Cuốn theo chiều gió tập trung vào hai nhân vật nữ trung tâm của tác phẩm đó là Melanie Hamilton Melly và Scarlett O’Hara, hai nhân vật với hoàn cảnh xuất thân, tính cách khác biệt cùng
Trang 1TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
LÊ THỊ THOA
SO SÁNH HAI NHÂN VẬT NỮ MELANIE HAMILTON VÀ SCARLETT O’HARA
TRONG CUỐN THEO CHIỀU GIÓ
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học nước ngoài
Người hướng dẫn khoa học
ThS ĐỖ THỊ THẠCH
HÀ NỘI - 2017
Trang 2LỜI CẢM ƠN
Tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành và lòng biết ơn sâu sắc tới cô giáo,
ThS Đỗ Thị Thạch - người đã trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ bảo tận tình
để tôi hoàn thành khóa luận này
Tôi cũng xin bày tỏ lòng biết ơn của mình tới các thầy, cô giáo trong
khoa Ngữ Văn, đặc biệt là các thầy, cô trong tổ Văn học nước ngoài, trường
Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và các bạn sinh viên trong nhóm khóa luận đã tạo
điều kiện giúp đỡ tôi hoàn thành khóa luận
Tôi xin chân thành cảm ơn!
Hà Nội, ngày 5 tháng 4 năm 2017
Người thực hiện
Lê Thị Thoa
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Đề tài: So sánh hai nhân vật nữ Melanie Hamilton và Scarlett
O’Hara trong Cuốn theo chiều gió được thực hiện trực tiếp dưới sự hỗ trợ
của ThS Đỗ Thị Thạch
Tôi xin cam đoan rằng:
- Khóa luận là kết quả nghiên cứu, tìm tòi của riêng tôi
- Các tư liệu được trích dẫn trong khóa luận là trung thực
- Kết quả này không trùng với kết quả của bất kì tác giả nào đã được công bố
Nếu sai, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm
Hà Nội, ngày 5 tháng 4 năm 2017
Người thực hiện
Lê Thị Thoa
Trang 4MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1 Lý do chọn đề tài 1
2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề 2
3 Mục đích nghiên cứu của đề tài 4
4 Nhiệm vụ nghiên cứu 4
5 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 5
6 Phương pháp nghiên cứu 5
7 Cấu trúc khóa luận 5
NỘI DUNG 6
Chương 1 SỰ TƯƠNG ĐỒNG GIỮA MELANIE HAMILTON VÀ SCARLETT O’HARA 6
1.1 Khái quát về nhân vật văn học và cặp nhân vật văn học 6
1.1.1 Nhân vật văn học 6
1.1.2 Cặp nhân vật trong văn học 9
1.2 Những nét tương đồng giữa hai nhân vật Melanie Hamilton và Scarlett O’Hara 12
1.2.1 Cùng nếm trải cuộc sống gian nan, nguy hiểm 12
1.2.2 Những người phụ nữ có vẻ đẹp cuốn hút 14
1.2.3 Sự sâu sắc trong tình yêu 19
Chương 2: SỰ KHÁC BIỆT GIỮA MELANIE HAMILTON VÀ SCARLETT O’HARA 26
2.1 Hoàn cảnh xuất thân 26
2.1.1 Melanie Hamilton - xuất thân trong một gia đình quý phái ở Alanta 27
2.1.2 Scarlett O’Hara - mang trong mình dòng máu Ái Nhĩ Lan khỏe mạnh và kiêu hùng 28
Trang 52.2 Tính cách 30
2.2.1 Tính cách của Melanie 30
2.2.2 Tính cách của Scarlett O’Hara 35
2.3 Các mối quan hệ xã hội 43
2.3.1 Melanie - con người hòa đồng 43
2.3.2 Scarlett - con người trục lợi 46
2.4 Quan niệm về cuộc sống và tình yêu 49
2.4.1 Melanie khao khát cuộc sống êm ấm, bình yên - tình yêu là sự thủy chung và chân thành 49
2.4.2 Scarlett khao khát có được tiền tài, địa vị trong xã hội - tình yêu không đồng hành với hôn nhân 51
KẾT LUẬN 56 TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trang 6MỞ ĐẦU
1 Lý do chọn đề tài
Margaret Munnerlyn Mitchell (8/11/1900 - 16/8/1949) là một tiểu thuyết gia hiện diện khá muộn trong nền văn học Mĩ thế kỉ XX Trước khi đến với văn học, bà đã viết rất nhiều những bài báo, một số bài bình luận và thực hiện các cuộc phỏng vấn Margaret Mitchell cũng đã nhiều lần thử viết về truyện ngắn và tiểu thuyết, nhưng lần nào bản thảo của bà cũng bị trả lại với một lời xin lỗi và nhận xét gần như muôn thuở: “Sách của bà khá lý thú nhưng đăng vào lúc này không thích hợp” Nhưng Margarett Mitchell vẫn không bỏ cuộc vẫn kiên trì sáng tác Năm 1936, bà bắt tay vào viết cuốn tiểu
thuyết lịch sử vĩ đại Cuốn theo chiều gió
Cuốn theo chiều gió được coi là một kiệt tác vĩ đại của văn học thế kỉ XX
Tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn đối với độc giả toàn thế giới nói chung và
độc giả Mĩ nói riêng Từ một nhà văn vô danh, Cuốn theo chiều gió đã đưa tác
giả M Mitchell lên đến đỉnh cao của sự nghiệp văn chương Chỉ sau một năm cuốn sách ra đời, bà đã nhận được giải tiểu thuyết xuất sắc của hiệp hội phát hành sách Hoa Kỳ năm 1937, huy chương kỷ niệm Carl Bohnengerger của hiệp
hội thư viện Florida và huy chương vàng cộng đồng Nam New York Cuốn theo
chiều gió tập trung vào hai nhân vật nữ trung tâm của tác phẩm đó là Melanie
Hamilton (Melly) và Scarlett O’Hara, hai nhân vật với hoàn cảnh xuất thân, tính cách khác biệt cùng nhau bước vào cuộc sống với những dự định, toan tính riêng Cuộc đời họ đi theo hai ngả đường với đầy những biến cố cùng với những
bi kịch và hạnh phúc đan xen Thông qua số phận của hai nhân vật Melanie và Scarlett, tác giả đã phần nào khắc họa thành công về cuộc sống của người dân nước Mĩ thế kỉ XX Tìm hiểu về hai nhân vật Melanie và Scralett phần nào giúp bạn đọc có được cách tiếp cận mới mẻ hơn với tác phẩm
Trang 7Xây dựng cặp nhân vật đối lập Scarlett và Melanie là một thành công lớn của Margaret Mitchett Hai cô gái - hai nhân vật trung tâm của cuốn tiểu thuyết được đặt gần nhau để soi chiếu vào nhau làm nổi bật đặc điểm tính cách của từng nhân vật Đặt hai nhân vật trong cái nhìn so sánh cũng chính là hướng tới khám phá một phần quan trọng trong thế giới nghệ thuật của tác phẩm
Với những lý do nêu trên, chúng tôi lựa chọn đề tài: “So sánh hai nhân
vật nữ Melanie Hamilton và Scarlett O’Hara trong Cuốn theo chiều gió
của Margaret Mitchell”, để mong muốn tìm hiểu một cách sâu sắc hơn về tác
giả, tác phẩm, nhằm phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu và đồng thời tích lũy cho việc giảng dạy sau này
2 Lịch sử nghiên cứu vấn đề
Cuốn theo chiều gió là tác phẩm có giá trị lớn không chỉ đối với nước
Mỹ mà đối với toàn thế giới Vì vậy mà số lượng nghiên cứu về tác phẩm hết sức phong phú Đặc biệt, ngay sau khi tác phẩm được chuyển thể thành phim vào năm 1939, cùng với việc thu hút một lượng lớn độc giả, hàng loạt bài nghiên cứu và đánh giá về tác phẩm ra đời Tuy nhiên, do hạn chế về trình độ ngoại ngữ nên người viết chỉ có thể tìm hiểu những bài nghiên cứu đã được dịch sang tiếng Việt hoặc của các tác giả Việt Nam
Cuốn theo chiều gió được in khá phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên những
bài nghiên cứu về nó không nhiều Trước hết cuốn tiểu thuyết này được một
số tác giả luận văn Thạc sĩ quan tâm nghiên cứu Đó là:
Nguyễn Thị Tuyết Nga (2004), “Khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa
