TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2 KHOA NGỮ VĂN *************** TRẦN THỊ HƯƠNG HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN TRÍ HUÂN KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI
Trang 1TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI 2
KHOA NGỮ VĂN
***************
TRẦN THỊ HƯƠNG
HIỆN THỰC CHIẾN TRANH
VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN TRÍ HUÂN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC
Chuyên ngành: Văn học Việt Nam
Người hướng dẫn khoa học
TS NGUYỄN THỊ TUYẾT MINH
Trang 2LỜI CẢM ƠN
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn tới cô giáo, TS Nguyễn Thị Tuyết Minh - người đã tận tình hướng dẫn và giúp đỡ tôi trong suốt quá trình thực hiện khóa luận Xin cảm ơn các thầy, cô giáo trong khoa Ngữ văn, đặc biệt là các thầy, cô giáo trong tổ Văn học Việt Nam đã giúp đỡ tôi hoàn thành khóa luận Mặc dù có nhiều cố gắng song với trình độ và kiến thức còn hạn chế của người viết, khóa luận chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót Tôi rất mong nhận được sự góp ý chân thành của thầy cô và các bạn sinh viên để khóa luận được hoàn thiện hơn
Hà Nội, tháng 4 năm 2017
Sinh viên
TRẦN THỊ HƯƠNG
Trang 3LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan:
Bản khóa luận này là kết quả nghiên cứu của riêng tôi
Kết quả này không trùng với bất cứ công trình nghiên cứu nào Nếu sai tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm
Hà Nội, tháng 4 năm 2017
Sinh viên
TRẦN THỊ HƯƠNG
Trang 4MỤC LỤC
MỞ ĐẦU 1
1 Lí do chọn đề tài 1
2 Lịch sử nghiên cứu 3
3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 6
3.1 Mục đích nghiên cứu 6
4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 6
5 Phương pháp nghiên cứu 7
6 Dự kiến đóng góp của khóa luận 7
7 Bố cục khóa luận 7
CHƯƠNG 1 8
TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN TRÍ HUÂN 8
TRONG ĐỜI SỐNG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1975 8
1.1 Thể loại tiểu thuyết sau 1975 8
1.2 Tác giả Nguyễn Trí Huân và thể loại tiểu thuyết 13
1.2.1 Đôi nét về tiểu sử 13
1.2.2 Sự nghiệp sáng tác 15
CHƯƠNG 2: HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI 19 TRONG TIỂU THUYẾT CUẢ NGUYỄN TRÍ HUÂN - NHÌN TỪ NỘI DUNG PHẢN ÁNH 19
2.1 Bức tranh hiện thực 19
2.1.1 Hiện thực chiến trường 19
2.1.2 Hiện thực đời thường 24
2.2 Số phận con người 28
2.2.1 Số phận người lính 28
2.2.2 Số phận người phụ nữ 34
2.2.3 Số phận trẻ em 37 CHƯƠNG 3: HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI
Trang 5TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN TRÍ HUÂN -NHÌN TỪ HÌNH
THỨC NGHỆ THUẬT 41
3.1 Nghệ thuật kể chuyện 41
3.2 Ngôn ngữ 44
3.3 Giọng điệu 49
KẾT LUẬN 53 TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trang 6MỞ ĐẦU
1 Lí do chọn đề tài
Chiến tranh - cho đến nay vẫn là một đề tài lớn mang tầm vóc nhân loại
Nó từng có bề dài và bề dày trong tiến trình của lịch sử văn học thế giới
Chiến tranh âm vang trong bản trường ca Iliat và Ôđixê của Homerơ, trong bộ tiểu thuyết đồ sộ Chiến tranh và hòa bình của Tolstoi… và gần hơn, trong
Chuông nguyện hồn ai của Hemingway, trong Cái trống thiếc của Gunter
Grass và vô số tác phẩm khác Ở Việt Nam, chiến tranh vẫn là đề tài có tính thời sự vì nó gắn liền với số phận đau thương của dân tộc Chiến tranh như một ám ảnh, một vết thương rỉ máu khó lành Nó trở thành món nợ dài của các nhà văn mặc áo lính
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, giang sơn thu về một mối, đất nước Việt Nam bước vào thời kì hòa bình Nhờ đó, văn học Việt Nam nói chung và thể loại tiểu thuyết nói riêng có điều kiện chuyển mình sang một giai đoạn mới Đặc biệt là từ Đại hội VI của Đảng, văn học gắn bó với hiện thực nhưng không chỉ phản ánh hiện thực mà còn suy ngẫm về hiện thực Đối tượng nghiên cứu và khám phá của văn học không chỉ là xã hội mà còn là con người với tất cả sự phức tạp và bí ẩn của nó Thế nhưng, dẫu chiến tranh qua đi, văn học phát triển trong điều kiện xã hội mới, trong môi trường ý thức cá nhân có nhiều chuyển biến song sự khốc liệt của chiến tranh và số phận con người luôn là cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn Tuy không chiếm vị trí số một như giai đoạn trước, nhưng đề tài chiến tranh và số phận con người vẫn in đậm trong sáng tác của nhiều cây bút như: Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Thái Bá Lợi, Bảo Ninh, Nguyễn Trí Huân… và phản ánh rõ nét quá trình chuyển biến ý thức văn học, nhất là khi đất nước bước vào thời kì đổi mới
Trang 7Nguyễn Trí Huân là một trong những nhà văn thời hậu chiến có tác
phẩm viết về chiến tranh Ông xuất hiện sau năm 1975 với tiểu thuyết Năm
1975, họ đã sống như thế và nhanh chóng được bạn đọc chú ý Dẫu sáng tác
không nhiều, song với đủ thể loại: truyện ngắn, tiểu thuyết, kí sự, Nguyễn Trí Huân đã góp phần làm phong phú thêm cho diện mạo văn học thời kì hậu chiến Điểm qua các sáng tác trong sự nghiệp của nhà văn, tiểu thuyết được
xem là thể loại thành công hơn cả với hai cuốn Năm 1975, họ đã sống như thế
và Chim én bay Sự nghiệp sáng tác của nhà văn được đánh dấu bằng hai giải
thưởng lớn: giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng 1985-1989 và giải thưởng
Hội Nhà văn Việt Nam năm 1990 với tác phẩm Chim én bay Đồng thời, năm
2007, ông cũng đạt giải Nhà nước về Văn học nghệ thuật
Tiếp nối mạch nguồn của dòng tiểu thuyết hậu chiến về đề tài chiến tranh cách mạng, tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân luôn được nhắc đến cùng với Chu Lai, Nguyễn Minh Châu, Khuất Quang Thụy, Thái Bá Lợi, Bảo Ninh… như một thế hệ nhà văn mặc áo lính tiêu biểu nhất cho thể loại tiểu thuyết viết
về chiến tranh nói riêng và văn học sau năm 1975 nói chung Dẫu không sở
hữu một khối lượng tác phẩm đồ sộ như Chu Lai với Phố, Nắng đồng bằng,
Ăn mày dĩ vãng, Vòng tròn bội bạc, Ba lần và một lần, Cuộc đời dài lắm, Khúc bi tráng cuối cùng…; cũng chưa có một tác phẩm gây tiếng vang lớn
như Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh nhưng cả hai tiểu thuyết Năm 1975,
họ đã sống như thế và Chim én bay của Nguyễn Trí Huân luôn xuất hiện
