1. Trang chủ
  2. » Giáo Dục - Đào Tạo

Tội giết người theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Long An

81 279 1

Đang tải... (xem toàn văn)

Tài liệu hạn chế xem trước, để xem đầy đủ mời bạn chọn Tải xuống

THÔNG TIN TÀI LIỆU

Thông tin cơ bản

Định dạng
Số trang 81
Dung lượng 702,43 KB

Nội dung

Trong BLHS Việt Nam năm 1999, khoản 1 Điều 8 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện m

Trang 1

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ NGỌC THẢNH

TỘI GIẾT NGƯỜI THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ

VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN TỈNH LONG AN

LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

HÀ NỘI - 2017

Trang 2

VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

HỌC VIỆN KHOA HỌC XÃ HỘI

NGUYỄN THỊ NGỌC THẢNH

TỘI GIẾT NGƯỜI THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ

VIỆT NAM TỪ THỰC TIỄN TỈNH LONG AN

Chuyên ngành: Luật hình sự và tố tụng hình sự

Mã số: 60.38.01.04 LUẬN VĂN THẠC SĨ LUẬT HỌC

NGƯỜI HƯỚNG DẪN KHOA HỌC PGS.TS TRẦN ĐÌNH NHÃ

HÀ NỘI - 2017

Trang 3

LỜI CAM ĐOAN

Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi Các số liệu, kết quả trong luận văn là trung thực và chưa từng được công bố trong bất kỳ công trình

nào khác

Tác giả luận văn

Trang 4

MỤC LỤC

MỞ ĐẦU 1

Chương 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI 6

1.1 Khái niệm và các dấu hiệu pháp lý của tội giết người 6

1.2 Phân biệt tội giết người và một số tội phạm khác 17

1.3 Quy định của pháp luật hình sự Viêt Nam về tội giết người 25

Chương 2: THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN 39

2.1 Thực trạng tội giết người trên địa bàn tỉnh Long An 39

2.2 Thực tiễn định tội danh tội giết người trên địa bàn tỉnh Long An 41

2.3 Thực tiễn quyết định hình phạt đối với tội giết người trên địa bàn tỉnh Long An 49

Chương 3: MỘT SỐ KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIẢI QUYẾT CÁC VỤ ÁN VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM 63

3.1 Yêu cầu đối với áp dụng đúng pháp luật về tội giết người 63

3.2 Các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng pháp luật về tội giết người 64

KẾT LUẬN 70

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO 72 PHỤ LỤC

Trang 6

DANH MỤC CÁC BẢNG, BIỂU

Bảng 2.1: Bảng thống kê các vụ án về tội giết người và các vụ án hình sự khác

được xét xử trong giai đoạn từ 2012 – 2016 trên địa bàn tỉnh Long An

Bảng 2.2: Bảng thống kê về hình phạt tội giết người được xét xử sơ thẩm trong

giai đoạn từ 2012 – 2016 trên địa bàn tỉnh Long An

Bảng 2.3 Thống kê các vụ án hình sự về tội giết người và các tội liên quan đến

tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2012 –

2016

Biểu đồ 2.1: Số vụ án về tội giết người được xét xử trên địa bàn tỉnh Long An

giai đoạn 2012 - 2016

Trang 7

MỞ ĐẦU

1 Tính cấp thiết của đề tài

Việt Nam từ khi thống nhất đất nước (1975) luôn có một nền chính trị - xã hội ổn định Đây là một tiền đề quan trọng để tiến hành cải cách, đổi mới và phát triển kinh tế đất nước Đến nay, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội Kinh tế phát triển không ngừng, an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định, đời sống của người dân được nâng cao…

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, nước ta cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không hề nhỏ như sự chống phá từ các thế lực thù địch; sự suy thoái, khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu; các vấn đề mặt trái của sự phát triển kinh tế (tăng dân số, thất nghiệp, tệ nạn xã hội, tội phạm…), trong

đó, tình hình tội phạm, đặc biệt là tội phạm giết người có diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi và có tính chất, mức độ nguy hiểm ngày một tăng Ngoài việc tước đoạt tính mạng của người khác, gây ra những nỗi đau thương cho nhiều gia đình, nó còn

để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội

Long An là một tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long, nằm trong vùng kinh

tế trọng điểm Phía Nam và là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ, Thành Phố Hồ Chí Minh với khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long Cũng như các tỉnh, thành phố khác, mặt trái của sự phát triển nhanh về kinh tế, sự phát triển nhanh của ngành giải trí, thông tin truyền thông là sự đi xuống về đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân làm phát sinh tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh, nhất là tội phạm về giết người với thủ đoạn và mức độ ngày càng nguy hiểm Nhiều vụ án giết người trên địa bàn tỉnh Long An xảy ra một cách tàn ác, dã man với những phương thức, thủ đoạn, kế hoạch tinh vi, xảo quyệt Đa số tội phạm giết người có tính chất côn

đồ, liều lĩnh, có tổ chức, sử dụng các loại hung khí nguy hiểm để phạm tội đã đánh lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng bạo lực, xem thường tính mạng, sức khỏe của con người, xem thường pháp luật

Trang 8

Trước tình hình diễn biến tội phạm xảy ra phức tạp như vậy, các cơ quan bảo

vệ pháp luật tỉnh Long An đã cố gắng trong việc áp dụng pháp luật một cách đúng đắn, có hiệu quả để đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm, ổn định trật

tự xã hội Song vẫn còn đó một số vụ án giết người còn thể hiện sự hạn chế trong hoạt động điều tra, truy tố và xét xử như: việc định tội danh và quyết định hình phạt còn chưa chính xác, vi phạm các thủ tục tố tụng hình sự…dẫn đến phải trả hồ sơ hoặc làm cho quá trình xét xử, thi hành án kéo dài Việc xác định tội danh và quyết định hình phạt đúng đối với tội giết người là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo tính pháp chế xã hội chủ nghĩa, sự ổn định kỷ cương xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng

và cả nước nói chung Do vậy, việc nghiên cứu đề tài “Tội giết người theo pháp

luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Long An” sẽ góp phần làm rõ thêm về lý

luận và pháp luật về tội giết người theo pháp luật Việt Nam, những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội giết người Ngoài

ra, trong một chừng mực nhất định, việc nghiên cứu đề tài góp phần sửa đổi, bổ sung chế định pháp luật hình sự về tội giết người, tạo cơ sở cho việc xử lý các vụ án giết người trên địa bàn tỉnh Long An nói riêng, cả nước nói chung, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm trong cả nước

2 Tình hình nghiên cứu đề tài

Đến nay, đã có nhiều đề tài nghiên cứu về tội giết người như: Luận văn Thạc

sĩ luật học “Tội giết người theo Luật hình sự Việt Nam và đấu tranh phòng chống

tội phạm giết người” của tác giả Hoàng Công Huân, Hà Nội, năm 1997; Luận văn

Thạc sĩ “Đấu tranh phòng chống tội giết người trên địa bàn tỉnh Hà Nam” của tác giả Bùi Trọng Tuệ, Hà Nội, năm 2004; Luận án Tiến sĩ luật học “Tội giết người

trong Luật hình sự Việt Nam và đấu tranh phòng chống loại tội phạm này” của tác

giả Đỗ Đức Hồng Hà, Hà Nội, năm 2006; Luận văn “Tội giết người theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Nam Định” của tác giả Nguyễn Chí Công, Hà Nội, năm 2016; Luận văn “Đấu tranh phòng chống các tội giết người trong giai đoạn hiện nay tại Long An” của tác giả Lê Kim Dung năm 2007;

Trang 9

Các công trình nghiên cứu trên đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nghiên cứu, đánh giá tình hình tội phạm giết người, đồng thời chỉ ra được các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật và thực tiễn đấu tranh trong giai đoạn tiếp theo Kết quả nghiên cứu về lí luận của các công trình nêu trên sẽ được tác giả tiếp thu, phát triển trong Luận văn của mình Tuy nhiên, những công trình trên đều đã được thực hiện cách đây nhiều năm, nhiều đề tài nghiên cứu từ thực tiễn ở một địa phương nhất định với những đặc thù, đặc điểm địa phương khác nhau nên đã có những cách áp dụng pháp luật, xử lý có nét khác biệt và thời gian gần đây chưa có đề tài nào nghiên cứu về tội giết người từ thực tiễn tỉnh Long An

Do vậy, tác giả đã chọn đề tài này làm đề tài nghiên cứu luận văn thạc sỹ của mình