của M Mitchell trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió”, Luận văn Thạc sĩ,
Đại học Sư phạm TPHCM
Phương Diễm Hương (2007), “Chiến tranh Nam Bắc Mĩ trong tiểu
thuyết “Cuốn theo chiều gió” của M Mitchell”, Luận văn Thạc sĩ, Đại học
Sư phạm TPHCM, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học Văn hiến TPHCM
Trang 8Hai tác giả này đã đi sâu vào phương diện nội dung của tác phẩm Đó là vấn đề khuynh hướng hiện thực chủ nghĩa và vấn đề chiến tranh Nam Bắc Mĩ
Ngô Như Quỳnh (2009) “Nghệ thuật tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió
của M Mitchell”, Luận văn Thạc sĩ Văn học, Đại học Sư phạm TPHCM
Luận văn là công trình nghiên cứu của tác giả về những giá trị nghệ thuật trong tác phẩm Trong luận văn, tác giả đã đề cập tới thế giới nhân vật chủ yếu qua nghệ thuật xây dựng nhân vật
Nguyễn Thị Diệu Linh (2015) “Thế giới nhân vật trong tiểu thuyết
Cuốn theo chiều gió của Margaret Mitchell”, Khóa luận tốt nghiệp, Đại học
Sư phạm Hà Nội 2
Khóa luận tập trung đi tìm hiểu về hệ thống các nhân vật trong tiểu
thuyết Cuốn theo chiều gió, để thấy rõ được hệ thống các nhân vật xuất hiện
trong tác phẩm
Ngoài những công trình có tính chuyên môn trên, cũng có một số bài
viết trên báo, tạp chí, từ điển nói về tác phẩm Cuốn theo chiều gió
Trong cuốn Từ điển văn học của nhà xuất bản Thế giới, mục từ về
Cuốn theo chiều gió đã khẳng định:
“Là một cuốn tiểu thuyết có giá trị nổi bật, vượt ra khỏi đề tài tình yêu
và gia đình, tác giả đã dựng nên một bức tranh lịch sử xã hội nước Mỹ với quy mô rộng lớn, phản ánh được một thời đại sôi động cùng những con người
bị chao đảo giữa bão táp chiến tranh Hiện thực cuộc sống gắn liền với những chuyển biến tính cách, tâm trạng của bao số phận nhân vật điển hình.” [3]
Ngoài ra, tác giả cũng quan tâm đến nhân vật chính của tác phẩm là Scarlett và ngợi ca: “Nàng sớm thừa hưởng tính khí rực lửa của cha nàng
người gốc Ailen, còn vẻ dịu dàng đoan trang mà người mẹ dịu dàng muốn áp
đặt lên nàng chỉ là một lớp sơn dễ tróc” Nhưng chính tính cách ngang trái và niềm “đam mê sống” tràn đầy đã tạo nên sức hấp dẫn của Scarlett
Trang 9Trong cuốn sách Cuốn theo chiều gió ở lời giới thiệu tác giả Vũ Kim
Thư dịch, qua lời giới thiệu tác giả đã khắc họa một cách tài tình tính cách, tâm trạng và thân phận của những con người trong chiến tranh và thời hậu chiến Tiêu biểu cho cuốn tiểu thuyết là hai nhân vật Melanie và Scarlett Ở Melanie, lời nói và hành động đồng nhất với nhau Chính vì vậy, cô là người mang nhiều nội tâm sâu sắc và là người không bao giờ để gió cuốn đi Còn Scarlett là cô gái biết nương theo chiều gió để sống sót và quật cường Qua lời nhận xét, đánh giá về hai nhân vật ta đã tìm ra ở họ có rất nhiều những điểm tương đồng cũng như khác biệt
Tóm lại, Cuốn theo chiều gió là một tiểu thuyết lớn có giá trị văn học
sâu sắc mang lại thành công cho M Mitchell Tuy nhiên, tại Việt Nam nghiên cứu về M Mitchell cùng với tác phẩm này chỉ mới bắt đầu
Như vậy, cho đến nay cũng chưa có một công trình khoa học nào nghiên cứu về hai nhân vật Melanie Hamilton và Scarlett O’Hara Với mong muốn góp phần vào việc tìm hiểu tài năng của M Mitchell trong việc xây dựng nhân vật, chúng tôi tiếp thu và xem những thành quả của những người
đi trước như sự gợi mở cho chúng tôi thực hiện đề tài này
3 Mục đích nghiên cứu của đề tài
Cuốn theo chiều gió là tiểu thuyết được bạn đọc Việt Nam và thế giới
yêu thích, quan tâm Những nghiên cứu của người viết nhằm mục đích:
- Mang tác phẩm đến gần với độc giả hơn, bổ sung nguồn tài liệu nghiên cứu về cuốn sách này
- Mục đích của người viết là tập nghiên cứu về khoa học, tạo cơ hội trau dồi thêm kĩ năng nghiên cứu, phục vụ cho công việc nghiên cứu sau này
4 Nhiệm vụ nghiên cứu
Cuốn theo chiều gió là bộ tiểu thuyết có dung lượng lớn Nhiệm vụ đặt
ra trong khóa luận này là đi sâu vào khai thác tính cách của hai nhân vật nữ trung tâm của tác phẩm là Melanie Hamilton và Scarlett O’Hara Chúng tôi đã
tập trung vào:
Trang 10- Chỉ ra những điểm tương đồng giữa hai nhân vật để cho ta thấy được chính hoàn cảnh sống đã chi phối nhiều đến bước đường đời của các nhân vật
- Chỉ ra được sự đối lập giữa hai nhân vật để thấy được tính cách, số phận, quan niệm sống, của từng nhân vật
5 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
5.1 Đối tượng nghiên cứu
Chúng tôi xác định đối tượng nghiên cứu: So sánh hình tượng nhân vật trong văn học
5.2 Phạm vi nghiên cứu
Do dung lượng của khóa luận tốt nghiệp có hạn nên chúng tôi chỉ tập trung vào hai nhân vật nữ trung tâm của tác phẩm đó là Melanie Hamilton và
Scarlett O’Hara trong tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió
6 Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp phân tích - tổng hợp
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp tiếp cận hệ thống
7 Cấu trúc khóa luận
Ngoài phần mở đầu, kết luận, tài liệu tham khảo và phụ lục, phần nội dung khóa luận được triển khai thành hai chương:
Chương 1: Sự tương đồng giữa Melanie Hamilton và Scarlett O’Hara Chương 2: Sự khác biệt giữa Melanie Hamilton và Scarlett O’Hara
Trang 11NỘI DUNG CHƯƠNG 1
SỰ TƯƠNG ĐỒNG GIỮA MELANIE HAMILTON VÀ SCARLETT O’HARA
1.1 Khái quát về nhân vật văn học và cặp nhân vật văn học
1.1.1 Nhân vật văn học
Đối tượng chung của văn học là cuộc đời nhưng trong đó con người luôn giữ vị trí trung tâm Những sự kiện kinh tế, chính trị, xã hội, những bức tranh thiên nhiên, những lời bình luận đều góp phần tạo nên sự phong phú,
đa dạng cho tác phẩm nhưng cái quyết định chất lượng tác phẩm văn học chính là việc xây dựng nhân vật Đọc một tác phẩm, cái đọng lại sâu sắc nhất trong tâm hồn người đọc thường là số phận, tình cảm, cảm xúc, suy tư của những con người được nhà văn thể hiện Vì vậy, Tô Hoài đã có lí khi cho rằng
“Nhân vật là nơi duy nhất tập trung hết thảy, giải quyết hết thảy trong một sáng tác”
1.1.1.1 Khái niệm về nhân vật
Đã có nhiều những quan niệm khác nhau về nhân vật văn học trong giới nghiên cứu phê bình Nhưng ở mỗi một góc độ và cách nhìn nhận khác nhau sẽ có những định nghĩa khác nhau:
Trong cuốn 150 thuật ngữ văn học (do Lại Nguyên Ân biên soạn) định nghĩa: “Nhân vật văn học là một trong những khái niệm trung tâm để xem xét
sáng tác của một nhà văn, một khuynh hướng, trường phái, hoặc dòng phong cách Nhân vật văn học là hình tượng nghệ thuật về con người, một trong những dấu hiệu về sự tồn tại toàn vẹn của con người trong nghệ thuật ngôn từ Bên cạnh con người, nhân vật văn học có khi còn là các con vật, các loài cây, các sinh thể hoang đường được gắn cho những đặc điểm giống với con người.” [1, tr.24]