trong các bài báo, bài phê bình hay nghiên cứu về tiểu thuyết giai đoạn này Chúng được đánh giá như những tiểu thuyết xuất sắc viết về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước anh hùng của toàn dân tộc Với hai tiểu thuyết này,
Nguyễn Trí Huân đã nói “bao điều bão tố ở bên trong” mà một thời ông chưa
kịp nói Cùng với độ lùi của thời gian, nhà văn đã viết về chiến tranh với sự thấu đáo và từng trải hơn Chiến tranh và số phận con người được nhà văn
Trang 8“tái bút” trên nhiều bình diện và cấp độ Đó là những trăn trở, những chiêm
nghiệm đầy suy tư về hiện thực và con người Hiện thực chiến tranh tàn khốc cùng sự giằng xé trong cuộc sống thời bình và số phận con người với những nỗi đau, thương tổn về nhân tính và hạnh phúc… tất cả đã hằn in và ám ảnh trong tâm khảm bạn đọc bao thế hệ Đó chính là lí do, động lực khiến chúng
tôi lựa chọn đề tài: Hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu
thuyết của Nguyễn Trí Huân
Tác giả khóa luận hy vọng đề tài này sẽ đem lại những đóng góp nhất
định đối với công tác nghiên cứu và giảng dạy văn xuôi Việt Nam giai đoạn sau 1975 Đồng thời, mong muốn góp thêm một tiếng nói khẳng định vị trí, vai trò của Nguyễn Trí Huân trong dòng tiểu thuyết viết về chiến tranh đặt trong bối cảnh thời hậu chiến
2 Lịch sử nghiên cứu
Nguyễn Trí Huân không thuộc số nhà văn viết khỏe, vì thế trong sự nghiệp sáng tác của mình, số lượng tiêu tiểu thuyết không nhiều Tuy nhiên,
so với những cây bút cùng thế hệ, tiểu thuyết của ông lại có nét riêng, độc
đáo Ngay từ tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế đến tiếu thuyết cuối cùng Chim én bay, Nguyễn Trí Huân đã được nhiều bạn đọc yêu mến và
nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, phê bình chú ý Có thể kể đến một số công trình và bài viết sau đây:
Trước hết là các bài viết, bài phỏng vấn hay trò chuyện của nhà văn xoay
quanh nghề văn - nghề báo Báo Công an nhân dân số ra ngày 22/7/2008 có đăng bài viết Nhà văn Nguyễn Trí Huân - Người luôn tự biết mình của tác giả
Phạm Khải Bài báo thể hiện cảm nhận của người viết về con người Nguyễn
Trí Huân trên cương vị là Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ, người đã từng 15 năm “cầm trịch” tờ Văn nghệ quân đội: “Nguyễn Trí Huân là người có cái
nhìn cuộc sống ôn hòa Trong mỗi con người, bên cạnh những mặt chưa hoàn
Trang 9thiện, ông luôn nhìn ra và tìm ra những nét đẹp tiềm ẩn của họ” [18]. Về sự nghiệp sáng tác, tác giả bài viết cho rằng, so với nhiều nhà văn cùng trang lứa, Nguyễn Trí Huân thuộc diện viết ít, số sách của ông có thể đếm trên đầu ngón tay Lý giải về điều này, trong một lần trả lời phỏng vấn của phóng viên, nhà
văn đã thành thực bộc lộ ông có một “thói quen xấu” là phải “bứt ra một thời
gian dài đi đâu hẳn, thoát ra mọi sự vụ thì mới có thể viết được” Vậy nhưng,
sau khi từ chiến trường trở về, học xong khóa I trường viết văn Nguyễn Du, ông liên tục vướng bận vào công việc, nên thời gian dành cho văn chương trở nên eo hẹp dần
Trên báo điện tử Tổ quốc, tác giả Đức Đan có bài viết Nguyễn Trí Huân:
làm báo phải có bản lĩnh Trong bài viết này, nhà văn đã thể hiện quan điểm
của mình về phẩm chất quan trọng của nhà báo nói riêng và người viết nói
chung, đó là bản lĩnh: “Để có một bài báo hay thì nhà báo, nhà văn phải sống
trong sự thật mà mình viết, phải trải Nếu chỉ nghe kể thôi để lấy tư liệu viết lại thì không thể hay được” [8]
Thứ đến là những bài phê bình, đánh giá về các sáng tác của Nguyễn Trí
Huân, trong đó tập trung chủ yếu vào tiểu thuyết Với tiểu thuyết Năm 1975,
họ đã sống như thế, tác giả Hoài Anh có bài viết Tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân
- Một cách nhìn chiến tranh xác thực trên website http://trieuxuan.info Tác
giả đánh giá tiểu thuyết này “không chỉ dự báo những cuộc chiến tranh xảy ra
trong tương lai” mà “còn dự báo về sự lan rộng của những hiện tượng tiêu cực ở Miền Bắc” Bên cạnh đó, bài viết còn tổng kết một số thành tựu nghệ
thuật đặc sắc của tác phẩm như lối kể chuyện chính xác, sinh động, nghệ thuật xây dựng, miêu tả tâm lí nhân vật chân thực
Sau khi đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1988-1989,
tiểu thuyết Chim én bay đã nhận được sự chú ý của đông đảo dư luận cũng như giới nghiên cứu, phê bình Tiêu biểu trong số đó là hai bài viết Chim én
Trang 10bay - Một cách nhìn về chiến tranh của tác giả Phạm Hoa đăng trên báo Văn nghệ năm 1989 và Đồng hiện - Một thủ pháp nghệ thuật có hiệu quả trong tiểu thuyết Chim én bay của Ngô Vĩnh Bình đăng trên báo Văn nghệ năm 1990
Tác giả Phạm Hoa cho rằng Nguyễn Trí Huân đã thể hiện nhận thức về
hiện thực tàn khốc của chiến tranh bằng “một lối viết bộc lộ tính người”,
“giọng văn chứa đầy trăn trở, nghĩ suy nặng nề tâm trạng” Trong khi đó, tác
giả Ngô Vĩnh Bình lại đi sâu khai thác một thủ pháp nghệ thuật được coi là
đắc địa của Chim én bay đó là thủ pháp đồng hiện: “Đọc Chim én bay người
đọc vừa như thấy lại những năm tháng chiến tranh xưa với tất cả sự khốc liệt của nó ( ), lại vừa như đứng trước những vấn đề thời sự của cuộc sống hôm nay như: Vấn đề đổi mới cách nghĩ, cách sống, vấn đề nhân đạo cũng như việc giải tỏa thù hận, ngăn chặn nọc độc của một cuộc chiến tranh mới” [4]
Và cuối cùng là những bài viết về đề tài chiến tranh thời hậu chiến, trong
đó các tác giả có nhắc đến tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân như là một phần
không thể thiếu của mảng đề tài này Tạp chí Văn học số 5/1980 với bài Tiểu
thuyết về đề tài chiến tranh sau năm 1975 và những thành tựu nghệ thuật bị
bỏ lỡ (Nguyễn Phượng), Ý thức cách tân trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
(Nguyễn Bích Thu) Trên website báo Văn nghệ quân đội có một số bài viết như: Nhân vật của tiểu thuyết hậu chiến (Đinh Thị Huyền), Cái nhìn mới về
người lính và sự thay đổi về đề tài của tiểu thuyết Việt Nam sau 1975
(Nguyễn Tiến Đức) và rất nhiều bài viết riêng lẻ khác
Có thể nói, nghiên cứu về nhà văn Nguyễn Trí Huân và tiểu thuyết của ông chưa thực sự nhiều và tập trung Gần đây nhất mới chỉ có một số luận văn
thạc sĩ: Đặc điểm tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Phạm Thị Trang - do PGS TS Tôn Phương Lan dướng dẫn, trường ĐHKHXH và NV); Nghệ thuật tự sự
trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Vũ Thị Thanh - do PGS TS Đoàn Đức
Phương hướng dẫn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2); Thế giới nghệ thuật
Trang 11tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân (Đặng Thị Hà - do PGS TS Lý Hoài Thu hướng
dẫn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2)
Nhìn chung, các bài nghiên cứu, bài phê bình, bài báo ở trên quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nhau trong tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân Chưa có một đề tài nào đề cập đến hiện thực chiến tranh và số phận con người Vì thế, tiếp thu gợi ý của những nhà nghiên cứu đi trước, đề tài chúng tôi sẽ đi sâu
tìm hiểu: Hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu thuyết của
Nguyễn Trí Huân
3 Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1 Mục đích nghiên cứu
Thực hiện đề tài Hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu
thuyết của Nguyễn Trí Huân, tác giả khóa luận mong muốn làm rõ những
đóng góp mới mẻ của Nguyễn Trí Huân về hiện thực chiến tranh và con người
trong tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế và Chim én bay Từ đó càng
nhận thức rõ hơn vị trí văn học sử của nhà văn trong đời sống văn học Việt Nam sau 1975
3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu
Nghiên cứu những vấn đề lý thuyết của thể loại tiểu thuyết sau năm 1975 với những đổi mới trong quan niệm về hiện thực và con người
Tìm hiểu về tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Nguyễn Trí Huân Làm rõ hiện thực chiến trường và hiện thực đời thường, lý giải số phận
người lính, người phụ nữ và trẻ em trong hai tiểu thuyết Năm 1975, họ đã
sống như thế và Chim én bay
4 Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4.1 Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu khóa luận là Hiện thực chiến tranh và số phận
con người trong tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân
Trang 124.2 Phạm vi nghiên cứu
Triển khai đề tài Hiện thực chiến tranh và số phận con người trong tiểu
thuyết của Nguyễn Trí Huân, khóa luận tập trung tìm hiểu hai tiểu thuyết: Năm 1975, họ đã sống như thế (1979) và Chim én bay (1988) Và trong một
chừng mực nhất định có thể có sự so sánh, đối chiếu với những tác phẩm khác
để làm rõ đối tượng nghiên cứu
5 Phương pháp nghiên cứu
Trong khóa luân này, chúng tôi sử dụng kết hợp các phương pháp:
- Phương pháp hệ thống
- Phương pháp so sánh
- Phương pháp phân tích tổng hợp
6 Dự kiến đóng góp của khóa luận
Với đề tài này, khóa luận làm rõ hơn về hiện thực chiến tranh và số phận
con người trong hai tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế và Chim én
bay Đồng thời, khẳng định những đóng góp của Nguyễn Trí Huân trong dòng
tiểu thuyết viết về chiến tranh trong bối cảnh hậu chiến
Trang 13CHƯƠNG 1 TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN TRÍ HUÂN TRONG ĐỜI SỐNG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1975
1.1 Thể loại tiểu thuyết sau 1975
Năm 1975 khép lại một thời kỳ lịch sử vinh quang của dân tộc, cũng là năm mở ra một thời kỳ mới cho sáng tác văn học trong yêu cầu tái tạo lại thời
kỳ lịch sử này Được coi là chiếc “máy cái” trong nền văn học hiện đại, thành
tựu và những quy luật vận động của tiểu thuyết có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nghiên cứu văn học sử Ở nước ta, tiểu thuyết chỉ thực sự được khẳng định nhờ tài năng của các cây bút Tự lực văn đoàn và các nhà văn hiện thực giai đoạn 1930-1945 Trên những kinh nghiệm khá phong phú đó, tiểu thuyết Việt Nam sau năm 1945 tự điều chỉnh để trở thành một vũ khí đa dạng trước yêu cầu phục vụ kháng chiến và công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội Các tác phẩm mang tính sử thi trở thành dạng thức tiểu thuyết điển hình trong hai giai đoạn kháng chiến vệ quốc Tiểu thuyết từ 1975 đến nay không cắt lìa truyền
thống đã có nhưng ý thức “làm mới”, “làm giàu”, “làm khác” truyền thống đã
và đang trở thành khát vọng, nhu cầu mạnh mẽ của người cầm bút Với những
nỗ lực đổi mới, bốn thập kỉ qua đã tạo ra không ít tiểu thuyết có giá trị, bên cạnh sự đông đúc của đội ngũ tác giả, sự dồi dào về số lượng tác phẩm là sự
đa dạng về bút pháp, sự phong phú về đề tài và chủ đề Áp lực cạnh tranh từ các phương tiện giải trí - truyền thông, lối sống và nhịp độ sống hiện đại vừa
là yếu tố kích thích vừa là nguy cơ làm hao mòn tình yêu văn chương Người viết bây giờ buộc phải đối diện với đòi hỏi: mỗi nhà tiểu thuyết, mỗi cuốn tiểu thuyết phải sáng tạo ra một hình thức riêng, một nội dung phong phú, xác thực Tiếp thu những thành tựu từ văn học giai đoạn 1945-1975, tiểu thuyết từ sau năm 1975 vẫn tiếp tục khơi sâu vào mảng đề tài chiến tranh vốn là thế
Trang 14mạnh này Nhiều người gọi tiểu thuyết ngay sau năm 1975 là chặng đường chuyển tiếp từ nền văn học cách mạng trong chiến tranh sang nền văn học của thời kì hậu chiến để đi tới công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc, đồng bộ với
sự đổi mới của đất nước từ sau 1986 Trong phạm vi phần này, chúng tôi sẽ chủ yếu đề cập đến tiểu thuyết hậu chiến với những đổi mới về cách tiếp cận hiện thực và con người trong sự vận động và phát triển của thể loại tiểu thuyết sau 1975
Tiểu thuyết hậu chiến lâu nay đã trở thành khái niệm ước lệ chỉ tiểu thuyết viết về chiến tranh ngay sau chiến tranh Đây là thời kì mà ngọn nguồn cảm hứng của tiểu thuyết vẫn nằm trong từ trường của chiến tranh Đối tượng phản ánh của tiểu thuyết hậu chiến có thể là hiện thực chiến tranh, có thể là cuộc sống hòa bình nhưng là một hòa bình trong những dư âm và ảnh hưởng nặng nề của cuộc chiến Điểm chung lớn nhất của các tác phẩm văn học hậu chiến chính là ở nhân vật Đa số họ là những con người đã từng tham gia chiến trận, vừa bước ra khỏi chiến tranh, đối mặt với cuộc sống mới nhưng vẫn còn bị chi phối bởi quán tính của cuộc chiến đấu trường kì, gian khổ trong quá khứ Là một bộ phận tiểu thuyết sáng tác ngay sau chiến tranh, đề cập và tái nhận thức các vấn đề của chiến tranh Điều này mang lại cho tiểu thuyết hậu chiến những quan niệm mới về hiện thực và con người, góp phần tạo nên bước phát triển mới so với loại hình tiểu thuyết chiến tranh trong các giai đoạn trước đó
