PHẦN MỞ ĐẦU Chiến lược phát triển thể thao thành tích cao đã xác định: “Phát triển thể thao thành tích cao là một trong ba nhiệm vụ xuyên suốt của ngành, từ đó xác định các biện pháp, hoàn chỉnh từng bước hệ thống đào tạo tài năng thể thao quốc gia, mà điểm khởi đầu là công tác đào tạo tài năng trẻ quốc gia” [59]. Để thực hiện được mục tiêu đó, cần phải nghiên cứu lựa chọn những giải pháp có hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo tài năng thể thao, theo đó trước hết cần tập trung vào một số môn thể thao mũi nhọn. Trong những năm gần đây, thể thao Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc qua các giải thi đấu thể thao ở khu vực và Châu lục. Để đạt được mục đích thể thao VĐV cần được quản lý hợp lý, đào tạo một cách hệ thống và lâu dài qua các giai đoạn huấn luyện khác nhau. Công tác TDTT nói chung và đào tạo VĐV trẻ nói riêng chỉ thực sự có hiệu quả khi có một hệ thống quản lý phù hợp, chặt chẽ từ trung ương đến địa phương. Hệ thống quản lý chặt chẽ sẽ thúc đẩy sự nghiệp TDTT của một địa phương phát triển mạnh mẽ, tạo cơ hội đào tạo nhiều VĐV trẻ có thành tích cao cả ở những môn thể thao truyền thống và thể thao hiện đại, từ đó nâng cao thành tích thể thao của Việt Nam trên đấu trường khu vực, châu lục và thế giới. Công việc này trước tiên phải nói đến yếu tố con người trong bộ máy tổ chức thực hiện các hoạt động TDTT, các cán bộ TDTT có năng lực, nhiệt tình trong công tác ở địa phương, cơ sở góp phần rất lớn trong việc tổ chức, hướng dẫn nhân dân tập luyện, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành TDTT đến từng cơ sở, từng người dân, thúc đẩy phong trào TDTT phát triển rộng khắp, góp phần đẩy mạnh xã hội hoá TDTT ở nước ta. Karatedo là một môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam. Tuy hình thành muộn hơn so với các môn thể thao khác, song Karatedo đã nhanh chóng phát triển rộng rãi khắp cả nước. Đặc biệt Karatedo ngày càng chứng tỏ được tiềm năng của môn thể thao thế mạnh. Các vận động viên Karatedo đã giành được nhiều thành tích trong các cuộc thi đấu lớn như: đoạt 2 huy chương vàng (HCV) tại Asiad 14; 12 HCV tại SEAGames 22; 6 HCV SEAGames 23; 4 HCV SEAGames 24; 6 HCV SEAGames 25..., từng bước khẳng định vị thế của một môn thể thao mũi nhọn. Tuy nhiên, để môn Karatedo tiếp tục vươn xa hơn nữa cần có chủ trương, định hướng khoa học, cần có một qui trình đào tạo VĐV hoàn chỉnh và toàn diện. Toàn diện tức là phải có lực lượng VĐV, có sự chuẩn bị cho VĐV đầy đủ các phẩm chất chuyên môn và những điều kiện đảm bảo cho công tác đào tạo VĐV. Karatedo Hà Nội luôn là đơn vị đóng góp nhiều VĐV cho đội tuyển Karatedo quốc gia, mang lại nhiều huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam tại Đại hội thể thao khu vực và cũng là đơn vị luôn dẫn đầu tại các giải thi đấu Karatedo toàn quốc. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua thành tích của các VĐV Karatedo Hà Nội bắt đầu giảm sút, đánh mất dần vị thế “nhất toàn đoàn” tại các giải trẻ toàn quốc, vô địch quốc gia và mới nhất, VĐV Karatedo Hà Nội đã không giành được huy chương vàng nào tại SEAGames 26. Đây đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu đối với các nhà quản lý và các huấn luyện viên Karatedo Hà Nội. Từ trước tới nay, Karatedo Hà Nội tuy có hệ thống đào tạo VĐV nhưng công tác đào tạo VĐV Karatedo trẻ của Hà Nội chưa được coi trọng nhiều. Hầu hết chỉ chú trọng về trình độ chuyên môn của VĐV mà chưa có ai quan tâm tới đội ngũ huấn luyện viên, những khó khăn và thuận lợi của VĐV trong quá trình tập luyện, chế độ chính sách cho VĐV hay một số điều kiện đảm bảo cho việc tập luyện và thi đấu của các VĐV... Xác định tầm quan trọng của công tác đào tạo VĐV Karatedo trẻ của Hà Nội đối với thành tích của Karatedo Hà Nội và của Việt Nam trong thời gian sắp tới, đồng thời với yêu cầu cấp bách cần thiết phải nâng cao công tác đào tạo VĐV và trình độ của VĐV Karatedo, nhất là với các VĐV đang trong giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu, giai đoạn đặt nền móng cho sự phát triển thành tích và trình độ thể thao, tôi tiến hành nghiên cứu đề tài: “Nghiên cứu đánh giá công tác đào tạo vận động viên Karatedo Hà Nội giai đoạn chuyên môn hoá ban đầu”. Mục đích nghiên cứu: Đề tài nghiên cứu đánh giá công tác đào tạo VĐV Karatedo Hà Nội nhằm tìm ra những ưu điểm để phát huy, khuyết điểm để khắc phục, góp phần đưa công tác đào tạo VĐV Karatedo Hà Nội vào nền nếp, mang tính hệ thống và khoa học cao, xứng đáng đúng vị thế của nó trong toàn quốc. Mục tiêu nghiên cứu: Để đạt được mục đích nghiên cứu, đề tài thực hiện các mục tiêu sau: Mục tiêu 1. Đánh giá thực trạng đào tạo VĐV Karatedo Hà Nội giai đoạn chuyên môn hóa ban đầu. Mục tiêu 2. Đánh giá những yếu tố đảm bảo cho công tác đào tạo VĐV Karatedo Hà Nội giai đoạn chuyên môn hóa ban đầu. Mục tiêu 3. Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo VĐV Karatedo Hà Nội giai đoạn chuyên môn hóa ban đầu và bước đầu đánh giá sự đồng thuận đối với các nhóm giải pháp đã đề xuất. Giả thuyết khoa học của đề tài. Nếu đánh giá được thực trạng công tác đào tạo VĐV Karatedo giai đoạn chuyên môn hóa ban đầu của Hà Nội về những ưu điểm và hạn chế, bước đầu có thể đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo vận động viên Karatedo, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của môn thể thao này trong tương lai.