Trang 12Trong cuốn Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) lại định nghĩa:
“Nhân vật là đối tượng (thường là con người) được miêu tả, thể hiện trong
Ngoài ra, nhân vật văn học còn được dựa trên tiêu chí chức năng phản ánh hiện thực của tác phẩm văn học, nhân vật còn được coi là phương tiện để nhà văn tái hiện đời sống, mở rộng thế giới nghệ thuật cho tác phẩm
Từ trước đến nay, dù có rất nhiều những nhận định khác nhau về nhân vật, nhưng xét cho cùng tất cả các nhận định trên đều nhằm khẳng định rằng:
Nhân vật văn học là thành tố quan trọng trong tác phẩm, là phương tiện để nhà văn phản ánh đời sống và được tác giả xây dựng bằng những yếu tố nghệ thuật độc đáo Nghiên cứu về tác phẩm văn chương cần phải tiếp cận nhân vật để chỉ ra cái mới trong ngòi bút nhà văn và đưa ra kết luận về những đóng góp riêng của nhà văn đó
1.1.1.2 Khái niệm về thế giới nhân vật
Thế giới là một phạm trù triết học, theo từ điển triết học “thế giới” được hiểu theo hai nghĩa sau:
Theo nghĩa rộng, thế giới là toàn bộ những hiện thực khách quan (tất cả những tồn tại ở bên ngoài độc lập với ý thức của con người) “Thế giới” là nguồn gốc của nhận thức [14, tr.1083]
Theo nghĩa hẹp, thế giới dùng để chỉ đối tượng của vũ trụ học, nghĩa là toàn bộ thế giới vật chất do thiên văn học nghiên cứu Người ta đã chia bộ
Trang 13phận thế giới đó thành hai lĩnh vực nhưng không có ranh giới tuyệt đối: thế giới vĩ mô và thế giới vi mô [14, tr.1803]
Qua đây, ta có thể thấy thế giới là một vũ trụ rộng lớn, nó tồn tại xung quanh con người và độc lập bên ngoài ý thức con người
Khái niệm về “thế giới nhân vật” có thể hiểu đơn giản đó là một tổng
thể những hệ thống nhân vật được xây dựng theo quan niệm của nhà văn và chịu sự chi phối của tư tưởng tác giả Thế giới ấy mang tính chỉnh thể trong sáng tác nghệ thuật của nhà văn, có tổ chức và sự sống riêng, phụ thuộc vào ý thức sáng tạo của nghệ sĩ Thế giới nhân vật cũng là sản phẩm trong tác phẩm văn học, trong sáng tác nghệ thuật Đó là mô hình nghệ thuật có cấu trúc riêng, có quy luật riêng, thể hiện đặc điểm con người tâm lý, thời gian, không gian, xã hội gắn liền với một quan niệm của chúng về tác giả Thế giới nhân vật là cảm nhận một cách trọn vẹn toàn diện và sâu sắc của chủ thể sáng tạo
về toàn bộ nhân vật xuất hiện trong tác phẩm, mối quan hệ, môi trường, tư tưởng, tình cảm “Thế giới nhân vật” vì thế bao quát sâu rộng hơn hình tượng nhân vật
Trong văn học, nhiệm vụ của người tiếp cận văn học là phải tìm ra chìa khóa để bước qua cánh cửa bước vào khám phá thế giới nhân vật đó Do đó, nghiên cứu “thế giới nhân vật” cũng khác với hình tượng nhân vật Trong sáng tác của mình, mỗi tác giả sẽ có những thế giới nhân vật riêng của chính mình và phù hợp với quy luật riêng của nó
1.1.1.3 Hệ thống nhân vật
Nhắc đến nhân vật, người ta cũng sẽ nhắc ngay tới hệ thống nhân vật,
nó cũng được biết đến như là một khái niệm quan trọng của tác phẩm Đó là khái niệm để một chuỗi các nhân vật khác nhau cùng xuất hiện trong một tác phẩm, nhân vật này gắn bó và bổ sung cho nhân vật kia tạo nên một chỉnh thể không thể tách rời Hệ thống nhân vật là một thế giới vô cùng phong phú và
Trang 14đa dạng, nhân vật càng độc đáo thì thường không có sự lặp lại, song nhìn tổng thể trong tác phẩm văn học, các nhà nghiên cứu đã chia hệ thống nhân vật thành các kiểu loại khác nhau để dễ tiếp nhận, phân tích, đánh giá
Thứ nhất, dựa vào vai trò của nhân vật với nội dung và hình thức của
tác phẩm có thể phân chia nhân vật chính, nhân vật trung tâm, nhân vật phụ
Thứ hai, căn cứ vào đặc điểm tính cách nhân vật và lý tưởng thẩm mỹ
để chia nhân vật thành nhân vật chính diện và nhân vật phản diện
Thứ ba, dựa vào sự phân chia thể loại truyền thống của Aristôt thì gồm
có nhân vật trữ tình, nhân vật tự sự, nhân vật kịch Trong đó, nhân vật trữ tình được thể hiện qua thế giới tinh thần, nội tâm và cảm xúc phong phú Nhân vật
tự sự là nhân vật xuất hiện trong tác phẩm tự sự, thường được biểu hiện lên đầy đủ từ ngoại hình, cử chỉ, ngôn ngữ đến nội dung bên trong
Thứ tư, dựa vào cấu trúc hình tượng, nhân vật được chia thành: nhân
vật chức năng, nhân vật loại hình, nhân vật tính cách, nhân vật tư tưởng
Với các loại nhân vật phong phú và đa dạng như trên cho thấy khái niệm “hệ thống nhân vật” là khái niệm có nội hàm rộng, thể hiện được tương đối các kiểu loại nhân vật thường gặp
1.1.2 Cặp nhân vật trong văn học
Trong cuộc sống, bất kì một sự vật hiện tượng nào cũng được nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau, trong nhiều mối quan hệ Xét ở một góc độ nào đấy, đây cũng là biểu hiện của nguyên lí về sự phổ biến trong triết học Qua việc nghiên cứu nguyên lí này, chúng ta nhận ra được mối liên hệ, sự tác động qua lại, chuyển hóa, quy định lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng Vì thế, trong hoạt động nhận thức và trong thực tiễn, con người luôn phải tôn trọng quan điểm toàn diện, tránh cách so sánh phiến diện, lệch lạc
Ở chuỗi phân tích này, việc xuất hiện kiểu hình tượng cặp nhân vật trong văn học là có cơ sở Có một điều dễ nhận thấy là trong đời sống chúng
Trang 15ta không có một ai là hoàn thiện, hoàn mĩ Vì vậy, khi đi vào văn học các nhà văn, cũng không xây dựng các nhân vật có tính cách toàn vẹn, hoàn mĩ Nhân vật không tồn tại độc lập mà buộc phải gắn với nhân vật khác Cho nên các nhân vật thường tồn tại song hành, có khi đối lập, tương phản, có khi lại bổ sung, hoàn thiện cho nhau
Văn học từ xưa đến nay, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây Đã xuất hiện nhiều “cặp nhân vật”
Trong văn học dân gian Việt Nam, hình tượng “cặp nhân vật” xuất hiện phổ biến Chúng ta biết rằng bên cạnh nàng Tấm thảo hiền tốt bụng thật thà là một ả Cám vừa độc ác, bất nhân, bất chấp tất cả thủ đoạn nhằm đạt được mục đích của bản thân mình Hay, bên cạnh chàng Thạch Sanh hiền lành, chăm chỉ, thật thà hết lòng vì mọi người là gã Lí Thông gian tà, lừa lọc, chỉ biết trục lợi của mình mà dẫm đạp lên cả lẽ phải, công lí Như vậy, từ thời xa xưa, con người đã luôn có ý thức nhìn nhận sự việc, hiện tượng trên nhiều bình diện
Hay như ở nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc, chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều kiểu hình tượng “cặp nhân vật” Trong “Tam quốc diễn nghĩa”, bên cạnh Lưu Bị “tuyệt nhân” là một Tào Tháo “tuyệt gian” Cặp nhân vật này trái ngược nhau nhưng lại chung một mục đích bình định thiên hạ Trong một tương quan khác, chúng ta lại nhìn nhận Lưu Bị trong quan hệ “cặp ba” nhân vật: Lưu Bị, Quan Vân Trường, Trương Phi Lưu Bị là một người luôn dùng “chữ nhân” để trị, Quan Công là một danh tướng nổi trội với “chữ nghĩa” còn võ tướng Trương Phi tính nóng như lửa nhưng cũng dốc hết lòng tình anh