3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1 Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở các vấn đề lý luận và các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, từ thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự về tội giết người trên địa bàn tỉnh Long An, Luận văn đề xuất các giải pháp đảm bảo việc xác định tội danh và hình phạt đối với tội giết người ở Việt Nam và đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến tội giết người trong BLHS Việt Nam

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

- Nghiên cứu, phân tích về sự hình thành và phát triển của pháp luật hình sự Việt Nam về tội giết người

- Phân tích các dấu hiệu pháp lý về tội giết người và phân biệt tội giết người với một số tội phạm khác

- Phân tích và đánh giá hoạt động xét xử các vụ án hình sự về tội giết người trên địa bàn tỉnh Long An, trong đó tập trung nghiên cứu, phân tích việc định tội danh và quyết định hình phạt trong các vụ án về tội giết người

- Đưa ra các giải pháp đảm bảo việc định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội giết người và đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định pháp luật liên quan đến tội giết người

Trang 10

4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1 Đối tượng nghiên cứu

Bộ luật hình sự 2015 chưa có hiệu lực thi hành và đã được sửa đổi, bổ sung,

dự kiến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, do vậy, đề tài tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận về tội giết người dựa theo BLHS Việt Nam năm 1999, đồng thời tìm hiểu thực tiễn áp dụng pháp luật quy định về tội giết người tại tỉnh Long An từ năm 2012 đến năm 2016

4.2 Phạm vi nghiên cứu

Luận văn được nghiên cứu trong phạm vi lý luận về định tội danh và quyết định hình phạt tội giết người dưới góc độ Luật hình sự và Luật tố tụng hình sự, gắn với thực tiễn tại tỉnh Long An Các số liệu thu thập được từ Vụ thống kê- Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, các báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội, Tòa án nhân dân tỉnh Long An và Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An

từ năm 2012 đến năm 2016

5 Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1 Phương pháp luận

Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác –

Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng cộng sản Việt Nam về Nhà nước và Pháp luật, về đấu tranh, phòng chống tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người

5.2 Phương pháp nghiên cứu

Tác giả đã trực tiếp tổng hợp các tài liệu liên quan đến tội giết người, xử lý các vụ án giết người trên địa bàn tỉnh Long An và cả nước, kết hợp với việc nghiên cứu, đánh giá, phân tích một số vụ án cụ thể để làm rõ các vấn đề cần nghiên cứu trong Luận văn

Những phương pháp nghiên cứu cụ thể được sử dụng trong luận văn là: phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê…

Trang 11

6 Ý nghĩa lý luận và thực tiễn

6.1 Ý nghĩa lý luận

Luận văn góp phần làm phong phú thêm cơ sở lý luận, góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật về tội giết người Ngoài ra, Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu học tập và nghiên cứu

6.2 Ý nghĩa thực tiễn

Kết quả nghiên cứu trong Luận văn góp phần nâng cao hiệu quả xử lý các vụ

án hình sự về tội giết người, đồng thời làm cơ sở để trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật liên quan đến tội giết người trong Bộ luật hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự Việt Nam

7 Cơ cấu

Ngoài Phần mở đầu, Danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn gồm 3 chương, như sau:

Chương 1 Những vấn đề lý luận và pháp luật về tội giết người

Chương 2 Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về

tội giết người trên địa bàn tỉnh Long An

Chương 3 Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án về

tội giết người theo pháp luật hình sự Việt Nam

Trang 12

Chương 1 NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI 1.1 Khái niệm và các dấu hiệu pháp lý của tội giết người

1.1.1 Khái niệm về tội giết người

Con người được coi là vốn quý trong xã hội, là chủ thể của tổng hòa các mối quan hệ xã hội Con người sáng tạo ra xã hội và là giá trị xã hội cao quý nhất Vì thế, bảo vệ cuộc sống bình yên và chăm lo hạnh phúc cho con người luôn là mục tiêu phấn đấu cao nhất của mỗi quốc gia, mà điều căn bản tiên quyết đó là bảo vệ những quyền thiêng liêng: quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc

Từ trước đến nay, hành vi giết người, ở bất kỳ chế độ nào cũng đều bị coi là hành vi tàn ác, vô nhân đạo, vì nó không những gây đau thương mất mát cho gia đình, người thân nạn nhân, phá vỡ tế bào xã hội mà còn gây mất an ninh, trật tự ở địa phương, tạo ra tâm lý hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân Chính vì lẽ

đó, pháp luật hình sự về tội giết người đã được hình thành từ khá sớm trong hệ thống pháp luật Việt Nam và nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm giết người luôn luôn được đặt lên hàng đầu

Trước khi nghiên cứu về tội giết người, ta cần hiểu khái niệm tội giết người

là thế nào Theo đó, trước hết phải đi từ vấn đề chung nhất, đó là khái niệm về tội phạm Khái niệm về tội phạm dùng để chỉ tất cả các hành vi được luật quốc gia hay luật quốc tế xác định là trái pháp luật mà chủ thể thực hiện hành vi đó phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của nhà nước là hình phạt Tùy sự ghi nhận, định nghĩa của từng quốc gia cũng như quan điểm của các nhà khoa học mà khái niệm về tội phạm không hoàn toàn giống nhau

Có thể lấy ví dụ như: Điều 40 BLHS Malaysia quy định tội phạm là: “Bất cứ

hành vi nào bị Bộ luật này hoặc các đạo luật có hiệu lực tại thời điểm thực hiện hành vi coi là phải chịu hình phạt” hoặc quy định tại Điều 3 BLHS Philipines:

“Hành vi hành động hoặc hành vi không hành động bị trừng trị về mặt hình sự theo

quy định của luật thì gọi là tội phạm”

Trang 13

Trong BLHS Việt Nam năm 1999, khoản 1 Điều 8 quy định: “Tội phạm là

hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế

độ kinh tế, nền văn hoá, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.” [9, tr 51]

BLHS Việt Nam năm 2015 quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho

xã hội được quy định trong Bộ Luật hình sự, do người có nâng lực trách nhiệm hình

sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, an ninh trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự” [11, tr.13]

Khái niệm tội phạm là một trong những khái niệm cơ bản nhất của pháp luật hình sự, là cơ sở thống nhất cho việc xác định những tội phạm cụ thể trong phần các tội phạm cụ thể của BLHS và để quy định khung hình phạt cho các loại tội đó Xuất phát từ khái niệm này, các tội xâm phạm tính mạng được hiểu là những hành vi (hành động hoặc không hành động) nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực TNHS thực hiện, có lỗi (cố ý hoặc vô ý), xâm phạm đến quyền được tôn trọng và bảo vệ đó là tính mạng của người khác

Nhóm tội xâm phạm tính mạng bao gồm 13 tội, trong đó tội giết người, một trong những tội phạm đặc biệt nguy hiểm, được quy định tại Điều 93 BLHS 1999

như sau: “1 Người nào giết người thuộc trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt

tù từ mười hai năm, đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình…” [9, tr 97]

Với quy định như vậy, nhà làm luật mới chỉ dừng lại ở việc nêu tội danh và khung hình phạt mà chưa định nghĩa cụ thể thế nào là hành vi giết người và những dấu

Trang 14

hiệu pháp lý của nó Nhìn lại lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam từ trước đến nay cũng chưa thấy có văn bản pháp luật nào đưa ra khái niệm về tội giết người Trên cơ

sở nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự, hiện nay còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau xung quanh về khái niệm tội giết người, cụ thể:

Tại bản tổng kết thực tiễn xét xử tội giết người ban hành kèm theo Công văn

số 452-HS2 ngày 10/08/1970 của Tòa án nhân dân tối cao có nêu định nghĩa: “Tội

giết người là hành vi cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật” [14] Quan điểm khác lại cho rằng: “Tội giết người là hành vi trái pháp luật của người đủ năng lực trách nhiệm hình sự cố ý tước bỏ quyền sống của người khác” Có thể thấy: quan điểm thứ nhất mới chỉ đề cập đến mặt khách quan của tội

này mà chưa đưa ra được dấu hiệu năng lực TNHS và độ tuổi chịu TNHS của chủ thể tội phạm Quan điểm thứ hai đã đề cập đến dấu hiệu năng lực TNHS nhưng lại không đề cập đến độ tuổi chịu TNHS

Để xác định một hành vi có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội giết người, trước tiên hành vi đó phải có tính chất nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS, hành vi đó phải do người có năng lực TNHS và đạt đủ điều kiện về độ tuổi chịu

TNHS với lỗi cố ý Điều 9 BLHS quy định về lỗi cố ý là phạm tội trong những

trường hợp sau đây:

“1 Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra;

2 Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xẩy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn

có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra” [9, tr 52]

Người có năng lực trách nhiệm hình sự là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mình gây ra và có khả năng điều khiển hành vi ấy Năng lực TNHS chỉ được hình thành khi con người đạt đến một độ tuổi nhất định và năng lực đó tiếp tục phát triển hoàn thiện trong thời gian nhất định tiếp theo Khoản 2 Điều 12 BLHS

quy định độ tuổi chịu TNHS như sau: “2 Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa

Trang 15

đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.” [9, tr 52]

Từ những quan điểm, quy định pháp luật và phân tích nêu trên, ta có thể rút

ra khái niệm về tội giết người như sau: “Tội giết người được hiểu là hành vi trái

pháp luật được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý nhằm tước đoạt tính mạng của người khác.”