Quá trình đổi mới tiểu thuyết sau 1975 bắt đầu khá sớm nhưng thầm lặng
với những tín hiệu có tính dự báo trong Miền cháy (1977), Lửa từ những ngôi
nhà (1977) của Nguyễn Minh Châu, Cha và con và… (1979) của Nguyễn
Khải, Đất trắng (Tập 1 - 1979) của Nguyễn Trọng Oánh, Năm 1975, họ đã
sống như thế (1979) của Nguyễn Trí Huân, Trong cơn gió lốc (1980) của
Khuất Quang Thụy… Những tác phẩm này cho thấy ý thức khắc phục cái
Trang 15nhìn lí tưởng hóa một chiều về hiện thực Nếu nói theo Nguyễn Minh Châu
thì cái “lớp men trữ tình hơi dày” mà các nhà văn thường “tráng lên” hiện
thực đang cố được gột tẩy Phạm vi hiện thực được mở rộng, có sự bổ sung những miền hiện thực mới, những góc khuất, những vùng cấm địa mà trước đây chưa có hoặc ít được nói đến Nếu như hiện thực trong chiến tranh đề cập đến những gam go, khốc liệt nhưng rất hào hùng của dân tộc thì sau chiến tranh, bộ mặt thật của hiện thực đã hiện ra với tất cả sự khốc liệt của nó, không còn giản đơn, xuôi chiều như tiểu thuyết trước đây
Sự đổi mới quan hệ nhà văn với hiện thực hậu chiến phải chăng bắt
nguồn từ nhu cầu được nói thật “phương châm nhìn thẳng vào sự thật làm
nhà văn nhận rõ những non yếu của văn học thời kì trước” [25, 12] Hiện
thực chiến tranh lúc này được nhận thức là cái chưa biết, không thể biết, cái phức tạp cần phải khám phá Chính vì vậy, hiện thực trong các sáng tác được người nghệ sĩ lựa chọn, chắt lọc, khái quát và tái tạo Ngay cả ở các tiểu thuyết mà cảm hứng sử thi vẫn giữ vai trò chủ đạo thì hiện thực đều được
miêu tả trên một bình diện mới Chiến tranh trong Đất trắng, Chim én bay, Ăn
mày dĩ vãng… đã đưa độc giả khám phá với một bộ mặt mới của chiến tranh,
ở đó không phải lúc nào cũng có màu đỏ của chiến thắng mà nhiều khi là màu xám của thất bại và chết chóc Có thể nói, thời gian càng lùi xa thì nhà văn càng có cái nhìn kĩ hơn, sâu hơn về cuộc chiến và cách viết của họ cũng đa chiều hơn, toàn diện hơn Những tổn thương của người lính được phản ánh trên tinh thần trung thành tuyệt đối với lịch sử, không bỏ sót một ai và không
bỏ sót điều gì
Bên cạnh việc hướng ngòi bút tới những thời điểm khốc liệt, bi quan của chiến tranh, các nhà văn hậu chiến còn mở rộng phạm vi hiện thực về thời điểm hiện tại - nơi chiến tranh đã đi qua nhưng không phải bình yên đã thực
sự trở lại Đó là lúc những con người trở về sau chiến tranh vẫn không ngơi
Trang 16nghỉ, tiếp tục cuộc chiến đấu tranh để đứng vững trong hoàn cảnh mới Ở khoảnh khắc giao thời này, cái cũ chưa hẳn đã dứt bỏ được, cái mới lại đang chập chững đến, những người trở về từ chiến tranh thực sự thấm thía được những bon chen, lo toan trong cuộc sống mới Họ không phải đấu tranh với kẻ thù nhưng lại phải đối mặt với những khó khăn của thời hậu chiến, với chính những người mình từng gắn bó, thậm chí đối mặt với chính bản thân mình Các nhà văn đã mở ra một hiện thực rộng lớn, đa chiều trước mắt bạn đọc Điểm gặp gỡ chung của các nhà văn viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ
cứu nước là họ đều từng trải qua những năm tháng đầy “máu và hoa” trên
nhiều nẻo đường của đất nước Bởi thế, chiến tranh hiện diện trong tác phẩm không chỉ là những sự kiện, những biến cố lịch sử mà còn là số phận con người Trong hàng loạt tiểu thuyết, các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Bảo Ninh, Chu Lai, Nguyễn Trí Huân… đi sâu khám phá cuộc sống hàng ngày và thể hiện số phận cá nhân; nhìn thẳng vào những mảnh vỡ của đời sống, những
bi kịch nhân sinh; không né tránh cả những mặt tăm tối, góc khuất của cuộc sống thường nhật bằng cái nhìn trung thực và sáng tạo Chính bởi thế, vấn đề con người cá nhân trở thành tâm điểm khai thác của thế hệ nhà văn sau chiến tranh Thực tế cho thấy, trong các sáng tác trước 1975, hình ảnh con người cá nhân bị lu mờ bởi sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của con người công dân với
tiếng hô Xung kích, với sức mạnh Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), với Tầm nhìn xa, với lời kêu gọi Hãy đi xa hơn nữa (Nguyễn Khải); đó là con người cùng với
Đất nước đứng lên (Nguyên Ngọc), đi những dặm dài trong Dấu chân người lính (Nguyễn Minh Châu) khắp mọi nẻo đường đất nước Giờ đây chiến tranh
kết thúc cũng là lúc tiểu thuyết cần có sự trở mình Người đọc bắt gặp trong
Miền cháy; Năm 1975, họ đã sống như thế; Nắng đồng bằng cùng với
những “nhân vật sử thi”, đã thấp thoáng kiểu “nhân vật số phận” Bên cạnh
“con người lí tưởng”, hình ảnh những con người đời thường, bình dị xuất hiện
Trang 17nhiều hơn Cùng với hiện thực đa chiều, con người được nhìn nhận trong nhiều bình diện và nhiều tầng bậc Đặc biệt, nếu giai đoạn trước, văn học dùng con người làm phương tiện để biểu đạt lịch sử thì giờ đây, văn học qua thăng trầm lịch sử mà khắc họa số phận con người
Cùng với sự xuất hiện hình ảnh người lính - hình ảnh quen thuộc của tiểu thuyết chiến tranh, trong sáng tác thời kì này còn nổi bật lên bức chân dung những con người thời bình Vẫn là những hình ảnh đẹp, song bước ra từ cuộc chiến, những người lính chĩu nặng suy tư, với ám ảnh sâu sắc về quãng thời gian đã qua, với bộn bề suy nghĩ, dằn vặt và một tâm hồn mang đầy thương
tích như Quy (Chim én bay), Kiên (Nỗi buồn chiến tranh)… Mỗi nhân vật
trong tiểu thuyết hậu chiến đều có một số phận riêng, một cảnh ngộ riêng song họ gặp nhau ở một điểm đó là những thương tổn tinh thần
Không chỉ khắc họa hình ảnh người lính với niềm say mê lí tưởng nhiều tác phẩm còn lột trần bộ mặt đớn hèn, tham sống sợ chết, háo sắc và phản bội Bên cạnh đó, tiểu thuyết hậu chiến còn đặc biệt chú ý khai thác và tô đậm hình ảnh người lính với những đổ vỡ của tâm hồn, mang thương tật vĩnh viễn
Đối với người lính trong Ăn mày dĩ vãng, Chim én bay, Nỗi buồn chiến tranh,
Bến không chồng… Chiến tranh như một định mệnh nghiệt ngã, một “nhát dao phạt ngang” cuộc đời Thể hiện hình ảnh người lính trong tâm trạng đầy
bi kịch này, dường như các nhà văn đã nhận thức rõ được sự chi phối mạnh