em, bạn bè Chính những điểm khác biệt và gặp gỡ tình cờ này đã tạo nên tình nghĩa sắc son khi cả ba cùng nhau “kết nghĩa vườn đào”, để lại một sức sống lớn trong lòng độc giả
Trang 16Trong “Tây du kí” của Ngô Thừa Ân cũng vậy Ở đây không phải là cặp đôi, cặp ba nữa mà tác giả đã được nâng lên thành kiểu nhân vật “cặp bốn”: Đường Tăng, Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Tăng
Trong văn học Đức thế kỉ Ánh sáng, có một cặp đôi rất ấn tượng trong một sáng tác của Goethe, đó là Faust và quỷ Mephisto Hai hình tượng này là biểu hiện cho vấn đề bàn thể nhị nguyên trong triết học Trong mỗi người, vừa có phần của Faust, vừa có phần của Quỷ Nhưng cái nhìn nhân đạo của Goethe là ở sự nỗ lực vươn lên trong hành trình nhận thức của con người
Như vậy, trong lịch sử văn học, hình tượng “cặp nhân vật” không có gì mới lạ Đó là kiểu tổ chức thế giới nhân vật của nhà văn nhằm những mục đích khác nhau Có cặp nhân vật cặp đôi, cặp ba, cặp bốn - những dạng thức này không nhất thiết đối lập hoàn toàn cũng không hẳn đồng điệu hoàn toàn
Ở họ luôn mang cảm nhận được sự tác động qua lại, bổ sung, thêm bớt - như chính diễn tiến phức tạp của đời sống
Khi xây dựng cặp nhân vật trong tác phẩm nhà văn đã căn cứ vào đặc điểm tính cách nhân vật và lý tưởng xã hội thẩm mỹ để chia nhân vật ra làm hai chính tuyến, họ đối lập nhau về tính cách nhưng lại được đi gần nhau để
bổ sung cho nhau
Trong Cuốn theo chiều gió, cặp nhân vật Melanie và Scarlett là một
sáng tạo độc đáo của M Mitchell Không đơn thuần là một thủ pháp hình thức, cặp nhân vật này còn mang trong mình cả giải pháp cho vấn đề chính
mà tác phẩm đặt ra - vấn đề thực tế và lý tưởng
Trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió tác giả M Mitchell đã xây dựng nên
hệ thống nhân vật khá lớn và được chia làm nhiều tuyến nhân vật khác nhau bao gồm hệ thống da trắng, da đen, nhân vật có tên, nhân vật không có tên Và điều đặc biệt trong tác phẩm của M Mitchell đó là bà đã xây dựng thành công cặp nhân vật nữ chính của tác phẩm đó là Melanie Hamilton và Scarlett O’Hara Đây
là cặp nhân vật nữ xuyên suốt từ đầu tác phẩm cho đến cuối tác phẩm luôn được
Trang 17nhà văn ưu ái đặt họ cạnh nhau, song hành cùng nhau, nhưng lại có tính cách gần như trái ngược nhau Melanie một cô gái dịu dàng nữ tính bao nhiêu thì Scarlett lại ngược lại, đó là cô gái mạnh mẽ, nam tính như một người đàn ông Việc xây dựng cặp nhân vật có tính cách trái ngược nhau nhưng lại luôn song hành cùng nhau là một dụng ý nghệ thuật của tác giả Cũng giống như những cặp đôi nhân vật khác trong văn học, đây cũng là một cặp đôi được xây dựng với rất nhiều chi tiết thú vị, hứa hẹn nhiều điều hấp dẫn
1.2 Những nét tương đồng giữa hai nhân vật Melanie Hamilton và Scarlett O’Hara
1.2.1 Cùng nếm trải cuộc sống gian nan, nguy hiểm
Tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió được viết vào những năm ba mươi của
thế kỉ XX, một sự kiện được ghi dấu trong lịch sử văn học hiện đại nước Mỹ Tiểu thuyết lấy bối cảnh lịch sử từ cuộc chiến tranh giữa một bên là Miền Bắc (còn gọi là phe liên bang), đại diện là tổng thống Mỹ Abraham Lincon, người chủ trương thủ tiêu chế độ nông nô, và một bên là Miền Nam, chủ yếu là giới quý tộc, những ông chủ của những đồn điền bông vải rộng mênh mông, đây là lực lượng bảo thủ phản động ngoan cố duy trì chế độ nô lệ da đen Sự điêu tàn của Miền Nam sau cuộc nội chiến Bắc - Nam và những cố gắng hàn gắn vết thương từ bên thắng cuộc cho thấy sự tôn trọng luật pháp công lý, bao quanh bởi tình yêu Tổ quốc Nhân vật chính của tiểu thuyết là Scarlett O’Hara, vốn một tiểu thư được yêu chiều sống trong cuộc sống nhung lụa nhưng cuộc đời
cô chỉ thay đổi sau cái ngày cô quyết định đến sống tại nhà chồng ở Alanta Tại đây, cô cùng với người chị chồng của mình là Melanie đã cùng nhau trải qua rất nhiều khó khăn thử thách, cùng nhau đương đầu và chiến đấu với những hiểm nguy để dành lấy sự sống cho bản thân
Chiến tranh đã hằn sâu những dấu ấn khủng khiếp của đói rét, bệnh tật, chết chóc không phải chỉ trên đường nó đi qua mà còn mãi ở phía sau khi cuộc chiến hoàn toàn kết thúc Làng xóm hoang tàn, đổ nát, có những người
đã ra đi không bao giờ trở lại, còn những người trở về từ chiến trận thì mệt
Trang 18mỏi rã rời, người còn sống thì quặn lòng xót thương cho người đã khuất Từ đống tro tàn, người ta xây dựng lại đời sống với bao nhiêu gian khó, chịu đựng bao đổi thay của thời thế
Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, người ta vẫn còn tranh cãi về vấn đề quân miền Nam có cơ hội chiến thắng hay không Họ tranh cãi nhau về vai trò của Miền Bắc trong cuộc kiểm soát miền Nam sau cuộc chiến, và làm thế nào cho miền Nam kết hợp trở lại với Chính phủ liên bang Chủ trương phải nhanh chóng triệt hạ giới chủ nô, tiêu diệt những mầm mống chống đối còn sót lại ở miền Nam và muốn các định chế ở miền Nam phải thay đổi cấp tốc
Sự đổi thay vẫn chỉ diễn ra trên lý thuyết khi thực tế nạn kỳ thị chủng tộc tại Hoa Kỳ vẫn kéo dài, người da đen vẫn phải sống trong nghèo túng, thất học
và bị coi là “công dân hạng hai”
Bằng ngòi bút sắc sảo của mình, nhà văn M Mitchell đã tái hiện lại bức tranh lịch sử xã hội nước Mỹ với quy mô rộng lớn, phản ánh được một thời đại sôi động cùng những con người bị chao đảo giữa bão táp của chiến tranh Hiện thực cuộc sống gắn liền với chuyển biến tính cách, tâm trạng của bao số phận nhân vật điển hình Những khuôn mặt biểu tượng cho văn hóa Mỹ, cho đến ngày nay đã được M Mitchell tô đậm qua các nhân vật trong tác phẩm
Cuốn theo chiều gió Đặc biệt, thông qua hoàn cảnh sống mà hai nhân vật
trung tâm của tác phẩm Melanie và Scarlett trải qua Melanie luôn được nhà văn sắp đặt gần bên nhân vật Scarlett để tạo nên sắc màu tương phản
Chiến tranh xảy ra từ Alanta cho đến khi hai chị em Scarlett và Melanie cùng nhau trở về Tara, cứ tưởng rằng về đến Tara họ sẽ được sống cuộc sống đầy đủ hơn Nhưng không, chiến tranh đã phá hủy đi tất cả những đồn điền trang trại ở Tara, những tên lính Yanke đã cướp đi hết thảy những thức ăn mà
họ có Cuộc sống của Scarlett dường như lúc này mới chỉ bắt đầu cho những khó khăn Một mình cô phải xây dựng lại Tara, rồi nghĩ cách làm sao có thể
Trang 19kiếm thức ăn cho từng đấy con người trong gia đình mà không ai bị đói Mọi gánh nặng lúc này dường như đổ lên vai của Scarlett