1.1.2 Các dấu hiệu pháp lý của tội giết người

Phân tích quy định về tội giết người theo quy định tại Điều 93 BLHS năm

1999 và Điều 123 BLHS năm 2015 cho thấy, tội giết người có các dấu hiệu pháp lý như sau:

1999

Khách thể của tội giết người là những quan hệ xã hội quan trọng được luật hình sự bảo vệ, đó là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng – các quyền cơ bản nhất của con người được quy định tại Điều 19 Hiến pháp năm 2013

của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam: “Mọi người có quyền sống Tính mạng con

người được pháp luật bảo hộ Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” [10]

Đồng thời được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 6 Công ước quốc tế về các Quyền dân

sự, chính trị (ICCPR) cụ thể hóa Điều 3 UDHR, trong đó nêu rằng: “Mọi người đều

có quyền cố hữu là được sống Quyền này phải được pháp luật bảo vệ Không ai có

Đối tượng tác động tội giết người là những chủ thể có quyền được tôn trọng

và bảo vệ tính mạng, đó là những người đang sống, đang tồn tại trong thế giới

Trang 16

khách quan với tư cách là một con người – thực thể tự nhiên và xã hội Khoảng thời gian người bị hành vi phạm tội xâm hại đến tính mạng bắt đầu từ khi người đó được sinh ra và kết thúc khi họ chết đi Như vậy, trường hợp có hành vi xâm hại trước thời điểm một người được sinh ra (tức chưa là thực thể tồn tại độc lập cũng chưa tồn tại về mặt pháp lý) thì hành vi phạm tội chưa thể xâm hại người đó được Ví dụ: hành vi phá thai nhưng thai nhi ở tháng thứ mấy cũng không coi là hành vi giết người Tương tự, nếu một người đã chết, thì hành vi xâm phạm đến xác chết đó không phải là hành vi giết người, nhưng giết một người sắp chết vẫn là giết người Tuy vậy, trường hợp người phạm tội tưởng nhầm xác chết là người đang còn sống nên đã thực hiện hành vi giết người với lỗi cố ý thì vẫn coi là phạm tội giết người Khoa học luật hình sự gọi đó là sai lầm về đối tượng

1.1.2.2 Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội giết người là mặt bên ngoài, gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan Mặt khách quan của tội giết người bao gồm các yếu tố cấu thành: hành vi khách quan của tội giết người, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan với hậu quả nguy hiểm cho xã hội đó Mặt khách quan là một trong bốn yếu tố cấu thành của tội phạm Nếu không có mặt khách quan thì cũng không có các yếu tố khác của tội giết người và do đó cũng không có tội giết người

 Hành vi khách quan của tội giết người:

Trong luật hình sự, hành vi khách quan là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức cụ thể có sự kiểm soát của ý thức

và sự điều khiển của ý chí nhằm đạt được mục đích có chủ định và mong muốn Theo đó, hành vi khách quan của tội giết người là hành vi cố ý tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác Hành vi tước đoạt tính mạng của người khác có thể hiểu là hành vi có khả năng gây ra cái chết cho con người và chấm dứt sự sống của

họ Những hành vi không có khả năng này không thể coi là hành vi khách quan của tội giết người Hành vi khách quan của tội giết người có những đặc điểm sau đây:

Trang 17

Thứ nhất, hành vi tước đoạt tình mạng người khác là hành vi có tính nguy

hiểm cho xã hội Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi khách quan phụ thuộc vào tính chất của quan hệ xã hội mà hành vi xâm hại cũng như vào tình chất và mức

độ thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra cho quan hệ xã hội đó Đây là đặc điểm cơ bản của hành vi phạm tội, đặc biệt là ở tội giết người thì tính chất nguy hiểm và khả năng gây ra thiệt hại cho quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ là rất đáng kể mà trước hết đó là xâm phạm đến quyền được sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, tác động xấu đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương nơi tội phạm diễn ra

Thứ hai, hành vi khách quan của tội phạm này có thể được thực hiện dưới

dạng hành động hoặc không hành động Hành động thường được biểu hiện như: đâm, chém, bắn, đốt cháy, đầu độc, bóp cổ, ném xuống sông, v.v… Không hành động, đó là trường hợp chủ thể có nghĩa vụ phải thực hiện những hành động, công việc nhất định để đảm bảo sự an toàn về tính mạng cho người khác nhưng họ đã không làm, không thực hiện nghĩa vụ đó cuối cùng dẫn đến hậu quả chết người Ví dụ: trường hợp bác sĩ, vì mục đích tư thù cá nhân nên đã trực tiếp xử lý ca mổ nhưng cố trì hoãn không cho mổ dẫn đến hậu quả là người bệnh chết

Thứ ba, hành vi tước đoạt tính mạng người khác phải là hành vi trái pháp

luật hình sự Những trường hợp tước bỏ tính mạng người khác nhưng được sự cho phép của pháp luật thì những hành vi đó không được coi là hành vi khách quan của tội giết người Đó là các trường hợp phòng vệ chính đáng, trong tình thế cấp thiết hoặc thi hành mệnh lệnh hợp pháp của nhà chức trách Ví dụ như công an thi hành bản án tử hình đối với người phạm tội Hành vi tự tước đoạt tính mạng của chính bản thân mình không phải hành vi khách quan của tội giết người

Đồng thời BLHS năm 2015 cũng đã quy định thêm ba trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự đối với hành vi có thể xâm hại đến tính mạng người khác đó là: gây thiệt hại khi bắt người phạm tội (khoản 1 điều 24); Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (điều 25); Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (điều 26)

Trang 18

dụ như bị bắn nhưng không trúng, bị đâm vào ngực nhưng lệch mũi đâm hoặc bị gài bẫy, đầu độc nhưng được cấp cứu kịp thời nên không chết…hậu quả chết người không xảy ra nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội Đây là trường hợp giết người chưa đạt đã hoàn thành

 Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan và hậu quả:

Trong CTTP, hậu quả được phản ánh là dấu hiệu khách quan và mối quan hệ nhân quả cũng sẽ là dấu hiệu khách quan Theo đó, quan hệ nhân quả giữa hành vi khách quan – hành vi tước đoạt tính mạng người khác đã thực hiện và hậu quả chết người đã xảy ra cũng là một dấu hiệu bắt buộc trong CTTP của tội giết người

Hành vi khách quan của tội giết người được coi là nguyên nhân nội tại, tất yếu gây ra hậu quả chết người nếu thỏa mãn những điều kiện:

Một là, hành vi khách quan của tội giết người phải xảy ra trước hậu quả chết

người về mặt thời gian;

Hai là, hành vi khách quan đó độc lập hoặc trong mối liên hệ tổng hợp với

một hoặc nhiều hiện tượng khác phải chứa đựng khả năng thực tế làm phát sinh hậu quả chết người;

Ba là, hậu quả chết người đã xảy ra phải đúng là sự hiện thực hóa khả năng

thực tế tất yếu sẽ làm phát sinh hậu quả của hành vi phạm tội

Việc xác định mối quan hệ nhân quả này có ý nghĩa quan trọng trong tội giết người bởi người có hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi hành vi khách quan mà họ thực hiện là nguyên nhân

Trang 19

trực tiếp dẫn đến hậu quả chết người; đồng thời hậu quả chết người là kết quả tất yếu do hành vi khách quan mà họ thực hiện gây ra Trong thực tiễn, việc xác định mối quan hệ nhân quả này cũng hết sức phức tạp, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của giám định pháp y