mẽ của hoàn cảnh chiến tranh đến số phận con người Người lính giờ đây không còn là những con người vĩ đại có thể thay đổi lịch sử mà đôi khi họ còn yếu đuối, bất lực, thường xuyên rơi vào bi kịch cô đơn, lạc lõng
Cùng với việc mạnh dạn khai thác những bi kịch sâu sắc trong cuộc đời
mỗi con người Các nhà văn “gửi gắm những câu hỏi nghiêm túc về con
người, về cuộc vật lộn giữa con người với hoàn cảnh để tìm kiếm chính mình”
[2, 51] Có thể coi đây là hướng đi mới của tiểu thuyết chiến tranh trên con
Trang 18đường đổi mới thể loại và cách tân văn học Nó đặt tiền đề cho các tiểu thuyết
về sau trong việc khám phá hiện thực và thể hiện số phận con người
1.2 Tác giả Nguyễn Trí Huân và thể loại tiểu thuyết
1.2.1 Đôi nét về tiểu sử
Nguyễn Trí Huân sinh ngày 20/9/1947 tại xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ) Hiện nay, ông đang sống ở Hà Nội, là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, phó Tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam kiêm Tổng
biên tập tuần báo Văn nghệ (từ 2005)
Về con người Nguyễn Trí Huân, nhà văn Vương Trọng từng tâm sự:
“Huân là một người kiểu Từ Bích Hoàng (Nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội), tức là khi chia phần cho anh em, bao giờ cũng thích
nhận phần ít hơn về mình Như thế nếu nhận phần ít hơn này Huân mới thấy lòng nhẽ nhõm” [18] Nhà văn sống khép mình, khá khiêm nhường và luôn có
cái nhìn cuộc sống ôn hòa Trong mỗi con người, bên cạnh những mặt chưa hoàn thiện, ông luôn nhìn ra và tìm ra những nét đẹp tiềm ẩn của họ Bản thân
giữ nhiều chức vụ cao và được tín nhiệm song ông luôn tự nhận “So với các
anh, các chị ở đây, tôi còn nhiều điểm thua kém Từ tuổi nghề, tuổi quân, kinh nghiệm sống và cả những đóng góp văn học” [18] Ông quan niệm rằng, “nhà văn cũng như mọi người, cũng có mặt chưa được Nhưng trước trang giấy thì
họ thánh thiện đấy” [18] Những trang văn dào dạt lòng thương cảm, niềm xót
xa và nhân văn sâu sắc của Chim én bay, Dòng sông của Xô nét, Mặt cát,…
Có lẽ đã khơi nguồn từ tâm hồn “thánh thiện” ấy
Tuổi thơ của Nguyễn Trí Huân gắn bó với quê hương Hà Tây Học xong phổ thông cũng là lúc vừa tròn 18 tuổi, ông vào bộ đội, thuộc lực lượng phòng không không quân Trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Ông là chiến sĩ công binh, sau làm phóng viên quân chủng Đây là quãng thời gian đầu tiên nhà văn bắt đầu cuộc sống binh nghiệp Chính tại tờ báo quân chủng,
Trang 19ông đã viết truyện ngắn đầu tiên được in trên tạp chí Văn nghệ quân đội Năm
1971, sau khi học xong lớp bồi dưỡng nhà văn khóa 4, khóa đặc biệt dành cho chiến trường, ông được điều vào khu V làm phóng viên và biên tập viên tạp
chí Văn nghệ quân đội miền Trung Trung Bộ Mặt trận khu V nói chung và
mặt trận Quảng Đà nói riêng thời kì này vô cùng ác liệt Ông đã cùng đồng nghiệp xuống tận cơ sở, bám trụ và viết
Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Nguyễn Trí Huân tham gia đội hình của sư đoàn 3 - Sao vàng vào giải phóng Đà Nẵng, Phan Rang, Bà Rịa, sau đó ra tiếp quản Côn Đảo Sau này, hình ảnh sư đoàn 3 đã in đậm và trở thành không gian chính trong các sáng tác của nhà văn
Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, Nguyễn Trí Huân về trại sáng tác văn học thuộc quân khu V Cuối năm 1979, ông trở lại Hà Nội và học khóa I trường viết văn Nguyễn Du Tốt nghiệp khóa học, Nguyễn Trí Huân
được tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đều về tạp chí Văn nghệ
quân đội làm biên tập viên rồi làm trưởng ban văn xuôi Ít lâu sau, ông được
đề bạt làm Phó tổng biên tập rồi Tổng biên tập tạp chí Văn nghệ quân đội
Ông được bầu làm ủy viên ban chấp hành khóa VII, ủy viên Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam Hiện nay, Ông là Phó tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam
kiêm Tổng biên tập tuần báo Văn nghệ
Cũng như bao người lính trên khắp đất nước Việt Nam, cuộc đời của Nguyễn Trí Huân cũng bị chiến tranh gây nên những thương tổn nặng nề Đất nước hòa bình nhưng người anh trai của ông nằm lại nơi chiến trường Vành khăn tang như vòng kim cô siết chặt trên đầu mỗi thành viên trong gia đình
Có lần ông tâm sự: Tôi là người lính, cũng như nhiều gia đình Việt Nam khác, gia đình tôi đã bị cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ xé rách Cho đến nay đã
ba mươi năm trôi qua, cái chết của anh tôi đối với cha mẹ tôi, chị tôi vẫn khủng khiếp như vừa mới xảy ra hôm qua Có chăng số phận may mắn hơn
Trang 20nên ông được hưởng trọn vẹn niềm vui ngày chiến thắng và tiếp tục cống hiến cho dân tộc trong suốt chặng đường phát triển từ sau khi hòa bình lập lại; nhà
văn có cơ hội ghi lại quãng thời gian “không thể nào quên” trong cuộc đời
mình qua những trang văn, trang báo
Đi qua bão táp của dân tộc, Nguyễn Trí Huân ngời sáng như một tấm gương sống dũng cảm dám dấn thân và nhập cuộc với cuộc đời Gắn bó và có những cống hiến lớn lao đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, văn học dân tộc, nhà văn Nguyễn Trí Huân đã được trao tặng những giải thưởng lớn: Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam (1988-1989), Giải thưởng văn học Bộ Quốc phòng (1989), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007
- Mặt cát (Tập truyện và ký, 1977)
- Năm 1975, họ đã sống như thế (Tiểu thuyết, 1979)
- Dòng sông của Xô nét (Truyện, 1980)
- Chim én bay (Tiểu thuyết, 1988)
- Dấu thời gian (Ký, 2004)
Có thể nhận định rằng, hầu hết sáng tác của Nguyễn Trí Huân đều tập trung vào đề tài lớn là chiến tranh cách mạng và người lính Với ông viết về chiến tranh không đơn thuần chỉ là một đề tài văn chương, mà nó dường như
là máu thịt, là món nợ ân tình khó có thể dứt bỏ
Trang 21Dù viết ít song tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân có một vị trí nhất định trong bức tranh chung của tiểu thuyết giai đoạn hậu chiến và làm phong phú thêm mảng tiểu thuyết viết về chiến tranh thời kì này Với hai cuốn tiểu thuyết nhưng nhà văn Nguyễn Trí Huân đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả và thành công trong sáng tác của ông cũng được giới lí luận, phê bình
ghi nhận Có thể nói, nếu Đất trắng làm nên Nguyễn Trọng Oánh, Ăn mày dĩ
vãng làm nên Chu Lai, Nỗi buồn chiến tranh nổi danh cùng tên tuổi Bảo
