai trò của công tác bảo vệ môi trường được đặt ngang tầm với các vấn đề về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghị quyết là cơ sở quan trọng, định hướng cho việc hoạch định đường lối, thể chế hóa các chính sách, pháp luật cho công tác bảo vệ môi trường ở nước ta. Trong đó đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh; đến năm 2050, bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực. Trước đó, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đã xác định sáu vấn đề môi trường cấp bách ở nước ta hiện nay, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện. Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành môi trường đã có sự phát triển đáng kể, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là nguồn nhân lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã có những đóng góp thiết thực và quan trọng trong việc xây dựng các chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, đáp ứng cơ bản được yêu cầu quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong khi đó, đặc thù của ngành môi trường là ngành có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến tất cả các bộ, ngành, lĩnh vực khác trong công tác bảo vệ môi trường; với chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao quản lý nhà nước về môi trường bao gồm môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất và môi trường sinh thái trên phạm vi cả nước. Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng trầm trọng hơn, nhiều cơ sở sản xuất, dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường cao; hầu hết các cụm công nghiệp, làng nghề chưa được đầu tư xây dựng hạ tầng bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường; hoạt động sản xuất nông nghiệp ngày càng sử dụng nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, nước thải từ hoạt động chuyên canh nông nghiệp có chứa các thành phần độc hại từ hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón đã và đang gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nước dưới đất và nước mặt; nước thải sinh hoạt ở hầu hết các đô thị chưa được xử lý; hầu hết các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm môi trường, nhất là mùi hôi, nước rỉ rác; hầu hết các đô thị lớn của nước ta đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng ô nhiễm không khí, trong đó ô nhiễm khói và bụi là vấn đề nổi cộm nhất; các hệ sinh thái tự nhiên khác như rừng, rạn san hô, loài sinh vật, thảm cỏ biển cũng đang đứng trước tình trạng suy thoái.