Sau chiến tranh, Scarlett luôn phải tìm mọi cách để vượt lên cuộc sống khó khăn trong thời hậu chiến Áp lực, mệt mỏi và tất cả mọi người trong nhà không ai có thể hiểu được cách mà cô làm Nhưng đằng sau đấy luôn có một người hiểu những khó khăn, áp lực mà Scarlett chịu đó là Melanie Dù đang còn yếu sau khi sinh đẻ, nhưng Melanie vẫn luôn hiểu, thương yêu và luôn ủng hộ cho Scareltt Melanie luôn xuất hiện bên cạnh Scarlett những lúc khẩn cấp nhất
Xung quanh Scarlett và Melanie toàn là chiến tranh, là đói rét, là những cuộc sống chật vật của những con người nghèo khổ, chính môi trường ấy đã tác động nhiều đến cuộc sống của họ Chiến tranh đã làm cho họ thay đổi, Melanie là người đàn bà không bao giờ để gió cuốn đi, Scarlett là cô gái biết nương theo chiều gió để sống sót và quật cường Hai nhân vật này luôn được tác giả để song hành cùng sống, cùng chiến đấu, bổ sung lẫn nhau để mỗi nhân vật tự làm nổi bật lên tính cách của mình
1.2.2 Những người phụ nữ có vẻ đẹp cuốn hút
M Mitchell luôn giới thiệu nhân vật của mình bằng cách miêu tả ngoại hình, miêu tả một cách tỉ mỉ ngay từ khi nhân vật xuất hiện Đây không phải là cách làm mới mẻ, nếu không muốn nói là nó đã trở nên quá quen thuộc Nhưng bằng dấu ấn riêng của mình ở cách chọn lọc chi tiết miêu tả gây ấn tượng về nhân vật, M Mitchell thông qua một vài đường nét phác thảo đã xây dựng thành công nên ngoại hình của hai nhân vật trung tâm trong tác phẩm Thông qua, những lời nhận xét khen ngợi về sắc đẹp Melanie và Scarlett ta có thể thấy, cả hai cô gái trong cuốn tiểu thuyết đều là những người phụ nữ có vẻ đẹp quyến rũ
Trang 20Vẻ đẹp của Melanie không được nhà văn miêu tả một cách trực tiếp mà chỉ được tác giả miêu tả qua lời nhận xét của các nhân vật khác Theo như lời
của bà Terleton: “Tên nó là gì hả? Melanie, phải không? Cầu trời ban phước
cho con nhỏ đó Thật là một đứa nhỏ dịu dàng” [10, tr 97] Vẻ đẹp đó còn được
thể hiện qua lời của bố Scarlett: “chứ sao, và con nhỏ mới mềm mại và lặng lẽ
làm sao Không một tiếng nào nói về mình hết, đúng tư cách của người đàn bà.”
[10, tr.39]
Hay chính Scarlett, cô cũng đã từng có nhận xét về người chị dâu của
mình: “Cô ta là một mẫu người nhỏ thó, gầy còm, giống như một đứa bé cải
trang trong cái váy quá rộng của mẹ Mái tóc đen và cái đuôi tóc dài giữa trán càng làm cho khuôn mặt cô giống hình quả tim hơn Với xương má quá dẹt, cái cằm quá nhọn, cô trông có vẻ dịu dàng và nhút nhát nhưng ngay thật Trông cô có vẻ đơn sơ như đất, ngon như ổ bánh mì và trong như nước mùa xuân Tuy không được đẹp lắm mặc dù quá bé nhỏ, cử chỉ của cô ta tỏ ra đoan trang đôi mắt có những tia sáng êm đềm như một ao rừng mùa đông với những chiếc lá nâu lóng lánh xuyên qua mặt nước im lìm.” [10,tr.111]
Melanie là người phụ nữ cao quý và có tâm hồn trong sáng vô ngần Chính bởi phẩm chất tốt đẹp ấy mà đi đến đâu Melanie cũng được mọi người
yêu quý “Ở Alanta, Melanie đã trở thành trung tâm quy tụ những gì sáng giá
còn lại của thành phố vì đạo đức và đức hạnh cao quý của nàng, và vì nàng
có tâm hồn đẹp đẽ.” [10, tr.349]
Hay với một con người khó tính như Rhett, anh ta chưa bao giờ tin tưởng hay ca tụng bất kì một người phụ nữ nào Nhưng đứng trước vẻ đẹp của Melanie, sự thánh thiện đến trong sáng của cô đã làm Rhett thay đổi suy nghĩ Anh ta trở nên ngưỡng mộ và tôn trọng Melanie Rhett đã từng ca tụng
Melanie “là một trong số ít những mệnh phụ khả kính thực sự mà hắn đã gặp,
và những khi đau khổ và suy sụp, chỉ có Melanie, bằng sự chân thành của
Trang 21mình đã vực dậy hắn” Chỉ qua một vài chi tiết nhỏ, nhà văn đã cho bạn đọc
thấy được vẻ đẹp không chỉ bên ngoài mà còn cả bên trong tâm hồn của Melanie
Vẻ đẹp của Melanie được nhà văn M Mitchell miêu tả đó là nét đẹp dịu dàng, vẻ đẹp trong sáng, thánh thiện gần như không có thật nhưng cũng chính điều đó đã tạo nên sức cuốn hút ở Melanie
Ở Scarlett O’Hara cũng là vẻ đẹp thu hút đối với nam giới Là một trong những nhân vật trung tâm của tác phẩm, Scarlett được xem là một trong những phụ nữ điển hình, cá tính và thu hút nhất trong các nhân vật nữ Có lẽ,
vì điều đó mà cô đã được tác giả ưu ái miêu tả ngoại hình một cách rõ ràng nhất Scarlett là một cô gái quyến rũ, tuy cô không đẹp thật sự như những người đẹp miền Nam truyền thống, nhưng lại có một sức thu hút lạ thường
Cô có một thân hình hoàn hảo, vẻ đẹp thùy mị của người mẹ và nét cuồng nhiệt của người cha Đặc biệt, với đôi mắt xanh lóng lánh lạ kì khiến cho người chỉ gặp một lần cũng có thể nhớ mãi
“Khuôn mặt nàng là một sự kết hợp hài hòa giữa những đường nét kiều
diễm của mẹ, người quý tộc miền duyên hải thuộc dòng dõi Pháp, và những góc cạnh thô kệch của người cha Ái Nhĩ Lan, da dẻ hồng hào Tuy thế, đó là khuôn mặt ưa nhìn với cằm thon, hàm nở rộng Đôi mắt xanh biếc của được viền bởi những hàng mi dài dậm uốn cong vút Bên trên đôi mắt đó là hai vệt mày chênh chếch vạch thành hai đường nghiêng đậm nét trên làn da trắng trong của hoa mộc lan - màu da mà phụ nữ Miền Nam vô cùng quý trọng và cẩn thận giữ gìn bằng những chiếc nón rộng vành, mạng che mặt và bao tay
để chống lại ánh nắng gay gắt của xứ Georgia.” [10, tr.7]
Không dừng lại ở khuôn mặt ưa nhìn, Scarlett còn có một hình thể vô cùng đẹp đẽ, Scralett được nhà văn miêu tả đó là cô gái có vòng eo đẹp nhất
hạt Georgia: “Chiếc áo làm nổi bật tột cùng vòng eo bốn mươi hai phân rưỡi,
Trang 22vòng eo thon mảnh nhất địa hạt xứ Georgia, và chiếc yếm bó sát vừa vặn để
lộ bộ ngực tròn trịa của thiêu nữ mười sáu tuổi.” [10, tr.7]
Với tấm lòng dành cho nhân vật Scarlett, ngay từ những trang đầu của cuốn tiểu thuyết nhà văn đã dùng ngòi bút tuyệt vời nhất của mình ưu ái dành tặng cho nhân vật này Vai trò của nhân vật Scarlett trong tác phẩm là vô cùng quan trọng Ngoại hình nhân vật như đã dự báo một tương lai trắc trở trong cuộc đời của nhân vật
Văn chương nhân loại viết về những điều dự báo một tương lai trắc trở trong cuộc đời nhân vật đã hơn một lần có mặt trên thi đàn khiến cho độc giả
nức lòng nhớ thương Đó là Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn
Du
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
Một hai nghiêng nước nghiêng thành, Sắc đành đòi một tài đành họa hai ”
Nguyễn Du sử dụng cách gợi tả vào những chuẩn mực thiên nhiên để làm đối tượng so sánh: làn nước mùa thu, dáng núi mùa xuân, hoa, liễu, và cả thành ngữ điển tích “nghiêng nước nghiêng thành” Nguyễn Du thật khéo khi