Ninh, Lê Lựu gắn với Thời xa vắng, Dương Hướng đi cùng Bến không chồng thì nhắc đến Năm 1975, họ đã sống như thế hay Chim én bay là nhắc tới nhà
văn - nhà báo Nguyễn Trí Huân
Tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế lấy cảm hứng từ chiến thắng
của chiến dịch Hồ Chí Minh với tâm điểm là khoảng thời gian gần ngày giải phóng 30 tháng 4 năm 1975 Trong tiểu thuyết không có nhân vật nào là nhân
vật trung tâm, các nhân vật Thư, Thức, Thiết, Mạc, Nhã… xuất hiện rải rác,
đan xen nhau Mỗi con người một quê hương, một tính cách nhưng họ luôn sát cánh cùng nhau và chia sẻ khó khăn trong lúc bom rơi, đạn nổ nơi chiến
trường Bằng việc tạo ra sự đa dạng về điểm nhìn, Năm 1975, họ đã sống như
thế đã đem lại những góc nhìn đa diện về cuộc chiến tranh Việc sử dụng nhật
kí của một tên sĩ quan ngụy chết trước cuộc tổng tiến công mùa xuân năm
1975 ở ngay những trang đầu tiên trong tiểu thuyết, bản chất chiến tranh từ
phía địch được lộ rõ: “Chiến tranh cần thiết hay vô ích? Nó nâng cao con
người hay hủy hoại con người? Thật ra, cho đến giờ phút này ta cũng chưa thể đưa ra một kết luận nào chắc chắn” [16, 8] Với người lính ở phe ta, tham
gia cuộc chiến tranh chính là một sự tự nguyện, là sự cống hiến hết mình cho
Tổ quốc Nhưng với sĩ quan ngụy, chiến tranh chỉ là “Một đống sự phi lí, méo
mó” trong cái tập thể “ung thối” Chiến tranh đã hủy hoại cả một thế hệ trẻ,
người ta gọi họ đi lính “như thể lùa những con vịt vô chuồng”, khiến họ bị
Trang 22dồn vào thế cùng, “bị kìm hãm”, “rồi rơi vào trạng thái thối rữa” nhưng
không có cách nào thoát ra được Đặt chiến tranh trong cách nhìn của một người lính phía bên kia chiến tuyến, nhà văn đã mang đến cho tiểu thuyết bức phác họa chiến tranh chân thực và sống động
Năm 1975, họ đã sống như thế ghi nhận sự đổi mới mạnh mẽ trong việc
phản ánh chiến tranh và xây dựng hình tượng người lính Khác với tiểu thuyết
sử thi giai đoạn 1945-1975, tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân đã xây dựng được kiểu nhân vật tập thể cùng với các nhân vật cá nhân khách quan và chân thực
hơn Bên cạnh hình ảnh người lính “ít tính lí tưởng”, không hoàn hảo, sạch sẽ, không được “bao bọc trong bầu không khí vô trùng” như trước đây thường thấy, người lính trong Năm 1975, họ đã sống như thế cũng có những phút đớn
hèn, nhát sợ với tư tưởng quay đầu và hơn nữa là chân dung của những kẻ
phản bội mà dưới con mắt của Mạc đó là “vài dúm cứt sắt” do “lò luyện thép” chiến tranh “thải ra” Bằng việc sử dụng ngôn ngữ nhân vật, ngôn ngữ gần
gũi với đời sống, Nguyễn Trí Huân đã đem đến cho tiểu thuyết sử thi một diện mạo mới, một cách tiếp cận gần gũi và hiệu quả từ người đọc
Chim én bay, tiểu thuyết dày hơn 200 trang, dạo đầu bằng một bài ca:
… “Em mong sao trên trái đất hoa thơm nở bốn mùa
Em mong sao trên trái đất không còn chia li
Em mong sao trên trái đất mọi con người Như em đây là chim trắng bay giữa trời
Sống để yêu thương”…
Người ta cứ nghĩ đó là một khúc ca bình yên vậy mà lại có quá nhiều bão
tố Tiểu thuyết trải dài trong khoảng thời gian hơn 10 năm và cô đặc trong không gian của dải đất nhỏ hẹp vùng duyên hải Trung Bộ Nguyễn Trí Huân
đã tạo ra sự đối lập nghiệt ngã giữa số phận trẻ em và chiến tranh Chiến tranh
đã cắt những vết thương lên tâm hồn và thể xác những em nhỏ - đội viên đội
Trang 23Chim én, khi chưa hiểu thế nào là qui luật của chiến tranh thì các em đã bị nó
cuốn vào guồng quay khốc liệt như mọi sinh linh khác Quy trở thành trẻ mồ côi khi chưa tròn 12 tuổi, 15 tuổi trở thành đàn bà và mất vĩnh viễn quyền làm
mẹ Có lẽ, không ở đâu như trên đất nước Việt Nam, thứ “đồ chơi” duy nhất
đầy sức ám ảnh với tuổi thơ Quy, Dũng, Thêm, Dũng nhỏ và những con én bé nhỏ khác là cây Ru-lô, khẩu K54, quả lựu đạn… những thứ vũ khí đen ngòm
và vô tình của chiến tranh Không ở đâu mà “trò chơi” duy nhất trong tuổi thơ
của các em lại là việc đi tìm diệt những kẻ phản bội đã gây nên tội ác với gia
đình và đồng bào mình Chim én bay không chỉ đặc tả được những khuôn mặt
dị dạng và gớm ghiếc của chiến tranh mà còn đặt ra vấn đề nhân đạo Đặc biệt, với việc xây dựng kết cấu theo dòng kí ức, sử dụng đắc địa thủ pháp đồng hiện Nguyễn Trí Huân đã tạo được một hiệu ứng đặc biệt trong cảm xúc của độc giả
Là một nhà văn không có nhiều sáng tác, song Nguyễn Trí Huân đã có những đóng góp quan trọng vào sự đổi mới văn học sau 1975, đặc biệt là ở thể loại tiểu thuyết Qua nhiều thế hệ, các sáng tác của ông luôn được bạn đọc đón nhận với niềm yêu mến và trân trọng
Tiểu kết: Tiểu thuyết hậu chiến tiếp nối mạch nguồn của đề tài chiến tranh từ văn học chống Pháp, chống Mỹ nhưng đã tạo dựng được một diện mạo hoàn toàn mới thông qua việc thay đổi cách tiếp cận hiện thực và phản ánh con người Hòa vào dòng chảy chung của tiểu thuyết sau 1975, tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân không chỉ góp phần làm phong phú thêm bức tranh chung của tiểu thuyết hậu chiến mà còn tạo được những nét chấm phá trong bức phác họa về chiến tranh ấy
Trang 24CHƯƠNG 2 HIỆN THỰC CHIẾN TRANH VÀ SỐ PHẬN CON NGƯỜI
TRONG TIỂU THUYẾT CUẢ NGUYỄN TRÍ HUÂN -
NHÌN TỪ NỘI DUNG PHẢN ÁNH
2.1 Bức tranh hiện thực
Văn học là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội, nhà văn là người thư
kí trung thành của thời đại Vì vậy, văn học gắn bó với chức năng phản ánh hiện thực Sau 1975, chiến tranh chấm dứt, đất nước chuyển sang một thời kì mới Do đó, viết về hiện thực chiến tranh người nghệ sĩ không bị bó buộc trong những tư tưởng định sẵn mà thể hiện tính đa chiều của hiện thực Nhiều bình diện của chiến tranh: quá khứ, hiện tại, tương lai, chiến trường, hậu phương, tổn thất, vinh quang được nhà văn đi sâu khám phá và thể hiện Nằm trong xu hướng đổi mới đó, tiểu thuyết Nguyễn Trí Huân mở rộng chiều kích
và có cái nhìn toàn diện về bức tranh hiện thực cả trong và sau chiến tranh
2.1.1 Hiện thực chiến trường
Xuất phát từ những trăn trở của một ngòi bút đầy trách nhiệm, nhà văn Nguyễn Trí Huân đã thoát được lối mòn của tiểu thuyết cách mạng và tìm đến một lối viết không chỉ nói đến thắng lợi mà còn phải nói đến nỗi đau khổ do quân thù gây lên Chính lẽ đó, hiện thực chiến tranh trong tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân là hiện thực được nhận thức lại, ở đó có những chiến công làm bừng lên sức mạnh, ý chí của dân tộc và có cả những khó khăn, bi quan tưởng như không thể gượng dậy
Tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế tái hiện cuộc chiến tranh
chống Mỹ cứu nước ở thời điểm ác liệt của lịch sử khi nó đã tiến sát đến ngày tổng tiến công 30 tháng 4 năm 1975 Theo đó, mạch sự kiện, diễn tiến các trận đánh vẫn là sợi dây xuyên suốt tác phẩm Tuy nhiên, khác hẳn với không
Trang 25khí sử thi hừng hực khí thế trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh
Châu, ngay từ đầu tiểu thuyết đã mở ra một khung cảnh tan tác khi D3 để mất cao điểm 174 Súng nổ, lựu đạn liên tiếp ném xuống, anh em thương vong
gần hết “ba người ngồi nép vào nhau trong căn hầm sụt lở giữa đỉnh đồi
Thỉnh thoảng một mảng trời méo mó lại lộ ra sau màn khói đạn dày đặc” [16,
33], “Sau mỗi loạt pháo (…) đầy khói đạn cứ loang lổ dần, thăm thẳm trên
đỉnh đầu” [16, 34] Mất cao điểm 174, cuộc chiến liên tiếp rơi vào những tình
huống vô cùng khó khăn Đặc biệt, càng đến những ngày cuối cùng của chiến dịch, trận tuyến giữa ta và địch càng co hẹp lại Ở bên này, Phác, Duật và cả
sư trưởng Khâm dù muốn hay không vẫn phải nhắm bắn thẳng về phía bên kia trong đó có em, anh và con mình Chiến tranh đã len lỏi vào mỗi gia đình và họ nghiễm nhiêm phải đối mặt nhau, trở thành kẻ thù của nhau trên chiến tuyến
Bối cảnh chính của tiểu thuyết diễn ra ở Hoài Châu, Hoài Nhơn nhưng chiến trường đã bị thu hẹp đến cùng cực Có những lúc ranh giới giữa ta và địch chỉ cách nhau một con đường, một ngôi nhà, thậm chí một bức tường đổ
Rõ ràng, dù vẫn mang âm hưởng sử thi khi miêu tả chiến tranh nhưng nhà văn
đã hướng ngòi bút của mình đến gần sát hơn với hiện thực Ở đó, người đọc
như được nhìn vào cận cảnh với “đạn nổ choang chác, veo véo ở xung quanh”
[16, 211] Đối với vùng bắc Bình Định, bom đạn đã in dấu trên những căn nhà, những thửa ruộng, gần như không đâu là không có hố bom, hố đạn Những ngôi mộ nằm kề sát những ngôi nhà, những căn hầm Không né tránh những thời điểm khốc liệt nhất của chiến tranh, Nguyễn Trí Huân đã cho người đọc thấy được diễn biến chân thực nhất của nó Có những lúc cả ba tiểu đoàn, chỉ sau trận đánh đầu tiên, quân số còn lại quá ít ỏi Tiểu đoàn pháo binh của Phác, tiểu đoàn công binh của Khải liên tục được tăng cường nhưng cũng liên tục gặp phải thất bại Phương án vượt sông không thành, đến cuộc
hành quân đường bộ thì người nào cũng mệt nhoài “càng đi càng có cảm giác
Trang 26đang bị lún sâu trong đầm, như không bao giờ tới bờ bên kia nổi” [16, 316]
Trước năm 1975, chưa bao giờ người đọc bắt gặp trong tiểu thuyết những hoàn cảnh bi thương đến thế
Mặc dù vẫn thiên về cảm hứng sử thi nhưng hiện thực chiến tranh trong
Năm 1975, họ đã sống như thế đã được dồn nén cả về không gian và thời
gian Nhà văn tập trung miêu tả không khí của trận địa pháo bằng những thời
khắc rất ngắn, thường là “nửa giờ”, “mười phút sau”, “hơn một giờ” hoặc những mốc thời gian chính xác: “tám giờ”, “chín giờ”, “năm giờ sáng”, “bảy
giờ tối”, “nửa đêm”, “một giờ sáng”, “ba giờ sáng” Bằng những điểm thời
gian ấy, tác giả như đang dẫn dắt người đọc cùng chứng kiến mỗi bước chuyển biến của trận địa Cuộc chiến diễn ra căng thẳng trong từng giây phút, thế trận liên tục chuyển dịch giữa ta và địch, khi thì hỏa lực pháo binh địch bắn điên dại nhưng có lúc lại nằm câm bặt, không có lấy một phản ứng nhỏ Cũng có khi nhà văn tập trung miêu tả những cuộc hành quân của người lính
“đêm như vỡ ra bởi những tiếng nổ ở cả hai phía bờ sông Pháo ta bắn, pháo
địch bắn Nhiều quả rơi xuống mặt nước, sóng dập vào bờ sú óc ách Đại đội
đi thành hàng một, vai vác pháo, chân sục trong bùn Không thể phân biệt được người nào là du kích, người nào là bộ đội chủ lực nữa Tất cả đều cởi trần, cài ngụy trang nom như những khóm cây di động” [16, 301] Mỗi người
lính đều lặng lẽ, gấp gáp bởi chiến tranh không chờ đợi một ai và cuộc chiến càng lúc càng bất lợi cho phía ta
Trong cảm nhận của một sĩ quan ngụy chết trước tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, chiến tranh cũng khốc liệt không kém Giữa bộn bề những nghĩ suy, trăn trở sĩ quan ngụy đã phác họa diện mạo chiến tranh đen đúa, tăm tối ở phía địch Ngay trong căn hầm tên lính ngụy đang sống luôn lổn nhổn những mảng xương người đen thẫm, nồng nặc mùi hôi thối bốc lên
và không hiếm những mảng sọ đang nhe răng cười ở một góc hầm Kinh
Trang 27khủng hơn, một tên lính ngụy còn lấy một mảng sọ người in hằn những đường dây thần kinh trên não bộ gọt một thẻ bùa hộ mệnh đeo trước ngực Chết chóc luôn lảng vảng ngay quanh sự sống của mỗi người lính ngụy và đối với họ, nó cũng không còn lạ lẫm gì So với hiện thực trần trụi của chiến tranh ở phía ta thì bộ mặt chiến tranh ở phía địch được Nguyễn Trí Huân nhìn thẳng, nhìn sâu vào sự thật, mở ra những vùng hiện thực mới mà trước đây chưa từng được biết đến trong tiểu thuyết chiến tranh
Cũng như Năm 1975, họ đã sống như thế, Chim én bay mở ra bằng thời
điểm khó khăn của cách mạng sau cuộc tập kích chiến lược tết Mậu Thân Sư đoàn Sao Vàng, một sư đoàn chủ lực của chiến trường khu 5, từng làm cho sư đoàn không vận số 1 của Mỹ điêu đứng cũng bị đẩy dần dần khỏi đồng bằng, khỏi vùng ranh và cuối cùng bị đẩy bật lên thượng nguồn sông Côn Theo cách miêu tả của nhà văn, đó là những năm tháng của pháo bầy, của bom rải thảm Nguyễn Trí Huân đã giúp bạn đọc hình dung được cái dữ dội, điên cuồng của chiến tranh trên mảnh đất Bình Định vốn đã khắc nghiệt này
Sự khốc liệt của chiến trường còn hiện lên rõ nét qua những cái chết thảm
thương Từ tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế cho đến Chim én bay,
hình ảnh cái chết của các nhân vật xuất hiện nhiều và có sức ám ảnh lớn Nếu
như trong chiến tranh, “điều không bình thường đã trở nên bình thường” thì
cái chết cũng vậy Có những cái chết không rõ nguyên nhân, bất ngờ và đột ngột Trong số những cái chết được nhắc đến, cái chết của Mạc là cái chết từ
từ đầy ám ảnh: “nước ộc vào miệng, vào mũi, vào tai mạc Mạc giãy giụa,