1.1.2.3 Về chủ thể

Chủ thể của tội phạm là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi luật định và đã thực hiện hành vi phạm tội cụ thể Theo đó, chủ thể của tội giết người là người có năng lực trách nhiệm hình sự đạt độ tuổi luật định và đã thực hiện hành vi giết người

Năng lực trách nhiệm hình sự là điều kiện cần thiết để có thể xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có lỗi hay không và để truy cứu trách nhiệm hình sự của họ Người có năng lực TNHS là người khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển hành vi ấy

Điều 12 BLHS năm 1999 đã quy định về độ tuổi chịu TNHS:

“1 Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội

phạm

2 Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

[9, tr 52]

Khoản 2 Điều 12 BLHS 2015 quy định giới hạn các tội danh mà nhóm tuổi

từ đủ 14 đến chưa đủ 16 tuổi phải chịu TNHS như sau: “Người từ đủ 14 tuổi trở lên,

nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây:

a) Điều 143 (tội cưỡng dâm); Điều 150 (tội mua bán người); Điều 151 (tội mua bán người dưới 16 tuổi);

Trang 20

b) Điều 170 (tội cưỡng đoạt tài sản); Điều 171 (tội cướp giật tài sản); Điều

173 (tội trộm cắp tài sản); Điều 178 (tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản);

c) Điều 248 (tội sản xuất trái phép chất ma túy); Điều 249 (tội tàng trữ trái phép chất ma túy); Điều 250 (tội vận chuyển trái phép chất ma túy); Điều 251 (tội mua bán trái phép chất ma túy); Điều 252 (tội chiếm đoạt chất ma túy);

d) Điều 265 (tội tổ chức đua xe trái phép); Điều 266 (tội đua xe trái phép); đ) Điều 285 (tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật); Điều 286 (tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 287 (tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử); Điều 289 (tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác); Điều 290 (tội

sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản);

e) Điều 299 (tội khủng bố); Điều 303 (tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia); Điều 304 (tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển,

sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự)”[11, Tr 16]

Người không có năng lực TNHS khi thực hiện hành vi phạm tội thì không phải chịu TNHS do hành vi mà mình gây ra Khoản 1 Điều 13 BLHS năm 1999

cũng quy định về tình trạng không có năng lực TNHS: “Người thực hiện hành vi

nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh” [9, tr 53] Ngoài ra pháp luật hình sự cũng quy định những trường hợp hạn

chế năng lực TNHS Với những đối tượng thực hiện hành vi phạm tội mà bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi thì họ vẫn phải chịu TNHS do hành vi mình gây ra nhưng khi xét xử được xem xét là tình tiết giảm nhẹ quy định

Trang 21

tại điểm n khoản 1 Điều 46 BLHS: “Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế

khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình” [9, tr 69]

Khung hình phạt cơ bản của tội giết người theo khoản 2 Điều 93 BLHS năm

1999 có mức cao nhất đến 15 năm tù Căn cứ theo khoản 3 Điều 8 BLHS, ta thấy tội giết người thuộc loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do cố ý Như vậy, từ những phân tích trên, ta có thể xác định chủ thể của tội giết người là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên và có năng lực TNHS

Lỗi cố ý gián tiếp: là trường hợp người phạm tội nhận thức hành vi của mình

có tính nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả chết người có thể xảy ra tuy không mong muốn nhưng để đạt được mục đích của mình, họ có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra Về lý trí: người phạm tội nhận thức rõ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện, thấy trước hành vi đó có thể gây nguy hiểm cho

xã hội Về ý chí: người phạm tội không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, hậu

Trang 22

quả đó không phù hợp với mục đích mà họ đặt ra khi thực hiện hành vi phạm tội, nhưng để đạt được mục đích đã đặt ra, họ chấp nhận hậu quả chết người (nếu có)

Trường hợp hậu quả chết người đã xảy ra, việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay

cố ý gián tiếp không có ý nghĩa trong việc định tội nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng nếu người phạm tội đã thực hiện hành vi khách quan mà hậu quả lại chưa xảy ra:

Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra mà lỗi của người thực hiện hành vi là cố

ý trực tiếp thì người phạm tội phải chịu TNHS về tội giết người chưa đạt Trường hợp hậu quả chết người chưa xảy ra mà lỗi của người thực hiện hành vi là cố ý gián tiếp thì người đó chỉ phải chịu TNHS về tội cố ý gây thương tích nếu thỏa mãn các yếu tố CTTP của tội này

Trong thực tiễn, việc xác định lỗi cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp không phải luôn đơn giản, mà nhiều trường hợp hết sức phức tạp Việc xác định lỗi còn đặc biệt phức tạp hơn trong những vụ việc xác định lỗi cố ý gián tiếp hay chỉ là lỗi vô ý do quá tự tin đối với hậu quả chết người

 Mục đích và động cơ

Mục đích của tội phạm là kết quả mà người phạm tội mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội Theo đó, mục đích của tội phạm giết người là nhằm tước bỏ đi mạng sống của nạn nhân, chấm dứt sự sống của họ Mục đích không phải

là dấu hiệu bắt buộc phải có trong cấu thành tội giết người song trong một số trường hợp lại là dấu hiệu bắt buộc trong mặt chủ quan để làm căn cứ phân biệt một số trường hợp và xác định tội danh của chủ thể

Ví dụ 1: trường hợp gây thương tích cho nạn nhân nhưng hậu quả chết người

chưa xảy ra, nếu người phạm tội thực hiện hành vi với mục đích giết người thì sẽ bị truy cứu TNHS về tội giết người thuộc giai đoạn chưa đạt, còn nếu không có mục đích giết người thì sẽ bị truy cứu TNHS về tội cố ý gây thương tích

Ví dụ 2: hành vi giết người nhưng mục đích là chống lại chính quyền nhân

dân sẽ cấu thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo Điều 84 BLHS

Trang 23

Động cơ là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội của mình Động cơ thúc đẩy người phạm tội giết người thực hiện hành vi khách quan có thể là động cơ đê hèn, do muốn cướp tài sản nạn nhân, giết người để thực hiện hoặc che dấu tội phạm khác,…Động cơ tuy không có ý nghĩa về mặt định tội nhưng có một số động cơ phạm tội được luật quy định là tình tiết định khung tăng nặng hay giảm nhẹ

1.2 Phân biệt tội giết người và một số tội phạm khác

Tội giết người và các tội xâm phạm tính mạng khác trong phần các tội xâm phạm tình mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự con người được quy định tại chương XII BLHS năm 1999, chương XIV BLHS năm 2015 đều là các hành vi xâm phạm đến các quyền cơ bản của con người được pháp luật bảo vệ, vì thế các tội này đều có những điểm chung cơ bản, đó là:

Về mặt khách thể: Khách thể của nhóm tội phạm này là một trong những khách thể quan trọng nhất được luật hình sự bảo vệ, là quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng Đối tượng của nhóm tội này là những con người đang sống, đang tồn tại trong thế giới khách quan- thực thể tự nhiên và xã hội

Về mặt khách quan: Ở mỗi tội xâm phạm tính mạng lại có những hình thức thể hiện cụ thể khác nhau nhưng đều có cùng tính chất là có thể trực tiếp hay gián tiếp gây ra thiệt hại về tính mạng hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đó Hình thức thực hiện của những hành vi phạm tội trong nhóm này có thể là hành động hoặc không hành động Hậu quả của hành vi đó có thể trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thiệt hại đến tính mạng của con người

Về mặt chủ thể: Chủ thể của hầu hết các tội xâm phạm tính mạng không phải

là chủ thể đặc biệt Có một số tội đòi hỏi chủ thể phải có thêm những đặc điểm đặc biệt khác Những người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định đều có khả năng trở thành chủ thể của nhiều tội thuộc nhóm này

Bên cạnh những điểm tương đồng về dấu hiệu pháp lý giữa các tội xâm phạm tính mạng con người còn có những đặc điểm, dấu hiệu riêng biệt trong CTTP

ở mỗi tội đó.Việc so sánh, phân biệt các tội phạm đó một cách rõ ràng là một vấn đề

Trang 24

quan trọng, cần thiết trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật Nếu không có sự phân biệt, xem xét, đánh giá toàn diện thì dễ dẫn đến những nhầm lẫn, sai lầm nghiêm trọng, trong quá trình giải quyết vụ án có thể xảy ra tình trạng

xử không đúng người, không đúng tội, bỏ lọt tội phạm, oan, sai…

1.2.1 Tội giết người và tội giết con mới đẻ (Điều 94)

- Giống nhau: đều xâm phạm đến tính mạng của người khác với hành vi tước đoạt tính mạng người khác một cách trái pháp luật với lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp

- Khác nhau:

+ Về chủ thể: chủ thể của tội giết người là bất kỳ người nào có năng lực TNHS và đủ 14 tuổi trở lên (không phải chủ thể đặc biệt) Trong khi đó, chủ thể của tội giết con mới đẻ phải là người mẹ đang còn trong trạng thái vừa mới sinh con Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 04 ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì khoảng thời gian người mẹ được coi còn trong trạng thái mới sinh con

là khoảng thời gian từ khi sinh cho đến ngày thứ bảy Trường hợp “đẻ thuê”, “đẻ

hộ”… cho người khác mà giết con mới đẻ thì cũng có thể phạm tội này nếu thỏa

mãn đủ các dấu hiệu của CTTP [4]

Không phải bất kỳ trường hợp nào người mẹ giết con mới đẻ cũng là phạm tội giết con mới đẻ mà nguyên nhân, điều kiện thực hiện hành vi giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP Điều 94 BLHS 1999 có quy định về

chủ thể tội này: “Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc

trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt” [9, tr 98] Theo đó, chủ thể ở đây là người

mẹ thực hiện hành vi giết con mình do chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu

là ảnh hưởng của tư tưởng cũ đã lỗi thời, không còn phù hợp với xã hội đương thời như tin vào bói toán hay các quan niệm cổ hủ thời phong kiến, phong tục tập quán lạc hậu… hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt như người mẹ không có khả năng nuôi con mình, bị mất sữa, bệnh nặng, đứa trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, mắc bệnh nan y mà việc chữa trị khó khăn, tốn kém…

Trang 25

+ Về đối tượng tác động: tội giết người có thể tác động tới bất kỳ người đang sống, đang tồn tại không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc…Tội giết con mới đẻ trực tiếp xâm phạm đến tính mạng của đứa trẻ vừa mới sinh trong vòng 7 ngày và

đó lại là con đẻ của người phạm tội

+ Về hành vi khách quan: tội giết con mới đẻ có hành vi khách quan là giết con mới đẻ hoặc vứt bỏ con mới đẻ Như vậy, hành vi khách quan có thể được thực hiện bởi một trong hai nhóm hành vi là hành động phạm tội hoặc không hành động phạm tội Đối với hành vi giết con mới đẻ thì đây là dạng hành động phạm tội, tác động trực tiếp đến thân thể đứa trẻ nhằm mục đích tước bỏ đi sự sống của nạn nhân,

ví dụ như: chôn sống, đâm, chém, bóp cổ,… trừ các dấu hiệu phân tích ở trên thì dạng này không có gì khác biệt so với hành vi phạm tội giết người Với hành vi vứt

bỏ con mới đẻ, có thể coi đây là dạng hành vi không hành động phạm tội Trường hợp này, người mẹ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con như thủ đoạn không cho con bú, không chăm sóc cho trẻ, bỏ rơi nơi công cộng hoặc ngoài đường… dẫn tới hậu quả là đứa trẻ chết

+ Về mặt hậu quả: Hậu quả của hai tội giết người và giết con mới đẻ là giống nhau, đều tước bỏ đi tính mạng của người khác Tuy nhiên, ở tội giết con mới đẻ, hành vi vứt bỏ con mới đẻ đòi hỏi phải có hậu quả chết người xảy ra và lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý gián tiếp Nếu người mẹ vứt bỏ con mình (hành vi có thể dẫn tới hậu quả chết người) nhưng thực tế, đứa trẻ lại không chết thì chưa cấu thành tội giết con mới đẻ và ở dạng hành vi này không có trường hợp phạm tội chưa đạt

+ Về khung hình phạt: đối với tội giết người thì có các khung hình phạt như phân tích ở phần trên và kèm theo hình phạt bổ sung trong trường hợp cần thiết Phạm tội giết con mới đẻ thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù

Trang 26

định) Tuy nhiên, ở tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì trạng thái tinh thần của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, đối với tội giết người thì đây không phải dấu hiệu bắt buộc Như vậy, khi thực hiện hành vi giết người, người phạm tội phải ở trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, tức là trong tình trạng đó, họ đã không còn đủ sự tự chủ, kiểm soát được hành vi của mình

Nghị quyết số 04/HĐTP ngày 29/11/1986 của Hội đồng thẩm phán

TANDTC cũng quy định: “tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng

người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình Sự kích động đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân gây nên…” [4]

+ Về đối tượng tác động: tội giết người có thể tác động đến bất kỳ người nào

Ở tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, nạn nhân phải là người đã trực tiếp có hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội và đó là nguyên nhân gây ra trạng thái tinh thần mất kiểm soát của người phạm tội Hành vi trái pháp luật nghiêm trọng nói

ở đây có thể chỉ là một hành vi cụ thể, tức thì gây kích động mạnh về tinh thần, cũng có thể là một chuỗi những hành vi trái pháp luật của nạn nhân diễn ra có tính lặp đi lặp lại trong suốt thời gian dài, tác động đến tinh thần người phạm tội làm cho

họ bị đè nén ức chế áp bức nặng nề, tới một thời điểm nào đó khi có hành vi trái pháp luật cụ thể xảy ra thì trạng thái tinh thần của người phạm tội bị đẩy lên cao độ

và không còn hoàn toàn tự kiểm soát được hành vi của bản thân nữa Trường hợp này, nếu chỉ xét hành vi cụ thể của nạn nhân ngay liền trước trạng thái tinh thần bị kích động mạnh sẽ không thấy được tính nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân và quá trình phát triển sự việc dẫn đến trạng thái tinh thần người phạm tội

+ Về hậu quả: với tội giết người, hậu quả nạn nhân chết hay không thì người phạm tội đều phải chịu TNHS về hành vi của mình, nếu đủ chứng cứ chứng minh việc nạn nhân không chết nằm ngoài ý muốn chủ quan của người phạm tội Đối với tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh thì hậu quả là nạn nhân

Trang 27

phải chết, nếu hậu quả đó không xảy ra thì người phạm tội không phải chịu TNHS

về tội này mà có thể phạm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh

+ Về độ tuổi chịu TNHS: căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành

vi phạm tội và khả năng nhận thức hành vi của người phạm tội, nhà làm luật quy định độ tuổi chịu TNHS của tội giết người là từ đủ 14 tuổi trở lên Còn độ tuổi chịu TNHS của tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh là từ đủ 16 tuổi trở lên

+ Khung hình phạt: tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh có 2 khung hình phạt nhẹ hơn so với tội giết người: đó là phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, nếu giết nhiều người thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm

1.2.3 Tội giết người và tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (Điều 96)

+ Về chủ thể: chủ thể của tội giết người không xuất phát từ động cơ phòng

vệ khi thực hiện hành vi giết người, còn đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, chủ thể phải là người theo quy định của pháp luật có quyền phòng vệ chính đáng, có quyền chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm hại đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, của bản thân hay của người khác, có nghĩa là động cơ là bảo vệ lợi ích hợp pháp

+ Về đối tượng tác động: ở tội giết người, nạn nhân có thể là bất kỳ người nào, còn đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì nạn nhân phải là người có hành vi xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của người phạm tội hoặc người khác Hành vi của nạn nhân là hành

vi trái pháp luật, có mức độ nguy hiểm đáng kể cho xã hội và hành vi này đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích chính đáng cần được bảo vệ

+ Về hành vi khách quan: trường hợp tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, người phạm tội đã tước đoạt tính mạng nạn nhân trong khi hành vi xâm phạm của nạn nhân đang xảy ra hoặc đe dọa xảy ra ngay tức khắc

Trang 28

Hành vi chống trả lại của người phạm tội là để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của người phạm tội hay của người khác Tuy nhiên, hành vi tước đoạt tính mạng, dẫn đến chết người của người phạm tội ở đây rõ ràng

là vượt quá mức cần thiết, không còn phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công của nạn nhân trong khi còn có thể lựa chọn cách xử sự phù hợp khác

+ Về hậu quả: ở tội giết người thì hậu quả chết người có thể đã xảy ra hay chưa xảy ra, người phạm tội thực hiện hành vi giết người với ý thức mong muốn hậu quả chết người sẽ phải chịu TNHS về tội này Trong khi đó, đối với tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thì hậu quả xảy ra phải là chết người