để người đọc tha hồ tưởng tượng vẻ đẹp ấy theo ý mình Nhà thơ chỉ vờn lên ánh mắt, dáng mày, vẻ tươi thắm của mái tóc, làn da hay dáng người Bằng những câu thơ đầy tài năng, bạn đọc đã nhận ra được Kiều có đôi mắt trong veo như làn nước mùa thu, lông mày như nét núi mùa xuân Vẻ đẹp của Kiều
là phi thường, không tạo nên sự hài hòa, êm đềm giữa con người với tự nhiên, tạo hóa đố kị, ghen ghét: “hoa ghen, liễu hờn” Và cũng chính vẻ đẹp ấy đã ẩn chứa, dự báo một số phận, một cuộc đời đầy gian truân và vất vả sau này
Trang 23Trở lại với nhân vật Scarlett, ta nhận ra số phận của cuộc đời cô cũng đầy long đong và vất vả như nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du Trong lễ hội được tổ chức ở nhà Ashley, khi Scarlett vừa bước tới mọi ánh mắt như
đang đổ dồn vào cô, và cô trở thành trung tâm của lễ hội đó: “Không nghi ngờ
gì cả, nàng là hoa khôi của dã yến, trung tâm điểm sự chú ý mọi người Lòng hâm mộ mà nàng gây ra nơi đàn ông và làm các cô gái khác uất ức đều có thể làm nàng hài lòng những lúc khác.” [10, tr.112]
Tại lễ hội dạ yến này, cô đã gặp Charles Hamilton Mặc dù đã có hôn ước với em gái của Ashley, nhưng Charles Hamilton lại vô cùng say mê Scralett Charles là một con người nhút nhát, anh ta chưa bao giờ khen ngợi bất cứ người phụ nữ nào, nhưng khi gặp Scarlett lần đầu tiên anh ta dám nói
lên những tiếng này: “Cô là người con gái đẹp nhất mà tôi chưa hề thấy, dịu
dàng nhất, tử tế nhất, có vẻ dễ thương nhất và tôi yêu cô với tất cả tấm lòng”
[10, tr.117] Sau này, chỉ vì tức giận Ashley đã từ chối tình cảm của mình và
để trả thù Ashley mà Scarlett đã kết hôn vội vã với Charles Hamilton
Nói về Rhett Butler, anh ta say mê Scarlett từ khi cô còn là một thiếu
nữ cho đến khi cô đã trở thành người phụ nữ góa chồng Rhett yêu Scarlett bằng thứ tình cảm mà không người đàn ông nào có được Trải qua một thời gian dài đằng đẵng với nhiều tình cảm, lòng ngưỡng mộ mà Rhett dành cho Scarlett không những không phai nhạt mà nó càng ngày càng sâu đậm hơn Điều đặc biệt, khác với những suy nghĩ lạc hậu của người dân miền Nam đó
là khi thờ tang chồng sẽ không được khiêu vũ, vui chơi nhưng Rhett thì ngược lại, anh nhìn thấy được vẻ quyến rũ của Scarlett khi cô khoác trên mình bộ quần áo tang màu đen và nhảy trong bữa tiệc
Anh ta thích tất cả mọi thứ trên người Scarlett: vẻ xinh đẹp, sự thông minh cùng cá tính mạnh mẽ của cô Không những vậy, anh ta còn khẳng định rằng khi Scarlett nóng giận, cô lại càng trở nên xinh đẹp và điều đó làm cho
Trang 24Rhett thấy Scarlett càng cuốn hút hơn: “Lúc nổi giận, trông cô càng đẹp hơn
Tôi sẽ siết chặt hơn nữa này tới khi nào cô thật sự giận lên mới thôi Cô không biết là hôm ở Twelve Oaks cô đẹp đến mức nào khi cô nổi khùng, rồi ném mấy cái bình.” [10, tr.208]
M Mitchell đã miêu tả Scarlett là một người phụ nữ tuyệt vời về nhan sắc có sức thu hút ánh mắt đàn ông về phía mình Ngoại hình là một yếu tố quan trọng để làm nên những sự kiện to lớn, nó xây dựng lên bao khát khao nhưng cũng chà đạp lên bao sự kiêu hãnh của người đàn ông và phá hủy biết bao trái tim đang thổn thức yêu thương
1.2.3 Sự sâu sắc trong tình yêu
Khi viết về tình yêu, nhà thơ Xuân Diệu dã có một câu thơ bất hủ như thế này:
“Đố ai sống được mà không yêu Không nhớ, không thương một kẻ
nào?” Thật vậy, làm gì có ai sống ở trên đời mà không yêu, hay không rung
động trước một ai đó! Đặc biệt trong tình yêu, phụ nữ lại là người sâu sắc hơn
cả Với Cuốn theo chiều gió, cả hai nhân vật Melanie và Scarlett đều là những
người phụ nữ như thế! Họ sâu sắc trong tình yêu và sẵn sàng hi sinh tất cả cho người mình thương yêu
Với Melanie, cô yêu Ashley bằng một tình yêu trọn vẹn Ngoài Ashley, Melanie không yêu bất kì một người đàn ông nào khác, cô hết mực tin tưởng chồng và chung thủy với tình yêu đó cho đến chút hơi thở cuối cùng
Ngay sau khi vừa mới kết hôn với Ashley, cuộc nội chiến bắt đầu xảy
ra và Ashley cũng như những thanh niên miền Nam khác phải lên đường ra chiến trường Melanie vẫn chung thủy chờ đợi chồng, vẫn luôn nghe ngóng tin tức và có niềm tin vào Ashley Trong thời gian chờ đợi chồng tham gia chiến đấu, Melanie đã phục vụ cho liên bang miền Nam với một lòng thành kính thiêng liêng, cô có thể hi sinh đến giọt máu cuối cùng vì chủ nghĩa mà cô
Trang 25tôn thờ “Chẳng ai có thể xâm lấn mình, cũng không ai sắp sửa Và đường lối
hữu hiệu nhất để chống xâm lăng là vác súng tới Virginia và đánh đuổi quân Yankee ngay tại đó Còn về chuyện bảo là phải giữ Dân quân lại đây để tránh một cuộc nổi dậy của người da đen thì quả là một chuyện ngu si nhất Tại sao người của chúng ta phải nổi dậy? Đó chỉ là một lối tự biện họ của những
kẻ hèn” [10, tr.189]
“Chồng chị không sợ ra trận và chồng em cũng vậy Và chị ao ước họ
sẽ tử trận còn hơn là ở lại đây” [10, tr.190] Ở cô có một sức mạnh tiềm ẩn,
lòng tin tưởng tuyệt đối với Tổ quốc Đặc biệt là với người chồng thân yêu của mình Sau khi sinh con xong, cơ thể của Melanie vô cùng yếu ớt nhưng ngày nào cô cũng ra cửa để ngóng tin tức của chồng Sự chờ đợi mỏi mòn của Melanie giống như người chinh phụ mong ngóng chồng trở về trong tác phẩm
Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn Tâm trạng của hai người phụ nữ này
giống hệt nhau, dù chiến trận thắng hay thua, đối với họ đều không quan trọng Điều họ quan tâm nhất, mong ngóng nhất là liệu người chồng thân yêu của mình có trở về ngôi nhà bình yên được hay không Khi mọi người báo tin Ashley có thể đã hi sinh nhưng Melanie vẫn không tin vào điều ấy! Bằng niềm tin và linh cảm của một người vợ, cô vẫn tin rằng Ashley sẽ luôn bên cạnh cô và đứa con của mình Cô đã làm rất nhiều việc tốt, dù cho chính bản thân cô cũng không có thức ăn nhưng cô vẫn sẵn sàng giúp đỡ những người nghèo khổ hơn mình Mỗi lần như vậy, cô lại hi vọng ở đâu đó cũng sẽ có người giúp đỡ chồng mình để anh không bị đói, bị khổ
Melanie cảm thấy hạnh phúc với những điều ấy Ánh mắt của cô đã
phơi bày ra tâm ý: “Cứ mỗi lần chia sẻ phần ăn của mình cho một người
nghèo đói là chị lại tưởng tượng tới, trên một con đường xa xôi nào đó tận miền Bắc, cũng có một người phụ nữ đang cho Ashley của chị một món ăn thức uống để đủ sức trở về” [10, tr.503] Đó là tấm lòng thương người của
Trang 26Melanie - một nghĩa cử cao đẹp Nhưng điều quan trọng hơn cả, đó chính là tình yêu mà Melanie dành cho Ashley Chiếc nhẫn cưới của hai vợ chồng, cô đeo trên tay chưa một lúc tháo rời Melanie làm bất cứ điều gì cũng luôn nghĩ tới chồng, mong những hạnh phúc và điều tốt đẹp nhất sẽ đến với anh