ngột ngạt Những chiếc bong bóng nổi trên mặt sông Con sông nước mặt, xanh thẫm Sóng vẫn ào ạt đổ qua trụ cầu gãy, cuốn theo những chiếc ván thuyền còn nổi trên sông, ra biển” [16, 331] Cái chết của anh Dương, chị
Hảo, của Dũng, của ba Quy trong Chim én bay cũng vô cùng thê thảm và đau đớn, “Cách chỗ chị vài sải tay Dũng nằm, ngực vỡ nát Đôi ống chân gầy gò
Trang 28của Dũng mở rộng, đầu ngật về một bên” [15, 93] Từ nhân vật chính đến
nhân vật phụ, từ kẻ tiểu nhân, phản bội đến người anh hùng, trên chiến trường
ác liệt cái chết đều không buông tha một ai Rõ ràng, khi được nhìn sâu vào bản chất, nhìn gần vào thực tế, chiến tranh hiện lên qua các tiểu thuyết hậu chiến với diện mạo hoàn toàn khác so với tiểu thuyết trước năm 1975 Ở đó, người đọc thấy được sự dữ dội của cuộc chiến đấu giữa ta và địch, những thiệt hại nặng nề, những thời điểm khó khăn, thất bại và cả sự chịu đựng đến mức ghê gớm của con người Tô đậm cái hiện thực trần trụi ấy của chiến tranh,
tiểu thuyết hậu chiến đã giúp ta hiểu rằng cái giá phải trả cho hai chữ “hòa
bình” là biết bao xương máu của những người đã từng cầm súng
Cho đến nay cả thế giới vẫn không khỏi ngỡ ngàng tại sao một đất nước nhỏ bé với vũ khí quân sự thô sơ lại có thể chiến đấu và chiến thắng Thực dân
Pháp và Đế quốc Mỹ - Hai cường quốc lúc bấy giờ Đó là bởi, “nhân dân ta
có một lòng nồng nàn yêu nước”, một ý chí, một tinh thần chiến đấu quật
cường, lớp này ngã xuống, lớp kia đứng lên… tất cả vì một ngày toàn thắng Bởi vậy, chiến trường càng khốc liệt bao nhiêu, hi sinh lớn lao bao nhiêu thì chiến thắng lại càng vẻ vang bấy nhiêu Trong tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân, bên cạnh việc phản ánh chiến trường bom đạn ác liệt, nhà văn cũng không quên khắc họa những chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta Đó là
giây phút thực hiện nhiệm vụ: “Anh ráng chờ cho chiếc trực thăng đỗ hẳn
xuống mặt đất Người anh nổi da gà vì quá căng thẳng và sung sướng Cái sung sướng của một người đi săn bắt gặp một con mồi đang lao vào tầm bắn của mình” (Năm 1975, họ đã sống như thế) Người chiến sĩ bình tĩnh và làm
chủ tình thế, chính bởi có những con người như anh mà quân ta đã nắm được
thế chủ động: “Địch có hiện tượng tháo chạy Chuẩn bị thọc nhé, thọc thật
mạnh” (Năm 1975, họ đã sống như thế) Trước sức mạnh và ý chí “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh” của quân ta, kẻ địch “luôn luôn cảm thấy mất an toàn
Trang 29ở bất kì nơi nào chúng đặt chân đến, những cái chết bất đắc kì tử, khủng khiếp luôn treo lơ lửng trên đầu chúng” (Chim én bay) Chiến trường mưa
bom, bão đạn dần được thay thế bằng những lá cờ rợp đỏ, những khúc hát,
những khẩu hiệu đầy hào khí và trang nghiêm: “Người, xe như nối thêm, dài
bất tận trên các ngả đường đổ về Sài Gòn Bộ đội vừa hành quân vừa hát, những khúc hát về Bác Hồ” (Năm 1975, họ đã sống như thế) Việc mở đầu tác
phẩm bằng những khó khăn, những mất mát của nhân dân ta và khép lại bằng những chiến thắng vang dội, Nguyễn Trí Huân đã cho độc giả một cái nhìn toàn vẹn về chiến trường - nơi mất mát, hi sinh và gian khổ và cũng là nơi chiến đấu, chiến thắng và làm chủ cuộc đời
2.1.2 Hiện thực đời thường
Song song với hiện thực chiến trường là bức tranh hiện thực đời thường với đủ gam màu sáng tối Đây là điều đáng ghi nhận ở tiểu thuyết của Nguyễn Trí Huân Bằng những trải nghiệm của mình, Nguyễn Trí Huân đã cho bạn đọc thấy được một thực tế rằng dù chiến tranh đang diễn ra hay đã kết thúc thì cuộc sống vẫn vận động theo đúng quy luật của nó với những nghịch lý, cần phải nghĩ suy
Trong tiểu thuyết Năm 1975, họ đã sống như thế, Nguyễn Trí Huân đã
mạnh dạn phơi bày những thực trạng mà trước đây người ta thường né tránh Qua câu chuyện của Thăng và Mạc, hậu phương miền Bắc - Nơi một lòng
hướng về miền Nam ruột thịt lại hiện lên ở một góc độ khác: “Anh không thể
lường trước được trong lúc hàng triệu người hy sinh máu mủ của mình thì một số người cũng là cán bộ, đảng viên lại sống một cuộc sống khác hẳn Anh
có còn nhớ tay Phẩm, phó phòng thương nghiệp không? Sống như ông vua con Người ta bảo hồi đi đánh Pháp về, mãi tới năm sáu lăm, sáu sáu, anh ta vẫn chỉ là một anh chàng nghèo rớt mồng tơi, có đồng nào vắt mũi đút miệng đồng ấy Vậy mà chỉ ba bốn năm sau, người làng bỗng bật ngửa khi thấy anh
Trang 30ta mướn ô tô chở gạch ngói về xây nhà, mua giường, sắm tủ, cứ như bắt được của… Rồi anh ta lên phó phòng, bắt đầu sắm xe máy kiểu mới nhất của Đức Con cái anh ta, mới nhỏ xíu đã xuyến, nhẫn, đồng hồ y như con cái tư sản”
[16, 149] Những điều này, Nguyễn Trí Huân đã viết cách đây ngót bốn mươi năm nhưng vẫn nóng hổi ý nghĩa thời sự giống hệt những lời báo chí mới hôm qua viết về những vụ tham nhũng lớn Phải chăng, nhà văn đã nhìn thấy được những mâu thuẫn tồn đọng trong xã hội mới đang hình thành đằng sau cuộc chiến tranh đạn bác nơi chiến trường Trong dự cảm của tác giả, cuộc sống thời bình cũng đầy rẫy những bất công, phi lí không kém gì thời chiến và đối mặt với nó là điều không dễ dàng
Bức tranh đời thường xuất hiện rải rác trong Năm 1975, họ đã sống như
thế nhưng phải đến Chim én bay mới thực sự rõ nét Tác phẩm ra đời đã góp
phần gióng lên một hồi chuông về những nghịch lí mà con người đang phải đối mặt
Chim én bay mở ra với không khí tươi vui, rộn ràng ngập tràn những
trang tiểu thuyết Chiến tranh đi qua, nhưng một cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu Nhân dân cả nước chung tay xây dựng kinh tế và khôi phục đất nước Nhiều đoàn hội được thành lập, cán bộ được phân bổ để giúp bà con ổn định cuộc sống Ruộng được chia lại, tổ hợp sản xuất được ra đời Một mặt khôi phục và xây dựng nước nhà, mặt khác nhân dân ta còn góp sức chung lòng với người anh em Campuchia vượt qua họa diệt chủng mùng 7 tháng giêng
năm 1979 với tinh thần “tương thân tương ái”, “một nắm khi đói bằng một
gói khi no” Bức tranh sinh động của cuộc sống ấy cho phép chúng ta có niềm
tin vào một tương lai tươi đẹp Thế nhưng đằng sau đó còn ẩn chứa cả một câu chuyện dài mà nhà văn đang trăn trở Sau chiến tranh, huyện chị Quy có hơn một vạn liệt sĩ, ngót nghét một vạn tên lính ngụy, công chức làm việc dưới chính quyền ngụy Những gia đình có công với cách mạng đã được đãi