+ Về khung hình phạt: tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng được coi là trường hợp giết người có tình tiết giảm nhẹ đặc biệt Do đó, tội này

có 2 khung hình phạt nhẹ hơn so với khung hình phạt của tội giết người: khung cơ bản là từ cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm, khung tăng nặng áp dụng đối với trường hợp giết nhiều người từ 2 năm tù đến 5 năm tù

1.2.4 Tội giết người và tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người (Khoản 3 Điều 104)

- Về mặt chủ quan, tội giêt người cố ý tước đoạt tính mạng người khác còn tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người chỉ cố ý gây thương tích cho người khác chứ không muốn người đó chết, việc người bị hại chết là ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội

- Về khách thể: tội giết người có khách thể là tính mạng con người, còn tội

cố ý gây thương tích dẫn đến chết người có khách thể là sức khỏe con người

- Về hậu quả: hành vi phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người phải gây ra hậu quả chết người, đây là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP Với tội giết người thì hậu quả có thể xảy ra cũng có thể chưa, như đã phân tích trong các phần trên

Trang 29

Sau đây xin trích một phần nội dung của Án lệ số 01/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh

án Tòa án nhân dân tối cao; qua đó cho thấy việc phân biệt Tội giết người và tội cố

ý gây thương tích dẫn đến chết người (Khoản 3 Điều 104) trong thực tiễn cũng rất khó khăn

“ Nguồn án lệ:

Quyết định giám đốc thẩm số 04/2014/HS-GĐT ngày 16-4-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án “Giết người” đối với bị cáo: Đồng Xuân Phương, sinh năm 1975; trú tại nhà số 11/73 phố Đinh Tiên Hoàng, Phường Hoàng Văn Thụ, quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng; là công nhân xây dựng; con ông Đồng Xuân Chì và bà Dương Thị Thông; bị bắt giam ngày 22-6- 2007;

Người bị hại: Nguyễn Văn Soi, sinh năm 1971 (đã chết)

Khái quát nội dung của án lệ:

Trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của

cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); người thực hành cũng đã thực hiện theo đúng yêu cầu của người chủ mưu; việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”

………

NỘI DUNG ÁN LỆ

"Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án; có căn cứ xác định về mặt chủ quan, Phương chỉ muốn gây thương tích cho anh Soi mà không muốn tước đoạt tính mạng, cũng không muốn thuê Mạnh đâm bừa, đâm ẩu vào anh Soi để mặc mọi hậu quả xảy ra Vì thế, bị cáo chỉ yêu cầu tấn công vào chân, tay mà không yêu cầu tấn

Trang 30

công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân Khi thực hiện tội phạm, Mạnh đã đâm 02 nhát đều vào đùi nạn nhân theo đúng yêu cầu của Phương Hành vi phạm tội của Hoàng Ngọc Mạnh khó thấy trước được hậu quả chết người có thể xảy ra Việc nạn nhân bị chết do sốc mất máu cấp không hồi phục là ngoài ý muốn của Đồng Xuân Phương và đồng phạm Hành vi của Đồng Xuân Phương thuộc trường hợp phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người, quy định tại khoản 3 Điều

104 Bộ luật hình sự Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án Đồng Xuân Phương về tội “Giết người” là không đúng pháp luật.”[6]

1.2.5 Tội giết người và tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 84)

- Về khách thể: tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân xâm phạm

an ninh quốc gia còn tội giết người xâm phạm quyền về mặt nhân thân (quyền sống)

- Về mặt khách quan: Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân có hai hậu quả là có thể làm thiệt hại tính mạng của nhân viên Nhà nước và làm cho chính quyền suy yếu Tội giết người chỉ có hậu quả là làm cho nạn nhân chết

- Về chủ thể: chủ thể của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là những người từ đủ 16 tuổi trở lên còn chủ thể của tội giết người là người từ đủ 14 tuổi trở lên

- Về mặt chủ quan: kẻ phạm tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

có lỗi cố ý trực tiếp Người phạm tội giết người có thể có lỗi cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp

- Về mục đích: mục đích của tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân là làm suy yếu chính quyền, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị, đối ngoại, còn mục đích của tội giết người là mục đích cá nhân, không nhằm chống chính quyền nhân dân Đây cũng là dấu hiệu cơ bản nhất để phân biệt giữa tội giết người và tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân

1.2.6 Tội giết người và tội khủng bố (khoản 1Điều 23a)

Trang 31

- Về khách thể: tội khủng bố xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng còn tội giết người xâm phạm quyền về mặt nhân thân (quyền sống)

- Về mặt khách quan: Tội khủng bố có hai hậu quả là có thể làm thiệt hại tính mạng bất kỳ người nào và làm mất an ninh, trật tự công cộng Tội giết người chỉ có hậu quả là làm cho nạn nhân chết

- Về chủ thể: chủ thể của tội khủng bố là những người từ đủ 16 tuổi trở lên còn chủ thể của tội giết người là người từ đủ 14 tuổi trở lên

- Về mặt chủ quan: tội khủng bố khi thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp Người phạm tội giết người có thể có lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp

- Về mục đích: mục đích của tội khủng bố là gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự công cộng, còn mục đích của tội giết người là mục đích cá nhân, không nhằm chống nhà nước Đây cũng là dấu hiệu cơ bản nhất để phân biệt giữa tội giết người và tội khủng bố

Để áp dụng đều luật này một cách đúng đắn và thống nhất, ngày 05/5/2012 liên ngành Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Thông

tư liên tịch số 06/2012 hướng dẫn chi tiết khi áp dụng một số quy định của BLHS

về tội khủng bố và tội tài trợ khủng bố Điều này tạo thuận lợi cho việc điều tra, truy tố và xét xử tội khủng bố trên thực tế

1.3 Quy định của pháp luật hình sự Viêt Nam về tội giết người

BLHS năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) hiện đang là bộ luật có hiệu lực thi hành ở nước ta Trong đó, tội giết người được quy định tại Điều 93, chương XII BLHS Nội dung của điều luật như sau:

“Điều 93 Tội giết người

1 Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt

tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết nhiều người;

……….;

q) Vì động cơ đê hèn

Trang 32

2 Phạm tội không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì

bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm

3 Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.”

Như vậy, căn cứ Điều luật, có thể thấy, tội giết người theo Điều 93 BLHS năm 1999 có khung hình phạt cơ bản từ bảy năm đến mười lăm năm (khoản 2) và khung tăng nặng được quy định tại Khoản 1 của Điều luật với 16 tình tiết định khung tăng nặng với mức hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm, chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm

Các tình tiết tăng nặng gồm:

a) Giết nhiều người

Giết nhiều người: là trường hợp người phạm tội có ý định giết nhiều người hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nhiều người chết xảy ra (từ hai người trở lên) Người phạm tội có thể giết nhiều người trong cùng một lần hoặc nhiều lần khác nhau

Nếu người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý trực tiếp đã có ý định mong muốn giết nhiều người thì hậu quả chết người xảy ra có thể chỉ chết một

người cũng được coi là “giết nhiều người” Đối với lỗi cố ý gián tiếp thì hậu quả

chết từ hai người trở lên là dấu hiệu bắt buộc để áp dụng tình tiết này

Với trường hợp phạm tội này, trong tài liệu chuyên ngành vẫn coi “giết nhiều

người” là trường hợp cố ý tước đoạt tính mạng từ hai người trở lên Quy định về

tình tiết “giết nhiều người” cũng chưa cụ thể rõ ràng (chưa làm rõ các trường hợp

lỗi của người phạm tội đối với hậu quả chết người là cố ý trực tiếp hay cố ý gián tiếp, hậu quả chết nhiều người có phải dấu hiệu bắt buộc không?), lại chưa có văn bản giải thích hướng dẫn nên hiện nay còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau khi

áp dụng tình tiết này

Trang 33

Tình huống hai người chết nhưng người phạm tội giết một người do lỗi cố ý, người khác chết do lỗi vô ý thì người phạm tội sẽ bị xét xử theo khoản 2 Điều 93 về tội giết người và Điều 98 BLHS về tội vô ý làm chết người Ngoài ra, nếu có hai người chết trở lên mà chỉ một người chết do lỗi cố ý của người phạm tội, những người còn lại chết do người phạm tội giết trong trường hợp tinh thần bị kích động mạnh, hay giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…thì không thuộc trường hợp giết nhiều người mà tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội bị truy cứu TNHS về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 và một tội khác

b) Giết phụ nữ mà biết là có thai

Giết phụ nữ mà biết là có thai: là trường hợp bản thân người phạm tội khi thực hiện hành vi giết người biết rõ nạn nhân là người phụ nữ đang có thai (không

kể mang thai bao lâu)