Trong thời gian Ashley được về nghỉ phép bảy ngày, Melanie và Ashley đã có những giây phút hạnh phúc bên nhau Kết thúc một tuần bình yên, cô không dám ra tiễn anh lên đường chiến trận bởi cô sợ, cô lo mình không cầm lòng được nỗi thương xót người chồng thân yêu Không lâu sau, khi Ashley đi được một thời gian thì Melanie đã có thai Việc sinh nở của cô gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại nhưng bằng sức mạnh thiêng liêng của tình mẫu tử và tình yêu sâu sắc đối với Ashley, cô đã mạnh mẽ vượt qua sự khó khăn đó để giành lại sự sống từ tay thần chết
Tình yêu Melanie dành cho chồng chính là chỗ dựa vững chắc cho anh
Điều này đã được chính Ashley thừa nhận: “Melanie là một giấc mơ đẹp nhất
và một phần trong cái thế giới không tưởng của anh Nếu không có chiến tranh, có lẽ anh đã sung sướng sống cho tới ngày cuối cùng ở Twelve Oaks và thản nhiên nhìn cuộc đời trôi qua” [10, tr.15] Tình yêu có một sức mạnh ghê
gớm, nó có thể làm con người ta vượt qua tất cả cho dù đó có thể là những thử
thách khó khăn như thế nào đi chăng nữa Tình yêu của Melanie, nó giống như một phép màu làm Ashley xua tan đi mọi mệt mỏi, phiền não Tình yêu
ấy chính là chỗ dựa tinh thần cho anh ở một nơi xa
Cũng giống như Melanie, Scarlett cũng là một người phụ nữ sâu sắc trong tình yêu Từ đầu đến cuối tác phẩm, Scralett chỉ hướng tới một người đàn ông duy nhất, người mà cô tin rằng mình yêu tha thiết: Ashley - chàng trai thuộc dòng họ Wilkes Vì anh mà cô bất chấp làm tất cả mọi thứ cho dù
đó có là vấn đề nguy hiểm Trong đầu của Scarlett lúc nào cũng chỉ có hình bóng của Ashley Cô sẵn sàng bỏ qua mọi sự ngưỡng mộ và kể cả là danh dự
Trang 27của mình chỉ để mong có được trái tim của Ashley Sống trong xã hội thế kỉ
XX, khi chế độ phong kiến ít nhiều còn ảnh hưởng, người phụ nữ hầu như không ai dám thổ lộ tình yêu của mình với người mà họ thích, cho dù có yêu người đó nhường nào đi chăng nữa Nhưng Scarlett thì hoàn toàn ngược lại
Cô dám mạnh dạn nói lên tiếng nói của trái tim, dám đương đầu với thử thách
để tìm hạnh phúc cho bản thân mình Mặc dù bị từ chối nhưng Scarlett vẫn không bỏ cuộc, cô không vì thế mà yếu lòng Scarlett đã ném vỡ chiếc bình hoa quý chỉ vì lời thỉnh cầu không được đáp thuận, cô tự do làm theo bản năng, bỏ lại phía sau một đống những giáo huấn, những lí lẽ mà Ellen đã chỉ
bảo cho cô: “Nàng nhấc bình hoa lên, vung tay ném mạnh về phía lò sưởi ở
cuối phòng Chiếc bình hoa bay phớt qua lưng dựa cao lêu nghêu của chiếc trường kỷ rồi rơi xuống bệ lò xây bằng cẩm thạch, bể loảng xoảng” [10,
tr.131] Cô cũng không ngần ngại tát thẳng vào mặt của Ashley với tất cả sức lực của mình khi bị từ chối, “Scarlett tát thẳng vào mặt Ashley với tất cả sức
lực Tiếng động âm vang như tiếng đập của ngọn roi trong gian phòng yên tĩnh Và tự nhiên cơn giận của nàng vụt tan biến, chỉ còn lại ở nàng một nỗi đau khổ thê lương.” [10, tr.130]
Quá đau khổ, Scarlett như từ địa ngục tối tăm trở về khi nghe tin Ashley sẽ đính hôn với Melanie Điều đau khổ đó đã bám riết lấy cô từ đầu cho đến cuối tác phẩm Chỉ vì quá đau đớn và dằn vặt, vừa hận vừa thương Ashley nên cô đã quyết định kết hôn với Charles trong tâm trạng vô cùng thất vọng và không hề tỉnh táo Sau khi mọi việc xảy ra cô mới nhận ra rằng đó là một quyết định bồng bột và ngu ngốc thì tất cả đã quá muộn Tuổi mười sáu lòng tự kiêu còn lớn hơn cả ái tình và bây giờ quả tim nóng bỏng của cô không còn chất chứa gì hơn là thù hận
“Ngôi nhà trắng với những thân cột cao vút trước mặt nàng hình như
tránh né nàng với một vẻ trang trọng xa vời Nó chẳng bao giờ là ngôi nhà
Trang 28của nàng Ashley chẳng bao giờ ôm nàng bước lên thềm nhà trong chiếc váy
cô dâu nữa Ồ! Ashley! Ashley! Em đã làm gì? Tận đáy lòng bên dưới lớp kiêu hãnh vừa bị xâm phạm và những tập quán lạnh lùng của nàng, một cái gì gợi dậy sự xót xa Một ý niệm trưởng thành bắt đầu chớm nở, mạnh hơn lòng
tự kiêu hay ích kỉ của nàng Nàng yêu Ashley, nàng biết rõ là nàng yêu chàng
và nàng chẳng bao giờ thấy rõ ràng điều đó bằng lúc nàng nhìn Charles mất hút nơi khúc quanh của con đường sỏi đá.” [10, tr.140]
Cứ ngỡ rằng tình yêu mà Scarlett dành cho Ashley sẽ kết thúc khi cả hai
có gia đình, có hạnh phúc riêng cho mình Nhưng không, Scarlett không dừng lại
ở đó, cả hai bị vướng vào một mối quan hệ phức tạp hơn “anh chồng - em dâu” Càng gần Ashley, Scarlett lại càng yêu anh nhiều hơn, càng ngày càng mãnh liệt
và bất chấp hơn Tình yêu ấy lại càng được thể hiện một cách mãnh liệt và sâu sắc hơn khi chiến tranh xảy ra, Ashley phải tham chiến Cô lo cho Ashley không kém gì Melanie lo cho chồng Scarlett không ngại đứng đợi danh sách tù nhân hi sinh được gửi từ chiến trường trở về, rồi cô sung sướng hạnh phúc khi không có tên người mình yêu trong danh sách
Cũng giống như Melanie, trong bảy ngày Ashley được về phép cô đã hân hoan vui sướng biết bao khi được gặp lại Ashley, cô cũng đau lòng khi luôn cố gắng tìm những cơ hội để có thể nói chuyện riêng với Ashley nhưng không thể Bởi vì, Ashley lúc nào cũng bên cạnh Melanie Đến ngày Scarlett
có thể gặp riêng Ashley cũng là lúc mà anh phải quay trở lại chiến trường Cô
đã từ bỏ chiếc khăn đẹp đẽ do Rhett tặng để may cho anh một chiếc đai Cô sung sướng khi tự tay mình đeo nó cho Ashley
“Ngồi trên di văng trong phòng khách với món quà tiễn biệt trên đầu
gối, nàng đợi Ashley đang từ giã Melanie, cầu mong chàng sẽ xuống lầu một mình và nàng sẽ được Thượng đế chấp nhận cho được ở riêng với chàng trong một lúc Nàng lắng tai nghe tiếng động trên lầu, nhưng ngôi nhà vẫn
Trang 29yên tĩnh một cách kì lạ, yên tĩnh đến nỗi nàng nghe không rõ cả tiếng hơi thở của mình Cô Pitty đang ngồi khóc ở trên phòng riêng vì Ashley đã từ giã cô cách đây nửa giờ Không một tiếng thì thầm hay tiếng khóc nào sau cánh cửa phòng ngủ đóng im ỉm của Melanie Scarlett có cảm tưởng Ashley đã ở trong
đó quá lâu rồi, nàng hết sức sốt ruột về Ashley vẫn kéo dài giây phút từ biệt
vợ vì thời gian qua mau mà dịp may của nàng quá ngắn.” [10, tr.282]
Có lẽ, chỉ có tình yêu dành cho Ashley là phần chân thật nhất trong con người của Scarlett? Tình yêu đó bắt đầu lệch hướng khi Ashley kết hôn với Melanie Đó là thứ tình yêu đơn phương mù quáng, biết rằng nó không có kết quả nhưng vẫn cứ cố chấp theo đuổi nó để rồi đến cuối phải tự bản thân mình nhận lấy đau khổ Scarlett yêu Ashley như một bản năng vui mừng, hạnh phúc khi được gặp người mình yêu, ghen tuông tức giận vô cớ khi vợ chồng Melanie hạnh phúc với nhau Biết tin Melanie, có thai Scralett đã đánh rơi chiếc lược đang cầm trên tay và nghĩ tới thời khắc hai vợ chồng họ nắm tay nhau bước vào căn phòng và cánh cửa đóng chặt
“- Chúa ơi!