Tại mục 2.3 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng

thẩm phán TANDTC có quy định: “Bị cáo và mọi người đều nhìn thấy được hoặc bị

cáo nghe được, biết được từ các nguồn thông tin khác nhau về người phụ nữ đó đang mang thai” [5] Như vậy, trường hợp người phạm tội giết người phụ nữ có thai

nhưng có đủ chứng cứ để xác định người phạm tội không biết nạn nhân đang mang thai thì không thuộc trường hợp phạm tội theo tình tiết này Đối với trường hợp người phạm tội lầm tưởng nạn nhân đang mang thai và sự lầm tưởng đó có căn cứ trong khi thực tế người này không có thai thì người phạm tội vẫn bị áp dụng tình tiết định khung tăng nặng

Nếu nạn nhân là người tình hay người mà kẻ phạm tội muốn giết để trốn tránh trách nhiệm vì thai nhi trong bụng nạn nhân thì thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn Việc giết phụ nữ mà biết là có thai là dấu hiệu thuộc về ý thức chủ

quan của chủ thể tội phạm Tình tiết này khác với tình tiết tăng nặng “người bị hại

là phụ nữ có thai” là dấu hiệu khách quan được quy định tại điểm h khoản 1 Điều

48 BLHS

c) Giết trẻ em

Trang 34

Giết trẻ em: là trường hợp người phạm tội cố ý tước đoạt tính mạng của trẻ

em

Điều 1 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em quy định

trong luật này là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi” [8], trong Luật trẻ em năm 2016

(Điều 1) thì “trẻ em là người dưới 16 tuổi”[12] Như vậy, hành vi giết người dưới

16 tuổi sẽ bị coi là tình tiết định khung tăng nặng giết trẻ em theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS, bất kể người phạm tội có nhận thức được việc đó hay không (tình tiết khách quan) Cũng giống như phụ nữ đang mang thai, trẻ em là một đối tượng đặc biệt cần sự quan tâm, chăm sóc, bảo vệ từ gia đình, nhà trường và toàn xã hội,

vì thế hành vi giết trẻ em được coi là một trong những tình tiết tăng nặng của tội giết người

Cụ thể hóa nội dung này, Bộ Luật hình sự năm 2015 đã thay thuật ngữ “giết trẻ em” bằng thuật ngữ “giết người dưới 16 tuổi”

d) Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân

Công vụ ở đây được hiểu là những công việc vì lợi ích chung mà việc thực hiện công việc đó đòi hỏi người thi hành phải có những quyền hành nhất định với những công dân khác

 Giết người đang thi hành công vụ: là trường hợp người bị giết là người đang thi hành nhiệm vụ do cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội giao cho vì lợi ích chung Người bị giết phải đang trong lúc thi hành nhiệm vụ và việc thi hành nhiệm

vụ này phải đúng với quy định của pháp luât

Cũng có thể coi là giết người đang thi hành công vụ trong trường hợp nạn nhân là những công dân được huy động làm nhiệm vụ (tuần tra, bảo vệ trật tự ) theo kế hoạch của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ lợi ích chung hoặc nạn nhân là những công dân tuy không được giao nhiệm vụ nhưng đã tự nguyện tham gia vào việc giữ gìn trật tự an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong một số trường hợp nhất định

 Giết người vì lý do công vụ của nạn nhân: là trường hợp người bị giết mà động cơ của hành vi giết người gắn liền với việc thi hành công vụ của nạn nhân

Trang 35

Hành vi phạm tội này có thể xảy ra trước hoặc sau khi nạn nhân thực thi công vụ Thủ phạm có thể giết người nhằm ngăn cản nạn nhân thi hành công vụ hoặc có thể nhằm mục đích trả thù nạn nhân vì nạn nhân đã thi hành công vụ đó

Trong những trường hợp trên, người phạm tội không chỉ xâm hại đến tính mạng con người mà còn xâm hại đến trật tự công cộng, cản trở hoạt động chung của

xã hội, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự trị an cũng như đời sống chung của nhân dân

e) Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình

Căn cứ vào truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam, truyền thống tôn sư trọng đạo, trên kính dưới nhường, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, nhà làm luật đã quy định trường hợp giết những đối tượng này là tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự Nạn nhân trong trường hợp này là người có quan hệ đặc biệt với người phạm tội, đó có thể là:

- Ông, bà: bao gồm ông, bà nội (tức là người sinh ra cha của người phạm tội) hay ông, bà ngoại (tức là người sinh ra mẹ của người phạm tội);

- Cha, mẹ: bao gồm cha, mẹ đẻ; cha, mẹ nuôi; cha, mẹ vợ hoặc cha, mẹ chồng của người phạm tội;

- Người nuôi dưỡng: là những người tuy không phải ông, bà, cha, mẹ nhưng

đã nuôi dưỡng, giáo dục, dạy dỗ người phạm tội, có thể là cô, dì, chú, bác… hoặc không phải những người họ hàng thân thích như những người chăm sóc, quản lý người phạm tội tại các trại mồ côi, trại điều dưỡng…

- Thầy, cô giáo: là những người đã hoặc đang dạy dỗ người phạm tội Trường hợp này, việc giết thầy, cô giáo phải xuất phát từ mối quan hệ thầy trò với động cơ phản trắc Nếu phạm tội giết thầy, cô vì động cơ khác ngoài mối quan hệ thầy trò thì không áp dụng tình tiết này

f) Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng

Trang 36

Đây là trường hợp giết mà liền trước hoặc ngay sau hành vi giết người, kẻ phạm tội đã phạm thêm một hoặc nhiều tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác

Khoản 3 Điều 8 BLHS năm 1999 quy định tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên

15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình

Ở đây, việc thực hiện liên tiếp các hành vi phạm tội như vậy đã thể hiện mức

độ nguy hiểm lớn cho xã hội cũng như ý thức phạm tội sâu sắc của kẻ giết người, điều đó làm tăng tính nguy hiểm của hành vi phạm tội giết người, có thể dẫn đến những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng cũng như phản ánh khả năng cải tạo, giáo dục

đối tượng phạm tội Tuy không có văn bản hướng dẫn xác định “liền trước”, “liền

sau” là thế nào nhưng qua thực tiễn xét xử, “liền trước”, “liền sau” được coi là trong

một khoảng thời gian vài giờ đồng hồ hoặc chỉ là trong ngày Nếu thời gian hai hành

vi phạm tội diễn ra là một khoảng cách nhất định không còn liên tiếp nữa thì không

áp dụng tình tiết này

g) Giết người để thực hiện hoặc để che dấu tội phạm khác

Tình tiết này bao gồm hai trường hợp:

 Giết người để thực hiện tội phạm khác: là những trường hợp giết người

mà động cơ thúc đẩy người phạm tội có hành vi giết người để thực hiện tội phạm khác Ví dụ: giết người để cướp tài sản của họ Tội phạm khác có thể là bất kỳ tội phạm nào trong BLHS do một mình kẻ giết người thực hiện hoặc thực hiện với

những người đồng phạm khác Trường hợp này khác với tình tiết “giết người mà

liền sau đó lại phạm một tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng” ở chỗ:

thời gian tội phạm khác thực hiện sau khi giết người có thể liền ngay sau khi vừa giết người cũng có thể là một khoảng thời gian dài nhất định và hành vi giết người

có mối liên quan mật thiết, là tiền đề, điều kiện để thực hiện tội phạm sau đó

Trang 37

 Giết người để che giấu một tội phạm khác: là trường hợp trước khi giết người, người có hành vi giết người đã thực hiện một tội phạm nào đó và để che dấu tội phạm này, người phạm tội phải thực hiện hành vi giết người Hành vi giết người

có mối liên hệ với hành vi phạm tội khác mà thủ phạm đã thực hiện, là một thủ đoạn