Nàng kêu lên và trong một lúc nàng vẫn chưa ý thức được chuyện gì đã đến Mãi đến khi nhớ lại hình ảnh cánh cửa phòng ngủ Melanie khép kín lại nàng mới bàng hoàng, lòng đau nhói như Ashley chính là chồng của nàng và đã phản bội nàng Một đứa bé Một đứa con của Ashley Sao có thể như thế được? Trong khi chàng không yêu Melanie mà chỉ yêu nàng?”[10, tr.293]
Rồi khi Ashley đi tham chiến trở về, phải làm việc tại đồn điền nhà Scarlett, cô vui sướng khi sẽ có cơ hội được gần anh nhiều hơn, nhưng cô cũng không khỏi đau lòng khi thấy người mình yêu ngày càng trở nên tồi tàn
đi
“Nàng đau đớn khi nhìn thấy một Ashley phong lưu, thanh nhã ngày
xưa, bây giờ ăn mặc rách rưới lại phải làm việc tay chân Bàn tay chàng nào
Trang 30phải là bàn tay của người lao động và thân hình chàng chỉ để dành mặc những loại hàng thượng hạng kia mà Chúa tạo dựng chàng chỉ để sống trong những biệt thự sang trọng, giao thiệp với hàng thượng lưu, chơi dương cầm
và viết những lời êm dịu.” [10, tr.12]
Dường như tình yêu dành cho Ashley là giấc mộng đẹp nhất trong cuộc đời cô Scarlett yêu Ashley bằng một tình yêu trong sáng, không pha lẫn chút vật chất hay tính toán gì, cô lúc nào cũng nghĩ rằng Ashley yêu mình nhưng
vì lý do này, lý do kia mà anh không thổ lộ Sự huyễn tưởng về tình yêu đã theo cô suốt cuộc đời Để rồi cuối cùng khi Melanie chết đi cô mới nhận ra mọi chuyện đã quá muộn màng
Có một điều đặc biệt, trong chiến tranh và những năm hậu chiến vô cùng gian khổ ấy, tình yêu lại luôn luôn chói ngời, trở thành động lực giúp cho con người vượt qua chết chóc, đói khổ và sự hèn hạ
Như vậy, hai nhân vật, hai con người với hai tính cách hoàn toàn trái ngược nhau, nhưngở họ lại cùng yêu thương một người đàn ông một cách sâu sắc, đều vì tình yêu mà có thể hi sinh tất cả, cho dù đó là bản thân mình
Tiểu kết: Trong chương 1, chúng tôi đã trình bày những cơ sở lý luận
về nhân vật và cặp nhân vật trong văn học Dựa trên những cơ sở này, chúng tôi đã tìm hiểu những nét độc đáo trong việc nhà văn xây dựng sự tương đồng giữa hai nhân vật Melanie và Scarlett Ta bắt gặp sự tương đồng đầu tiên ở hai nhân vật đó là ở họ cùng nếm trải cuộc sống gian nan, nguy hiểm Ta cũng
không thể nào quên bối cảnh chiến tranh làm nên tác phẩm Cuốn theo chiều
gió của nhà văn Mitchell Chính sự tàn khốc của chiến tranh là một con quái
vật Nó nuốt chửng biết bao cái quý giá của con người Ở bên này hay bên kia chiến tuyến, chiến tranh đều gây nên nỗi đau đớn trong lòng người Chiến tranh đã làm cả hai nhân vật Melanie và Scarlett phải rời xa người mà họ thương yêu nhưng sau tất cả họ đã cùng nắm tay nhau vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để giành lại sự sống cho bản thân Không chỉ giống nhau ở chỗ
Trang 31cùng nếm trải cuộc sống gian nan, nguy hiểm mà ở Melanie và Scarlett còn có điểm tương đồng nữa đó là cả hai người đều mang trong mình vẻ đẹp cuốn hút Họ đều là những người phụ nữ có sức thu hút ánh mắt đàn ông về phía mình, chính vẻ đẹp đó đã tạo nên sức cuốn hút ở cả hai nhân vật Một điểm tương đồng thứ ba ở hai người phụ nữ ấy, là ở họ đều chứa đựng trong lòng một tình yêu sâu sắc Hai người phụ nữ Melanie và Scarlett đều yêu, sẵn sàng
hi sinh tất cả vì người mình yêu Tuy nhiên, điều làm nên nét đặc sắc của hai nhân vật Melanie và Scarlett nó không chỉ là điểm tương đồng mà nó còn thể hiện phần nhiều ở sự khác biệt Chính vì thế chúng tôi sẽ đi vào chương 2
Trang 32CHƯƠNG 2
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA MELANIE HAMILTON VÀ SCARLETT
O’HARA 2.1 Hoàn cảnh xuất thân
2.1.1 Melanie Hamilton - xuất thân trong một gia đình quý phái ở Alanta
Melanie sinh ra trong một gia đình ít người nhưng cũng đủ để làm nên phẩm hạnh của gia đình Một gia đình được thừa hưởng nền giáo dục hoàn thiện với những chuẩn mực đạo đức đáng quý nhất người miền Nam, có họ với gia đình Wilkes ở Clayton và một số người họ Bur ở Macon Gia đình Melanie không có nhiều đất như gia đình Wilkes và gia đình O’Hara, nhưng Hamilton cũng có những mảnh đất ở Atlata - một thành phố lớn và nhộn nhịp, đó cũng là ngôi nhà mà Scarlett ở sau khi chồng thứ nhất của cô là Charles qua đời
Cha của Melanie là đại tá William R Hamilton, một quân nhân dũng cảm
và cứng cỏi, ông không được nhắc đến nhiều vì những gì còn tồn tại trong tác phẩm là một người đã chết Melanie có một người em trai là Charles - một chàng trai nhút nhát, rụt rè nhưng tốt bụng Ngay từ khi hai chị em Melanie và Charles còn nhỏ thì cha mẹ của họ qua đời Chú của Melanie là ông Henry và cô là bà Pittypat cả hai người này đều không kết hôn, họ cùng nhau dám hộ hai đứa cháu
mồ côi Henry là một luật sư giỏi ở Alanta và ông quản lí toàn bộ tiền bạc và lợi nhuận của gia đình Ông Henry vốn là người thông minh, vui vẻ và trẻ tính, ghét
cô Pitty nên ông đã chuyển ra sống ở khách sạn Cô Pitty Hamilton là em gái ngài William, một tâm hồn trẻ thơ mọc trong thân xác của người đàn bà mập mạp Bà không có chồng vì trí não còn chưa phát triển đầy đủ, bà luôn cảm thấy xấu hổ vì mọi thứ Cô Pitty thì cũng căm ghét ông Henry nên không bao giờ gặp mặt trừ khi lấy tiền tiêu dùng trong nhà Và người cũng có trách nhiệm nuôi dạy hai chị em Melanie là bác nô lệ Peter Dưới sự dám hộ của chú Henry, cô Pitty,