để che giấu tội phạm Về mặt thời gian, tội phạm mà người có hành vi giết người muốn che giấu có thể xảy ra liền ngay trước với tội giết người, cũng có thể xảy ra trước đó một khoảng thời gian nhất định Ví dụ: Sau khi thực hiện hành vi hiếp dâm trẻ em, bị một người phát hiện và hô hoán, người phạm tội đã giết chết người đó rồi ném xác xuống sông để che dấu hành vi phạm tội của mình

h) Giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân

Đây là trường hợp người phạm tội giết người để chiếm đoạt bất kỳ bộ phận

cơ thể nào của nạn nhân như: gan, thận,… cho mình, cho người thân hoặc để trao đổi, mua bán với những người có nhu cầu nhằm thu lợi bất chính Việc các nhà làm luật quy định trường hợp này là một tình tiết định khung tăng nặng là rất đúng đắn

vì hành vi giết người để lấy bộ phận cơ thể là hành vi dã man, không có nhân tính, coi thường pháp luật, thể hiện tính ích kỷ cá nhân cao độ khi họ sẵn sàng đánh đổi tính mạng của người khác để thỏa mãn nhu cầu của bản thân mình

i) Thực hiện tội phạm một cách man rợ

Giết người một cách man rợ là trường hợp người phạm tội tước đoạt tính mạng nạn nhân, chấm dứt sự sống của họ một cách tàn ác, dã man làm cho nạn nhân cảm thấy đau đớn rất nhiều trước khi chết hoặc gây ra cho người khác sự khủng khiếp, rùng rợn Với việc gây ra cái chết đau đớn đó, tính man rợ ở đây được thể hiện như việc giết người bằng cách hành hạ, tra tấn cho đến chết hoặc gây ra sự kinh hãi như chặt tay, chặt chân của nạn nhân, sử dụng các hình thức tra tấn dã man thời trung cổ như mổ bụng, khoét mắt, xẻo thịt,… Các hành vi này người phạm tội thực hiện trước khi tội phạm hoàn thành, tức là trước khi nạn nhân chết

j) Giết người bằng cách lợi dụng nghề nghiệp

Lợi dụng nghề nghiệp để giết người là trường hợp phạm tội bằng cách sử dụng khả năng chuyên môn, nghề nghiệp của mình làm phương tiện để có thể dễ

Trang 38

dàng thực hiện hoặc che dấu hành vi giết người Ví dụ: Y tá điều trị lợi dụng sơ suất

đã đánh tráo ống tiêm thuốc có độc tố mạnh rồi cố tình tiêm nhầm thuốc cho người bệnh để trả thù cá nhân

k) Giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người

Đây là trường hợp người phạm tội đã sử dụng công cụ, phương tiện cũng như những thủ đoạn phạm tội mà những công cụ, phương tiện, thủ đoạn này đặt trong hoàn cảnh cụ thể có khả năng gây ra cái chết cho nhiều người Ví dụ: ném lựu đạn hay đặt bom hẹn giờ trong nhà hay chỗ đông người, bỏ thuốc độc vào bể nước sinh hoạt… Hành vi này có thể gây ra cái chết cho nhiều người, có thể làm chết cả những người mà thủ phạm không mong muốn hoặc có thể hậu quả chết nhiều người không xảy ra Ở đây, hậu quả chết người không phải là dấu hiệu bắt buộc mà chỉ cần thỏa mãn điều kiện có khả năng làm chết nhiều người

l) Thuê giết người hoặc giết người thuê

 Thuê giết người: là trường hợp người phạm tội không trực tiếp thực hiện hành vi giết người mà dùng tiền hay lợi ích vật chất để thuê người khác thực hiện hành vi giết người theo ý muốn của mình

 Giết người thuê: là trường hợp người phạm tội nhận thù lao là vật chất hay lợi ích khác theo sự thỏa thuận của đôi bên để thực hiện hành vi giết người theo

ý muốn của người thuê

Thuê giết người và giết người thuê có mối liên hệ mật thiết với nhau, cái này

là tiền đề, điều kiện của cái kia, thiếu một trong hai thì không thuộc tình tiết tăng nặng này

m) Giết người có tính chất côn đồ

Phạm tội giết người có tính chất côn đồ là trường hợp khi giết người, người phạm tội đã thể hiện rõ ràng sự coi thường những quy tắc trong cuộc sống, coi thường tính mạng con người, có những hành vi ngang ngược, hung hăng cao độ, bất chấp cản trở can ngăn, chỉ vì những nguyên cớ nhỏ nhặt mà vẫn cố tình phạm tội

Việc xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ không phải bao giờ cũng là vấn đề dễ dàng Khi cần xác định, phải xem xét đánh giá một cách toàn

Trang 39

diện, tránh xem xét phiến diện chỉ nhấn mạnh vào một dấu hiệu hay một mặt nào đó như nhân thân, địa điểm hay cách thực hiện hành vi phạm tội…

n) Giết người có tổ chức

Khoản 3 Điều 20 BLHS 1999 quy định: “Phạm tội có tổ chức là hình thức

đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm” [9,

Tr 57] Theo đó, giết người có tổ chức là trường hợp nhiều người (từ hai người trở lên) cùng tham gia thực hiện tội phạm giết người và giữa những người này có sự bàn bạc thỏa thuận, cấu kết chặt chẽ từ trước, có sự phân công tổ chức thực hiện hành vi giết người, có kẻ cầm đầu, chủ mưu, chỉ huy việc giết người

Trong trường hợp nhiều người cùng tham gia vào một vụ giết người mà không có sự cấu kết chặt chẽ, không phân công tổ chức mà chỉ có sự đồng tình thì không thuộc tình tiết này

0) Giết người thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm

Các trường hợp tái phạm nguy hiểm được quy định tại khoản 2 Điều 49 BLHS 1999:

“a Đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý,

chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng

do cố ý;

b Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý.” [9, tr 72]

Như vậy, giết người thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm là trường hợp trước khi giết người, người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích hoặc đã tái phạm và chưa được xóa án tích

p) Giết người vì động cơ đê hèn

Cho đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thế nào là

“động cơ đê hèn” Việc xác định tình tiết này trên thực tế phụ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể Về mặt bản chất, có thể hiểu rằng động cơ đê hèn là xuất phát từ động

cơ xấu, phản ánh bản chất của con người Nó phản ánh sự ích kỷ cao độ của con người thể hiện thông qua hành động

Trang 40

Trên thực tế, một số trường hợp mà chúng ta hay gặp sẽ được xem là “động

cơ đê hèn” như: Giết vợ hoặc chồng của mình để lấy vợ hoặc chồng khác, đe dọa giết người, giết chủ nợ để trốn nợ, phạm tội đối với người là ân nhân của mình, giết phụ nữ có thai nhằm mục đích trốn tránh trách nhiệm, giết người nhằm mục đích cướp tài sản

Đúng như bản chất của “động cơ đê hèn”, những hành vi trên đều thể hiện sự ích kỷ tột độ của bản thân của phạm tội thông qua những động cơ rất xấu Chính điều đó đã lấn át hoàn toàn về mặt lý trí dẫn đến việc phạm tội Trong tội giết người, chúng ta thường nhầm lẫn giữa 2 tình tiết định khung tăng nặng đó là giết người có tính chất côn đồ và giết người vì động cơ đê hèn Tuy nhiên, giết người có tính chất côn đồ không xuất phát từ động cơ xấu mà lại xuất phát những mâu thuẫn rất nhỏ nhặt hoặc gần như không có mâu thuẫn Mâu thuẫn nhỏ nhặt ở “tính chất côn đồ” được hiểu là sự mâu thuẫn hoàn toàn nằm trong giới hạn kiềm chế được của con người Đồng thời, mâu thuẫn này có thể được dễ dàng giải quyết thông qua việc đối thoại

Do đó, mặc dù các văn bản quy phạm pháp luật không đưa ra những định nghĩa cho khái niệm “động cơ đê hèn” hay “tính chất côn đồ” Tuy nhiên, trên thực tiễn xét xử, 2 khái niệm này cũng được xác định tương đối rõ ràng và cách hiểu của

2 khái niệm này cũng được thừa nhận một cách rộng rãi

- Về hình phạt đối với tội giết người:

Điều 26 BLHS 1999 quy định: “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm

khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội

Hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự và do tòa án quyết định” [9,

Tr 60]

Các nhà làm luật quy định các hình phạt trong BLHS và đặc biệt là khi áp

dụng các hình phạt đó đối với người phạm tội không chỉ là một “phương tiện” để

trừng trị người phạm tội, ngăn ngừa, hạn chế điều kiện tái phạm của người bị kết án

mà còn nhằm mục đích giáo dục, cải tạo người phạm tội có ý thức tôn trọng luật

Ngày đăng: 21/11/2017, 08:52

TÀI LIỆU CÙNG NGƯỜI DÙNG

TÀI LIỆU LIÊN QUAN

w